UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LỰC LƯỢNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN 40 NĂM
LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN ĐẤU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG BIÊN GIỚI TÂY NAM
(6/1978 – 6/2018)
—————–
- LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THAM GIA PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN ĐẤU
Vào lúc 0 giờ ngày 25/9/1977, quân Pôn Pốt vượt biên giới Tây Nam đồng loạt nổ súng, tiến sâu vào vùng biên giới Tây Nam nước ta, chúng tàn sát đồng bào ta ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An giang. Chúng giết người già, trẻ con, học sinh, cô giáo… Hành động dã man đó đã làm nhói lòng mọi người dân Việt Nam, trong đó có Thanh niên xung phong (TNXP) Thành phố. Dù đang lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc, TNXP Thành phố đã viết bích báo, làm thơ tỏ rõ tình cảm, thái độ của mình đối với tội ác của kẻ thù gây ra cho đồng bào ta. Nhiều TNXP đã viết đơn tình nguyện, có những lá đơn viết bằng máu để xin được ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Các đơn vị TNXP phát động phong trào đẩy mạnh sản xuất để có nhiều lương thực nuôi quân, tích cực lao động đêm ngày cùng đồng bào xây dựng các công trình phòng thủ thành phố, hăng hái tập luyện quân sự để sẵn sàng lên đường ra biên giới bất cứ lúc nào khi Tổ quốc cần.
Tháng 9-1977, Lực lượng TNXP thành phố đã điều động 3.600 TNXP lên đường phục vụ chiến đấu. Ban Chỉ huy Lực lượng TNXP Thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Tiền phương, Quân khu 7 tổ chức các lớp huấn luyện chính trị và quân sự ngắn ngày cho TNXP. TNXP tham gia các lớp huấn luyện này đã xác định thái độ phục vụ chiến đấu và chiến đấu là “đoàn kết hợp đồng, lập công tập thể” để “quyết tâm chiến đấu và chiến thắng”.
Cán bộ, đội viên TNXP thuộc các Liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của Lực lượng TNXP thành phố được giao nhiệm vụ tham gia phối thuộc cùng bộ đội công binh Quân khu 7 phục vụ chiến đấu trên mặt trận biên giới Tây Nam. Đại đội 2 thuộc liên đội Dũng Chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường. Đại đội 3 thuộc Liên đội Dũng Chí làm nhiệm vụ tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh liên tục đêm ngày nơi tuyến lửa. Cán bộ, đội viên TNXP các Liên đội tham gia phối thuộc với bộ đội Trung đoàn 4 và Trung đoàn 16 Sư đoàn 5 Quân khu 7 làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới của ta ra chiến trường. TNXP còn làm nhiệm vụ tải lương, chuyển đạn dược, vũ khí ra chiến trường và xây dựng công sự phòng thủ, cùng bộ đội cầm súng trực tiếp đánh địch. Liên đội Thống Nhất, gồm 3 đại đội khi được lệnh ra chiến trường đã tranh thủ thời gian hành quân cấp tốc đến địa điểm quy định. Cả Liên đội đã lao vào làm nhiệm vụ chặt cây, chuyển cây làm con đường dài 5 km cho xe tăng hạng nặng của ta kịp hành quân ra chiến trường. Liên đội Thống Nhất có nhiều đội viên nữ, trong đó Đại đội 3, nữ chiếm 1/3 quân số nhưng lao động không kém đội viên nam, chị em trầm mình dưới suối nhiều đêm liền để bắc cầu, làm cống, đắp đường. Đội viên TNXP Trần Đình Hoàng, mới 17 tuổi, được giao làm giao liên đã vượt hàng chục cây số đường rừng, một mình vừa đi vừa đánh địch liên tục nhiều trận và chiến thắng, hoàn thành nhiệm vụ. Trần Đình Hoàng được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngay tại chiến trường và được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua năm 1978.
Đầu năm 1978, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Thành phố điều động một số Liên đội của Tổng đội 4 và Tổng đội 7 đang công tác ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh lên Tây Ninh tham gia phục vụ chiến đấu trên mặt trận biên giới Tây Nam thay cho liên đội Dũng Chí và liên đội Thống Nhất. Đồng thời, theo chỉ thị của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ra quyết định 141/QĐ-UB, ngày 26-6-1978 về việc thành lập “Tổng đội TNXP phục vụ chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Ninh trực thuộc Lực lượng TNXP Thành phố” (gọi tắt là Tổng đội 3 biên giới), với quân số hơn 5.000 người được biên chế thành 14 liên đội (gồm các Liên đội 301, 302, 303, 304, 305, 306, 307, 308, 309, 310, 311, 312, 313 và 314) phối thuộc với các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và Quân khu 7 để phục vụ chiến đấu. Ban chỉ huy Tổng đội 3 Biên giới Tây Nam, gồm đồng chí Phan Hồng Quân (Hai Sang), sau đó là đồng chí Nguyễn Công Quen làm Tổng đội trưởng; các Tổng đội phó gồm: Nguyễn Anh Tuấn, Thái Thị Hạnh, Phạm Văn Long, Lê Đình Lộc, Nguyễn Văn Tâm, Võ Văn Xín.
Khi phối thuộc với bộ đội làm nhiệm vụ chiến đấu, cáng thương, tải đạn, làm công tác tử sỹ, có lúc TNXP đã nhịn đói, chịu khát, giữ bí mật, vượt rừng sâu bám sát bộ đội để truy quét địch. Có đơn vị TNXP rơi vào vòng vây quân thù, vẫn bình tĩnh giữ vững đội hình, mưu trí luồn rừng, nổ súng quyết liệt đánh trả, thoát khỏi vòng vây an toàn và hoàn thành nhiệm vụ. Có đơn vị TNXP đã tham gia tích cực cùng bộ đội công binh khẩn trương ngày đêm xây dựng căn cứ, hoàn thành hội trường để họp Đại hội thành lập “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” và nơi đặt đài phát thanh của Mặt trận.
Từ tháng 9-1978 đến tháng 9-1979, Lực lượng TNXP Thành phố đã huy động 10.000 lượt TNXP tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam của Tổ quốc. TNXP Thành phố Hồ Chí Minh vừa làm nhiệm vụ hậu cần, công binh, tải thương vừa trực tiếp chiến đấu chống địch bao vây, phục kích. Có thể nói trên chiến trường biên giới Tây Nam, TNXP là người thương yêu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, trợ giúp đắc lực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu hiệu quả nhất.
Trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam xuất hiện nhiều tấm gương TNXP tiêu biểu, như: TNXP Nguyễn Văn Bảy, một mình bắt sống 4 tên địch có vũ khí đang phục kích đoàn quân xa của bộ đội ta. Nữ TNXP Lương Thị Mỹ Khanh, Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Thị Khương Loan, Trần Thị Thời cùng đơn vị hiến 4.100cc máu để cứu thương binh. Các TNXP Nguyễn Hữu Dũng, Lương Việt Huân, Phan Hoàng Trang thường xuyên mang trên lưng 50 kg đạn, đi xa từ 2 km đến 8 km dưới tầm pháo và có lúc phải đánh địch phục kích hàng tiếng đồng hồ, đẩy địch ra xa mới tiếp tục mang đạn tiếp tế cho bộ đội. Tấm gương nữ TNXP Phạm Thị Lan, Ông Kiến Hoàng, Nguyễn Thị Thuận lúc bình thường không vác nổi 20 kg, nhưng trong chiến đấu đã vươn lên vác 30 kg, di chuyển trên đoạn đường 1 km, mỗi ngày chuyển được hàng trăm bao gạo ra tiền tuyến.
