Làm chứng minh nhân dân tại cơ quan công an cần có sổ hộ khẩu. Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng mã số định danh. Ảnh: Hải Nguyễn
Hôm nay (23.5), tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những nội dung lớn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đó là đề xuất về việc bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, bãi bỏ 13 nhóm thủ tục liên quan để quản lý dân cư bằng mã số định danh.
Đề xuất bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu
Theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc T.Ư (dự thảo Luật Cư trú sửa đổi trình Quốc hội được thể hiện theo định hướng này, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc).
Trao đổi với PV Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 22.5, ĐBQH Đỗ Văn Sinh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng vấn đề quan trọng nhất để triển khai được quản lý dân cư khi bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy đó là xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quản lý dân cư bằng mã số định danh. Khi có dữ liệu số hoá này thì chúng ta có thể quản lý dân cư bằng công nghệ.
Theo ông Sinh, có 2 định danh quan trọng đó là định danh tổ chức, định danh cá nhân. Hai định danh nên làm thống nhất, đồng nhất trên toàn quốc và lâu dài, ổn định. “Định danh cá nhân thì dùng bất kỳ giao dịch nào đều có. Còn định danh tổ chức thì bất kỳ tổ chức nào sinh ra (hộ gia đình, đơn vị kinh tế…) mới được hình thành. Hai định danh này liên thông được với nhau thì quản lý được xã hội. Tuy nhiên, chúng ta triển khai việc này còn chậm.
Về vấn đề bảo mật thông tin khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này, ông Sinh cho rằng đây là vấn đề quan trọng, do đó phần lõi của cơ sở dữ liệu này thì Chính phủ cần thực hiện và có những cách thức quản lý thông tin phù hợp, có những lớp bảo mật và phân nhánh, phân quyền từng cấp khác nhau. Trong trường hợp để rò rỉ, lộ lọt thông tin cá nhân thì cơ quan quản lý dữ liệu sẽ phải chịu trách nhiệm.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, vấn đề quan trọng trong việc bảo mật thông tin của người dân đó chính là cần đầu tư kết cấu hạ tầng thông tin. Đó là toàn bộ hệ thống phần cứng, hệ thống đường truyền, hệ thống trục và quan trọng là hệ thống cơ sở dữ liệu. “Cái lõi cơ sở dữ liệu thì Chính phủ làm, còn những phần ngoài lõi thì từng bộ, ngành phải xắn tay vào làm cùng. Ngân hàng làm gì, Kế hoạch đầu tư làm gì, Thuế làm gì… Như vậy sẽ tạo được hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ cùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư này” – ông Sinh nói.
Cần có giải pháp để tránh quá tải dân cư
Liên quan đến việc quản lý dân cư bằng mã số định danh trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi), ĐBQH Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc quản lý dân cư phải ngày càng khoa học, thuận tiện cho người dân. Mã số định danh tức là tích hợp các thông số, đảm bảo cho sự lưu thông trong việc quản lý dân cư. “Tôi cho rằng việc này là cần thiết, là bước tiến trong việc tạo sự thuận tiện cho người dân, tiến tới bỏ bớt những thủ tục rườm rà. Để đưa ra đề xuất quản lý dân cư bằng mã số định danh, cơ quan soạn thảo cũng đã cân nhắc và có tính toán trong việc bảo mật thông tin cho người dân. Trong quá trình thực hiện sẽ có những thuận lợi và không thuận lợi, sửa chữa bổ sung dần trong quá trình tổ chức thực hiện. Một cái mới, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, khoa học quản lý thì rất cần được ủng hộ”- ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương cũng dẫn đến lo ngại có thể khiến các thành phố này bị quá tải về cơ sở hạ tầng, không thể đáp ứng kịp việc tăng dân số cơ học. Về vấn đề này, ĐBQH Vũ Trọng Kim nêu quan điểm: Việc quá tải phải tính trong điều kiện cụ thể, từng địa phương cụ thể để có các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phát triển kinh tế – xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao.
Liên quan tới việc bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương, ĐBQH Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc này là phù hợp với quyền tự do cư trú, tự do đi lại của người dân. Tuy nhiên, khi bỏ đăng ký thường trú này thì cần có những phương án kỹ thuật để quản lý người dân. Bởi tại các đô thị có nhiều vấn đề cần phải quan tâm như giao thông, trường học, bệnh viện… Nếu để quá tải thì sẽ khó kiểm soát được.
VƯƠNG TRẦN – CAO NGUYÊN – ĐẶNG CHUNG
Theo laodong.vn