Ông ngoại tôi

Đăng lúc: 27-06-2019 9:40 Sáng - Đã xem: 171 lượt xem In bài viết

Hồi ức về  một cán bộ tiền khởi nghĩa, đảng viên 70 năm tuổi Đảng, thanh niên xung phong chống Pháp

Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng, yêu nước. Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã được ông kể cho nghe về những cuộc chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, những cuộc chiến đấu mà đích thân ông là người chỉ huy đơn vị đi đánh giặc cứu nước, cứu dân.

Liên phân đội  TNXP 312, đơn vị được Bác Hồ đến thăm và tặng 4 câu thơ tại xã Cẩm Giàng, Bạch Thông, Bắc Kạn

Ông ngoại tôi là là Đặng Hữu Bao, sinh năm 1928, mất tháng 6/2019. Ông quê ở xã Tân Cương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đảng viên 70 năm tuổi đảng; thương binh hạng ¾, cán bộ tiền khởi nghĩa. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, sống dưới thời phong kiến và nô lệ. Năm 1936, khi 7 tuổi ông đã được bố mẹ cho đi học cho đi học chữ quốc ngữ tại trường hàng tổng[i] ở thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Học hết lớp 2 vì nhà nghèo nên phải bỏ học đi ở thuê. Do cuộc sống bị bóc lột và nghèo khổ từ nhỏ nên ông sớm giác ngộ cách mạng ngay từ đầu, khi có phong trào cách mạng tại xóm Mới. Năm 1943-1944, ông đã tiếp xúc với nhiều cán bộ về hoạt động cách mạng tại gia đình nhà cụ Ký Nhuần. Đầu năm 1945 đã bắt đầu nhận nhiệm vụ bảo vệ canh gác và hoạt động thanh niên. Năm 1948, vừa tròn 20 tuổi, ông được tuyên bố chính thức là đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1949, ông được bầu vào ban chấp hành và phân công làm Bí thư thanh niên cứu quốc, Đảng đoàn thanh vận huyện.

Ông Đặng Hữu Bao đọc lời thề quyết tâm của Liên đội TNXP Hồ Tùng Mậu 
trước khi ra tuyến lửa phá bom nổ chậm ở Quốc lộ số 3, Bắc Kạn năm 1953

Năm 1951, khi ông tôi đang làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc (TNCQ)[ii] huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc – một huyện đang bị giặc Pháp chiếm đóng (vùng hậu địch) – thì được lệnh của Tỉnh ủy điều đi phụ trách thanh niên 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc, gia nhập Đội TNXP công tác Trung ương. Thời gian này ông được giao nhiều nhiệm vụ công tác khác nhau như: Bí thư chi bộ, Chỉ huy các Liên phân đội 308, Lê Lợi, Phan Đình Phùng, Hồ Tùng Mậu. Liên phân đội Hồ Tùng Mậu – tiền thân là Liên phân đội 312 – được Bác Hồ đến thăm và tặng 4 câu thơ lịch sử cho TNXP: “Không có việc gì khó…” tại thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kan tối ngày 20/3/1951.

Tổ tuần tra của Liên phân đội TNXP 312 đang lau chùi vũ khí chuẩn bị chiến đấu tại Bắc Kạn (ông Đặng Hữu Bao là người trên cùng bên phải)

Cuối năm 1953, theo chỉ thị của Bác Hồ,  Đội TNXP công tác Trung ương giải thể; Bác giao cho đồng chí thư ký Vũ Kỳ tổ chức một đội TNXP kiểu mẫu. Đó là Đoàn “XP” để làm nhiệm vụ kháng chiến và đào tạo cán bộ sau chiến tranh. Ông tôi được điều sang Đoàn “XP” làm Đại đội trưởng kiêm Bí thư chi bộ Đại đội 272 thuộc Đội 36, đơn vị phục vụ ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Được mấy tháng thì ông tôi được giao nhiệm vụ Liên chi ủy viên phụ trách tổ chức,  Trưởng ban Tổ chức Đội 36 kiêm Bí thư Liên chi đoàn TNCQ.

Bí thư Liên chi đoàn Đội 36 Đặng Hữu Bao ký giấy khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Tháng 7 – 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ[i] được ký kết, hòa bình Đông Dương được lập lại. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy 3 đại đội TNXP 270, 271, 272 về vùng giải phóng thị xã sơn Tây, thị xã Hà Đông và thủ đô Hà Nội. Một vinh dự lớn trước khi ông về vùng giải phóng và tiếp quản thủ đô Hà Nội là được Bác Hồ đến thăm và căn dặn nhiều điều. Khi về Hà Nội, ông được Ban chỉ huy Đoàn TNXP Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức một Đại đội TNXP gồm 3 trung đội với 164 cán bộ chiến sỹ có trang bị súng ngắn hóa trang bảo vệ các Bác Hồ và các lãnh đạo khác trong cuộc mít tinh và tuần hành mừng đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch trở về thủ đô  ngày 01-01-1955 của hàng chục vạn nhân dân thủ đô

