Đi lên từ gian khó

Đăng lúc: 05-11-2019 1:55 Chiều - Đã xem: 133 lượt xem In bài viết

Về thăm Hội Cựu TNXP xã An Lập, vùng đất anh hùng còn mang nhiều vết tích chiến tranh, gặp những con người kiên cường trong chiến đấu, cần cù trong lao động của vùng đất này thật là rất đáng trân quí. Bộ mặt xã An Lập ngày nay đã có nhiều đổi thay nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn ít nhiều khó khăn, vất vả trên mảnh ruộng, mảnh vườn cao su, vườn điều. Trong số những gương mặt “đầu trần chân đất” đi lên từ trong gian khó ấy có vợ chồng hội viên cựu TNXP Lê Quang Đấu (SN 1941).

Anh Lê Quang Đấu giới thiệu sản phẩm của mình

Anh kể cho tôi nghe những năm tháng tuổi trẻ của người con trai xứ Thanh, năm 1968 nhập ngũ đợn vị TNXP C2932 – N293- P31 phục vụ trên địa bàn Quảng Bình – Quảng Trị, là Đại đội phó hậu cần. Năm 1973, ra quân anh về quê ở xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy vợ là đồng đội cùng đơn vị. Năm 1984, anh cùng gia đình vào lập nghiệp tại đất Kiến An, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương ngày nay.

Lúc đầu anh làm công nhân trồng cao su, con cái nhỏ dại, đời sống vô cùng khó khăn, nhưng anh vẫn cố gắng dành dụm, anh tích cóp tiền. Năm 2009 anh mua được 01 ha đất trồng điều, nhưng giá cả hạt điiều cũng không ổn định, mức thu nhập hàng năm cũng không lo đủ chén cơm manh cho vợ chồng và 3 đứa con, anh quyết định phá bỏ vườn điều trồng cao su, nhưng cũng không đủ sống.

 Nghị lực người lính TNXP năm nào dạy anh không đầu hàng với nghèo khó. Đến năm 2011, sau khi chia đất cho con cái xong, vợ chồng bàn nhau thanh lý vườn cao su chuyển sang mở xưởng sản xuất bánh tráng. Anh khăn gói tìm đến vùng đất Cũ Chi thành phố hồ Chí Minh học làm nghề bánh tráng. Có lẽ trời không phụ lòng người yêu đất, chính quyền, nhân dân và đồng đội xã An Lập luôn cưu mang giúp đỡ anh vượt qua những ngày tháng khó khăn đầu tiên của nghề làm bánh tráng.

    Không đủ vốn, thiếu trang bị máy móc nên sản lượng bánh tráng làm ra một ngày chỉ 200kg, sau khi trừ chi phí sản xuất thì không có lãi. Song, anh tiếp tục vay tiền Ngân hàng, vay tiền từ quỹ nghĩa tình đồng đội. Với diện tích mặt bằng 0,8ha và vốn đầu tư ban đầu vài trăm triệu đồng, anh mua 04 cối đánh bột, 01 dàn máy tráng bánh công suất 3,5 mã lực, 01 máy cắt bánh tự động, với 20 công nhân lao động, trung bình một ngày cho ra 700 kg sản phẩm bánh tráng, mỗi năm doanh số bán ra khoảng một tỷ đồng, lãi sau thuế hàng trăm triệu đồng.

Công nhân gỡ bánh tráng sau khi phơi khô

Nhớ lại những ngày tháng “vạn sự khởi đầu nan” thật là khó khăn, thiếu thốn về vốn, về trang thiết bị, thiếu tiền thuê công nhân. Nhưng anh rất tâm đắc của bài học thành công đến từ lòng kiên nhẫn, chịu khó và quyết tâm cao, không chùn bước trước khó khăn của người TNXP năm xưa đã giúp anh đủ nghị lực đi lên. Anh mỉm cười đọc lại câu thơ của Bác để cùng suy ngẫm sự đời: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

  Luôn bên cạnh anh để động viên, chia sẻ những lúc công việc thất bại, những khó khăn, tiếp nguồn năng lượng dồi dào cho anh khi công việc thành công, không thể không nói đến người đồng đội, người bạn đời của anh là chị Trần Thị Thái, người  cùng đơn vị TNXP với anh. Những năm tháng công tác bên nhau, tình yêu quê hương, đất nước, tình đồng đội đã nuôi lớn và cột chặt tình yêu lứa đội của anh chị từ trong chiến tranh cho đến bây giờ. Tính nết chị hiền lành, ít nói nhưng một dạ thủy chung, một mực kề vai sát cánh với anh đi đến cuối cuộc đời.

Anh tâm sự: “Mình già rồi, tết năm nay là 80 tuổi, quỹ thời gian không còn nhiều, bây giờ sống vì nghĩa vì tình nhiều hơn giá trị vật chất anh ạ. Tôi chưa đóng nhiều cho hoạt động xã hội, nhưng tôi luôn ủng hộ các chương trình từ thiện với địa phương, hiến đất làm đường đi nông thôn. Với Hội Cựu TNXP và anh chị em hội viên tôi giúp hết khả năng như tư vấn cho anh em hội viên nuôi trâu, góp quỹ cho Hội hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, với anh chị em công nhân tôi cất nhà cho họ ở không lấy tiền, không thu tiền điện nước, hàng tháng giúp gạo ăn cho công nhân nghèo.

    Nếu mình sống rộng lượng thì nhẹ lòng hơn anh à, biết bao đồng đội TNXP mình đã hy sinh trong chiến đấu, người còn sống thì lao động quên mình, xây dựng gia đình hạnh phúc, nhưng đâu đó đời sống vẫn còn khó khăn, thiếu thốn, nên mổi đồng đội chúng ta phải làm việc gì đó góp một tay giúp hội viên còn nghèo khó, anh chị em bệnh tật nan y, neo đơn, không nơi nương tựa, để chia sẻ hạnh phúc với mọi người. Lần này đi dự hội nghị “Cựu TNXP sản xuất giỏi – Vì nghĩa tình dồng đội” toàn quốc, tôi sẽ ủng hộ hội nghị một số tiền thể hiện tấm lòng của mình.

Mãnh đất xã An Lập, Dầu Tiếng, Bình Dương là quê hương thứ hai của vợ chồng tôi nhưng nó lại vô cùng gắn bó với  những ký ức về một thời gian khó đi lên xây dưngng cuộc sống gia đình hạnh phúc như hôm nay, người dân An Lập cần cù, tốt bụng, trọng nghĩa trọng tình, đồng đội TNXP huyện Dầu Tiếng, nơi có khu di tích văn hóa lịch sử TNXP là Đền thờ TNXP tỉnh Bình Dương và Tượng đài nữ TNXP Đoàn Thị Liên, Anh hùng LLVTND. Phải sống sao cho xứng đáng với đồng bào, đồng chí đã ngã xuống mảnh đất này, góp công sức bé nhỏ của bản thân để xây dựng Bình Dương văn minh, giàu đẹp.”

Tác giả bài viết với sản phẩm bánh tráng đã đóng gói để gửi đi

Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 Tỉnh hội Bình Dương sẽ mời anh tham gia Ban chấp hành để góp phần đưa phong trào “Cựu TNXP sản xuất giỏi – Vì nghĩa tình đồng đội” phát triển sâu rộng và hiệu quả hơn

Chia tay anh người hội viên Cựu TNXP tuổi cao nhưng đã truyền cho tôi một năng lượng tích cực, một sức sống và niềm tin với cuộc sống.

                                                    Trần Chí Cường

Phó Chủ tịch  Hội Cựu TNXP tỉnh Bình Dương