Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyên thống lực lượng thanh niên xung phong

Đăng lúc: 04-02-2020 3:27 Chiều - Đã xem: 550 lượt xem In bài viết
 

 

 

HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM
–––––––––

Số   29   /HCTNXPVN

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
–––––––––––––––

Hà Nội, ngày 20  tháng 01 năm 2020

       

 

 

Kính gửi:

– Hội Cựu TNXP các tỉnh, thành phố

 

– Ban liên lạc Cựu TNXP các tỉnh An Giang,

  Đồng Tháp, Trà Vinh

 

Nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 02/KH-HCTNXPVN ngày 13/01/2019 của Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam và Kế hoạch số 257-KH/TWĐTN-TNXP ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong 15/7/1950 – 15/7/2020, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam biên soạn Đề cương tóm tắt nội dung về lịch sử, truyền thống của Lực lượng thanh niên xung phong trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam phát huy truyền thống TNXP trong công cuộc xây dựng đất nước.

Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam đề nghị Hội, Ban liên lạc Cựu thanh niên xung phong các tỉnh, thành phố trên cơ sở Đề cương tuyên truyền chung bổ sung thêm lịch sử truyền thống thanh niên xung phong và hoạt động Hội địa phương để có nội dung tuyên truyền phù hợp phục vụ công tác tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Lực lượng TNXP ở các cơ sở Hội.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

Nơi nhận:

– Như trên
– Trung Ương Đoàn (để phối hợp);
– Các đ/c UV Đoàn Chủ tịch;
– Các Ban, Văn phòng TW Hội;
– Lưu VP, Ban TCKT&TT;

CHỦ TỊCH

 

Đã ký

Vũ Trọng Kim

 

 

 

ĐỀ CƯƠNG

TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG

LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG

15/7/1950 – 15/7/2020

(Theo Công văn số 29  /HCTNXPVN ngày 20 tháng 01 năm 2020)

–––––––––––––––

I. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG

1. Sự ra đời và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 – 1954)

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 70 năm, ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng – ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”

Ngày 20-3-1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ:

 

“Không có việc gì khó

 

 

Chỉ sợ lòng không bền

 

 

Đào núi và lấp biển

 

 

Quyết chí ắt làm nên”

 

4 câu thơ của Bác là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNXP công tác Trung ương, Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng Cục cung cấp tăng cường phát triển các Đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương,

Đội TNXP công tác Trung ương gồm 20 Liên phân đội với gần 3.000 cán bộ, đội viên (đến tháng 2/1953) đã phối hợp với các đơn vị TNXP địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch: Biên giới (Thu Đông 1950); Trần Hưng Đạo – Trung du (Đông Xuân 1950 – 1951), Hoàng Hoa Thám – Đông Bắc (Mùa Xuân 1951), Quang Trung – Hà Nam Ninh (Xuân Hè 1951) Hòa Bình (tháng 10 – 12/1951), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (1 – 6/1953).

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26-3-1953, Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập để cùng Đội TNXP công tác Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cuối tháng 12-1953, hai Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất, thành lập Đoàn TNXP Trung ương (Đoàn XP), do đồng chí Vũ Kỳ – thư ký của Bác làm Đoàn trưởng. Đoàn XP được biên chế thành 04 Đội 34, 36, 38 và 40 với trên 10.000 cán bộ, đội viên. Đến 3/1954 Đoàn XP bổ sung thêm lực lượng, biên chế thành 05 Đội: 34, 36, 38, 40, 42 với trên 18.000 cán bộ, đội viên. Ở Liên khu V hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập gồm hơn 4.000 cán bộ đội viên đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.

Ngày 6 -12 – 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ Chiến dịch: Đội 36 (2.500 cán bộ, hội viên) làm nhiệm vụ phục vụ và tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc (ATK); Đội 38 và 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; Đội 34 và 40, với trên 16.000 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6, 41; trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài,… Lực lượng TNXP đã mở hàng chục km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, rà phá trên 1.000 quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường; khi chiến dịch diễn ra quyết liệt đã có 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội; tại mặt trận Điện Biên Phủ đã có trên 100 cán bộ, chiến sĩ TNXP anh dũng hy sinh. Vượt qua nhiều gian lao, thử thách, Đoàn XP và các đơn vị TNXP địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn ATK, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Lực lượng TNXP đã được Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công suất sắc”; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, hàng nghìn cán bộ đội viên được tặng bằng khen và giấy khen của các ngành các cấp. Năm 2009, Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ và năm 2014, có 4 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổng đội TNXP 204 Liên khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên; đã có 2 chi đội, 23 chiến sĩ lập công xuất sắc được Bộ tư lệnh mặt trận phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Huân chương Chiến công.

 Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có gần 5 vạn cán bô, đội viên TNXP hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị Lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ, … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đã có trên 200 cán bộ, đội viên anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân TNXP đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó có: 320 chiến sĩ thi đua cấp đơn vị, 25 chiến sĩ thi đua và 4 đơn vị khá nhất toàn Đoàn TNXP, được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 Bằng khen và 6 cờ thi đua khá nhất của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông công chính tặng cờ “Thi đua khá nhất”. Có 01 tập thể và 04 cá nhân Được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Thanh niên xung phong tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng XHCN miền Bắc 1955 – 1964.

Ngay sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thực hiện sự chỉ đạo của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước và Đoàn thanh niên, Lực lượng Thanh niên xung phong được tổ chức lại, chuyển sang làm nhiệm vụ mới. Gần 10 vạn cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong (TNXP chống Pháp và TNXP xây dựng CNXH) đã có mặt ở những nơi khó khăn gian khổ nhất, lao động quên mình trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế và thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập, cùng tuổi trẻ cả nước xây dựng hàng trăm công trình kinh tế – xã hội.

Trong giai đoạn 1954 – 1957, Lực lượng TNXP chống Pháp (Các Đội TNXP 34, 36, 38, 40, 42, 48, 56 thuộc Đoàn TNXP Trung ương và các đơn vị TNXP địa phương) được Đảng, Bác Hồ, Chính phủ giao nhiệm vụ thu dọn chiến trường; mở đường chiến lược Lai Châu – Ma Lù Thàng (biên giới Việt – Trung) và khai thông mở dòng Nậm Na; tiếp quản Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng; khôi phục các tuyến đường sắt Hà Nội – Mục Nam Quan, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Nam Định – Thanh Hóa; tham gia xây dựng các công trình công nghiệp: Nhà máy Chè Phú Thọ, Gỗ Cầu Đuống, Diêm Thống nhất, Cá hộp Hải Phòng, Supe phốt phát Lâm Thao; Đường Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Gia Bẩy (Thái Nguyên)…

Bước vào giai đoạn xây dựng CNXH ở miền Bắc 1958 – 1964, thực hiện Chỉ thị số 01/CT.TNLĐ/TW ngày 25 tháng 02 năm 1959 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam các Đội TNXP xây dựng XHCN đã được thành lập để làm nhiệm vụ đảm nhận xây dựng các công trình kinh tế lấy tên là Công trình thanh niên như: xây dựng Nhà máy Cơ khí trung quy mô; lò cao Khu Gang thép Thái Nguyên; Thủy điện Thác Bà; các tuyến đường sắt: Đông Anh – Thái Nguyên, Thanh Hóa – Vinh; mở các tuyến đường giao thông: 12B Hòa Bình, Hà Giang – Đồng Văn (Đường hạnh phúc); Đường 426B; Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm Điện Biên …

Lực lượng TNXP tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế và xây dựng XHCN giai đoạn 1955 – 1964, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần kiến thiết, xây dựng các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của CNXH Miền Bắc, làm nên một hậu phương lớn vững chắc đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước. Đã có 87 cán bộ, đội viên TNXP hy sinh trên các công trường mở đường: Lai Châu – Ma Lù Thàng (67 người), Hà Giang – Đồng Văn (14 người), Đường sắt Hà Nội – Mục Năm Quan (6 người). Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP xây dựng “Đường hạnh phúc Hà Giang” và Công trình đại thủy nông Nậm Rốm Điện Biên; Huân chương Lao động hạng Nhì cho Lực lượng TNXP Công trường 12B Hòa Bình; nhiều tập thể, cá nhân đã được Chính phủ, các ngành và Trung ương Đoàn khen thưởng.

3. Thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 – 1975)

Khi đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, “leo thang” đánh phá miền Bắc, cả nước sục sôi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện lời hiệu triệu của Bác Hồ, Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước phục vụ công tác giao thông vận tải và Nghị quyết Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam lần thứ nhất ngày 26/3/1965 về tổ chức Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, từ phong trào “Ba sẵn sàng” (ở Miền Bắc) và “Năm xung phong” (ở Miền Nam)  , đã có trên 28 vạn nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “ở đâu chiến trường cần là thanh niên xung phong có mặt”, “ở đâu có giặc là thanh niên xung phong xuất quân”.

– Ở Miền Bắc và trên mặt trận đường Trường Sơn, với tinh thần “Ba sẵn sàng”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thực hiện Chỉ thị số 71/TTg-CN ngày 21/6/1965 của Thủ tướng Chính phủ, trong 3 nhiệm kỳ (Nhiệm kỳ I từ 1965 – 1968, Nhiệm kỳ II từ 1968 – 1972, Nhiệm kỳ III từ 1972 – 1975), đã có 143.391 cán bộ, đội viên TNXP của 24 tỉnh, thành phố tình nguyện gia nhập 165 Đội và 75 đại đội độc lập TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung. Một số địa phương như Bắc Thái, Hà Bắc, Thái Bình, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình…cũng thành lập đơn vị TNXP chống Mỹ cứu nước phục vụ sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và bổ sung quân cho các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước của Trung ương khi cần thiết. Các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước do Trung ương Đoàn thanh niên lao động Việt Nam tổ chức thành lập theo chỉ tiêu kế hoạch của Chính phủ, sau đó bàn giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ giao thông vận tải, Bộ Lâm nghiệp, một số cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố quản lý. Ngoài 24 Đội và 39 đại đội phục vụ quốc phòng, 6 đội hoạt động trong ngành lâm nghiệp và 2 đơn vị phục vụ cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ, 133 đội và 36 đại đội độc lập còn lại phục vụ trong ngành giao thông vận tải (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và các Ty Giao thông vận tải).

Với tinh thần “Ba sẵn sàng”, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước Miền Bắc đã có mặt trên khắp mọi tuyến đường ra trận, hăng hái chiến đấu, lao động sáng tạo, học tập, rèn luyện, sẵn sàng hy sinh anh dũng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: mở đường chiến lược; vận chuyển hậu cần; trực chiến, chốt giữ những trọng điểm địch đánh phá ác liệt, san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường, tháo gỡ bom mìn, hướng dẫn xe đi và chiến đấu đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Trong 10 năm, lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước đã đảm nhận 16 loại công việc khác nhau, chủ yếu tập trung vào 3 ngành Giao thông vận tải, Quốc phòng và Lâm nghiệp. Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước Miền Bắc đã chốt giữ hầu hết các trọng điểm ác liệt ngày đêm địch đánh phá như: Gao Lưu Xá, Ga Gôi, Hàm Rồng, Truông Bồn, Cầu Cấm, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Bãi Dinh, Cổng Trời – Mụ Dạ, 050, Đèo Đá Đẽo, Phà Xuân Sơn, Phà Long Đại, Phà Quán Hầu Cua chữ A, Ngầm Ta Lê, Đèo Phu La Nhic…và hàng 100 trọng điểm khác, mở đường mới, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông từ bắc vào nam như: Đường sắt Hà Nội – Vinh, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Quán Triều, Hà Nội – Lào Cai. Các tuyến đường bộ: đường bộ 1A qua các tỉnh; đường 15 (Hòa Bình – Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình); Đường 20, đường 10, đường 128, đường 15B, 15C, , , đường 18, đường 16 (trên địa bàn Quảng bình – đông – tây trường Sơn – Lào); đường 8, đường 12A, 12B, đường 21, 22A, 22B; đường 14 (đường 9 – đèo Hải Vân – Quảng Nam Đà Nẵng), đường 7 (Nghệ An); các tuyến đường bộ tỉnh lộ, đường sông các tỉnh miền Bắc và hàng trăm đường vòng, đường tránh qua sông, suối, cầu, phà, qua trọng điểm đánh phá của địch1.

Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Miền Bắc đã mở 102 con đường chiến lược, với tổng chiều dài 4.130 km, trên 5 tuyến trục dọc, 21 tuyến trục ngang hệ thống đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh; vận chuyển trên 10 vạn tấn vũ khí, đạn, lương thực; trực chiến chốt giữ gần 3.000 trọng điểm chiến lược giao thông quan trọng địch thường xuyên đánh phá ác liệt, san lấp hàng vạn hố bom, phá gỡ trên 10.000 bom địch các loại, bắn rơi 15 máy bay Mỹ, bắt sống 13 phi công Mỹ và gần 1.000 tên địch, phá hỏng 20 xe tăng, xe bọc thép, phục vụ gần 1.000 trận đánh,…bổ sung sang quân đội 16.000 người, 15.000 người được kết nạp vào Đảng khi làm nhiệm vụ, có 52 Dũng sĩ diệt Mỹ, 1.432 Dũng sĩ quyết thắng trên các chiến trường.

Với những thành tích xuất sắc trên, Lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước Miền Bắc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu cáo quý: 25 tập thể và 12 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động; 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất và 372 Huân chương, Huy chương các loại; hàng ngàn Bằng khen, Giấy khen cho các tập thể và cán bộ, đội viên TNXP có thành tích xuất sắc.

– Trên mặt trận chiến trường Miền Nam, Ngày 20/4/1965 đơn vị TNXP giải phóng đầu tiên được thành lập; với tinh thần “Năm xung phong”, Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam đã anh dũng kiên cường cùng bộ đội trên các chiến trường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dấu, vận tải vũ khí, đội đạn dược, lương thực, vận chuyển thương binh, rà phá bom mìn, bước đầu có 108 cán bộ, đội viên, sau phát triển lên gần 5.000 người, phục vụ các Sư đoàn bộ đội chủ lực và hậu cần cho Miền Đông Nam Bộ, đồng thời thành lập đơn vị TNXP tập trung với gần 5.000 người, phục vụ bộ đội ở Khu, tỉnh; nhiều nơi phát triển TNXP huyện, xã thành (Thanh niên xung phong cơ sở). Dần dần lực lượng hùng hậu lên đến 4,5 vạn nam, nữ, cán bộ, đội viên tham gia phục vụ các chiến trường. TNXP đã kề vai sát cánh cùng bộ đội trên các địa bàn trọng điểm ác liệt như: Miền Đông Nam Bộ, Miền Tây Nam Bộ, , Tây Ninh, đường 1C; chiến dịch Phước Long, Sông Bé; Núi Thành (Quảng Nam), chiến dịch Quảng Đà, Liên Khu V. Riêng tuyến đường 1C suốt trong 9 năm, Liên đội I đã gan dạ, dũng cảm chiến đấu vượt qua bom đạn dể vận chuyển 10.000 tấn quân trang, vũ khí; tiếp nhận về Đất Mũi 1 vạn quân; phối hợp với quân chủ lực bắn rơi hàng 100 máy bay, diệt 50 xe tăng địch, diệt hàng ngàn tên Mỹ, ngụy; giữ vững huyết mạch từ Quân khu 9 về Trung ương cục Miền Nam.

Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam đã phục vụ 641 trận đánh, trực tiếp chiến đấu trên 40 trận, bắt sống 856 tên địch, trong đó 286 lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, phá hỏng 20 xe tăng; làm và sửa chữa 29 km đường ô tô, 185 km đường xe thồ 125m cầu, đào 1135 km hầm hào, xây dựng 08 bệnh viện dã chiến và 272 kho quân dụng; vận chuyển 23.117 tấn hàng, 9.538 thương binh và đưa 18.000 lượt bộ đội qua sông; chăm sóc nuôi dưỡng 2.077 thương binh,…….cung cấp cho lực lượng vũ trang 550 cán bộ chiến sĩ và các cơ quan Trung ương cục 160 người.

Với những thành tích xuất sắc, Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam (tập thể và cá nhân) từ 1965 đến 1970 đã được tặng thưởng 01 Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Nhất, 03 Huân chương Thành đồng Tổ quốc hạng Ba, 01 Huân chương Quân công hạng Ba, 10 Huân chương Giải phóng hạng Nhất, 50 Huân chương Giải phóng hạng Hai, 117 Huân chương Giải phóng hạng Ba, 26 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 152 Huy chương Giải phóng hạng Nhất, 207 Huy chương Giải phóng hạng Hai, 54 dũng sĩ các loại, hàng ngàn bằng khen, giấy khen; Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam (năm 2009) và 08 tập thể, 15 cá nhân được Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

– Trên chiến trường giúp nước bạn Lào: Tổng đội TNXP 572, gồm Các Đội: N253, N255, N257, N259 N261,với 4.000 cán bộ, đội viên nhận nhiệm vụ sang giúp bạn Lào mở rộng và nâng cấp tuyến đường chiến lược 217B dài 64 km từ căn cứ địa cách mạng Viêng Xay đến biên giới Việt Nam, 10 km hệ thống giao thông nội thị Viêng Xay1 và xây dựng tuyến đường dài 20 km từ Mường Liệt đi Xầm Nưa. Đảng, Nhà nước Lào đã trao tặng Đội TNXP 253 Huân chương Huân chương Lao động hạng Nhất và 341 Huân chương Lao động hạng nhất, Nhì, Ba cho tập thể và cá Đội TNXP 253- Tổng đội TNXP 572, Ban Xây dựng 64, Bộ Giao thông vận tải.

Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống của các thế hệ Thanh niên xung phong đi trước lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có 37 tập thể và 36 cá nhân Thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng và nhiều tập thể, cá nhân được tặng các danh hiệu thi đua cao quý khác. Sau khi kết thúc chiến tranh có 28.000 TNXP được chuyển sang công tác, học tập, làm việc ở các ngành, địa phương, nhiều người đã trở thành cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

4. Thanh niên xung phong tham gia chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế (1975 – 1988)

Sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, Thanh niên xung phong chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế. Nhưng tháng 5 năm 1975, nhà cầm quyền Pônpốt Campuchia phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và vào tháng 02 năm 1979 nhà cầm quyền Trung Quốc xua quân đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, chúng đốt phá làng mạc, phố phường, giết hại giã man dân thường vô tội, đất nước chưa lành vết thương chiến tranh, quân dân ta lại bước vào cuộc chiến cam go ác liệt kéo dài. Trên 5 vạn nam nữ TNXP cả nước đã tiếp bước cha anh lên đường phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong đã có gần 13 ngàn TNXP tham gia phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia (5/1975 – 8/1988) và trên 36 ngàn TNXP phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979 – 12/1988).

Lực lượng TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ: phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu trên các chiến trường; xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể quân chúng; xây dựng phòng tuyến phòng thủ; lao động sản xuất và bảo vệ, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội, giúp nhân dân ổn định sản xuát, cuộc sống, giữ gìn trật tự, an ninh xã hội các địa phương trên địa bàn biên giới và nước Campuchia, điển hình là:

Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh, đã huy động trên10.000 lượt TNXP tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên các phòng tuyến, vừa làm nhiệm vụ hậu cần, công binh, tải thương vừa trực tiếp chiến đấu chống địch bao vây, phục kích. Trong đó, lực lượng thường trực luôn có mặt từ 3.000 đến 5.000 cán bộ đội viên tham gia đánh địch 96 trận; diệt 1.200 tên; bắt sống 208 tên; truy kích 159 lần; phá hủy 01 súng cối 60ly, 01 súng B40; thu 258 súng, 232 đạn B40, cối 60 ly và B41, 3 máy truyền tin và nhiều tài liệu quan trọng khác; các đơn vị thanh niên xung phong đã tham gia bốc xếp trên 01 triệu tấn hàng hóa; đào đắp 10.000m3 đất đá xây dựng các tuyến đường giao thông dài 521km; phát quang 340.000m2 rừng mở đường hành quân bộ; sửa chữa 1.283 km đường; bắc 86 cầu; làm 20 ngầm, 14 cống, 3 bến phà; bốc dỡ, vận chuyển trên 260.000 tấn hàng quân sự, chuyển hơn 2.700 thương binh, hiến 6.200 cc máu cứu đồng đội và nhân dân. Thanh niên xung phong đã phối hợp với các đơn vị bộ đội giúp chính quyền Campuchia xây dựng mới và sửa chữa 18 trường học, dọn dẹp về sinh, giữ vững an ninh trật tự 42 thành phố, thị trấn, 140 phum sóc; xây dựng và sửa chữa 512 km đường bộ, giúp đỡ 25.000 người dân Campuchia ổn định nơi ở, phát triển sản xuất; tổ chức học tập, cải tạo cho hàng nghìn binh lính quân Pônpốt[1] giúp chính quyền và nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pônpốt, hồi sinh đất nước.

5. Thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế – xã hội (từ 1976 đến nay):

Đại thắng mùa xuân năm 1975 mở ra một trang sử mới, Tổ quốc Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất, cả nước bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trong kháng chiến, thi đua thực hiện phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Thanh niên tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Lực lượng TNXP các tỉnh, thành phố Miền Nam, Đông Nam bộ, Miền Trung, Tây Nguyên và Miền Bắc, với trên 20 vạn Thanh niên xung phong tình nguyện đã lên đường có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, những nơi bị chiến tranh tàn phá, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau chiến tranh, rà phá bom mìn, làm sạch môi trường, khai hoang, phục hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, phát triển giao thông, sắp xếp ổn định dân cư gắn với việc giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên và các đối tượng khác; làm nhiệm vụ công ích, giải quyết những vấn đề cấp bách khó khăn góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng xây dựng đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay), Tổ chức Thanh niên xung phong tiếp tục được củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp với gai đoạn mới nhằm phát huy tinh thần xung phong tình nguyện của thanh niên tham gia xây dựng phát triển kinh tế – xã hội gắn với an ninh quốc phòng ở khu vực miền núi, biên giới hải đảo, vùng sâu vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; trật tự và các tai tệ nạn xã hội ở đô thị. Với hơn 15 vạn cán bộ, đội viên TNXP, đang là lực lượng xung kích thực hiện những nhiệm vụ chính trị khó khăn của các địa phương, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế – xã hội có hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội như: Chương trình xoá nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giải quyết việc làm, Chương trình phát triển thuỷ sản, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình biển đông – hải đảo, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới – Đô thị văn minh” .v.v.. Lực lượng TNXP tham gia phát triển kinh tế – xã hội ngày càng phát triển mở rộng và hoạt động có hiệu quả ở các tỉnh thuộc vùng khó khăn. Điển hình là:

Lực lượng TNXP Trung ương: Trong gần 20 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP Trung ương đã triển khai thực hiện 31 dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp và Khu kinh tế TNXP (ở dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên và vùng đặc biệt khó khăn), 09 dự án phát triển thuỷ sản ở các xã nghèo ven biển; 3 Đề án xây dựng 1.365 cầu nông thôn tại các xã đặc biệt khó khăn thuộc 41 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu long, miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 06 dự án Đảo thanh niên tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cồn Cỏ (Quảng Trị), Đảo Trần (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định), Hòn Chuối (Cà Mau) và Thổ Chu (Kiên Giang). Các dự án do Lực lượng TNXP Trung ương đảm nhận được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo động lực cho phát triển kinh tế ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đã có nhiều tập thể cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh: Trên 41 năm xây dựng và trưởng thành, hiện nay, Lực lượng TNXP Thành phố đang quản lý 8 phòng nghiệp vụ và tương đương, 5 đơn vị sự nghiệp, 1 Công ty TNHH một thành viên. Ngoài ra, còn góp vốn và tham gia quản lý điều hành 2 Công ty cổ phần…Các đơn vị trực thuộc Lực lượng TNXP Thành phố gồm: Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 1 tại Tuy Đức, tỉnh Đăk’Nông; Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 2 đóng tại Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 3 đóng tại xã huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; Cơ sở xã hội Nhị Xuân đóng tại huyện Hóc Môn; Trung Tâm Giáo dục thường xuyên TNXP đóng tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn; Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công. Lực lượng TNXP thành phố Hồ Chí Minh đã 2 lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao Động”; 5 Huân chương độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; 12 Huân chương Lao động hạng Hai; 81 Huân chương Lao động hạng Ba; 3 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 285 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ; 26 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 96 Huy hiệu Dũng sĩ giữ nước; 112 Huy chương của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản; 21 Huy chương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 3 Cờ Thi đua của Chính phủ; 91 Cờ thi đua xuất sắc của Thành phố; 6 Cờ Thi đua của Thành Đoàn… cho các tập thể, các nhân trong lực lượng do đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; nhiệm vụ cải tạo xây dựng thành phố sau chiến tranh, công tác giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến, cai nghiện ma tuý cho thanh niên, hoạt động công ích, dạy nghề giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An: Từ Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế thành lập năm 1986, đến nay tỉnh Nghệ An đã có 10 Tổng đội TNXP xây dựng kinh tế và 01 Trung tâm Giáo dục dạy nghề và giải quyết việc làm thanh niên. Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An do Tỉnh đoàn Nghệ An quản lý chỉ đạo có nhiệm vụ xung kích xây dựng mô hình phát triển kinh tế – xã hội – Khu kinh tế TNXP phục vụ chương trình phát triển kinh tế – xã hội và tham gia bảo vệ an ninh quốc phòng Miền tây tỉnh Nghệ An. Hiện nay Lực lượng TNXP – XDKT Nghệ An quản lý gần 40 ngàn ha đất, 1.400 hộ đội viên với 2.547 lao động. Bằng chương trình đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất hàng hoá, 10 khu kinh tế TNXP đã và đang trở thành 10 mô hình kinh tế – xã hội tại vùng xung yếu Miền tây Nghệ An; đời sống, thu nhập, công tác giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao của đội viên ngày càng ổn định và phát triển; là hình mẫu và làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đồng bào dân tộc vùng cao. Lực lượng TNXP xây dựng kinh tế Nghệ An đã được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 02 Huân chương Lao động hạng Hai, 04 Huân chương Lao động hạng Ba, 05 Bằng khen Thủ tướng Chính phủ và nhiều hình thức khen thưởng khác của Bộ ngành Trung ương, cấp uỷ, chính quyền, các ngành địa phương.

6. Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý:

– Huân chương Sao vàng, năm 2010

– Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 1978

– Huân chương Hồ Chí Minh, năm 1997

– Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 1997

– 43 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động.

– 40 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.

– Nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ TNXP được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và các danh hiệu thi đua cao quý khác của Đảng và Nhà nước.

– Trong 70 mươi năm qua, đã có trên 65 vạn nam nữ TNXP1 phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu, lao động sáng tạo với tinh thần dũng cảm, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới có trên 38 vạn nam nữ TNXP làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó đã có 6.735 người đã hy sinh (6.460 liệt sĩ), 40.451 người bị thương (36.153 thương binh), trên 14.000 người bị nhiễm chất độc dacam/diôxin.

– Hàng vạn TNXP được cử đi đào tạo tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Công nhân kỹ thuật ở trong và ngoài nước, số còn lại nhận nhiệm vụ trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, công trường, hoặc trở về địa phương làm ăn sinh sống xây dựng quê hương. Nhiều cựu TNXP đã thành đạt trên các mặt: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đã giữ vững và phát huy truyền thống phẩm chất TNXP, tiếp tục đóng góp công sức trí tuệ, kinh nghiệm vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại Lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong – 15/7/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận định về lịch sử, chiến công hào hùng của Lực lượng TNXP trong các thời kỳ cách mạng:

“Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện được khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

II. HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM KẾ TỤC VÀ PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TNXP TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của hàng chục vạn cựu TNXP trong cả nước, đồng thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết chế độ chính sách đối với cựu TNXP. Được Chính phủ cho phép, ngày 19 – 12 – 2004 đã tổ chức Đại hội thành lập Hội cựu TNXP Việt Nam, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng TNXP. Trong 15 năm qua, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước, Hội cựu TNXP đã tập hợp đoàn kết hội viên phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ do 3 kỳ Đại hội đề ra, đạt được những kết quả thiết thực; vị trí, vai trò vị thế của tổ chức Hội cựu TNXP đã được khẳng định và ngày một nâng cao trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Nhìn lại 15 năm qua (2004 – 2019), mặc dù phải hoạt động trong điều kiện có nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội cựu TNXP ở địa phương đã lựa chọn được hướng đi đúng đắn, sáng tạo ra những phương thức hoạt động phù hợp, phấn đấu nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ công tác và đã đạt được những thành quả quan trọng:

1. Phát huy vai trò nhân chứng lịch sử, chủ động đề xuất, tham mưu với Đảng và Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động cho 35 tập thể, 35 cá nhân TNXP1; tặng thưởng Huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Lực lượng TNXP và đang đề nghị tặng thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang” cho TNXP. Qua đó, tiếp tục khẳng định những cống hiến to lớn của lực lượng TNXP trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp xây dựng các cơ chế, chính sách; tham gia cùng các cơ quan chức năng thực hiện việc giải quyết chế độ, chính sách đối với cựu TNXP nhanh hơn, đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, ngăn chặn tình trạng làm giả hồ sơ, vi phạm pháp luật, góp phần tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng2.

2. Thực hiện tốt phương châm nơi nào có cựu TNXP, nơi đó có hoạt động hội. Trong 15 năm, Hội Cựu TNXP đã phát triển không ngừng, được thành lập và hoạt động trên 7.433 xã, phường, thị trấn; 624 huyện, quận, thị, 63 tỉnh, thành phố, tập hợp được gần 75% cựu TNXP tham gia sinh hoạt hội. Đồng thời đã xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực hoạt động thực tiễn, nhiệt huyết, gắn bó với đồng đội, đảm bảo cho hoạt động của Hội ngày càng có chất lượng, hiệu quả và nâng cao uy tín của tổ chức Hội đối với xã hội, quốc phòng, an ninh.

 3. Hội Cựu TNXP đã không ngừng đẩy mạnh phong trào “Vì Nghĩa tình đồng đội”, động viên cựu TNXP giúp nhau làm kinh tế xóa nghèo bền vững; tích cực vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, giúp đỡ cựu TNXP khó khăn có cuộc sống ổn định, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Phong trào “Vì nghĩa tình đồng đội” làm sống lại những tình cảm thiêng liêng, thắm tình đồng đội trong mỗi cán bộ, hội viên; đã trở thành hoạt động sâu rộng, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tổ chức Hội các cấp1.

