Xây dựng mật ong Trường Xuân thành nông sản sạch, bền vững

Đăng lúc: 07-04-2021 3:26 Chiều - Đã xem: 162 lượt xem In bài viết

Với lợi thế diện tích rừng tự nhiên rộng lớn cùng với rừng trồng và nhiều cây ăn quả khác nên rất thuận tiện cho việc nuôi ong lấy mật ở xã miền núi Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Từ lợi thế đó, nhiều năm qua, Câu lạc bộ (CLB) nuôi ong lấy mật ở đây ngày càng phát triển và CLB quyết tâm xây dựng mật ong Trường Xuân thành chuỗi nông sản sạch, bền vững.

Năm 1968, Nguyễn Ngọc Lãnh (ảnh dưới) lên đường tham gia lực lượng Thanh niên xung phong(TNXP), ông làm liên lạc các Trạm giao liên từ Lùi, Kim Sen (xã Trường Xuân), vào đèo 1001 trên tuyến đường 10 (Lệ Thủy) vào đến Bãi Hà ở tỉnh Quảng Trị. Những năm tháng làm TNXP đã rèn luyện thêm bản tính gan dạ, dám hy sinh và tình thương yêu đùm bọc, sẻ chia, tình đồng chí, đồng đội ở trong ông. Sau 8 năm “đầu đội bom, chân đạp đất”, trở về với đời thường, ông Nguyễn Ngọc Lãnh lập gia đình và tham gia nhiều hoạt động khác xây dựng bản, làng Trường Xuân.

Năm 2000, ông tham gia Dự án Phân cấp giảm nghèo huyện Quảng Ninh, ông cùng 6 thành viên khác ở Trường Xuân được dự án tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ong lấy mật. Tháng 11 năm đó, UBND xã Trường Xuân có quyết định thành lập CLB nuôi ong lấy mật do ông làm chủ nhiệm. Vừa nuôi ong, ông và các thành viên khác tuyên truyền, vận động thêm các hộ gia đình, trong đó có nhiều cựu TNXP như các bà Hoàng Thị Vân, Nguyễn Thị Sương, các ông Dương Văn Hồng, Nguyễn Văn Lúc, Nguyễn Quang Tuân, Nguyễn Văn Cư cùng tham gia CLB. Cứ 2 tháng một lần, CLB sinh hoạt để đúc rút kinh nghiệm, trao đổi, học hỏi lẫn nhau kỹ thuật làm tổ, tách đàn, làm khay, kỹ thuật lấy khay ra khỏi tổ, quy trình vắt mật… và giúp nhau trong quá trình nuôi ong. Từ các đợt sinh hoạt CLB mà lan tỏa ra, nhiều người dân khác nhận biết lợi thế từ nuôi ong lấy mật nên CLB ngày càng nhân rộng có nhiều thành viên hơn. Đến nay, CLB có đến 70 thành viên, trong đó có 15 hội viên Cựu TNXP, nuôi trên 960 đàn ong. Nuôi mỗi đàn ong, chỉ đầu tư 200.000 đ để đóng hộp cho ong ở và mua ong giống, tấm khay cho ong làm mật mà lợi nhuận lại cao gấp nhiều lần. Hàng năm, bắt đầu lấy mật từ tháng 12 dương lịch đến hết tháng 7 năm sau, mùa mưa rét và nắng nóng con ong không lấy mật; những lúc nắng đẹp, có sương mù, đặc biệt “tháng 3 mùa con ong lấy mật” là mật nhiều nhất.

Cựu TNXP Nguyễn Quang Tuân, thôn Quyết Thắng cho biết “Có thời điểm gia đình tôi nuôi đến 80 đàn ong, nhờ thế nên kinh tế gia đình khá lên. Trận lũ lịch sử tháng 10 năm 2000, tất cả đàn ong của gia đình đều bị cuốn trôi theo nước lũ. Sau lũ, tôi mua lại 5 đàn, và Trung tâm ong giống ở Hà Nội hỗ trợ 2 đàn, các thành viên trong CLB hỗ trợ thêm nên hiện tại gia đình có được 10 đàn ong. Nay sức khỏe đã yếu, đi lại khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ, động viên của anh em trong CLB nên tôi quyết tâm phát triển thêm đàn ong”.

Trong CLB, thành viên nuôi ít cũng được 10 đàn, thành viên nuôi nhiều nhất như các hộ Hồ Quý, Nguyễn Ngọc Lãnh, Võ Thị Hòe được 70 đàn mỗi hộ. Tính ra, mỗi năm, CLB thu về từ 3,2 tấn đến 3,5 tấn mật ong. Bình quân mỗi năm, mỗi đàn lấy được 6 lít mật, mỗi lít bán được 470.000 đồng, 6 lít thu về 2.820.000đ. Gia đình nuôi ít nhất, mỗi năm thu trên 28 triệu đồng, những hộ nuôi 70 đàn thu về từ mật ong trên 197 triệu đồng, chưa kể bán đàn ong giống (mỗi đàn mỗi năm tách thêm 3 đàn khác, bán được 3 triệu đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Lãnh- Chủ nhiệm CLB – chia sẻ “Nghề nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, không vất vả như các việc chân tay khác nên ai cũng có thể nuôi ong được. Mỗi ngày, người nuôi chỉ cần 2 đến 3 giờ để chăm sóc, vệ sinh thùng ong. Nhưng khó ở chổ trong quá trình chăm sóc đòi hỏi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rỏ đặc tính của con ong như cách di chuyển, ăn, xây tổ, cách chia đàn, cách lấy khay ra vắt mật và bỏ khay vào; có như vậy con ong mới gắn bó với gia chủ và không bỏ đi. So với những con vật khác, nuôi ong ổn định hơn và ong không có nhiều dịch bệnh như gia súc, gia cầm. Mặt khác, trong quá trình lấy mật cũng như phấn hoa, con ong sẽ giúp thụ phấn cho các loại cây trồng và cây hoa màu, từ đó làm tăng thêm hiệu quả đậu trái của cây trồng. Nuôi ong là một nghề tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và giúp họ tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo”.

Mật ong của các thành viên trong CLB được khách hàng ưa chuộng, người này mua rồi mách bảo người kia là mật thật, mang hương vị thơm, ngọt dễ chịu, cứ thế lan tỏa khắp ở trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh. Năm 2017, Dự án phát triển nông thôn bền vững tỉnh Quảng Bình (RSDP) kiểm tra chất lượng mật ong và đánh giá mật ong của CLB xã Trường Xuân rất tốt, tương đương mật ong bạc hà ở tỉnh Hà Giang. Với mục tiêu “Mỗi xã mỗi sản phẩm” theo OCOP[i], hiện nay, mật ong Trường Xuân là một trong 11 sản phẩm OCOP của huyện Quảng Ninh kết nối theo hình thức chuỗi liên kết.

Với nuôi ong ở CLB xã Trường Xuân là con ong lấy mật hữu cơ, tự nhiên nên mật ong hoàn toàn sạch, ngọt, nguyên chất. CLB quyết tâm xây dựng và giữ giá trị mật ong Trường Xuân thành một chuỗi giá trị nông sản sạch. Đây là một mô hình có tiềm năng bền vững, tạo thành thương hiệu nông sản sạch, an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng.

  THÁI TOẢN


[i] Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.