Chị Ngô Thị Tiến (SN 1960) là TNXP của C3 TNXP Lào Cai tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
Gặp chị trong buổi chiều thu giữa vườn hoa hồng hơn một mẫu Bắc bộ. Thôi thì đủ loại hoa hồng: Hồng Đà Lạt, hồng phấn, hồng nhung, hồng bạch, hồng chùm….. tầng tầng, lớp lớp các cây. Có cây hồng cổ thụ cao hơn 3m, hoa thì tuyệt đẹp, dưới là cây nhỡ 1,2 m, thấp nữa 1m, 0,8m. Ngẩn ngơ ngắm vườn hồng tôi tự hỏi: “Tại sao giữa thành phố Phủ Lý nhỏ bé này sao lại có một vườn hồng rộng đẹp đến như thế…phải mất bao thời gian nhỉ?”.
Vợ chồng chị Ngô Thị Tiến
Theo chị về nhà. Nhà với đầy đủ tiện nghi, có cả camera bảo vệ trước và sau nhà …Tôi lại bị cuốn hút vào cây hoa mẫu đơn, cây khế, cây bưởi và vườn hồng trước cửa. Tiến còn nói nhỏ với tôi: Có cây hồng cổ em bán tới 25 triệu theo đơn đặt đó chị. Gần tết nhà em lúc nào cũng có khách tới mua. Bận lắm chị ơi. Nhìn Tiến cười thận hạnh phúc.
Tiến giới thiệu với tôi, chồng là bộ đội về, do lúc đó em bị bệnh nhớ nhớ quên, quên cả con nhỏ, buộc lòng anh phải ra quân về chăm gia đình. Nhờ bàn tay nghệ nhân, chồng em mới tạo nên những cây cảnh đẹp đến như vậy đấy chị ạ….Anh nhìn tôi cười đến là hiền: Bắt buộc thôi mà chị, yêu thiên nhiên, yêu cây và đất!
“Tháng 6/1979, 19 tuổi, em làm công nhân Lâm trường Lào Cai. Tháng 10/1979 em gia nhập TNXP C3- TNXP thị xã Lào Cai làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, cùng bộ đội đi tháo gỡ bom mìn, vận chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên các cao điểm cho các đơn vị bộ đội, tham gia trồng rau xanh, tập bắn …. Đến tháng 11/1981 đơn vị TNXP bàn giao sang Ty Giao thông. Thế là chúng em về quê.” Tiến bộc bạch lòng mình.
Khi trở về quê nhà sinh sống, năm đầu gặp không ít khó khăn về kinh tế, rồi xây dựng gia đình, em về sống cùng cha mẹ chồng. Hai tháng bố mẹ cho ở riêng, chao ơi sao mà khốn khó vậy, chồng đi bộ đội chưa về, ở một gian nhà nhỏ gần nhà chồng, thôi thì thiếu thốn mọi bề, ăn bữa nay, lo bữa mai….muôn sự vất vả. Những đêm mưa ngồi ôm con khóc mà không dám viết thư kể khổ cho chồng hay, thỉnh thoảng anh về phép lại đưa cho vợ một khoản tiền tiết kiệm. Đúng lúc đó em bị bệnh bỏ nhà đi hàng tháng khôn nhớ mình có chồng, có con, đi lang thang khắp nơi, đi ăn xin, gặp đâu xin ăn đấy, đến giờ vào đền Cô Bơ mấy cụ già cưu mang em gặp lại buồn cười lắm chị nhé. Ông xã em, sỹ quan cũng phải xin xuất ngũ, đi tìm vợ hàng mấy tháng mới thấy và đưa về. Chị cười nhìn chồng: Tưởng anh bỏ em hè …. chuyện có thật mà chị.
Khi có chồng bên cạnh chia sẻ, lo chữa bệnh cho vợ, trong nhà dù có thiếu ăn xong vẫn có nụ cười an ủi, khi đói, khi no, rồi ông xã xin đầm ao gần nhà, đổ đất trồng rau nuôi gà, nuôi lợn một làm lán tăng gia cứ như vậy như trời thấu hiểu, nỗi khổ cũng qua đi. Sau khi được cấp đất làm nhà tại nơi đã vượt từ mặt nước đó. gia đình con cái học hành cứ theo thời gian năm tháng em ít lo tới cơm áo gạo tiền nữa, vẫn làm ruộng, chăn nuôi nhưng rồi sự cố xẩy ra dịch lợn tai xanh, gà dịch H5N1. Thế là mọi nỗ lực của chồng, con lại bắt đầu từ con số không. Thật sự chồng em, con em lúc này cũng bí bách chưa tìm ra hướng đi…Chồng em thường động viên, khó khăn qua nhiều rồi giờ không thiếu ăn, chỉ thiếu vốn, thôi lại bắt đầu từ đầu. Anh lại giơ tay: Tiền đây Tiến nhỉ, cố lên mẹ cu nhé…. Trong lúc đó con em đi bộ đội, đóng quân tại Sa Pa.
Năm 2000 con em ra quân. Sẵn có mối quan hệ bạn bè thời quân ngũ cháu về bàn cùng bố mẹ. vợ chồng em lại quyết định vào trận cải cách cuộc sống. Em vay ngân hàng 50 triệu mua cây giống, mua chậu cảnh. Chồng em lại tiếp tục học nghề chiết, nhân giống cây hoa hồng các loại; mua các cây hoa về tạo dáng…Khi thị trường có nhu cầu chơi hoa đúng lúc vườn nhà bắt đầu có thu hoạch. Lần đầu bán 20 cây đã đủ vốn trả vay ngân hàng. Thật bất ngờ năm 2017 số cây hoa trong vườn tôi đã bán được 203 triệu. Em tiếp tục thuê thêm một 1.500m2 để cây, chậu cảnh, cứ vào cuối năm lại vận chuyển bán theo nhu cầu đặt hàng, Hiện nay em đã có vườn thuê tại Sa Pa, Hà Nội, Đà Nẵng …thuê người bán hay bán qua mạng. Trong vườn nhà ngày nào cũng thuê 4-5 nhân công làm vườn, tưới cây, làm cỏ, mức thu nhập một người 300.000đ/ngày.
Năm 2019 doanh thu bán hồng cảnh được 950 triệu, trừ chi phí còn lại là 250 triệu em lại tiếp đầu tư vào cây, chậu cảnh cho năm tiếp theo.
Khi đã có tích luỹ em nghĩ đến đồng đội đã từng tham gia chống quân Trung Quốc xâm lược bảo vệ biên giới phía bắc đến nay sau gần bốn mươi năm trở về ngoài quyết định để được hưởng 3 tháng lương thực còn không còn giấy tờ để làm chế độ cho TNXP tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới theo Quyết định 62.
Em lặn lội đến các cơ quan, tìm nhân chứng sống là các đồng chí lãnh đạo thời đó như Nguyễn Thị Hằng (nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), Nguyễn Văn Hoà nguyên Thường vụ, Trưởng ban tổ chức Tỉnh uỷ Lào Cai… Kết quả đến nay Ban chính sách phường, Hội Cựu TNXP tỉnh đồng tình ủng hộ có văn bản đối với Sở LĐTBXH, UBND tỉnh đê nghị giải quyết chính sách theo Quyết định 62 cho TNXP tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc được 22 đồng chí trong phường. Mọi chi phí đi lại em tự bỏ ra.
Chị nhìn anh cười thật vui: Đấy là quyết tâm, kiên trì vượt khó của em mà! Chị nhìn anh nói: Nhờ bàn tay vàng cuả mình, của con ủng hộ em đó thôi!
Nghe chuyện của Ngô Thị Tiến tôi cứ ngỡ như bỡn đùa vậy.
Bước sang tuổi 59 tất cả sản nghiệp vợ chồng vất vả gây dựng nên đang được con chị nối tiếp. Những cây hồng cảnh đang được bày bán ở các đô thị lớn trong nước. Điều tôi ấn tượng nhất là một phụ nữ đẹp, rắn rỏi. tự tin có nụ cười nhân hậu. Nhìn chị một ngày với bao công việc riêng, chung mà tôi như thấy một tiểu đội trưởng TNXP trẻ trung ngày nào, hăng hái, nhiệt tình, nói là làm mà các anh chị cùng đơn vị ca ngợi.
Nguyễn Thị Kim Tiên
Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Hà Nam