TNXP chống Pháp được nhận Huân chương kháng chiến ngày 1/5/1955

Hoàn thành nhiệm vụ, ông được bầu là Chiến sỹ thi đua và được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa[ii] trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ha, được ghi sổ vàng số 364 của Viện Huân chương (trong số 64 người/ 3 vạn TNXP chống Pháp được nhận huân chương); được đăng thành tích trên Báo Nhân Dân số ra ngày 1/5/1955; được báo công về quê hương tại xã Tân Cương, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Mừng hòa bình Đông Dương được lập lại (1954)

Những năm tiếp theo ông được giao rất nhiều trọng trách và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đất nước thống nhất, trở về cuộc sống đời thường ông được tỉnh mời vào Ban Liên lạc TNXP của tỉnh Vĩnh Phúc. Đem hết khả năng và nhiệt tình phục vụ đồng đội, ông đã đi khắp các nơi để tìm đồng đội xem ai còn ai mất, đời sống ra sao, tham mưu với các cấp lãnh đạo quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ về tinh thần, hỗ trợ về kinh phí cho TNXP hoạt động; tổ chức được rất nhiều cuộc gặp mặt, tham quan; xác nhận nhiều bộ hồ sơ cho cựu TNXP được hưởng chế độ.

TNXP tập kết tại xã Vạn Phúc, Hà Đông năm 1954

Tôi còn nhớ khi còn rất nhỏ, ông tôi lóc cóc đi chiếc xe đạp cũ rích đến từng huyện, từng xã để tìm đồng đội để giải quyết chế độ cho họ. Điểm đầu tiên ông đến là xã Đồng Thịnh, huyện Lập Thạch, xã có người tham gia TNXP đông nhất tỉnh, 76 người. Họ ôm lấy ông tôi và khóc: “Anh Bao ơi, em tưởng anh chết rồi, gặp được anh chúng em mừng lắm, anh có giúp đỡ chúng em không? Chúng em không được một chế độ gì...” Sau đó ông tôi đã nhờ đài phát thanh, báo, đài truyền hình thông báo đến toàn tỉnh tìm đồng đội và giúp đồng đội giải quyết chế độ. Biết tin ông tôi còn sống, họ đã kéo từng đoàn đến gia đình. Hàng chục người được ông tôi bố trí ăn ngủ tại gia đình, nhà đông không còn chỗ ông tôi nhờ hàng xóm giúp đỡ bố trí ăn nghỉ cho họ để tập trung giải quyết chế độ cho đồng đội.

Ngày đó, nhiều lãnh đạo chưa hiểu gì về TNXP, không có tài liệu lưu trữ về TNXP, giải quyết chế độ rất vất vả, nhưng ông vẫn cố gắng và đã giúp cho đồng đội được hưởng chế độ. Nhiều người mang gà, lạc, gạo, sắn, ngô… xuống cảm ơn ông nhưng ông cười và nói: Đây là trách nhiệm, tôi không nhận bất cứ thứ gì của đồng đội.

Năm 2007, Hội Cựu TNXP tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập. Ông được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Tỉnh hội. Ông lại cùng các đồng chí trong Tỉnh hội tiếp tục tham gia giải quyết chế độ cho hàng ngàn hội viên. Đến năm 2013, do tuổi cao, sức yếu ông xin nghỉ công tác hội.

Ông Đặng Hữu Bao (1928 – 2019), vào Đảng ngày 15/8/1948

Ông tôi, một người luôn hết lòng vì tổ quốc, vì đồng đội, nay đã ra đi mãi mãi. Nhưng tài sản lớn nhất ông đã để lại cho con cháu, cho thế hệ trẻ là những những câu chuyện về một thời hào hùng, những tài liệu chân thực về TNXP chống Pháp.Ông kính yêu luôn sống mãi trong tâm trí tôi, cũng như những câu chuyện kể của ông tôi về thời chiến vẫn như văng vẳng bên tai hôm nào./.

Nguyễn Đặng Minh Ngọc

VP Tỉnh hội Vĩnh Phúc


[i] Hiệp định Genève 1954 (tiếng Việt: Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954) là hiệp định đình chiến được ký kết tại thành phố Genève, Thụy Sĩ để khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Hiệp định được ký ngày 20/7/1954.

[ii] Trần Đăng Khoa (1907-1989) là kỹ sư công chính, nhà chính trị Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông Công chính của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khóa VII, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Xô trong nhiều năm.

[i] Thời nhà Nguyễn, sau những chuyển biến lớn lao về mặt kinh tế, xã hội, đất nước ta đã trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tổ chức địa phương gồm có Dinh-Trấn, Phủ, Huyện, Tổng, Thuộc, Xã

[ii] Từ tháng 5 năm 1941 đến năm 1956, tên gọi của Đoàn là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam.