Những năm tháng dạy học Đội TNXP N99- P25 Lào Cai

Đăng lúc: 16-10-2017 9:53 Sáng - Đã xem: 141 lượt xem In bài viết

Ông Phạm Chế sinh năm 1950 ở một làng quê vùng đồng chiêm trũng huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam.

Ông được tiếp nhận vào học tại Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang trong thời kỳ ác liệt. Sau 3 năm đèn sách, được trang bị kiến thức cơ bản để “dạy chữ, dạy người”, ông nhận quyết định của Ty Giáo dục Lào Cai điều động đến nhận công tác tại Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước N99 P25 Lào Cai. Không khỏi suy nghĩ về moi trường công tác mới chộn rộn, chưa thể hình dung hết công việc cần làm ở môi trường công tác mới. Với suy nghĩ “Mình được làm nhiệm vụ dạy học ở đội cũng là niềm vinh dự và tự hào” ông quyết định lên đường.                  

Vào một ngày đầu thu, ông đi chuyến xe khách tuyến Lào Cai – Bắc Hà. Đến Km 48 ông xuống xe vào Đội bộ trong khu lán trại dã chiến rất đơn sơ. Đội trưởng han Lợi và các đội phó đã niềm nở đón tiếp ông. “Điều đó làm cho tôi đỡ nhớ nhà, và bắt dầu quen với môi trường công tác mới”, ông nói.

Mặc dù ở hậu phương, nhưng Đội phải vừa san đồi, bạt núi, phá đá mở đường, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu vừa tu dưỡng rèn luyện, học tập văn hoá để nâng cao trình độ. Ông được phân công dạy văn hóa cho các đội viên TNXP.

Sau khi hoàn thành tuyến đường 13 km đèo dốc lên Bắc Hà, đơn vị có lệnh chuyển quân cùng đội cầu của Ty Giao thông Lào Cai thi công cầu treo Bảo Nhai.  Đơn vị đã kết nghĩa với trường cấp1, 2 giúp đó công tác giáo dục có thuận lợi và hiệu quả hơn.

Tiếp đó Ty Giáo dục tiếp tục điều động giáo viên cấp 1, 2 nhằm đáp ứng số lượng học viên tăng theo chỉ tiêu tuyển quân. Đứng lớp một thời gian ông được lãnh đạo đội giao nhiệm vụ quản lý Hội đồng giáo dục gồm toàn bộ giáo viên chuyên trách và giáo viên nghiệp dư là TNXP có trình độ văn hoá cấp II, III có khả năng giảng dạy. Mỗi đại đội đều có phân hiệu riêng, bố trí giáo viên quản lý chuyên môn và tổ chức hoạt động dạy và học.                                       

Kế thừa kinh nghiệm công tác của các đồng chí ở nhiệm kỳ trước, Hội đồng giáo dục xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra trình độ của học viên. Nhờ đó việc quản lý, bố trí đúng đối tượng, sát với thực tế. Do số giáo viên không đủ, các lớp được tổ chức theo mô hình lớp ghép lớp (1+ 2), lớp (3+ 4) và lớp xoá mù bố trí học riêng.

Do trình độ không đồng đều, độ tuổi khác nhau, lại lớn tuổi, điều kiện thời chiến nên việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Đơn vị luôn cơ động, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu sách giáo khoa, hướng dẫn giảng dạy, sách tham khảo không đủ. Bàn ghế không có, bảng viết phải làm bằng phản nằm của cán bộ, chiến sỹ. Thời gian học tập chủ yếu vào buổi trưa hoặc buổi tối. Hoạt động dạy và học luôn luôn thay đổi cho phù hợp cả về hình thức tổ chức và nội dung.

Ngoài việc học còn phải thường trực chiến đấu khi có lệnh hành quân dã ngoại, nhưng phong trào thi đua dạy tốt và học tốt được duy trì, học viên rất tích cực trong học tập, cầu tiến bộ, ý thức tập thể và kỷ luật rất cao. Qua các kỳ kiểm tra, thi chuyển lớp, tốt nghiệp cấp I, điểm số đạt cao. Kết quả dó là động lực cho đội ngũ giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả vai trò quản lý giáo dục và dạy văn hoá. Hàng năm Hội đồng giáo dục đều tổ chức gặp mặt kỷ niệm ngày 20/11; có bình bầu khen thưởng giáo viên và học viên, động viên khích lệ vinh danh nhà giáo tiêu biểu.

Có thể nói họ là chiến sỹ trên mặt trận giáo dục, khảng định TNXP là một trong những loại hình “trường học lớn và tốt của thanh niên”                                           Sau 5 năm làm nhiệm vụ quản lý giáo dục và giảng dạy BTVH ở Đội và cho đến bây giờ, khi gặp lại ông, các học trò cũ – chiến sỹ năm xưa –bằng tình cảm thân thương, ngưỡng mộ “chào thày giáo” và nói: Nhờ các thày, cô giáo dạy bảo chúng em biết đọc, biết viết, biết tiếng phổ thông, viết được thư về thăm gia đình và người thân. Nhiều học viên phổ cập cấp I, đủ điều kiện học lên cấp II, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ra quân học tiếp chương trình phổ thông hoặc được tuyển chọn vào học trường dân tộc nội trú, bổ túc công nông của tỉnh, góp phần đào tạo nhân lực cho địa phương như anh Ma – Dê dân tộc Mông xã La Pán Tẩn (Mường Khương). Nhiều TNXP đã trưởng thành và là cán bộ lãnh đạo của xã, của huyện. Số trở về địa phương, có kiến thức văn hóa cơ bản tham gia phát triển kinh tế, xã hội góp phần làm giàu cho gia đình và xã hội.                                        

Trải nghiệm qua thực tế sinh động, 5 năm cùng lãnh đạo đơn vị quản lý giáo dục đã giúp ông trưởng thành. Ông đã kinh qua các chức vụ: Ủy viên thường vụ -Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ Cam Đường, Phó chủ tịch UBND thị xã Cam Đường, nguyên phó chủ tịch HĐND thị xã Cam Đường; Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố Lào Cai. Hiện ông là Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Lào Cai; ủy viên BCH Hội cựu giáo chức thành phố, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Bình Minh.

Trần Văn Lục