Cuốn “bút ký” của chàng thanh niên xung phong

Đăng lúc: 14-10-2018 4:25 Chiều - Đã xem: 33 lượt xem In bài viết

Khi 19 tuổi, chàng trai Bùi Vạn Trân rời vòng tay yêu thương của người thân để đi tập kết ra miền Bắc. Nhờ có cuốn sổ được gọi là “bút ký” cùng với hồi ức của PGS.TS Bùi Vạn Trân[i] mà nay chúng ta biết chuyện đi tập kết và cuộc sống của ông trong năm đầu tiên trên đất Bắc.

Cuốn sổ có kích thước 14cm x 20cm, gồm 71 trang, bị côn trùng gặm nhấm nhiều ở góc trên bên phải, và có những chỗ chữ đã mờ nét mực đến nỗi không đọc được nữa. Tuy gọi là “bút ký”, ghi chép từ ngày 19-1-1955 đến 30-11-1955, nhưng trong đó viết đủ thứ: từ những tâm sự về công việc và cuộc sống cho đến truyện tự sáng tác, có cả những câu châm ngôn và những thông tin đọc được từ sách hay báo chí.

Năm 1953, khi đang học lớp 8 tại trường Trung học Lê Khiết[ii] ở Liên khu V, do kinh tế gia đình khó khăn nên Bùi Vạn Trân phải nghỉ học. Về quê ở xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, anh được huy động làm công việc tính thuế nông nghiệp cho xã. Thuế tính theo lũy tiến, càng có nhiều ruộng đất (địa chủ, phú nông) thì tỉ lệ thuế phải nộp càng cao. Thuế đóng bằng thóc và cán bộ cũng được trả lương bằng thóc. Bùi Vạn Trân tìm ra cách tính nhanh, được mọi người khen ngợi. Kể lại việc tham gia tính thuế hồi ấy, ông vẫn rất ấn tượng với loại công cụ gọi là bàn tính: … những chiếc bàn tính kiểu Trung Quốc, mỗi người được trang bị một chiếc. Ban thuế nông nghiệp có khoảng 15 người, tiếng bàn tính cứ liên tục vang lên lách cách, lách cách suốt cả buổi làm việc[iii].

Năm 1954, sau khi Hiệp nghị Giơnevơ được kí kết, nhiều cán bộ, chiến sĩ, con em đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc, gọi là đi tập kết. Bùi Vạn Trân chưa phải là cán bộ, cũng không còn là học sinh, nên không thuộc diện được đi tập kết. Nhưng vì muốn đi, anh đến trường Trung học Lê Khiết xin rút học bạ, rồi viết đơn và xin ý kiến của lãnh đạo từ xã đến tỉnh. Tuy có gặp đôi chút khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục giấy tờ, nhưng cuối cùng tỉnh đã đồng ý cho anh đi tập kết.

Bùi Vạn Trân vào Bồng Sơn, Bình Định bằng xe goòng đẩy[iv]. Ở đây, anh gặp 5 bạn cùng trường Lê Khiết cũng đang chuẩn bị tập kết ra Bắc. Cả 6 người ở nhờ nhà của một bà cụ khoảng 5-7 ngày. Sau đó, theo sự bố trí của tổ chức, mỗi người đi một ngả, Bùi Vạn Trân được đưa lên huyện An Lão ở miền núi của tỉnh Bình Định để gia nhập vào một đơn vị Thanh niên xung phong Trung ương có khoảng 60-70 người, chia làm hai trung đội. Theo hình thức sinh hoạt tổ “tam tam”, Bùi Vạn Trân cùng hai bạn là Đinh Tuyền và Đinh Ren tạo thành một tổ giúp đỡ nhau hàng ngày và góp ý cho nhau về mặt tư tưởng để cùng tiến bộ. Thời gian ở đây, thường ban ngày mọi người đi chơi, ngắm cảnh và tìm hiểu cuộc sống của dân địa phương, sau bữa cơm tối thì tập hợp lại nghe cán bộ phụ trách động viên tư tưởng và cùng nhau ca hát.

