Cựu thanh niên xung phong Lê Thanh Hải, nuôi tôm giỏi, làm công tác hội tốt

Đăng lúc: 29-10-2019 2:37 Chiều - Đã xem: 57 lượt xem In bài viết

Ngay từ những ngày đầu, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cấp bộ Đoàn trong cả nước, lực lượng TNXP đã sáng tạo nhiều hình thức, nhiều loại hình hoạt động thu hút đông đảo đoàn viên và thanh niên tham gia, góp phần tích cực khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân trong xã hội.

Hậu quả của 30 năm chiến tranh đã để lại trên vùng đất Phú Yên hết sức nặng nề: Phần lớn đất đai canh tác bị phong hóa[i], làng xóm bị tàn phá, hàng ngàn người bị thương tật, nhiều bãi mìn chưa được gỡ, hàng vạn hố bom loang lổ khắp nơi. Do chính sách cưỡng ép, dồn dân của địch, hàng chục vạn đồng bào ở vùng nông thôn trong tỉnh phải chạy vào các vùng đô thị Tuy Hòa, Sông Cầu, Tuy An, … tạo nên cuộc sống bất ổn định cho các đô thị. Đối với thanh niên, chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ còn để lại những hậu quả hết sức xót xa: Nạn ma túy, gái mại dâm, bọn lưu manh, trộm cắp, thất nghiệp lan tràn, …

Với khí thế hào hùng của người chiến thắng, được sự trực tiếp chỉ đạo cua Tỉnh ủy, Trung ương Đoàn, lực lượng TNXP Phú Yên hăng hái, tích cực, đi đầu thực hiện các nhiệm vụ cách mạng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện nghị quyết của tỉnh ủy Phú Khánh[ii]: “phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu”, phong trào khai hoang phục hóa được triển khai sôi động trong toàn tỉnh. Sau ngày 03/11/1975 nhiều điểm kinh tế mới đã hình thành trong toàn tỉnh Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa), như Sơn Thành, Chí Thán, Nhiểu Giang, Sơn Nguyên, Lỗ Rong (Hòa Hội), Cẩm Tú (Hòa Kiến), Đa Lộc…

Tháng 2/1976, Tổng đội TNXP huyện Tuy Hòa được thành lập (bao gồm Thành phố Tuy Hòa, các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Phú Hòa ngày nay) đã tập hợp 1.000 thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới tại Lỗ Rong, Nhiểu Giang, Sơn Nguyên. Việc thành lập Tổng đội TNXP Phú Khánh đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong lực thanh niên quyết tâm xây dựng cuộc sống mới bằng chính sức lao động sáng tạo và lòng quả cảm của thế hệ trẻ thanh niên sẵn sàng từ bỏ lối sống cũ, chỉ lo hưởng thụ, ích kỷ…

Theo tiếng gọi của Tố quốc, anh Lê Thanh Hải (SN 1955), quê ở Thôn Uất Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đi tham gia TNXP từ ngày 06/6/1976 đến 12/8/1982. Sáu năm phục vụ tại các điểm kinh tế mới Sông Hinh, Sơn Hòa, thuộc Tổng đội TNXP Phú Khánh, anh trở về địa phương lập gia đình với chị Đặng Thị Kim Kỹ, cũng là TNXP cùng đơn vị. Sau khi thành lập gia đình, anh vào hợp tác xã Hòa Hiệp Bắc.

Tham gia hợp tác xã có thu nhập thấp, không đủ nuôi con, nên năm 1999 anh đã xin ra và thành lập trang trại gia đình nuôi tôm trên biển. Những năm đầu nuôi tôm gặp muôn vàng khó khăn, tôm bệnh, chết, lỗ vốn. Suốt giai đoạn 2005 – 2008 vợ chồng anh Lê Thanh Hải liên tục bị thất bại, không có kinh nghiệm, tôm chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh Hải tham gia lớp học tập trong 3 tháng về quy trình công nghệ nuôi tôm sạch do Trung ương tổ chức tại các tỉnh phía Nam. Kết hợp kiến thức trong lớp, với tự nghiên cứu, tìm tòi kinh nghiệm của những người nuôi tôm thành công ở địa phương và các tỉnh bạn, đã nắm được mô hình nuôi tôm sạch, anh đầu tư 1 tỷ đồng cho trang trại. 10 năm nay doanh thu hàng năm 650 triệu, lợi nhuận khoảng 400 triệu. Anh rút ra kinh nghiệm: “Nuôi tôm theo mô hình này đòi hỏi khả khắc khe về quá trình xử lý nước trước khỉ thả tôm nuôi; lựa chọn con giống có chất lượng, qua kiểm dịch; nuôi thưa, đúng quy trình”  

Thêm vào đó trang trại nuôi tôm sạch của anh Lê Thanh Hải cũng giải quyết công ăn việc làm hàng năm cho 10 – 15 lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Những lao động này đều là những đồng nghiệp hay con em cựu TNXP trong đơn vị.

Không chỉ tích cực trong nuôi tôm sạch, anh Lê Thanh Hải còn giúp đỡ hội viên cựu TNXP nghèo, khó khăn 10 triệu đồng/năm; hổ trợ hoạt động Hội (huyện, xã): 40 triệu đồng/năm.

Anh Lê Thanh Hải hiện nay là Uy viên Ban chấp hành Huyện hội Đông Hòa, kiêm Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP xã Hòa Hiệp Bắc.

Gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành có công ăn việc làm ổn định, vợ chồng luôn động viên nhau: “Mình từng là TNXP, sau ngày giải phóng đất nước không ngại khó khăn, vất vả, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Giờ đây, trong thời hòa bình, mình càng giữ nguyên tinh thần, phẩm chất của TNXP trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”.

Với những thành tích, kết quả đã đạt được, Hội Cựu TNXP tỉnh Phú Yên và Ủy ban nhân dân huyện Đông Hòa đã cấp giấy khen cho vợ chồng anh Lê Thanh Hải./.

 

Năm Thử


[i] làng xóm bị tàn phá, hàng ngàn người bị thương tật, nhiều bãi mìn chưa được gỡ,

[ii] Ngày 29/10/1975 Ủy ban nhân dân cách mạng khu Trung trung bộ (Khu V) ban hành Quyết định số 155/QĐ về việc hợp nhất hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh từ ngày 03/11/1975.