4. Cuộc vận động “Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập, làm theo lời dạy và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được Hội cựu TNXP triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực. Qua đó, đã định hướng tư tưởng, hành động của cán bộ, hội viên, các tổ chức Hội trong các mặt công tác và phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.

5. Công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lịch sử truyền thống cách mạng, truyền thống TNXP và kết quả hoạt động của Hội được tổ chức thường xuyên, gắn với các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, lực lượng TNXP và trên Trang thông tin điện tử (Website), Bản tin Cựu TNXP của Hội. Qua đó, cán bộ, hội viên đã củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, động viên nhau phát huy truyền thống TNXP, tích cực tham gia công tác Hội, phong trào thi đua yêu nước, công tác xã hội và giáo dục thế hệ trẻ.

6. Trung ương Hội đã tổng kết 10 năm Cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Hội thảo Khoa học, thực tiễn “Tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn TNXP”; xuất bản hàng chục bộ sách, trong đó có 3 tập sách “Thanh niên xung phong Việt Nam Anh hùng”; xây dựng Đề án “Thực trạng và đề xuất xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử TNXP” và Đề án về “Công tác tổ chức, cán bộ Hội Cựu TNXP Việt Nam giai đoạn 2019 – 2024”…Đó là những chuyên đề nghiên cứu có giá trị về lịch sử, khoa học và thực tiễn, ý nghĩa chính trị sâu sắc; định hướng cho các mặt công tác của Hội; đem lại hiệu ứng tích cực nâng cao nhận thức, hiểu biết về lịch sử truyền thống của Lực lượng TNXP và vai trò vị trí của tổ chức Hội Cựu TNXP trong xã hội.

7. Hội Cựu TNXP đã tăng cường mở rộng mối quan hệ, gắn bó chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân tiêu biểu, từ đó có được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ công tác. Đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thông qua thực hiện các chương trình phối hợp, đã giúp cho Hội Cựu TNXP ở địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng phát tiển tổ chức và tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ.

8. Hội Cựu TNXP đã thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện các Cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng và an ninh ở cơ sở; nâng cao, khẳng định được vị thế của Hội Cựu TNXP, đáp ứng được niềm tin của Đảng, Chính quyền các cấp và toàn thể xã hội.

Hội Cựu TNXP Việt Nam và Hội Cựu TNXP ở địa phương đã thể hiện rõ địa vị pháp lý, vai trò nhân chứng lịch sử theo quy định của pháp luật; đồng thời thể hiện được vai trò vị trí trong xã hội bằng những kết quả hoạt động thực tiễn được Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và khen thưởng: Hội Cựu TNXP Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Mặt trận Tổ quốc Việt nam tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc năm 2018; đã có 06 tỉnh, thành Hội và 01 quận Hội được tặng thưởng Huân chương Lao động; 09 tỉnh, thành Hội và một số Hội cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; hàng trăm tổ chức Hội các cấp ở địa phương và cán bộ, hội viên được Chính quyền và Mặt trận Tổ quốc địa phương khen thưởng.

Kỷ niệm ngày truyền thống TNXP Việt Nam là một dịp để cán bộ, hội viên cựu TNXP ôn lại lịch sử truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP, để sống lại những kỷ niệm sâu sắc của một thời tuổi trẻ rèn luyện và cống hiến, để phấn khởi tự hào phát huy truyền thống TNXP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thiết thực kỷ niệm ngày truyền thống TNXP, mỗi cựu TNXP, mỗi tổ chức Hội cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm thiết thực, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội của Đại hội IV Hội cựu TNXP Việt Nam đề ra:

1. Xây dựng Hội vững mạnh toàn diện; nâng cao chất lượng cán bộ hội, hội viên và nội dung sinh hoạt hội; tham gia thực hiện tốt công tác xác nhận phiên hiệu đơn vị TNXP và phát triển hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật.

2. Tham gia giải quyết cơ bản chế độ, chính sách đối với TNXP. Trong đó, tập trung đề xuất cơ chế giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách đối với TNXP không còn giấy tờ gốc còn tồn đọng, TNXP hy sinh trên các công trường mở đường chiến lược thời kỳ 1954 – 1957. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với TNXP khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng kinh tế sau 1975; triển khai và thực hiện trao tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Cựu TNXP nêu gương sáng học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” và phong trào “Vì Nghĩa tình đồng đội – mỗi hội viên làm nhiều việc tốt”.

4. Nâng cao chất lượng công tác truyên truyền về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng, truyền thống lực lượng TNXP; tích cực tham gia thực hiện công tác giáo dục thế hệ trẻ.

5. Phát huy truyền thống lực lượng TNXP, vai trò tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí do các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động, nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương và nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội trong xã hội.