II. LỰC LƯỢNG TNXP LÀM NGHĨA VỤ QUỐC TẾ TRÊN ĐẤT BẠN CAMPUCHIA:
Ngày 12-5-1978, “Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia” do ông Hun Xen (nay là Thủ tướng vương quốc Campuchia) làm Chỉ huy trưởng được thành lập để tiến hành đấu tranh vũ trang tiêu diệt chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng-xa-ry tàn bạo. Tháng 8-1978, Phó tư lệnh quân khu Đông Bắc – ông Hêng Xom-rin – đứng ra lập vùng giải phóng và tập hợp lực lượng chống Pôn Pốt diệt chủng. Tại vùng giải phóng tỉnh Kracher, ngày 2-12-1978, ông Hêng Xom-rin cùng đại biểu các tầng lớp nhân dân Campuchia yêu nước chống bọn Pôn Pốt Iêng-xa-ry đã họp đại hội thành lập “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia”. Mặt trận kêu gọi nhân dân hãy sát cánh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu chống Pôn Pốt diệt chủng. Từ ngày 26 đến 30-12-1978, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn trên đất nước Chùa Tháp. Vào lúc 0 giờ ngày 6- 1-1979, các đơn vị chiến đấu của lực lượng cách mạng Campuchia và bộ đội quân tình nguyện Việt nam đánh chiếm Niek-lương rồi tiến quân vào Phnông Pênh. Đúng 10 giờ sáng, địch bỏ cầu Mo-ni-vông rút chạy và 12 giờ ngày 7-1-1979, thủ đô Phnông Pênh hoàn toàn được giải phóng trong tình trạng nguyên vẹn. Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhà nước Campuchia được thành lập gồm 6 thành viên do ông Hêng Xom-rin làm chủ tịch. Ngày 18-2, hai nước Việt Nam và Campuchia ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị. Chính phủ Campuchia ra thông báo yêu cầu quân đội Việt Nam ở lại, tiếp tục giúp nhân dân Campuchia chiến đấu tiêu diệt bọn tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ thành quả cách mạng đã đạt được. Xuất phát từ hiệp uớc đã ký kết và tuyên bố của chính phủ cách mạng Campuchia, Việt Nam tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt, xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ thủ đô Phnông Pênh và hoàng cung, thiết lập an ninh trật tự và cứu đói. Bộ đội Việt Nam và TNXP Thành phố Hồ Chí Minh vừa tham gia tiêu diệt bọn tàn quân Pôn Pốt, vừa phải thực hiện những nhiệm vụ do nhân dân nước bạn yêu cầu giúp đỡ như:
– Xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở địa phương.
– Củng cố tổ chức, tăng cường huấn luyện, trang bị vũ khí và nâng cao năng lực chỉ huy tác chiến cho quân đội.
– Ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân để thoát khỏi sự đe dọa của nạn đói.
Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh là lực lượng đã có mặt ngay từ những ngày đầu cùng bộ đội Việt nam tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên đất nước bạn và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Tổng đội 3 TNXP với quân số lúc cao nhất lên đến 5.000 người cùng bộ đội giúp bạn hoàn thành sự nghiệp bảo vệ đất nước khỏi nạn diệt chủng. Nay lại cùng bộ đội giúp bạn xây dựng lại đất nước. Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, cán bô, đội viên TNXP liên đội 306 đã tự học tiếng Campuchia để tuyên truyền chính sách cách mạng, giúp bạn lập chính quyền ở cơ sở, tổ chức được 6 đội dân quân có trang bị vũ khí đầy đủ để bảo đảm an ninh, trật tự cho 19 phum sóc mới giải phóng.
III. THÀNH TÍCH TRONG PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN ĐẤU
- Kết quả phục vụ chiến đấu và chiến đấu:
TNXP Thành phố đã cùng bộ đội Quân đoàn 4, Cục hậu cần, Sư đoàn 302, Lữ đoàn 7 công binh thuộc mặt trận 479 lập được nhiều thành tích trên chiến trường và giúp nhân dân nước bạn khôi phục lại đất nước sau khi cách mạng Campuchia thắng lợi, đó là:
– Đã trực tiếp đánh địch 96 trận, diệt 1200 giặc, bắt sống 208 tên. Truy kích địch 159 lần, trong đó có 49 lần rơi vào trận địa bao vây của địch và dũng cảm tự giải vây bằng cách tiến công tiêu diệt 58 tên, trong đó có một tham mưu trưởng trung đoàn lính Pôn Pốt, bắn trọng thương 40 tên.
– Phá hủy 1 súng cối 60 ly, 1 súng B40, 1 súng B41, thu 258 súng, 232 đạn B40, cối 60 ly và B41, 3 máy truyền tin, nhiều tài liệu quan trọng.
– Phát quang mở 45 km đường mới, sữa chữa và chống lầy 1.283 km, bắc 86 cầu (trong đó có 6 cầu lớn cho xe tăng hạng nặng đi qua), xây dựng 20 ngầm qua suối, 14 cống, 3 bến phà, chặt và vận chuyển 264.954 cây cổ thụ, bứng gốc 2.137 để làm đường cho xe qua; đào đắp 10.000 m3 đất đá làm công sự chiến đấu, vận chuyển 97 tấn gỗ và 702 m3 đá, xây dựng 741 căn lán trại, 4 dãy nhà kho.
– Chuyển pháo ra trận 44 lần, rà mìn 3.852 m2 rừng, chuyển 732 m3 củi, bốc dỡ và vận chuyển 262.105 tấn hàng hóa quân sự trong khoảng cách từ 2 km đến 8 km; giúp chính quyền Campuchia vận chuyển 750.000 lít xăng dầu, 3864 tấn lương thực, 130.000 quân trang, quân dụng các loại.
– Chuyển 2.762 thương binh xuyên rừng với cự ly đường dài từ 5 km đến 10 km, hiến 6.200 cc máu cho thương binh; tham gia đưa 73.000 lượt thương binh về trạm cấp cứu tiền phương.
– Giúp chính quyền Campuchia xây dựng và sữa chữa 18 trường học, góp phần định cư 25.000 dân tại các phum sóc.
– Giúp chính quyền Campuchia ổn định đời sống, giữ vững an ninh, trật tự ở 42 thành phố, thị trấn.
– Giúp chính quyền Campuchia bảo vệ 140 phum sóc, xây dựng và sữa chữa 512 km đường giao thông trên bộ.
– Giúp chính quyền Campuchia tổ chức Tổng đội TNXP thành phố Phnông Pênh. Cử chuyên gia giúp bạn xây dựng lực lượng TNXP, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp.
- Thành tích trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu:
Với những thành tích trên, các đơn vị TNXP Thành phố Hồ Chí Minh đã được Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tặng 26 huân chương chiến công các loại, 20 bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh quân khu 7, Bộ chỉ huy các quân đoàn chủ lực đã tặng TNXP 4.091 bằng khen và giấy khen. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng 5 cờ, 26 huy chương “tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”, 26 giấy chứng nhận kèm huy hiệu “Dũng sĩ giữ nước” và “Thanh niên quyết thắng”, 3214 thư khen, thiếp báo công, giấy biểu dương thành tích cá nhân và lao động tiên tiến.
Trên chiến trường ác liệt chống quân Pôn Pốt diệt chủng, đã có 99 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh và gần 200 đồng chí hiến dâng một phần thân thể của mình cho sự nghiệp bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế. TNXP Thành phố đã chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế với tất cả trái tim của tuổi trẻ, sẵn sàng có mặt ở nơi gian khổ, nóng bỏng lửa đạn, nhưng vẫn lạc quan, yêu đời. Tiếng hát của TNXP Thành phố vẫn vang lên thúc giục mọi người tiến lên phía trước. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí, đồng đội, và tinh thần chịu đựng gian khổ của cán bộ, đội viên TNXP Thành phố, đặc biệt là của nữ TNXP Thành phố đối với thương bệnh binh là cao cả và tuyệt vời đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân ta trên chiến trường biên giới Tây Nam. Thực tiễn lao động và chiến đấu trong môi trường TNXP đã đào luyện nên lớp cán bộ, đội viên TNXP dũng cảm vượt qua mọi gian khổ, bất chấp hy sinh, hình thành nên nhân cách con người mới XHCN như Bác Hồ đã nói.
Nhằm ghi nhớ công lao và sự hy sinh của cán bộ, đội viên TNXP trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy Lực lượng TNXP đã báo cáo với Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố và được Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương giao cho Lực lượng TNXP phối hợp với Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Với sự nỗ lực to lớn của đội ngũ cán bộ đội viên TNXP, sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự ủng hộ, đóng góp tiền của các nhà tài trợ, công sức của nhiều cá nhân, tập thể, đến nay, một số hạng mục của công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là một trong những địa điểm để giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống TNXP cho các thế hệ TNXP.
LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG
(Tháng 6/2018)
CÁC ĐƠN VỊ THUỘC LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam
——————-
- GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 9/1977 ĐẾN THÁNG 5/1978
– Ngày 15 tháng 10 năm 1977, 3 Liên đội là Trung Kiên, Thống Nhất, Dũng Chí thuộc Lực lượng TNXP được điều động đến biên giới Tây Nam thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Tháng 11 năm 1977, Liên đội Trung Kiên được lệnh rút về nước. Đầu năm 1978, một số liên đội của Tổng đội 4 và Tổng đội 7 đang công tác ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh được điều động lên Tây Ninh tham gia phục vụ chiến đấu thay cho Liên đội Dũng Chí và Liên đội Thống Nhất.
– Đơn vị phối thuộc: Trung đoàn 4 và Trung đoàn 16, Sư đoàn 5, Quân khu 7. Nhiệm vụ: làm đường, chống lầy, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới ra chiến trường; tải đạn, tiếp lương, chuyển thương binh.
- GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 6/1978 ĐẾN 20/8/1979
Ngày 26 tháng 6 năm 1978, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 141/QĐ-UB về việc thành lập Tổng đội TNXP phục vụ chiến đấu trên chiến đấu ở khu vực biên giới Tây Ninh (gọi tắt là Tổng đội 3 biên giới), được biên chế gồm 14 Liên đội (từ Liên đội 301 đến Liên đội 314).
Phiên hiệu |
Quá trình thành lập |
Liên đội trưởng |
Địa bàn, nhiệm vụ phục vụ chiến đấu; đơn vị phối thuộc trực tiếp |
Quân số |
Liên đội 301 |
Được thành lập từ tháng 5/1978, trên cơ sở Liên đội 3, Tổng đội 7 |
Lần lượt là các đồng chí: – Võ Văn Đệ – Ngô Đức Sáng – Dương Văn Mai |
Khu vực Lộc Ninh, Snoul, Krecheh |
441 người, có 60 nữ (tính đến tháng 4/1979) |
Liên đội 302 |
– Được thành lập từ tháng 5/1978 trên cơ sở Liên đội 6, Tổng đội 1 và một bộ phận từ Liên đội 2, Tổng đội 1 chuyển qua. – Tham gia phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1978. |
Huỳnh Thành Khương |
Khu vực Lộc Ninh, Snoul, Krecheh |
449 người, có 21 nữ (đến tháng 1/1979) |
Liên đội 303 |
– Tháng 5/1978, Liên đội 12 thuộc TNXP Thành Đoàn đổi phiên hiệu thành Liên đội 5, Tổng đội 7. – Ngày 27/8/1978, Liên đội 3 được thành lập trên cơ sở Liên đội 5. – Chính thức lên đường làm nhiệm vụ từ ngày 14/6/1978. |
Lần lượt là các đồng chí: – Lê Đình Lộc – Nguyễn Văn Sơn – Trang Thành Tâm |
– Cáng thương, tải đạn, chống lầy, đảm bảo giao thông trên tuyến đường từ Rừng Nhum – bến Cầu đến Koky Som – Campuchia. – Đơn vị phối thuộc: Trung đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn 7 |
Gần 600 người (tháng 5/1978) |
Liên đội 304 |
Được hình thành trên cơ sở Liên đội Trung Kiên vào tháng 8-1978 |
Lần lượt là các đồng chí: – Nguyễn Thị Lệ – Nguyễn Huân Tước – Nguyễn Văn Nghĩa |
– Mặt trận Xa Mát và Lò Gò; thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, vận chuyển vũ khí, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. – Đơn vị phối thuộc: Sư đoàn 302, Quân khu 7 |
|
Liên đội 305 |
– Được thành lập ngày 25-8-1978, trên cơ sở Liên đội Trung Dũng thuộc Tổng đội 8 – Tham gia phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1978 đến tháng 9/1979 |
