…Tôi nguyên là TNXP công trường 12B Hòa Bình 1959 – 1960, đi học lái xe ủi về công tác tại ngành Giao thông vận tải… Xe ủi của tôi hoàn thành nhiệm vụ mở đường 20, thì chuyển sang Binh trạm 14 cùng với Đội 25 TNXP bảo vệ đường từ Km 65 đến Km 83. Tôi phụ trách đội cơ giới, gồm xe ben, xe vận tải chở đá làm ngầm và xe ủi giải quyết thông đường.
Chiếc xe ủi không số đối với tôi thật tình sâu nghĩa nặng, nhiều lần che chở bom đạn cứu sống tôi và đồng đội, nó là chiếc “hầm di động” nó như hạt lúa củ khoai, ấy thế mà sức mạnh thần kỳ. Trải qua bom đạn, nay trơ ra mấy bộ phận lưỡi ben, thùng dầu, xích và tay lái, toàn thân nó nhằng nhịt hàng trăm vết đạn. Nó với tôi nhiều lần cưỡi lên bãi mìn, xiết nổ như ngô rang đẩy bom nổ chậm xuống vực. Địch dùng phương tiện chiến tranh hiện đại nhất nước Mỹ để chặn đường chi viện của ta. Thủ đoạn của chúng thả bom phát quang đến bom phá, bom từ trường, sau cùng là rải mìn hỗn hợp tai hồng, vướng nổ, nhằm cản đường không cho công binh tác nghiệp. Không chịu bó tay trước kẻ thù, cán bộ binh trạm đơn vị cùng nghiên cứu cách phá, thấy có kết quả giao trách nhiệm cho xe tôi thực hiện. Chúng tôi buộc từng bó nứa xung quanh thành xe ủi, trừ lưỡi ben, xích và khoảng trống nhỏ để nhìn. Phía trước dùng bó nứa dài đập dập đầu hình cái chổi, buộc cao hơn mặt đường; phía sau dùng sợi dây song, một đầu buộc vào cuối xe, một đầu buộc vài ngọn tre rừng, xe vừa đi vừa đẩy vừa quét, bao nhiêu mìn tai hồng, vướng nổ đều nổ hết. Thế là tất cả các loại bom, mìn hiện đại của Mỹ cũng chẳng có tác dụng gì trước ý chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội và TNXP.
Yêu cầu chi viện chiến trường rất cấp bách, lệnh của binh trạm phải thông đường để vận chuyển hàng lên phía trước, không cho phép tôi từ chối dù tôi đang mệt. Nghĩ vậy tôi đã gọi anh Kiều – Chính trị viên và anh Trữ – Đội phó để trao đổi nhiệm vụ, trước giờ xuất kích làm lễ truy điệu 4 đồng chí mới hy sinh phát động đơn vị lập công, trả thù cho đồng đội. Tôi lấy cương vị thủ trưởng đảm bảo tác nghiệp đêm nay. Bên ngoài tiếng máy bay C130 vọng từ Cà Roòng thả pháo sáng báo hiệu trời tối. Tôi lên đường, anh em tiễn tôi đến chỗ giấu xe. Những cử chỉ của họ tỏ vẻ bịn rịn. Thấy vậy tôi giục họ về: “Tớ có thế nào thì về quê động viên vợ, con thay tớ“. Những tình cảm đồng đội, đồng chí làm cho tôi chạnh lòng. Nếu chết đêm nay cũng xứng đáng với người cha xã đội trưởng bị hy sinh, vinh dự cho gia đình, hai cha con là liệt sĩ, bố chống Pháp, con chống Mỹ. Tôi lên xe xuất phát. “Người bạn tri kỷ” của tôi chậm chạp bò lên ủi đất đá xuống thung lũng. Phía trước xe, từng tốp anh chị em C5 cầm mảnh vải dù trắng đứng làm cọc tiêu, chỉ hố bom, khu vực có bom nổ chậm và dùng xà beng đẩy những tảng đá lớn, dọn đường cho xe tác nghiệp.
…Từ chập tối đến giờ địch không đánh, công việc còn khoảng 1/3 thì có tiếng súng báo động máy bay, anh chị em kịp chạy vào hầm còn tôi nhảy xuống chui vào gầm xe. Hai tiếng bom tọa độ nổ ngay trên ta luy, đất trùm kín xe. Máy bay bay đi, anh em vội vàng chạy đến tưởng xe và người trúng bom, nhưng có anh phát hiện xích xe lộ ra, vội hô đem cuốc xẻng lại xúm xít đào bới, không khí ùa vào tôi tỉnh dần, giọng yếu ớt: “Bới phía sau để xe lùi“. Anh em reo: “A anh Đề còn sống!” Tôi bò ra, anh chị em xúm quanh. Các đồng chí trong ban chỉ huy đội xe cũng tới nơi nắn sờ xem có bị thương không, tôi lắc đầu rồi uống nước, ăn phong bánh khô và viên tăng lực, sức khỏe trở lại bình thường. Đồng chí Hồng lái phụ bảo: “Anh để em làm nốt, anh về nghỉ“. Tôi bảo: “Xe chưa qua chiếc nào, khối lượng còn nhiều lại còn đất đá địch mới đánh, cậu giải quyết sao nổi, thôi để đấy giải lao, tí nữa tôi làm nốt. Thân tôi dù nát, đường này phải thông”. Một lát sau, tôi đứng dậy cử động, nhảy lên xe nổ máy, xe vẫn tốt, tôi rú ga, lùi xe lấy đà, húc đống đất lấp đường vừa bị địch đánh và khối lượng đất đá cũ xuống vực. Đúng 2 giờ sáng đường thông, đoàn xe Zin từng chiếc lắc lư bò qua Cua chữ A và xuống ngầm Ta Lê, đi lên…
… Vào một đêm cuối năm, sau những lần máy bay B52 rải thảm, 3 tốp tiêm kích đánh vào đèo Phu La Nhích. Chiều hôm sau, một trung đội của D33 làm gần xong phần đất, còn lại khoảng 600m3 đá to, công binh đánh mìn, chuẩn bị cho cơ giới tác nghiệp. Theo lệnh binh trạm, bằng mọi giá phải đảm bảo thông đường cho hai tiểu đoàn 52, 781 với số lượng xe vào nhiều nhất. Cơm nước và chuẩn bị xong, tôi ra xe nổ máy, xe từ từ leo lên đồi thì đồng chí Hoàng Trá, binh trạm trưởng xuất hiện, ra hiệu xe tôi dừng lại. Khi đã ngồi trên xe đồng chí bảo tôi: “Đề cứ yên tâm lái, tớ làm lái phụ, cẩn thận nếu xe mà tụt xuống vực là mất “át chủ bài” thông đường“. Tôi bảo: “Thủ trưởng cứ xuống barie chỉ huy, thủ trưởng quan trọng gấp bội tôi, tôi hy sinh sẽ có người thay“. Đồng chí bảo: “Thôi cứ cho xe làm“. Đành vậy, tôi rú ga, bò lên, đẩy những ben đá đầy ắp gạt xuống vực. C130 bay từ phía Lùm Bùm về ATP phát hiện được, gọi AD4 đến đánh. Chúng tôi vội vàng nhảy xuống, chui gầm xe tránh bom, đất đá tung tóe hắt vào gầm. Hết đợt oanh tạc, chúng tôi chui ra phủi bụi, lên xe rú ga, tiếp tục tác nghiệp. Đồng chí Trá nói giọng đặc sệt Quảng Bình “Hề bom Mỹ cũng nể cái trốc của anh eng miềng hề“. Lại có súng báo động máy bay B52, đồng chí ra lệnh tất cả anh em vào hầm trú ẩn. Tôi dừng lại, nói với đồng chí Trá, Thủ trưởng để tôi làm nốt hố bom này, chưa chắc địch đánh ở đây, mà có đánh chưa chắc đã trúng. Vừa dứt lời thì có những tia chớp loằng nhoằng. Chúng tôi chui vội vào gầm xe thì một loạt bom nổ như sấm rền. Một quả bom rơi trúng đỉnh ta luy chỗ xe tôi. Hết 3 loạt bom chúng tôi chui ra. Xe an toàn quả, bom làm sụt thêm vài chục khối, chúng tôi lại lên xe, rú ga làm chừng 15 phút nữa thì tạm thông đường, đồng chí Trá mừng rỡ bảo tôi: “Ta báo thông đường nhé“. “Vâng!” Xe tôi về bãi giấu xe, tiếp đó là đoàn xe vận tải lắc lư vượt ngầm qua đèo đi lên phía trước…
…Những năm 1966, 1967, 1968, 1969 tôi và xe đã làm hàng vạn khối đá, đất, mở đường và cứu đường trên bãi bom đạn hiện đại nhất nước Mỹ, đảm bảo thông tuyến, chi viện cho tiền phương. Tết Nguyên đán năm đó, tôi cũng ở Trường Sơn, đón nghe thơ chúc tết của Bác Hồ. Vâng, vui lắm, miền Nam thắng lợi. Quê hương Đông Hưng – Thái Bình của chúng tôi đã giữ vững ngọn cờ 5 tấn và đóng góp cho chiến trường “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Riêng tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Sau này, Bộ Quốc phòng phong cấp Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Quân đội Nhân dân…
Lược trích Vũ Tiến Đề kể
Mai Xuân Tiềm ghi
Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015