III. NHỮNG ĐỊA CHỈ ĐỎ

1. Đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn (Tượng đài TNXP trên đỉnh Ma Pí Lèng và Nghĩa trang liệt sĩ Yên Minh, TP Hà Giang, Hà Giang)

2. Khu Di tích lịch sử Nà Tu – Bác Hồ thăm Liên phân đội 312 và tặng 4 câu thơ (Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Cạn)

3. Khu Di tích lịch sử Thanh niên Việt Nam – Nơi thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên (Đồi Gò Thờ, Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên)

4. Khu Di tích lịch sử tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP C915 – N91 (Lưu Xá, TP Thái Nguyên, Thái Nguyên)

5. Khu Di tích lịch sử TNXP chống Pháp Ngã ba Cò Nòi, (Cò Nòi, Mai Châu, Sơn La)

6. Đường Lai – Châu Ma Lù Thàng – Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Đội 34 – 40 (Chăn Nưa, Sìn Hồ, Lai Châu)

7. Nhà bia Tưởng niệm liệt sĩ TNXP C895 – N89 (Ga Núi Gôi, Ý Yên, Nam Định)

8. Tượng đài TNXP chiến thắng Hàm Rồng, (Đông Hưng, Đông Sơn Thanh Hóa)

9. Khu Di tích lịch sử Truông Bồn, (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An)

10. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc – Miếu thờ 23 liệt sĩ TNXP Phú Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

11. Đường 20 Quyết thắng – Hang Tám cô – Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Thọ Lộc (Bố Trạch) – Tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước Xuân Sơn – Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Tân Ấp (Tuyên Hóa) – Nghĩa trang Liệt sĩ TNXP Vạn Ninh tỉnh Quảng Bình

12. Khu Di tích lịch sử TNXP Khu V (Nước Oa, Trà My, Quảng Nam)

13. Tượng đài – Bia ghi danh 50 liệt sĩ TNXP Tổng đội 204 (Đak Pơ, Gia Lai)

14. Đền tưởng niệm Liệt sĩ TNXP H50 (Đa Kai, Đức Linh, Bình Thuận)

15. Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP C1265 (suối Xà Môn, Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu)

16. Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP Giải phóng Miền Nam (Đồi 82,Tân Biên, Tây Ninh)

17. Khu tưởng niệm Liệt sĩ TNXP TP Hồ Chí Minh (Long Phước, Bến Cầu, Tây ninh)

18. Đền thờ – Bia tưởng niệm 95 Liệt sĩ TNXP Giải phóng Miền Nam (Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương)

19. Nhà thờ Liệt sĩ anh hùng TNXP Lê Trung Kiên (Lương Quới, Giồng Trôm, Bến Tre)

 20. Bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP Đường 1C (Vĩnh Điều, Giang Thành, Kiên Giang)

     Ghi chú: Xem nội dung 20 Địa chỉ đỏ – Di tích lịch sử TNXP tại http://thanhnienxungphong.vn/ditichtnxp.

 

 

HỘI CỰU TNXP VIỆT NAM

 

 

 

1 Theo Lịch sử truyền thống của lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, NXB GTVT, năm 2004 và Danh mục phiên hiệu đơn vị TNXP ban hành kèm theo Hướng dẫn số 30 HD/TWĐTN-TNXP ngày 04/4/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn

1 Viêng Xay là “Thủ đô” của Trung ương Đảng NDCM Lào và Mặt trận Neo Lào Hắc Sạt

[1] Nguồn: Đề cương tuyên truyền 40 năm Lực lượng thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trên chiến trường biên giớiTây Nam  (6/1978 – 6/2018)..

1 Trong tổng số TNXP có: 48.769 chống Pháp, 48.144 xây dựng CNXH, 282.690 chống Mỹ, 51.527 bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, 219.701 xây dựng kinh tế sau 1975.

1 Trong tổng số 43 tập thể và 40 cá nhân Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động

2 Đã tham gia xây dựng và góp ý xây dựng 1Pháp lệnh (sửa đổi), 2 Nghị Định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 15 văn bản hướng dẫn của các Bộ về chính sách đối với TNXP và liên quan; xác nhận được 1.777 liệt sĩ, 24.146 thương binh; giải quyết chế độ trợ cấp cho 5.565 TNXP bị nhiễm chất độc hóa học; 209.986 TNXP còn sống, 28.178 TNXP từ trần trước tháng 12/2005; 8.624 TNXP sống cô đơn không nơi nương tựa và 197.683 TNXP được cấp bảo hiểm y tế, 34.263 TNXP từ trần sau tháng 12/2005 được giải quyết trợ cấp mai táng.

1Trong nhiệm kỳ III (2014 – 2019), đã có 13.092 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu TNXP làm kinh tế đạt hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cựu TNXP đã đóng góp xây dựng “Quỹ nghĩa tình đồng đội” ở cơ sở trên 288 tỷ đồng1; đã tích vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, giúp đỡ cựu TNXP khó khăn được trên 750 tỷ đồng, bao gồm: tặng 4.227 nhà tình nghĩa, 7.962 sổ tiết kiệm, 382.893 phần quà, 2.043 con bò, dê giống; nuôi dưỡng thường xuyên 308 cựu TNXP khó khăn, già yếu sống cô đơn; tổ chức được 260 đợt tìm kiếm, với 867 lượt cựu TNXP tham gia, quy tập được 982 hài cốt liệt sĩ.

 

Download văn bản: Download