Đồng đội của chúng tôi: Người đội viên thanh niên xung phong, người chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đăng lúc: 30-10-2019 10:34 Sáng - Đã xem: 64 lượt xem In bài viết

Một buổi trưa hè, tôi và anh Phạm Quốc Chiến – Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Kim Bảng – trên đường đi từ khu du lịch Tam Chúc[1] về,  vào thăm một ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP xã Tân Sơn, chủ “Mô hình làm kinh tế đồi rừng và dịch vụ thương nghiệp” của huyện nhiều năm nay. Ngồi uống nước trà xanh dưới bóng mát của những cây nhãn, cây bưởi, cây khế ngắm vườn na trĩu quả, cảm nhận mùi thơm của hương lúa chuẩn bị vào mùa thu hoạch, hương cỏ sả, lá chanh thoang thoảng trong nắng hè, những câu chuyện giữa chúng tôi và vợ chồng đồng chí cứ râm ran giữa trưa hè.

Đồng chí là Đỗ Xuân Hãn (ảnh trên), sinh năm 1947 tại một ngôi làng cạnh dòng sông Đáy có cái tên gọi rất là xưa: Tân Lang, xã Tân Sơn là một vùng quê bán sơn địa của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Ngày 28/6/1965, vừa tròn 18 tuổi – cái tuổi “ bẻ gãy sừng trâu” – đồng chí làm đơn tình nguyện xung phong gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước, biên chế vào C451, Tổng đội Trần Văn Chuông, tỉnh Hà Nam sau này là C351- Đội 35, Tổng Công ty 4. Anh đã cùng bao đồng đội đội mưa bom, bám trụ giữ vững mạch máu giao thông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một đội viên TNXP trên tuyến đường Hương Khê – Tân Đức tỉnh Hà Tĩnh; Minh Cầm- Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Gắn bó máu thịt với các trọng điểm ga Chu Lễ, ngầm Đập Làng, cầu Đò Vàng, hang Minh Cầm, ga Kim Lũ từ tháng 6/1965 đến tháng 9.1969. Năm 1970 đến 1973, đồng chí được chỉ định đi học trung cấp. Tốt nghiệp ngành đường sắt năm 1973 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, cần sức người, sức của cho chiến trường miền Nam nên cuối năm 1973 đồng chí lại gia nhập lực lượng quân đội chiến đấu ở Sư đoàn 341 Quảng Trị. Năm 1977, phục viên về địa phương.

Rời quân ngũ trở về với quê hương, sống cuộc sống đời thường. Cuộc sống sau chiến tranh với bộn bề khó khăn, vất vả đối với những người lính. Đồng chí đã xác định phải tìm cách vượt qua khó khăn, vươn lên thoát đói nghèo. Lời Bác dạy TNXP “Không có việc gì khó – Chỉ sợ lòng không bền – Đào núi và lấp biển – Quyết chí ắt làm nên” lại vọng về trong tiềm thức của đồng chí…

Gặp cơ chế Khoán 10[2], Nhà nước mở cửa cho phát triển kinh tế tư nhân. Vận dụng theo thực tế địa hình của địa phương là nơi bán sơn địa có đồi rừng bỏ hoang không trồng trọt gì, đồng chí quyết định đề nghị với chính quyền địa phương nhận khoán 2,7 ha đối rừng bỏ hoang trong 50 năm. Đồi rừng được khoán, nông nghiệp cũng thực hiện khoán đồng chí lại đề nghị xin 6 sào ruộng xấu nhất và khó nhất kề sát chân đồi để tiện cho việc sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Thế là đồng chí đã có 1 diện tích đồi rừng cộng ruộng canh tác khá rộng. Khi có diện tích gia đình đồng chí ra sức khai hoang, phục hóa, san lấp nên đồi rừng đã thành mặt bằng đẹp đẽ. Trên đồi đồng chí trồng 1.500 cây na giai cùng các loại cây nhãn, bưởi, khế, xoài… Sau 3 đến 5 năm cây na đã phát triển xanh tốt thành rừng na thu hoạch được 3 tấn quả (giá bán bình quân là 20.000 đồng/1kg, thu nhập 60 triệu đồng/ năm)… Dưới bóng  cây đồng chí nuôi gà thịt mỗi năm hai lứa, mỗi lứa khoảng 400 – 450 con, tổng cả năm 800 – 900 con gà, bình quân mỗi con nặng 2,3 -2,5 kg, giá 90.000 đồng/1kg, cả năm thu được 1.900kg gà thịt bằng 170 triệu đồng (trừ chi phí khoảng 50 triệu đồng). Ngoài ra đồng chí còn chăn nuôi những gia cầm khác mỗi năm cũng thu khoảng 50 triệu đồng; thu nhập trên ruộng 1,2 – 1,5 tấn thóc/1 năm. Đây là điều kiện để có thức ăn phát triển chăn nuôi.

Như vậy tổng cả năm thu khoảng 220 triệu đồng, ngoài ra còn có 5 gian nhà cho thuê, mỗi căn cho thuê từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ tháng, đó là mức thu cố định một tháng còn nữa mùa du lịch chùa Hương đồng chí còn có một dãy nhà làm dịch vụ ăn, nghỉ cho khách thập phương đi chùa. Công việc kinh doanh ổn định, thu nhập ổn định, con cái thành đạt, nhân công thuê là các con, em cựu chiến binh, cựu TNXP lúc mùa vụ từ 3-5 người, thực hiện nộp ngân sách Nhà nước đầy đủ. Sau bao năm vất vả đ/c đã tích lũy và xây dựng căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi hiện đại với giá trị gần hai tỷ đồng.

Phát huy truyền thống của TNXP đồng chí luôn đi đầu, vượt khó để vươn lên làm giàu cho gia đình, cho quê hương. Hưởng ứng phong trào: “Cựu TNXP giúp nhau vươn lên, xóa đói, giảm nghèo”, đồng chí luôn sáng tạo trong lao động nhận những nơi khó khăn nhất, lại cho thu nhập cao nhất; thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, giáo dục con cháu chăm ngoan không mắc các tệ nạn xã hội. Hàng năm gia đình đều đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa kiểu mẫu ở khu dân cư. Đồng chí luôn quan tâm đến đồng đội, tổ chức tìm đồng đội của đơn vị mình ở các xã trong huyện Kim Bảng và huyện Duy Tiên để tổ chức gặp mặt vào ngày truyền thống (28/6/1965 hàng năm); nhắc nhở anh em giữ gìn phẩm chất TNXP, để phẩm chất TNXP tỏa sáng trong cuộc sống đời thường; động viên đồng đội thăm hỏi, giúp đỡ những đồng chí, đồng đội yếu đau, khó khăn về kinh tế 2-3 triệu đồng.

Lúc nào đồng chí cũng vui vẻ, hòa đồng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của một ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu TNXP xã, Ủy viên Ban liên lạc truyền thống của C351; luôn được đồng đội quý mến, tin yêu được lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương, hội huyện, hội tỉnh tin tưởng. Đồng chí đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của TW hội, Tỉnh hội, Huyện hội và nhiều phần thưởng khác.

          Tôi và đồng đội tôi cảm phục và luôn học tập đồng chí!

 Tạ Thị Hoán

Hà Nam

 


[1] Khu du lịch Tam Chúc được mệnh đanh là “Vịnh Hạ Long trên cạn” nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

[2] “Khoán 10” hay “Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1988”, tháo bỏ sự ràng buộc, kìm hãm của cơ chế quản lý lạc hậu, đưa Việt nam bao năm thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới