Xôn xao Quán Hàu

Đăng lúc: 28-06-2019 8:41 Sáng - Đã xem: 327 lượt xem In bài viết

 “…Anh trở lại quê mình bên Quán Hàu bên bồi bên lở, thương chiếc cầu thủa nào mong nhớ, bàn chân ai đã từng qua, mà xôn xao trong lời ca…” Lời ca trong bài hát “Xôn xao Quán Hàu – của Nhạc sĩ Xuân Đồng” như đưa ta trở về Quán Hàu một thời “khói lửa”. Một Quán Hàu từng là điểm “yết hầu”, “huyết mạch”, là cầu nối giao thông đặc biệt quan trọng trên tuyến Quốc lộ 1A, giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam. Bến phà Quán Hàu là một trong những điểm vượt sông trọng yếu của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Ảnh: Internet

Vượt phá Hạc Hải, dòng Kiến Giang chảy về ngã ba Trần Xá hợp với Đại Giang tạo thành sông Nhật Lệ, dòng sông có từ bao đời nay đã ghi nên bao dấu ấn bi hùng trong trang sử quê hương. Quán Hàu là vùng đất ở bên bờ Bắc dòng sông ấy… Có lẽ nơi đây là điểm giao thoa, hòa quyện giữa hai con nước mặn và ngọt như sự kết duyên của một tình yêu đẹp.

Trong chiến tranh chống Mĩ, Bến phà Quán Hàu là địa bàn nằm trong “vùng cán xoong[i]” của Quân khu IV. Để quốc Mỹ đã tập trung đánh phá bằng nhiều thủ đoạn, với khối lượng bom đạn dày đặc dội xuống suốt ngày đêm, biến nơi đây thành một “tọa độ lửa” hòng chặn đứng nguồn lực từ hậu phương chi viện vào tiền tuyến, cắt đứt “cuống họng” của mạch máu giao thông tại dải đất Quảng Bình, mà trọng điểm là Bến phà Quán Hàu. Hai bờ Bắc – Nam Bến phà Quán Hàu là nơi địch tập trung bắn phá ác liệt nhất, trở thành “lòng chảo lửa” của máy bay và pháo hạm Mỹ. Biết bao đêm pháo từ hạm đội 7 của hải quân Mỹ bắn vào đất liền gây bao tang tóc… Phà Quán Hàu là nơi đã chở bộ đội, thanh niên xung phong và vận chuyển hàng nghìn tấn hàng qua sông. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội của ta đã nằm lại mãi mãi ở bến sông này. Vì miền Nam ruột thịt, Quán Hàu đã vượt qua đau thương, tiếp tục vững tay lái hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vượt qua bom đạn, người dân Quán Hàu biến thành “tam giác lửa” kiên cường đọ trí, thi gan với giặc, đã làm cho Quán Hàu thêm rạng rỡ. Trong chiến tranh, Quán Hàu đã bị máy bay Mỹ thả bom san bằng.

Sau chiến tranh, mảnh đất Quán Hàu lại hồi sinh. Từ vùng đất đầy bom đạn và bụi mù sỏi đá, Quán Hàu dần thay đổi. Hợp tác xã thủ công nghiệp Rạng Đông, Phú Bình… làm ăn khấm khá, bộ mặt làng quê dần khởi sắc, cuộc sống ngày thêm phát triển… Với lợi thế “cận thị, cận giang, cận lộ”, kinh doanh dịch vụ thương mại của thị trấn Quán Hàu được phát triển phong phú, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phục vụ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Tại vị trí Bến phà Quán Hàu năm xưa, năm 1996, Tổng Công ty xây dựng cầu Thăng Long cùng cán bộ, nhân dân Quảng Bình đã làm lễ khởi công xây dựng cầu Quán Hàu. Năm 2000, trên bến phà Quán Hàu lịch sử, một cây cầu vĩnh cửu, hiện đại đã bắc qua sông, kết thúc vai trò lịch sử của bến phà, nhưng những chiến công xuất sắc và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ phà Quán Hàu đã và đang được các thế hệ không ngừng phát huy, tiếp tục lập những chiến công mới, trên mặt trận mới, để xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước. Lời ca “thương chiếc cầu thủa nào mong nhớ” đã đi vào quá khứ, để chiếc cầu Quán Hàu hôm nay như cần cẩu vươn đôi bờ Nam – Bắc, trở thành huyết mạch cho nền kinh tế ngày càng phát triển của quê hương, của đất nước. Trong lòng ta giờ đây “nghe âm vang trên sóng Quán Hàu, đây miền quê sông nước đẹp giàu. Lời ca muôn vàn thiết tha, đi trên quê hương lúa đồng phơi phới, bến nước năm xưa dạt dào nỗi nhớ khi xe qua nghiêng bóng Quán Hàu, cho tình anh những sóng dâng trào” ( lời ca trong bài hát Xôn xao Quán Hàu của nhạc sĩ Xuân Đồng)

 Đến thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Những công trình phục vụ phát triển kinh tế và đời sống xã hội, những dãy nhà mới khang trang, các tuyến đường đã được đổ nhựa, bê tông hoá chạy dài khắp thôn, xóm và đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Các công trình “điện – đường – trường – trạm” ngày càng được hiện đại hóa về trang bị, con người.

 Cùng với chỉnh trang đô thị, việc mời gọi đầu tư thêm mạnh mẽ để hôm nay khu làng nghề Quán Hàu thu hút nhiều doanh nghiệp, không khí sản xuất thêm sôi động. Dây chuyền may S & D thuộc Công ty May 10, xưởng cưa mộc tổng hợp, Công ty tư vấn xây dựng Đại Dương Xanh, Công ty xây dựng Q1, Công ty xây dựng Hoàng Minh và các doanh nghiệp khác… thu hút hơn hàng ngàn lao động trong đó không ít là con em thị trấn Quán Hàu, đã góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp và thủ công nghiệp của huyện Quảng Ninh. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp của địa phương qua mỗi năm cũng đạt được kết quả tương đối khả quan, tổng thu từ nông, ngư nghiệp hàng năm tăng lên rõ rệt, số hộ nghèo ngày càng giảm nhiều so với trước đây.

     Đến với di tích bến phà Quán Hàu, ngoài việc thăm di tích, du khách có thể đi thuyền ngắm cảnh đẹp cửa biển dòng sông Nhật Lệ, thăm cầu Quán Hàu – một cây cầu đẹp, hiện đại. Quán Hàu từ lâu đã nổi danh với nhiều món ăn được chế biến từ con hàu lấy từ sông Nhật Lệ. Điều đặc biệt, cũng trên con sông này nhưng hàu ở những khúc sông khác không nhiều và không thể ngon bằng hàu ở đoạn qua thị trấn này. Một số người cố gắng lý giải nhưng lời đáp vẫn còn là một bí ẩn! Những nhà hàng nỗi tiếng có món hàu ngon như Nhà hàng Nghệ Tám, Nhà hàng Hoa Hường, Quán Hoa Súng, Quán O Mai, Nhà hàng Ánh Lệ… đã làm cho Quán Hàu sầm uất lại càng vui thêm sau những ngày làm việc căng thẳng, du khách có thể đến để thưởng thức vị ngon cuả hàu, cảnh đẹp sông nước của một đô thị đang khởi sắc.

 Với tuổi đời 20 năm, chừng ấy thời gian chưa đủ dài nhưng cũng chẳng phải là ngắn… đã kịp nâng bước cho thị trấn Quán Hàu chuyển mình. Quán Hàu giờ đã khác xưa, thị trấn được xây dựng lại với tầm vóc của một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện Quảng Ninh. Hôm nay đến Quán Hàu ngắm nhìn thị trấn trong ánh đèn rực rỡ, đứng trên cầu mới nối đôi bờ Nam – Bắc , nhìn làng quê tầng cao tươi màu ngói đỏ, lòng bâng khuâng nhớ ngày gian khó. Thấy cuộc sống đổi thay chúng ta càng thêm tự hào với truyền thống cha ông. Ngắm không gian bình yên, càng quý trọng hơn thành quả mà bao thế hệ đã đổ máu, mồ hôi và dày công vun đắp.

 Trong tương lai không xa, thị trấn Quán Hàu sẽ là nơi phát triển toàn diện, bền vững về mọi mặt, đô thị sẽ sầm uất, làng mạc trù phù hơn và thị trấn Quán Hàu được biết đến như một nốt nhạc trong bản hùng ca đất nước, còn mãi với thời gian./.

 Tùy bút

Quán Hàu, tháng 4 năm 2019

Nguyễn Đại Duẫn

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình

 

 

     

 

 

 

 

 

   

 

 

 


[i] Cán Xoong là dịch từ tiếng Anh chữ Pandhandle do người Mỹ dùng để đặt tên vùng đất từ phía Nam vĩ tuyến 20 của miền Bắc, từ Thanh Hóa trở vào, nơi tập trung đánh phá của không quân Mỹ.