Xung lực giúp nền kinh tế vượt qua “bão” COVID-19

Đăng lúc: 02-05-2020 10:27 Sáng - Đã xem: 117 lượt xem In bài viết

Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, sự phụ thuộc lẫn nhau là điều tất yếu. Nhưng điều quan trọng là phụ những cái gì và những cái gì cần độc lập.

Đây là chia sẻ của ĐBQH Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội với DĐDN nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4/1975 – 30/4/2020.

ĐBQH Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Việt

– Quan điểm của ông về sức mạnh độc lập trong bối cảnh hiện nay?

Bài học ở đây là sự chủ động ở những ngành sản xuất vật chất cơ bản, ví dụ lương thực, thực phẩm và một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo an ninh lương thực…

Độc lập không có nghĩa là “co lại” với một nền kinh tế tự cung, tự cấp, mà phải dựa trên tinh thần biết mở rộng cái gì, tự lực tự cường cái gì. 

Câu chuyện về xuất khẩu gạo cho thấy chưa có khảo sát, đánh giá đầy đủ, vẫn chỉ là cách làm không có kế hoạch. Từ đây nảy sinh việc “đôi co” giữa các bộ ngành, dẫn đến việc chỉ huy thiếu thống nhất. Chỉ riêng vấn đề này đã cho thấy chúng ta không có sự chủ động cho kế hoạch an toàn lượng thực.

Hay với giá thịt lợn chỉ có lên không thấy xuống, muốn kéo xuống cũng không được. Do đó, với những mặt hàng thiết yếu phải nằm trong kế hoạch, không thể lơ là vấn đề này.

Việt Nam là đất nước có một nền kinh tế mở, nhưng không thể mở đến mức không có cái gì là của riêng chúng ta. Phải xác định việc xây dựng thị trường nội địa đủ mạnh để phục vụ cho chính người dân trong nước với gần 100 triệu người.

Nhiều hàng hóa nước ngoài đôi khi chất lượng không bằng hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ngoài độc lập tự chủ còn là vấn đề an toàn. Những nhà sản xuất trong nước phải hướng vào thị trường 100 triệu người dân này.

Khi đã có sức mạnh và chiếm lĩnh được thị trường nội địa, thì việc vươn ra thế giới cũng không quá khó khăn và hoàn toàn có thể chủ động. Còn nền tảng kinh tế trong nước không vững vàng thì rất “vất vả” để cạnh tranh với thị trường bên ngoài.

Chúng ta sẵn sàng đón nhận sự hợp tác nhưng có sự chọn lọc. Theo quan điểm của tôi, sau này thị trường Trung Quốc có thể không còn là sự lựa chọn của nhiều nước trên thế giới, họ sẽ chọn thị trường Việt Nam và một số nước khác trong khu vực ASEAN. Trong đó, Việt Nam sẽ là thị trường được quan tâm nhiều nhất, với niềm tin người Việt Nam sống nhân văn, nhân đạo.

Qua đại dịch COVID-19 đã cho thế giới thấy rõ hơn nền tảng văn hóa của người Việt Nam. Ngày 30/4 gợi nhớ lại cho chúng ta về niềm tin của một nền văn hóa, trước hết là đảm bảo tự do cho người dân, độc lập cho dân tộc. “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải dành cho được độc lập”. Chúng ta chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược bằng một nền văn hóa ngàn năm.

– Ông đánh giá như thế nào về sự nỗ lực từ khu vực doanh nghiệp và cải cách của Chính phủ để tạo động lực cho nền kinh tế?

Doanh nghiệp có phát triển được là do môi trường kinh doanh thông thoáng, cạnh tranh theo quy luật thị trường, có tự do, bình đẳng, không để xảy ra hiện tượng “ngăn sông cấm chợ”. Mọi chính sách phải dự trên quy luật của kinh tế thị trường. Bên cạnh thể chế chính sách, thì người điều hành chính sách cũng có vai trò rất quan trọng.

Chúng ta có một Chính phủ mạnh mẽ, sẵn sàng “cởi trói”, sẵn sàng sửa đổi những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ chính trị, Ban bí thư cùng với Quốc hội cũng luôn sẵn sàng ủng hộ và tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, bộ máy thực thi chính sách bên dưới vẫn còn tạo ra rào cản. Vấn đề bất cập trong xuất khẩu gạo vừa qua là do bộ máy thực thi bên dưới. Từ đó dẫn đến câu chuyện bên trên thì tìm mọi cách “mở”, còn phía dưới lại chỉ muốn “đóng”.

Tôi kỳ vọng sau đại dịch COVID-19, việc điều hành chính sách của chính phủ sẽ ngày càng quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Đồng thời, giải thoát được hết tất cả những bế tắc trong cơ chế chính sách suốt thời gian qua, để lấy lại đà tăng trưởng cũng như những gì đã mất đi.

Doanh nghiệp sẵn sàng vươn lên với tinh thần “còn nước còn tát”, không vì khó khăn do dịch COVID-19 mà làm cho doanh nghiệp “nhụt chí”. Bởi vì sức dân là sức nước, người dân không đầu hàng, doanh nghiệp không bỏ cuộc. Họ sẽ theo tinh thần quyết liệt của chính phủ để tiếp tục đầu tư kinh doanh.

Rất có thể từ tinh thần này, sức mạnh Việt Nam sẽ “bật ra” rất mạnh. Vì bối cảnh thế giới hiện tại đang có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.

– Cảm nhận của ông về sự thay đổi của đất nước sau COVID-19?

Đại dịch COVID-19 đã lấy đi của cải, vật chất nhưng tinh thần Việt Nam thì lớn lên, tất cả cùng đồng lòng xây dựng và phát triển lại nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19, nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi.

Đặc biệt, sau đại dịch Việt Nam sẽ cho thế giới nhìn thấy một tinh thần Việt Nam mới, mạnh mẽ, tự tin tiến lên phía trước.

Điều này khác với trước đây, do chúng ta chưa có kinh nghiệm trong xử lý khủng hoảng kinh tế. Sau lần “chao đảo” nặng nề này, Việt Nam sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Kinh nghiệm xử lý khủng hoảng sẽ là “bàn đạp” giúp doanh nghiệp có niềm tin.

Dịch COVID-19 tràn qua nhưng hệ thống ngân hàng vẫn vững vàng, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định. Đây chính là trụ cột và xung lực giúp nền kinh tế  vượt qua “bão” COVID-19 để tiến lên phía trước.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Theo enternews.vn