Quách Văn Long
|
– Làm đường, chống lầy, cáng thương, tải đạn phục vụ chiến đấu tại biên giới Tây Nam và tham gia gúp nhân dân nước bạn Campuchia xây dựng chính quyền cách mạng khi mới giải phóng. – Đơn vị phối thuộc: Lữ đoàn 7 công binh, Trung đoàn 34 thuộc Quân đoàn 3 và Đoàn công binh 476 Quân khu 7 |
Khoảng 600 người (8/1978) |
Liên đội 306 |
– Ra đời vào tháng 8-1978 từ Liên đội Kiên Quyết và Liên đội 2 thuộc Tổng đội 8. – Tham gia phục vụ chiến đấu tại biên giới Tây Nam từ tháng 8-1978 đến tháng 9-1979 |
Cao Thiên Cường |
Phối hợp cùng bộ đội Trung đoàn 34, Sư đoàn 7 – Quân đoàn 3, Đoàn công binh 476 Quân khu 7 đánh quân Pôn Pốt |
|
Liên đội 307 |
Được thành lập tháng 8-1978, từ Liên đội Quyết tâm thuộc Tổng đội 3 đóng tại Long An |
Nguyễn Đăng Phúc |
Cùng bộ đội công binh làm nhiệm vụ xây dựng công sự, tuyến phòng thủ, căn cứ chỉ huy tiền phương và vận chuyển khí tài quân sự ra tiền tuyến |
|
Liên đội 309 |
Được hình thành đầu năm 1978, từ việc sáp nhập Liên đội 1 và Liên đội 4 thuộc Tổng đội 4 và chuyển giao cho Tổng đội 3 Biên giới |
Lần lượt là các đồng chí: – Lý Văn Tường – Nguyễn Văn Điền – Ngô Trung Trí |
– Cùng Đoàn 476 bộ đội công binh làm tuyến đường xuyên Rừng Nhum (từ bắc Bến Cầu đến Nam Bến Sỏi) để bảo vệ đường biên giới và truy quét quân địch. – Tháng 2/1979, được điều động phối thuộc cùng Tiểu đoàn 1 đoàn 476 bộ đội giúp nhân dân Campuchia xây dựng lại vùng mới giải phóng; thực hiện di tu, sửa chữa tuyến đường từ Kaland đi Ốt-Đô-Miên-Chây giáp giới Thái Lan để phục vụ cho bộ đội truy quét quân Pôn Pốt. |
355 người, trong đó có 75 nữ (tháng 1/1979) |
Liên đội 310 |
– Được hình thành từ Liên đội Kiên Giang thuộc Tổng đội 8. – Tham gia phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1978 |
Huỳnh Văn Hùng |
|
277 người, trong đó có 44 nữ (tháng 12/1978) |
Liên đội 311 |
– Được thành lập từ Liên đội Quyết thắng thuộc Tổng đội 6. – Tham gia phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1978 |
Lần lượt là các đồng chí: – Võ Văn Sắt – Nguyễn Văn Dũng |
Làm nhiệm vụ bốc vác, vận chuyển hàng hóa hậu cần phục vụ chiến trường |
|
Liên đội 312 |
Được thành lập tháng 11/1978, được hình thành từ một bộ phận của Tổng đội 8 đóng ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang |
Lê Hữu Thành |
– Địa bàn phục vụ chiến đấu từ Lộc Ninh (Việt Nam), đến Snoul, Kông-Pông-Chàm và Xiêm-Riêp với nhiệm vụ cáng thương, tải đạn, đào hầm, vận chuyển vũ khí, có lúc phải trực tiếp tham gia chiến đấu |
357 người, 8 nữ (tháng 11/1978) |
Liên đội 313 |
– Được thành lập vào tháng 8/1978, từ Liên đội 5 thuộc Tổng đội 1 – Tháng 4/1979 nhận nhiệm vụ tăng cường tham gia giải phóng hàng hóa tại Cảng Sài Gòn |
Lê Công Cẩn |
|
469 người, có 119 nữ (tháng 12/1978) |
Liên đội 314 |
– Được thành lập từ tháng 8/1978 từ việc đổi phiên hiệu của Liên đội Dũng Chí |
Phan Được |
Phối thuộc cùng bộ đội Trung đoàn 4 và Trung đoàn 16, Sư đoàn 5, Quân khu 7 làm đường, làm ngầm, làm cầu cho xe cơ giới của ta ra chiến trường; tải lương, chuyển đạn, cán thương, xây dựng công sự phòng thủ và cùng bộ đội trực tiếp chiến đấu đánh địch. |
|