Cuốn bút ký sau 62 năm

Tháng 2 năm 1955, đơn vị di chuyển vào Quy Nhơn bằng xe cam nhông ray[v], nghỉ lại thành phố một ngày, đến tối thì vào cảng để chuẩn bị lên tàu thủy ra Bắc. Với nhận thức khi đó, Bùi Vạn Trân đã viết vào sổ “bút ký”: Hôm nay, nhiệm vụ của đội TNXP (Thanh niên xung phong) đối với tôi không còn xa lạ với một mức độ như trước nữa. Trái lại, chính cái tính chất nặng nề, gian khổ nhưng rất vinh quang của nó đã nuôi dưỡng tôi, đã cải tạo tôi, đã luôn luôn làm cho tôi phấn khởi trước khó khăn để làm tròn nhiệm vụ…

Lao động là vinh quang!

Lao động có đầy rẫy khả năng để cải tạo con người!

Chỉ có lao động mới kiến thiết được xã hội!

Chỉ có lao động mới dựng xây nên lịch sử!

Chỉ có lao động để kiến thiết miền Bắc hùng mạnh hơn mới có thể đấu tranh thắng lợi ở miền Nam thân yêu! (tr. 16-17, 4-2-1955).

Bấy giờ có 3 chiếc tàu thủy đưa người đi tập kết từ bến cảng Quy Nhơn: Một của Liên Xô, một của Ba Lan và một của Na Uy. Cả đơn vị thanh niên xung phong cùng lên chiếc tàu của Liên Xô. Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, tàu đến Sầm Sơn, Thanh Hóa. Khi ghe đưa mọi người tiến vào bờ, hình ảnh cờ đỏ sao vàng rợp trời cùng rất đông người đứng chen chúc dần dần hiện rõ trước mắt. Vui mừng và phấn khởi trước sự chào đón nồng nhiệt như vậy, tất cả đồng thanh hát vang bài “Yêu hòa bình tổ quốc chúng ta”. Cảnh đón tiếp hôm ấy được ghi lại trong cuốn sổ: Các anh bộ đội mặc đồ đại binh đã chờ sẵn ở đấy. Họ tranh nhau chìa tay ra đón chúng tôi… Đồng bào đứng dọc theo hai bên đường đi. Tiếng hoan hô đồng bào và chiến sĩ miền Nam, tiếng hô khẩu hiệu vang dậy. Nón, mũ, khăn, cờ, phất phất trên những cánh tay thân yêu (tr. 18, 10-2-1955). Bùi Vạn Trân không nhớ đã bắt tay bao nhiêu người, nhưng tình cảm của đồng bào miền Bắc thể hiện trong buổi đón tiếp hôm ấy để lại ấn tượng đặc biệt sâu đậm. Mọi người nghỉ ngơi, uống nước đường, hút thuốc lá rồi được nghe đọc thư của Bác Hồ và cụ Tôn Đức Thắng gửi đồng bào và chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Ai cũng như nuốt lấy từng câu, từng chữ trong thư. Để chào mừng đoàn tập kết, nhiều thiếu nhi, thanh niên nam nữ và cả những người lớn tuổi vừa hát vừa múa rất vui.

Thời gian đầu sống trên đất Bắc, những người miền Nam tập kết phải trải qua trạng thái “ngày Bắc, đêm Nam”, ban ngày học tập và làm việc bình thường, nhưng đêm thì nhớ về quê nhà trong Nam da diết. Có đêm Bùi Vạn Trân chiêm bao thấy mình đi về quê hương Quảng Ngãi và bị địch phát hiện, đuổi bắt, anh đã nhanh chân bay vọt qua những ngọn tre, qua những cánh đồng để trở lại miền Bắc.

Đơn vị Thanh niên xung phong Trung ương của Bùi Vạn Trân có tên là Đại đội 446, thuộc Đội 44. Cả đại đội nghỉ lại khoảng 5-7 ngày trong nhà dân ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sau đó chuyển ra thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội. Mọi người được cấp phát chăn màn, quần áo và dụng cụ lao động. Nhiệm vụ của đại đội là gánh đất, đầm đất, dùng lưỡi mai xén những lát đất láng bóng lẫn với những con đỉa to bằng ngón tay từ dưới đáy ao hồ vùng chiêm trũng để đắp nền đường sắt Văn Điển – Nam Định, đắp nền nhà ga Bình Lục ở tỉnh Hà Nam, đắp đoạn đầu phía bắc cầu Phủ Lý…

Trong thời gian đắp đường ở vùng Cầu Họ[vi], có cơn bão mạnh làm rụng nhiều mít non trong vườn nhà dân. Anh cấp dưỡng tên là Hấn làm món “mít trộn” của người miền Trung cho cả đại đội và chủ nhà ăn. Ai cũng tíu tít khen ngon. Tại đây, Đại đội 446 đào đất ở một quả đồi để đắp đường, như Bùi Vạn Trân đã mô tả trong sổ: Những ngày mới bắt tay vào công việc, mỗi khi nhìn quả đồi sừng sững giữa cánh đồng và nhìn cái bàu nước rộng mênh mông cách quả đồi hơn ngàn rưỡi thước mà anh em sắp đắp đất vào đấy, ai cũng thốt lên: Đào núi và lấp biển!… Sức người đã làm thay đổi nhanh chóng hình thái của quả đồi vô dụng kia để dùng nó vào việc hữu ích (tr. 41, 27-7-1955). Anh còn làm cộng tác viên cho tờ báo của đội 44. Lấy bối cảnh công việc và cuộc sống ở công trường, anh đã viết những truyện như: “Đêm nay sau cuộc họp toàn C”, “Chiếc đụt bắt cua”…, được đăng trên báo của đội. Những truyện đó đều có trong cuốn bút ký.

Khu vực gần cầu Phủ Lý hoang vắng, nên cả đơn vị ở nhờ nhà dân thôn Long Vân và hàng ngày đi phà qua một nhánh của sông Đáy để đến nơi làm việc. Mặc dù đi làm từ rất sớm nhưng tinh thần lao động của mọi người đều hăng hái. Bùi Vạn Trân ghi lại trong cuốn bút ký rằng: Giờ làm việc bắt đầu, công trường rộn rịp hẳn lên. Trên đường cái hàng trăm người chen nhau qua lại. Kẻ gánh trạc (sọt) đất, người quảy trạc không, kẻ khiêng đường ray, người đẩy xe cút kít. Mới sớm mai mà anh nào anh nấy mồ hôi đã ướt đầm đìa. Sức sống của người thanh niên tràn trề trên những câu hò vui vui, trong những câu chuyện hóm hỉnh… Lời Hồ Chủ tịch luôn văng vẳng bên tai “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền…” (tr. 50). Vào những giờ nghỉ giải lao, họ thảo luận rôm rả từ chuyện bình bầu cán bộ đến chuyện phong cảnh ở đây giống với ở miền Nam thân yêu, hay đôi khi họ cùng nhau hát một bài nào đó…

Buổi trưa là những giờ học bổ túc văn hóa. Bùi Vạn Trân đã được học đến nửa chương trình lớp 8 (theo hệ thống giáo dục phổ thông 9 năm) nên được giao nhiệm vụ làm “thầy” dạy toán và văn. Với môn toán, anh dạy cách giải phương trình bậc I, bậc II và một ít công thức lượng giác; còn trong giờ dạy văn, anh phân tích một số bài văn, bài thơ hay, trong đó có bài thơ “Lại về” của Tố Hữu: Về đến đây rồi Hà Nội ơi/ Người đi kháng chiến tám năm rồi/ Hôm nay về lại đây, Hà Nội/ Ràn rụa vui lên, ướt mắt cười… Phân tích câu đầu tiên: “Về đến đây rồi Hà Nội ơi”, anh bảo nghe giống như tiếng thở phào của một người gánh nặng vừa đi đến đích. Có lẽ cách lý giải này phù hợp với bối cảnh lao động lúc đó, nên mọi người rất thích và coi như lời cổ vũ cho những buổi học trưa của cả “thầy” và “trò”.

Buổi tối, sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi là đến giờ sinh hoạt và học chính trị. Hình thức sinh hoạt tập thể như thế giúp cho mọi người cùng tiến bộ, như Bùi Vạn Trân đã ghi lại ngày 15-10-1955: Với tinh thần nỗ lực học tập, nỗ lực công tác của anh em, với sự giáo dục, dìu dắt chặt chẽ của Đảng và của Đoàn như thế, hôm nay, kiểm điểm lại anh nào cũng thấy mình lớn hẳn lên, tiến bộ vượt bậc so với hồi mới nhập vào đơn vị. Họ thấy mình trưởng thành hẳn lên trong tập thể (tr. 56).

Tháng 10-1955, cả đơn vị được đưa đến làm việc ở Cao Bằng. Ban đầu không ai biết nhiệm vụ cụ thể, nhưng với tinh thần đã được rèn giũa, những thanh niên xung phong hăm hở lên đường. Ngồi trên xe ô tô, mọi người đều cố hình dung về nơi sắp đến, có người nghĩ đó là một khu rừng, người khác nghĩ đó là thung lũng có núi cao trùng điệp vây quanh. Khác xa với dự đoán, xe dừng lại ở một địa điểm có phố xá, điện, nước, có những dãy nhà của công nhân, chuyên gia và có cả câu lạc bộ. Tại đây, thanh niên xung phong tham gia xây dựng mỏ thiếc Tĩnh Túc. Công việc chủ yếu của Đội 44 vẫn là lao động chân tay, một số đoàn viên khỏe mạnh, thông minh, nhanh nhẹn được đào tạo cấp tốc về cách sử dụng mìn để làm nhiệm vụ phá đá trên đỉnh núi Pia Oắc. Riêng Bùi Vạn Trân có khả năng viết truyện nên được Đại đội trưởng Nguyễn Thanh Lương giới thiệu làm công tác báo chí cho tờ báo Mỏ thiếc. Sau khi biết thông tin này, anh suy nghĩ: Một là đồng ý. Vào đây sẽ có điều kiện cho mình phát triển khả năng. Hơn nữa làm công tác lao động chân tay liên tiếp gần một năm nay, trong người uể oải. Cần có thời gian làm việc nhẹ hơn để bồi dưỡng. Hai là không đồng ý. Trong toàn bộ cái điều ước vọng, thời gian này cần phải sống sát quần chúng, sống hẳn trong lòng quần chúng, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với quần chúng, để tạo cho mình một số vốn làm nền tảng cho việc sáng tác mai sau (tr. 63, 18-11-1955). Cuối cùng, anh quyết định làm biên tập viên và phóng viên cho báo Mỏ thiếc. Đây là báo in litô trên giấy A3. Người viết chữ ngược trên phiến đá và lăn mực để in là anh Võ Lăng[vii], người vẽ minh họa cho tờ báo là anh Lê Thược[viii]. Các bài báo viết chủ yếu về công trường và công việc của thanh niên xung phong ở mỏ Tĩnh Túc.

Tuy chưa được học nghề báo nhưng Bùi Vạn Trân cũng có “máu” phóng viên, thường lang thang trò chuyện với dân, với những người từng làm việc ở mỏ để nghe kể về công việc và cuộc sống của họ. Từ đó, anh viết truyện “Luồng ý mới” thể hiện sự giằng co trong tư tưởng của nhân vật để vượt qua những khó khăn ở vùng rừng núi, hay như truyện “Lòng em đã quyết” kể về hai thanh niên xung phong mới lên Cao Bằng công tác và những tâm sự của họ về đời tư của nhau. Không chỉ vậy, quang cảnh thơ mộng và hùng vĩ của miền non xanh nước biếc đã tạo cảm hứng cho anh làm bài thơ “Áo nồng nghĩa Đảng, cơm thơm tình Người” được đăng trên tờ Mỏ thiếc. Cũng nhờ những chuyến “lang thang” đó mà Bùi Vạn Trân tình cờ hai lần được gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái bấy giờ đang đi thực tế ở Cao Bằng để có những tác phẩm hội họa phục vụ cho việc thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Lần đầu, một buổi sáng, Bùi Vạn Trân gặp ông với đôi ống quần màu đỏ nhét vào đôi ủng cao đến đầu gối, đang đứng giữa đường vẽ một cô gái người Tày trong bộ quần áo dân tộc màu chàm và đeo con dao rừng ngang thắt lưng. Lần thứ hai, một buổi tối, Bùi Vạn Trân ngồi cùng ông và 5-6 thực khách khác bên nồi bánh trôi đang sôi liu riu trên bếp của bà chủ quán người Tày. Sau thời gian công tác ở Cao Bằng, Bùi Vạn Trân được cử đi học tại trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương mới mở ở Hà Nội.

