Tổng kết việc phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP và phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” giai đoạn 2019 – 2024

Đăng lúc: 19-07-2024 11:03 Sáng - Đã xem: 78 lượt xem In bài viết

Ngày 15/7/2024, tại Hà Nội, Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết việc Phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP và  Phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội” giai đoạn 2019 – 2024. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội; đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội; các điển hình tiên tiến về phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP và phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”.

Các đại biểu chào cờ.

Theo báo cáo của các Hội địa phương, 5 năm qua (2019 – 2024) đã giải quyết được 19.514 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; 910 trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên; 156.207 trường hợp hưởng bảo hiểm y tế; 18.600 trường hợp từ trần được hưởng trợ cấp mai táng phí; 68 trường hợp hi sinh được công nhận liệt sĩ; 211 trường hợp bị thương được hưởng chế độ như thương binh và 1.001 trường hợp nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ (trong đó có 159 trường hợp là con, cháu TNXP). Đặc biệt, sau 25 năm, kể từ khi Chính phủ ban hành Quyết định số 104/1999/QĐ – TTg năm 1999; đã có 13 địa phương[1] cơ bản hoàn thành việc giải quyết chế độ, chính sách đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, không còn trường hợp nào tồn đọng và không xảy ra khiếu kiện, tố cáo. 

Tuy vậy, hiện nay vẫn còn tồn đọng khá lớn các trường hợp TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia và Lào sau 30/4/1975, theo Quyết định số 62/2011/QĐ  – TTg của Thủ tướng Chính phủ; cùng một số trường hợp TNXP hi sinh, bị thương trong chiến tranh chưa được công nhận liệt sĩ, thương binh và các trường hợp nhiễm chất độc hóa học. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 275 TNXP hi sinh chưa được công nhận liệt sĩ; 4.928 TNXP bị thương chưa được công nhận thương binh; 9.108 TNXP và 544 con cháu TNXP bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ.

Nguyên nhân của tồn tại trên là bởi khó khăn trong việc xác lập hồ sơ, do đa số TNXP tuổi cao, trí nhớ hạn chế, cùng với đó là không còn giấy tờ gốc, hoặc giấy tờ liên quan theo quy định; bên cạnh đó, một số cựu TNXP đi làm ăn xa, hoặc đã chuyển đi nơi khác, nên việc tiếp nhận thông tin về giải quyết chế độ chưa được kịp thời. Mặt khác, do thay đổi về chính sách (Nghị định 131/2021/NĐ  – CP thay thế Nghị định 31/2013/NĐ – CP); theo đó việc xác nhận liệt sĩ, thương binh đối với các trường hợp hi sinh, bị thương trong chiến tranh chỉ còn các đối tượng a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 14 và Điều 23[2] của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14  Ưu đãi người có công với Cách mạng mới được xem xét, do vậy lại càng khó khăn hơn.

Để thực hiện có hiệu quả hơn việc giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP, hội nghị đã đề ra một số giải pháp cụ thể; cùng với đó là kiến nghị Nhà nước xem xét nâng trợ cấp hàng tháng cho cựu TNXP cô đơn từ 540.000đ lên khoảng 1.000.000đ/người/tháng; xem xét giải quyết chế độ chính sách cho TNXP tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng kinh tế sau năm 1975; cũng như bổ sung đối tượng thuộc điểm h[3], Khoản 1 Điều 14 và Điều 23 của Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 đối với các trường hợp hi sinh, bị thương trong chiến tranh; đối với các trường hợp hồ sơ đã xác lập đầy đủ, nhưng thiếu giấy báo tử, hoặc giấy chứng nhận bị thương tồn đọng gây bức xúc nhiều năm, đề nghị lập các tổ công tác về từng địa phương để xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể với sự tham gia của đảng bộ, chính quyền, người dân và các nhân chứng lịch sử (cán bộ, đội viên công tác trực tiếp với đối tượng), nếu có sự đồng thuận từ người dân, chính quyền và đồng đội (nhân chứng) thì nên giải quyết sớm; Các trường hợp hi sinh, đã được chính quyền và nhân dân đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ, gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước; hoặc được ghi nhận là liệt sĩ trong Huân chương; Huy chương… được ghi trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên … thì nên hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sĩ mà không cần xác định trường hợp hi sinh.

