21 năm làm quản trang Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Yên Minh

Đăng lúc: 24-01-2020 3:04 Chiều - Đã xem: 55 lượt xem In bài viết

Nghĩa trang liệt sĩ TNXP huyện Yên Minh (ở thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang) được xây dựng ngay sau khi “Con đường Hạnh Phúc” được hoàn thành vào ngày 20/3/1965. Đây là nơi an nghỉ của 14 TNXP đã hy sinh trong quá trình làm Con đường. Sau 50 năm “Con đường Hạnh Phúc” hoàn thành và chính thức khai thông, đến tháng 3/2015, Nghĩa trang TNXP Yên Minh được nâng cấp, tu sửa, đổi tên thành Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Yên Minh và được bàn giao cho huyện Yên Minh quản lý. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày khởi công “Con đường Hạnh Phúc” (10/9/1959-10/9/2019), chúng tôi cùng Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Cao Vãng lên tỉnh Hà Giang dự Lễ kỷ niệm, đã cùng 230 đại biểu cựu TNXP 8 tỉnh tham gia mở đường về dâng hương tại Nghĩa trang này, nơi mà có một nữ cựu TNXP gắn bó hơn 21 năm để canh “giấc ngủ” cho 14 liệt sĩ TNXP đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho “Con đường Hạnh Phúc”…

Chị Đỗ Thị Suốt (thứ 2 từ bên trái sang) cùng tác giả (thứ 2 từ phả sang) tại Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Yên Minh ngày 17/9/2019

          Đó là chị Đỗ Thị Suốt (SN 1945), gốc quê ở xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, hiện chị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Chị bảo, ngày đó chị còn trẻ lắm, mới 17 tuổi (tháng 2/1962) chị đã xung phong gia nhập đội quân TNXP tỉnh Hải Dương hành quân lên Hà Giang để cùng TNXP 8 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương, Nam Định) tham gia mở “Con đường Hạnh Phúc”.

          Nhớ lại những tháng năm lực lượng TNXP 8 tỉnh mở Con đường lịch sử có chiều dài 184k – Quốc lộ 4C – bắt đầu từ Km số 0 TP. Hà Giang đi qua 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc), chị Suốt chia sẻ: Ngày đó, chị cùng đồng đội đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn với những dụng cụ thô sơ là búa, choòng đục, cuốc, xẻng, thuốc nổ và sức mình để phá đá mở đường, nhất là Đội thanh niên “Dũng cảm” đã treo mình trên vách đá cheo leo, có độ cao 1.500m so với mực nước biển ở đỉnh đèo Mã Pí Lèng, phía dưới là vực sâu hun hút của con sông Nho Quế để cậy từng viên đá làm đường.

Đang nói chuyện bỗng nhiên giọng chùng xuống, chị kể: Trong quá trình mở Con đường này 14 đồng đội của chị đã hy sinh, trong đó có liệt sĩ Vũ Cao Vân (SN 1941 – quê ở xã Trực Cát, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) – hy sinh ngày 2/3/1964 khi đang hất đá, thi công làm đường, một tảng đá chồng lên nhau bấp bênh, anh và một đồng đội vẫn cố giữ hòn đá để tìm cách hất xuống vực, bất ngờ hòn đá trượt kéo anh rơi xuống và anh không bao giờ trở về nữa. Còn liệt sĩ Đào Ngọc Phẩm (SN 1932 – quê ở xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), ngày 4/3/1965 anh đã ngã xuống ở ngay chân dốc Mã Pí Lèng, khi chỉ còn một tuần nữa là khánh thành Con đường…

Ảnh: Đồng Sỹ Tến

Được biết, ngày 20/3/1965, Con đường hoàn thành và chính thức khai thông trong niềm vui vô bờ của những con người trực tiếp làm nên và hơn 8 vạn đồng bào 4 huyện vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, “nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi”[i], đặc biệt vinh dự được Bác Hồ đặt tên là “Con đường Hạnh Phúc” khi Người lên thăm Hà Giang năm 1963. Và ngay sau khi Con đường hoàn thành, phần mộ 14 TNXP đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TNXP tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh.

