Một nữ cựu thanh niên xung phong Quảng Bình làm việc thiện bằng cả tấm lòng

Đăng lúc: 02-05-2020 3:37 Chiều - Đã xem: 333 lượt xem In bài viết

        Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình – Nguyễn Văn Xiển – cho biết: Hội viên cựu TNXP Lê Thị Thuận hoạt động rất năng nổ, tham gia đảm nhận nhiều công việc được giao. Đặc biệt, Thuận rất giàu lòng nhân ái, nói đi đôi với làm. Chị đã tổ chức Câu lạc bộ (CLB) An sinh xã hội với hình thức quyên góp làm từ thiện; tiếp nhận được nhiều gạo, quà giúp các gia đình nghèo, khó khăn ở các xã, phường. Riêng tại phường Nam Lý, hằng năm chị Thuận đều quyên góp, chuyển gạo, quà tặng tới người nghèo, trong đó có các cựu TNXP khó khăn.

   Nhiều năm trước, không cam chịu đói nghèo, chị Thuận tìm kiếm mọi công việc để làm vì tương lai của các con. Nhờ chịu thương, chịu khó và biết làm kinh tế, chị Thuận đã xây dựng được ngôi nhà khang trang; 4 con của chị đều đã ăn học trưởng thành, trong đó hai con là  thạc sĩ.

   Để có xe lăn tặng người tàn tật, chị Thuận đến từng gia đình có người đang bị tai biến, tàn tật, ốm đau… chụp ảnh, rồi đi vận động các cơ quan, doanh nghiệp tặng xe lăn. Tết Nguyên đán và các ngày lễ lớn, chị cùng CLB tổ chức tặng quà các cựu TNXP khó khăn, cựu TNXP cô đơn.

Cựu TNXP Lê Thị Thuận và những lọ muối ruốc Nhân Tâm

Mua, bán muối ruốc Nhân tâm vì người nghèo

  Chị làm từ thiện xuất phát từ những việc làm “góp nhỏ thành to”. Chị đã nhận mua lại 2.000 lọ muối ruốc Nhân Tâm, do Hội Từ thiện tỉnh Quảng Bình sản xuất, mang về bán lẻ và đưa bán đến từng hộ dân. Mỗi lọ muối ruốc chị “lời” 2.000 đồng (mua 8.000 đồng, bán ra 10.000 đồng), góp lại được 4 triệu đồng, chị hiến vào quỹ từ thiện; từ đó nhiều người dân hưởng ứng mua muối ruốc của chị Thuận. “Hoàn cảnh mình đã trải qua những khó khăn, bất hạnh nên rất thương và đồng cảm với người nghèo. Tôi gắng tìm mọi cách để giúp họ vơi bớt khó khăn. Vật chất tuy nhỏ, chủ yếu tinh thần tiếp sức cho họ trong cuộc sống thường nhật. Niềm vui của người được nhận sự giúp đỡ cũng chính là niềm vui của mình” – chị Thuận tâm sự.

   Chị còn là một “cây” văn nghệ xuất sắc của Hội Cựu TNXP phường Nam Lý và Hội Truyền thống Quân khu Trị Thiên, Đường 9-B5. Trong những lần hội diễn văn nghệ, thể dục dưỡng sinh do Thành hội, Tỉnh hội Quảng Bình tổ chức, chị đều hăng hái tham gia và đóng góp “tài trợ” một phần. Đại hội nhiệm kỳ cựu TNXP phường Nam Lý những năm trước, chị đã ủng hộ gần 4 triệu đồng. Không có lương hưu và khoản thu nhập nào đều đặn hằng tháng, nhưng với ý chí quyết tâm, chị Thuận đã làm từ thiện bằng cả tấm lòng nhân ái.

   Nhiều năm tham gia Hội Cựu TNXP phường Nam Lý, Lê Thị Thuận đã vận động quyên góp giúp đỡ đồng đội khó khăn, người dân nghèo, người tàn tật, tai biến, ốm đau nặng… tổng cộng gần 3 tấn gạo, hàng trăm phần quà, hàng chục triệu đồng và 20 chiếc xe lăn. Tất cả đó đã nói lên tinh thần nghị lực của cựu TNXP hết lòng vì nghĩa tình đồng đội, vì cuộc sống cộng đồng. Chị đã được Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tặng Huy hiệu “Cựu TNXP làm theo lời Bác”; UBND TP Đồng Hới tặng giấy khen về hoạt động nhân ái, nghĩa tình…

Lê Thị Thuận và những việc làm nghĩa tình tri ân

   Là cựu TNXP, Lê Thị Thuận còn “gánh” thêm trách nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) tỉnh. Chi hội có 127 người, phân làm 4 phân hội (TP Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy và hai huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa chung). Thời gian qua chị đã cùng hội viên làm được nhiều việc nghĩa tình đối với gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách và người dân nghèo:

– Vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng đóng góp, ủng hộ trao tặng được 120 phần quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình thân nhân liệt sĩ;

– Trao tặng 2 chiếc xe đạp cho con em thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi;

– Tặng 20 chiếc xe lăn cho thân nhân liệt sĩ không đi lại được.

Tết Nguyên đán vừa qua, chị Thuận đã vận động các nhà hảo tâm được 32 phần quà tặng cho các chị, nguyên là Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng[i] và 18 phần quà tặng Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ. Chi hội HTGĐLS tỉnh Quảng Bình cũng đã gửi 5 bộ hồ sơ về Hội HTGĐLS Việt Nam để kết nối với gia đình thân nhân liệt sĩ, giám định ADN, xác nhận danh tính liệt sĩ. Gửi 3 bộ hồ sơ xin cấp trên hỗ trợ làm nhà ở cho thân nhân thờ cúng liệt sĩ. Tổ chức viếng, thắp hương các nghĩa trang liệt sĩ. Tìm kiếm thông tin hài cốt, mộ liệt sĩ…

   Là một nhân tố văn nghệ của Hội Cựu TNXP phường Nam Lý; phụ trách chi hội HTGĐLS tỉnh, chị Lê Thị Thuận cũng đã thành lập được 1 Câu lạc bộ văn nghệ cho chi hội và đã tổ chức thành công “Đêm ca nhạc tri ân – Nghĩa tình đồng đội”, vào đêm 15-12 vừa qua, được đông đảo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh hưởng ứng và nhân dân ủng hộ, ghi nhận.

Cựu TNXP Lê Thị Thuận ngồi bên chăm sóc ông Lưu Đức Du (con trai liệt sĩ Lưu Đức Chu)

 Nghĩa cử nhân văn cao cả…

   Trong chuyến ra thăm ông Lưu Đức Du, con trai của liệt sĩ Lưu Đức Chu, hiện đang sống độc thân tại xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch. Ông Du bị bệnh tai biến nằm một chỗ không người thân chăm sóc, khiến toàn thân ông lở loét, hôi thối. Chị Lê Thị Thuận kể lại: Khi chúng tôi vào nhà, một mùi hôi thối từ người ông Du bốc lên trong căn nhà sập sệ vốn đã ẩm mốc. Chúng tôi thật không hình dung nổi, nhìn người ông kiến bò từ đầu đến chân, nhiều chỗ thối rửa gần như hoại tử. Ông nằm đó đói khát và bất tỉnh. Vội vàng như bác sĩ cấp cứu bệnh nhân trong thời khắc “thập tử nhất sinh”, tôi đút sữa và cho ông uống nước. Sau đó nấu nước ấm tắm rửa người và các vết thương bị hoại tử, rồi tôi bế ông lên nhà trên nằm. Lúc chúng tôi đến, ông Du còn nằm dưới nhà bếp sập sệ vì không có ai bồng ông lên cả. Nghe người hàng xóm sang nói với chúng tôi như vậy!”.

   Căn nhà tình nghĩa trị giá 40 triệu đồng được cán bộ và nhân dân xã Liên Trạch đóng góp xây tặng năm 2016 cho ông Du tá túc hôm sớm. Vậy mà, ông Du nằm xuống, người nhà lại can tâm đưa ông xuống nhà bếp nằm không để trên nhà tình nghĩa. Chị Thuận cùng các hội viên đi theo mỗi người một việc lau dọn vệ sinh cả căn nhà tình nghĩa. Dưới nhà bếp chỗ ông Du nằm bấy lâu, mùi tanh hôi cũng được chị và các hội viên tẩy rửa sạch sẽ. Người ông Du lở loét, hôi thối… chị Thuận vẫn tắm rửa lau chùi, mặc chiếc áo len mới, đội mũ len mới và thay cái quần đùi mới cho ông Du rồi đút cho ông từng thìa sữa, thìa nước. Ông Du như người chết sống lại nhờ bàn tay tấm lòng nhân ái của chị và các thành viên trong chi hội HTGĐLS tỉnh.

Ông đã ngồi dậy được trên ghế. Xúc động rơi nước mắt, ông Du nói: Biết ơn nhiều, nhiều lắm, các anh chị đã cứu tôi kịp thời. Ơn này tôi mãi ghi nhớ không bao giờ quên…

Trên mười năm nay, chị Thuận luôn hướng về người nghèo và gia đình chính sách. Chị dành tâm dành lực cho công việc xã hội, cộng đồng đang rất cần những nghĩa cử tấm lòng nhân ái. Những hành động, nghĩa cử nhân ái của chị Thuận là tấm gương tiêu biểu của phẩm chất TNXP – phẩm chất Bộ đội Cụ  Hồ.

Duy Hiến


[i] Ngày 20-11-1967, Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy nhằm cùng các lực lượng đánh trả giặc Mỹ đang điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, đặc biệt là vùng biển Quảng Bình. Biên chế của đại đội lúc đầu chỉ 37, sau tăng lên 91 cán bộ, chiến sĩ toàn nữ. Ngay trận đầu, với 4 khẩu pháo 85 tầm xa, nòng dài, đại đội đã bắn cháy tàu chiến Mỹ số 013. Năm 1968, các chị đã liên tiếp đánh thắng 4 trận, năm 1972: 4 trận nữa, được Bác Hồ gửi thư khen và tặng huy hiệu. Với thành tích đạt được, trong 10 năm đầu chiến đấu, xây dựng, đại đội đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều bằng khen, giấy khen; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng huy hiệu 3 đảm đang và Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Năm 1970, Nhà nước phong tặng cho đại đội danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.