Với mẹ, ngày nào cũng là Tết, nếu…

Đăng lúc: 28-12-2021 9:17 Sáng - Đã xem: 143 lượt xem In bài viết

Ảnh internet  

“Nói thiệt với anh cán bộ, đến bây giờ tôi mới hiểu cái câu mẹ nói với tôi, Với mẹ, ngày nào cũng là Tết, nếu…”, giờ thì hối hận cũng đã muộn, mẹ đã đi xa, xa lắm “. Trước mặt tôi, rõ ràng bây giờ không phải là một tay ghiền ma tuý quậy phá một thời, mà lại là một thanh niên hiền lành có hiếu làm ăn giỏi. Những giọt nước mắt của anh tôi tin không phải là giả tạo, mà là sự nuối tiếc về một thời làm nô lệ cái chết trắng làm khổ người mẹ thân yêu. Anh là Thành nghiện, từng là một học viên của Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới (TNXDCSM).

“Gặp lại anh tôi mừng lắm, chắc anh thắc mắc nhiều về tôi sau khi ở Trường về phải không, uống cà phê rồi tôi kể anh nghe.” – Thành nói.

 Lớn lên, tôi không biết cha mẹ mình là ai, chỉ biết ở kề bên mình là một người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, hàng ngày đi làm phụ hồ, mua từng hộp sữa bò về nuôi tôi. Bà Tư, người mà tôi gọi là mẹ, ngày đêm lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ và chuyện học hành. Bà cũng là người mồ côi, không có chồng, từ miền Tây lưu lạc lên thành phố kiếm sống, bà đã lượm tôi từ một bãi rác ven đường lúc tôi còn đỏ hỏn. Dù khổ biết bao nhiêu, bà vẫn không ngại, coi tôi như núm ruột của mình. Học hết cấp 3, tôi nghĩ học xin vào làm ở một quán bar, cuộc đời tôi sang trang từ đây. Do tính chịu khó, tôi được một đại ca giang hồ thu nạp và nhận nhiệm vụ phân phối ma tuý cho các con nghiện để kiếm tiền thêm. Dần dà vì tò mò tôi đã thử cái chất trắng chết người, từ đó tôi thành con nghiện. Hết tiền, tôi xin tiền mẹ Tư, khi bà biết tôi nghiện ma tuý thì bà hết lời khuyên giải và không cho tiền nữa. Tôi nghĩ làm,sống lang thang, lấy hết cái này cái nọ đem bán, bà đi tìm kêu tôi về, nhưng càng nói tôi càng nghiện nặng hơn, có lần vì lên cơn tính lấy cái ti vi đem bán, do bà cản lại, tôi đã xô bà té gãy tay.

 Sau ngày giải phóng 30/4, ma tuý trở nên khan hiếm, tôi chuyển qua chích thầu sái[i]. Một lần tôi đang ngồi chích ở công viên thì công an bắt và đưa lên Trường TNXDCSM. Những ngày đầu, mỗi lần lên cơn vật vã thì tôi la hét om sòm, xô đánh cả những cán bộ của Trường. Bây giờ nhớ lại tôi mắc cỡ muốn chết, trong khi các cán bộ thì lo lắng giúp đỡ cho tôi mỗi khi lên cơn, thì tôi lại nhìn các anh với ánh mắt căm thù, thậm chí chỉ nghĩ trong đầu trăm mưu nghìn kế để trốn trại. Khi tôi đã khoẻ lại, người đầu tiên tôi nghĩ tới là mẹ Tư, và tôi nghĩ là mẹ rất giận tôi, có lẽ bà sẽ không lên thăm thằng ngỗ nghịch này đâu. Nhưng tôi không ngờ ngày đầu tiên được thăm nuôi, mẹ Tư đã tay xách nách mang đem lên cho tôi những món ăn tôi thích, nào là bánh mì bì, nào là bánh lổ tai heo, nào là cơm chiên Dương Châu tự tay mẹ nấu, có cả những đòn bánh tét và củ kiệu dưa món tôi rất thích ăn mỗi khi Tết đến. Lúc đó, tôi chỉ có khóc, và lòng tự nhiên mềm lại khi bàn tay nhăn nheo của mẹ vuốt lên tóc: nín đi con, ai cũng có lúc lầm lỡ, nhưng hãy đứng dậy để làm lại từ đầu, bên con còn có mẹ, ở đây còn có các anh chị cán bộ, họ đang giúp đỡ con bước qua những sai lầm, con còn trẻ sức dài vai rộng, tương lai sáng lạn đang chờ con, cố gắng lên con nhé. Mẹ sẽ chờ con về lấy vợ sinh con cho mẹ có cháu bồng chứ! Từng lời từng câu nói của mẹ Tư như mưa đầu mùa tưới mát cánh đồng khô hạn trong tôi. Tôi nhìn mẹ rồi nói: con hứa với mẹ sẽ học tập tốt để mau về đi làm nuôi mẹ, nhưng…Tết này con chưa về được đâu mẹ ơi. Bà Tư chỉ cười, khẻ vổ vào đầu tôi: với mẹ, ngày nào cũng là Tết, nếu

 Rồi tôi được ra Trường, xuống xe đò là tôi chạy ù về nhà. Mẹ bước ra ôm tôi rồi khóc, tôi quì xuống và nói: con về rồi đây, xin lỗi mẹ. Mẹ chỉ cười và nói: thằng chó con, con về trở thành người tốt là lòng mẹ vui như tết rồi, để mẹ đi ra chợ mua cái gì nấu cúng ông bà,sau cho con ăn bồi dưỡng. một lát sau, cô Sáu hàng xóm chạy đến báo tin mẹ tôi xỉu ngoài đường nên người ta đã đưa vào bệnh viện. Chạy ngay vào bệnh viện, bác sĩ báo mẹ tôi đang hấp hối và kêu tôi vào nhìn bà lần cuối. Lúc tôi vào, mẹ chỉ nói được một câu: con về rồi mẹ vui lắm, con luôn là mùa Xuân của mẹ, với mẹ ngày nào cũng là Tết nếu… và bà trút hơi thở cuối cùng, tôi thấy đất trời như sụp đổ, người duy nhất là điểm tựa là niềm tin của tôi đã ra đi. Những ngày sau đó, tôi hầu như không thiết đến ăn uống, cả ngày ngồi nhìn di ảnh mẹ mà khóc. Nghe hàng xóm nói thời gian qua, bà ngày làm phụ hồ đêm còn rửa chén cho nhà hàng, ăn uống thì qua loa nên bị suy nhược cơ thể. Có người can bà đừng cố nữa, nhưng bà chỉ cười và nói: có sao đâu, cố làm dành dụm chút đỉnh để khi thằng Thành về có cái mà cưới vợ làm ăn, nó là lẽ sống của tôi đó. Nhưng rồi cũng qua, khi dọn dẹp đồ của mẹ, thấy một cái túi màu xanh trong tủ quần áo, tò mò tôi mở ra xem, tôi bất ngờ khi thấy một số nhẫn vàng xỏ trong sợi chỉ màu đỏ và một bức thư. Tôi run run cầm bức thư mà đọc:

 Gởi con yêu của mẹ, khi con đọc bức thư này, có lẽ mẹ đã đi xa, xa lắm. Tuy không phải là núm ruột của mẹ nhưng con là lẽ sống là niềm tin của mẹ trên cỏi đời này. Thời gian qua, con không nghe lời mẹ, đâm đầu vào ma tuý, con trở nên hư hỏng ngổ nghịch, nhưng là mẹ, mẹ không bao giờ giận con mà tự trách mình đã không chăm sóc dạy dổ con đến nơi đến chốn. Khi nghe tin con bị đưa lên Trường TNXDCSM, mẹ na lo na mừng, mừng vì con không còn gần những thằng đầu đường xó chợ, lo vì không biết ở chổ đó con sẽ ra sao, có bị đánh đập gì không ăn uống thế nào…. Nhưng khi lên thăm nuôi, mẹ thấy con khoẻ ra, bỏ được ma tuý, mà còn vui vẻ yêu đời, mẹ mừng lắm. Mẹ chân thành cảm ơn các anh chị cán bộ đã đem trả lại cho mẹ một đứa con ngoan hiền, hiếu thảo. Từ đó, mẹ đã quyết tâm làm ngày làm đêm dành dụm chắt chiu, chuẩn bị cho con một số vốn để khi con về làm ăn cưới vợ sinh con. Đây là những đồng tiền mang mồ hôi và máu của mẹ sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, con cố gắng gìn giữ, mong con thành công, bất cứ lúc nào mẹ cũng luôn ở bên con. Đối với mẹ, không có ngày nào vui như ngày con thành đạt, với mẹ ngày nào cũng là Tết, nếu…, cố gắng làm lại cuộc đời khi chưa muộn nghe con!

 Đó chuyện là như thế…Sau đó tôi xin vào làm ở một tổ hợp may mùng xuất khẩu, nhờ siêng năng và thật thà, tôi được lên làm quản lý và cưới vợ. Với số vốn mẹ tôi để lại, khi tay nghề đã vững, tôi xin tách ra mở một tổ hợp cho riêng mình, nhờ cố gắng tôi mới có của ăn của để như ngày nay. Ủa mà anh cán bộ vô tình tới đây hay kiếm tôi có việc gì vậy, đừng nói với tôi là tới đặt mùng xuất khẩu nghe, xin hứa với anh cán bộ là hàng thì rất nhiều, giá phải chăng, có phần trăm hoa hồng cho người đặt hàng. Sau đó là anh đừng từ chối một chầu sương sương với vợ chồng tôi mừng ngày gặp lại. Đừng giận nghe, tôi từng căm ghét anh đến tận xương tuỷ, vì anh đã bắt tôi lao động, vì anh bắt tôi bỏ ma tuý, vì anh nhắc nhở ngày đêm…nên tôi mới có được ngày hôm nay. Bây giờ anh hãy quên cái tên Thành nghiện đi, tôi giờ là Thành may mùng, chủ tổ hợp Tư Thành. Tôi nghĩ ở trên trời mẹ tôi rất vui, vì…tôi đã bỏ hết thói hư tật xấu, trở lại là cái thằng chó con ngoan hiền hiếu thảo của mẹ Tư, phải không anh ? “.

 Tôi nghe anh kể mà tràn đầy xúc động, anh Thành đã khác xa với anh Thành ngày đầu lên Trường TNXDCSM, lúc đó thì xơ xác còn bây giờ thì khoẻ mạnh tự tin. Tôi cảm thấy sung sướng vì tôi và các cán bộ đã đem về cho xã hội một chàng trai tràn trề sức sống, đem về cho mẹ Tư một người con đầy lòng hiếu thảo. Chắc chắn anh Thành đã hiểu câu nói của mẹ Tư: Với mẹ, ngày nào cũng là Tết, nếu

TRẦN VIỆT SƠN

 

[i] Chích thầu sái: cạo bã thuốc phiện dính trong ống, đổ vào một muổng inox đốt cho loãng rồi dùng kim tiêm rút ra chích vào tĩnh mạch.