Còn chị Đỗ Thị Suốt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chị tình nguyện ở lại và được bố trí công tác tại Lâm trường trồng rừng huyện Đồng Văn và được kết nạp vào Đảng ngày 15/3/2001. Năm 1966, chị xây dựng gia đình cùng anh Hoàng Văn Nga – SN 1947, dân tộc Ráy, công tác tại Đồn Biên phòng huyện Đồng Văn – có với nhau 4 mặt con, nay đã trưởng thành có gia đình riêng, công việc ổn định. Hai anh chị, năm 1988 nghỉ chế độ về quê anh sinh sống ở Yên Minh cho đến nay. Khi tổ chức Hội được thành lập, chị được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Minh.

Đến năm 1998, ngoài công việc của Hội như cùng Ban chấp hành Huyện hội tham mưu giải quyết chế độ chính sách, làm tốt công tác “Nghĩa tình đồng đội”, chị Suốt đã tự nguyện chăm lo, trông nom Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Yên Minh, nơi những liệt sĩ là đồng đội của chị đang yên nghỉ. Chị bảo với chúng tôi: Chị và nhiều người khác còn may mắn hơn rất nhiều khi được trở về với cuộc sống đời thường có gia đình, con cái, có công ăn việc làm, được chứng kiến những đổi thay của đất nước, của tỉnh nhà, đặc biệt là đời sống bà con của 4 huyện vùng cao có “Con đường Hạnh Phúc” đi qua. Còn 14 đồng đội của chị nằm ở đây hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Chính vì vậy chị muốn tự tay mình quét dọn nghĩa trang, lau chùi từng phần mộ, thắp hương những ngày lễ tết, Ngày Truyền thống TNXP, ngày giỗ của từng người, phần nào làm an lòng gia đình của đồng đội xa quê hương.

Chị Suốt cũng chia sẻ, bây giờ mình đã lớn tuổi rồi, nhiều lúc cũng mong muốn người khác thay mình tiếp tục công việc trông nom, hương khói tại Nghĩa trang. Nhưng lãnh đạo UBND huyện lại cứ động viên: “Bác cứ cố gắng làm đi, đến lúc nào đã thực sự “mỏi gối, chồn chân” thì bác mới được nghỉ đấy!”, và thế là chị vẫn làm cái việc “Nghĩa tử là nghĩa tận” cho đến ngày hôm nay…

Nhận xét về chị Đỗ Thị Suốt, nguyên Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Giang Nguyễn Đức Thiện nói: Chị Suốt không những là một cán bộ cơ sở năng nổ, nhiệt huyết trong công tác của Hội, mà còn là như một người bạn, người em quan tâm chăm lo hương khói cho những đồng đội đã ngã xuống trên “Con đường Hạnh Phúc”. Bởi lẽ, Nghĩa trang liệt sĩ TNXP Yên Minh không chỉ là nơi an nghỉ của các liệt sĩ TNXP mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời cho sức mạnh và ý chí của lực lượng TNXP nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Nghĩa trang cũng là nơi để cho mọi người dân, đặc biệt là cựu TNXP, thế hệ trẻ mỗi lần ghé thăm được tỏ lòng thành kính với những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng đất nước, làm tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà ông cha ta đã căn dặn./.

                                          PHẠM MỸ HẠNH


[i] Nguyên văn ghi trên bia đá dựng ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng: “ĐƯỜNG HẠNH PHÚC HÀ GIANG – ĐỒNG VĂN – MÈO VẠC- Nhằm giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi Trung ương Đảng, khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ngày khởi công: 10-9-1959. Ngày hoàn thành: 15-6-1965. Thành phần mở đường gồm 16 dân tộc ở các tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định. Riêng dốc Mã Pì Lèng công nhân đã treo mình 11 tháng để mở đường”