Hành trình và công việc của chàng thanh niên xung phong người Quảng Ngãi trong năm đầu tiên đi tập kết ra miền Bắc được ghi lại khá đầy đủ trong cuốn “bút ký”. Đó cũng là bước đường khởi đầu của quá trình phấn đấu và đào tạo trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa để về sau anh trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực xây dựng. Ngày 25-7-2017, PGS.TS Bùi Vạn Trân tặng cuốn “bút ký” này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nguyễn Thị Phương Thúy

Theo “Những câu chuyện hiện vật” của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Viêt Nam

 


[i] PGS.TS Bùi Vạn Trân, chuyên ngành Xây dựng, nguyên Tổ trưởng bộ môn Vật lý kiến trúc, trường ĐH Xây dựng Hà Nội.

[ii] Năm 1945, ngay sau ngày chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Ngãi ra đời, trong phiên họp đầu tiên đã nêu ra vấn đề thành lập trường trung học cho con em tỉnh có chỗ để học. Ngày 01/10/1945 trường trung học Lê Khiết ra đời. Lê Khiết (1857–1908) tên thật là Lê Tựu Khiết một vị quan Triều Nguyễn, hy sinh trong phong trào chống sưu thuế ở miền Trung Việt Nam năm 1908.

[iii] Thông tin do PGS.TS Bùi Vạn Trân cung cấp qua email cho NCV Nguyễn Thị Phương Thúy, 1-9-2017.

[iv] Năm 1950, chiếc đầu máy xe lửa cuối cùng ở vùng tự do Liên khu V bị Pháp ném bom phá hỏng tại ga Hòa Vinh, Quảng Ngãi, từ đó đường sắt ở đây không hoạt động nữa. Người dân dùng toa tàu làm “goòng đẩy”. Họ buộc vào sau toa tàu một thanh tre ở ngang tầm người đứng, phía dưới có một tấm ván ở gần sát đường ray. Hai người đứng hai bên, tay bám vào thanh tre, một chân đứng trên tấm ván, còn chân kia liên tục đạp lên đường ray để đẩy cho toa tàu chạy. Goòng đẩy được sử dụng để đi lại giữa thị trấn An Tân ở Quảng Nam và thị trấn Bồng Sơn ở Bình Định suốt từ năm 1950 đến khi đình chiến năm 1954.

[v]   Một loại xe lắp bánh sắt dùng chạy trên đường tàu hỏa.

[vi] Cầu Họ nằm trên quốc lộ 21A, bắc qua sông Cầu Họ là ranh giới giữa huyện Bình Lục thuộc tỉnh Hà Nam và huyện Mỹ Lộc thuộc tỉnh Nam Định

[vii] Ông Võ Lăng quê ở tỉnh Bình Định, sau về Hà Nội học ngành khí tượng và công tác trong ngành này cho đến lúc nghỉ hưu.

[viii] Ông Lê Thược quê ở Bình Định, sau về Hà Nội học ngành điêu khắc tại trường Mỹ thuật ở phố Yết Kiêu (nay là trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam), rồi công tác tại trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, sau giải phóng miền Nam vào dạy ở trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh.