Mùa hè năm 1967 do có thành tích trong C376 – N27 TNXP trên tuyến lửa Quảng Bình, tôi được nghỉ phép thăm quê. Trong mấy ngày ở quê, tôi được người nhà cho biết vào ngày 20 tháng 8 năm 1966 trong trận máy bay Mỹ đánh phá ga Núi Gôi (cách quê tôi chừng 4km) rất ác liệt, làm hàng chục TNXP và nhân dân địa phương hy sinh. Người dân quê tôi rất khâm phục hành động anh dũng của TNXP cùng cán bộ, nhân dân dù biết có thể chết mà vẫn xông vào cứu hàng hóa đặc biệt trên tàu đang đi chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự kiện bi hùng đó càng làm cha mẹ tôi canh cánh nỗi lo cho sự an nguy của con mình nơi tuyến lửa. Đêm trước ngày trở vào đơn vị, mẹ tôi thầm khóc rất nhiều, bởi tôi là con một, nếu phải hy sinh như đồng đội của tôi ở Ga Núi Gôi thì bà sẽ vô cùng tuyệt vọng. Nhưng rồi sáng hôm sau mẹ vẫn dậy từ 2 giờ sáng nấu cơm, rang vừng, lấy mo cau vắt hai nắm cơm gạo mới to đùng cho con ăn đường…
Đồng đội dâng hương tưởng nhớ tại Bia tưởng niệm ga Núi Gôi trước ngày “Giỗ trận” 5/7 âm lịch (07/08/2024). Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Sau ngày toàn thắng thống nhất đất nước, có điều kiện nghiên cứu các tư liệu lịch sử, đọc những dòng chữ ghi trên tấm văn bia còn khá khiêm nhường đặt tại Đài tưởng niệm ở ga Núi Gôi do Tổng cục Đường sắt xây dựng. Trong trận chiến này đã có 23 cán bộ, chiến sĩ đại đội 895, công nhân đường sắt và nhân dân địa phương hy sinh anh dũng, 256 người bị thương, bị nhiễm độc. Hầu hết những người đó cùng trang lứa với tôi, đều quê ở Thái Bình, tuổi mười tám đôi mươi, chưa ai xây dựng gia đình. Năm 2014 Đại đội TNXP 895 được phong tặng, liệt sĩ Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
Trao đổi với anh Đoàn Duy Hoạch[1], tôi được biết ngày 7/8/2024 tại ga Núi Gôi đã diễn ra hội nghị (ảnh trên) với sự tham dự của các đồng chí: Ngô Văn Tuyến, Uỷ viên thường trực Đoàn Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam; Đặng Văn Bộ, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Bình; Đặng Xuân Sinh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Nam Định; Trần Minh Hoan, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản tỉnh Nam Định; Đặng Sĩ Mạnh Bí thư Đảng bộ kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đại diện Hội Cựu cán bộ đoàn & TNXP đường sắt… Hội nghị đã bàn bạc, thống nhất phân công các tổ chức và đơn vị liên quan làm thủ tục để cấp có thẩm quyền công nhận ga Núi Gôi là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trong thời chiến tôi đã từng đi qua, cũng như thời bình tôi từng đến viếng Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc[2] có mộ của 10 nữ TNXP, Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, trong đó tiêu biểu là 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, lòng tôi lại dấy lên niềm tự hào lớn lao, nỗi xúc động vô cùng sâu sắc về những mất mát hy sinh cực kỳ to lớn Nhân dân, tuổi trẻ đất nước mình. Mỗi khi đi qua địa danh lịch sử này, mỗi lần bái lạy hương linh các anh hùng liệt sĩ đồng đội, tôi mong ước nơi đây sẽ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, với một đài tưởng niệm xứng đáng với sự hi sinh của 23 TNXP, cán bộ nhân viên ngành đường sắt cùng nhân dân.
Tác giả bài viết.
Tôi nghĩ niềm mong ước của tôi cũng trùng với bao đồng đội. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn chàng trai cô gái vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có hai tỉnh Nam Định – Thái Bình đã hăng hái lên đường gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, hàng ngàn người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại các chiến trường, hoặc bị thương tật, hoặc bị chất độc da cam đeo đẳng suốt phần đời còn lại. Vậy mà cả vùng này chưa hề có một Đài tưởng niệm TNXP. Ga Núi Gôi trong thời chiến tuy chưa phải là trọng điểm không quân Mỹ đánh phá liên tục như ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn… Nhưng riêng trận chiến ngày 20/8/1966 ở Ga Núi Gôi vô cùng ác liệt, làm 23 người hy sinh, hoàn toàn xứng đáng có một Đài tưởng niệm cấp quốc gia để thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ. Di tích nằm ở thủ phủ huyện Vụ Bản, sát cạnh đường sắt, Quốc lộ số 10, Tỉnh lộ 56 trong quần thể địa danh nổi tiếng: cách 13 km về phía nam là cố đô Hoa Lư, Trường An[3]; cách 2 km về phía tây là Phủ Giầy[4]; cách 2 km về phía bắc là xã Liên Minh[5] hai lần anh hùng, quê của nhiều người nổi tiếng[6]; xã Cộng Hòa quê hương của nhà thơ Nguyễn Bính…
Tôi kính mong các cấp các ngành hữu trách, nhất là Hội Cựu TNXP TW, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và tỉnh Nam Định, hãy làm việc hết mình để di tích ga Núi Gôi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm nay 76 tuổi, với rất nhiều bệnh tật của tuổi già, nhưng vẫn kịp đến đến thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ga Núi Gôi.
Hà Nộị ngày 20/8/2024
Phạm Văn Mầu
Cựu TNXP C376 – N 27, nguyên Phó Bí thư đoàn Tổng cục đường sắt, nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Tổng Công ty đường sắt Việt Nam
[1] Nguyên Bí thư đoàn ngành đường sắt, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu cán bộ đoàn & TNXP đường sắt
[2] Di tích quốc gia đặc biệt trên hệ thống Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh.
[3] Trường An có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được nhiều người biết đến, như: Động Liên Hoa (hay còn gọi là động Thạch Bàn); nhiều đền, miếu, phủ như Ngòi Gai, đền Áng Mương; nhiều địa danh như núi Ông Trạng, núi Hòm Sách, thung lũng Ngô Ngã, thung Vụng Chão, thung Nắc Nẻ, Reo lớn, Reo con…
[4] Quần thể Phủ Dầy ở xã Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B, bao gồm hơn 20 di tích gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng sinh thứ 2. Gồm Phủ Chính Phủ Dầy, Phủ Vân Cát, Phủ Bóng (Nguyệt Du Cung), phủ Giáp Ba, phủ Dinh, phủ Đá, phủ Nội, phủ Tổ (Khải Thánh), đền Trình, đền Công Đồng, đền Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai, đền Mẫu Thượng, đền Mẫu Thoải, đền Mẫu Đông Cuông, đền Đức Vua, đền Quan Lớn, đền thờ Lý Nam Đế, đền Đức Thánh Trần, chùa Tiên Hương, chùa Linh Sơn, chùa Dần, chùa Gôi, chùa Vân Cát.
[5] Được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
[6] Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thượng tướng Song Hào, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Vũ Tú Nam