Về kết quả thực hiện Phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”; mặc dù còn gặp nhiều khó khăn không nhỏ trực tiếp tác động như đại dịch Covid 19, tuổi tác hội viên ngày càng cao… nhưng với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên của tổ chức Hội các cấp và cán bộ, hội viên trong cả nước; phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi  – vì nghĩa tình đồng đội” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ:

 Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Hội địa phương; trong 5 năm qua cả nước có gần 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh của cựu TNXP, giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động; trong đó, phần lớn là con cháu cựu TNXP, với thu nhập bình quân từ 5 – 12.000.000đ/người/tháng; 12.379 lượt cựu TNXP được suy tôn là những người sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2019 – 2024, có thu nhập hàng năm từ 100  – 150 triệu đồng trở lên. Các mô hình làm kinh tế của cựu TNXP luôn chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế và thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hội viên làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, cũng như tích cực đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho địa phương, cho Hội và các hoạt động từ thiện, xã hội được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể đánh giá cao.

So với giai đoạn trước, các mô hình phát triển kinh tế của cựu TNXP có bước phát triển đa dạng hơn cả về loại hình, quy mô và chất lượng, như: kinh tế đồi rừng; nông, trang trại; kinh doanh vận tải; vật liệu xây dựng; thủy sản chế biến; xây dựng; sản xuất đồ gỗ nội thất; điêu khắc; các nghề truyền thống như kim hoàn, vàng bạc, đá quý; các ngành cơ khí lắp ráp, sửa chữa ô tô xe máy; kinh doanh bất động sản; đầu tư thị trường chứng khoán… Nhiều mô hình trang trại có quy mô lớn (do tích tụ thêm được đất) với sản phẩm đa dạng, trong đó có nhiều sản phẩm vươn tới đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao[4], được cấp chứng nhận đạt chuẩn ISO9001[5], hoặc đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi đánh giá xếp hạng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường. Nhiều sản phẩm hàng hóa không chỉ dừng lại tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra cả thị trường ngoài nước.

Cựu TNXP làm kinh tế giỏi đã phát huy được tinh thần tương thân, tương ái, tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội, các hoạt động xã hội, có nhiều đóng góp cho địa phương và cho Hội; kịp thời động viên, xẻ chia với đồng đội lúc gặp khó khăn; hàng năm đã dành nhiều phần quà, kinh phí để động viên, thăm hỏi nhân các ngày lễ, tết; tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa cho cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống. Đặc biệt là sự giúp đỡ, hỗ trợ về tài chính, kinh nghiệm, cây con giống, tiêu thụ sản phẩm… cho các cựu TNXP có ý chí làm ăn để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo… 

Thông qua việc thực hiện phong trào, khẳng định TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về vẫn mang tinh thần, nghị lực và truyền thống TNXP trên mặt trận kinh tế. Họ thực sự đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế  – xã hội của đất nước; không những đem lại giá trị về mặt kinh tế, mà còn thắt chặt hơn nghĩa tình đồng đội, gắn kết hơn giữa các hội viên với nhau và giữa hội viên với Hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Chủ tịch Vũ Trọng Kim (ảnh trên) ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các cấp Hội, của đội ngũ cán bộ, trong đó có những người chưa được hưởng chế độ trợ cấp, vẫn ngày đêm tâm huyết vì nghĩa tình đồng đội đã vượt qua trở ngại về sức khỏe, tuổi tác, kinh phí, điều kiện, phương tiện làm việc… để hoàn thành tốt nhiệm vụ; biểu dương những cán bộ, hội viên tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào làm kinh tế; mặc dù tuổi đã cao, lẽ ra phải được nghỉ ngơi vui vẻ cùng con cháu; nhưng vẫn nỗ lực để có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế  – xã hội của đất nước và làm tốt công tác “Nghĩa tình đồng đội”. Chủ tịch cũng nhấn mạnh các giải pháp mà hội nghị đã đề ra để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn trong vai trò “Nhân chứng lịch sử” và tham gia phát triển kinh tế; đặc biệt là những đóng góp, xẻ chia thiết thực, hiệu quả cho công tác nghĩa tình đồng đội.

Hội nghị đã biểu dương 09 tập thể và 09 cá nhân có thành tích xuất sắc tham gia giải quyết chế độ chính sách cho TNXP[6]; 03 tập thể và 13 cá nhân xuất sắc trong Phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”[7]. Cũng tại hội nghị Đoàn Chủ tịch đã trao tặng Kỷ niệm chương Cựu TNXP Việt Nam cho 16 đồng chí nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Trung ương Hội các khóa, các hội viên danh dự đã có nhiều công lao, thành tích đóng góp cho tổ chức Hội.

Cùng ngày, diễn ra hội nghị Ban chấp hành Trung ương Hội lần thứ 7 bàn các công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029; thông qua Đề án nhân sự Ban chấp hành, Đoàn Chủ tịch; lấy phiếu giới thiệu nhân sự; thông qua dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo Điều lệ sửa đổi để lấy ý kiến, hoàn thiện trình Đại hội.

Tin:  Đức Hồng

Ảnh: Đồng Sỹ Tiến 

 


[1] An Giang, Bắc Kạn, Bình Phước, Bến Tre, Cao Bằng, Điện Biên, Hậu Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Trà Vinh.

[2] a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; b) Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng; c) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; d) Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hi sinh; đ) Làm nghĩa vụ quốc tế;

[3] Do tai nạn khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

[4] Hạng 3 sao (50-70 điểm): sản phẩm đặc thù, có lượng tiêu thụ ổn định, tiềm năng nâng cấp lên sản phẩm 4 sao. Tính đến 30/9/2023, trên toàn quốc có 9.850 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

[5] ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý Chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu.

[6] Các hội Lạng Sơn; Vĩnh Phúc; Bắc Ninh; Thanh Hóa; Thái Nguyên; Bình Định; Hải Phòng; Quận I, TP Hồ Chí Minh; huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Các cá nhân: Phạm Thị Thao, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Chủ tịch Thành hội Đà Nẵng; Phan Diễn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội; Trần Văn Mãnh, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khóa III; Vũ Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Tỉnh hội Bình Thuận; Đào Mai Hương, Phó Chủ tịch Tỉnh hội Bình Dương; Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chủ tịch Thành hội Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Lê Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh hội Quảng Bình; Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội phường Duyên Hải, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai. 

[7] Các Tỉnh hội Quảng Trị, Quảng Nam và Thành hội Hà Nội. Các cá nhân: Nguyễn Quang Vịnh, Phó Chủ tịch Huyện hội Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Nguyễn Xuân Cát, Chủ tịch Huyện hội Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Nguyễn Ngọc  Ân, Chủ tịch Hội phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Đặng Phước Hùng, Chủ nhiệm CLB Cựu TNXP làm kinh tế tỉnh Tây Ninh; Huỳnh Văn Nguyện, hội viên, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh tổng hợp Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; Trần Tấn Phát, UVBCH Tỉnh hội Đồng Nai; Nguyễn Thị Anh Đào, hội viên Huyện hội Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị; Đoàn Minh Hiến, hội viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường, tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Đức Nguyên, Phó Chủ tịch Quận hội Tân Bình, TP Hồ Chí Minh; Trần Thị Như Hoa, Chủ tịch Hội phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; Ngô Tấn Bình, Chi hội trưởng Chi hội xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng; Ngô Thị Bảy, nguyên Chủ tịch Huyện hội Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Thị Việt, Chủ tịch Hội phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.