Lúc trẻ, hăng hái “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…”, hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường những cựu TNXP xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình vẫn luôn hăng say, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương và luôn nặng nghĩa, nặng tình đồng đội.
Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, xã Vĩnh Ninh có 345 chàng trai, cô gái không quản “trên bom, dưới đạn” để mở đường Trường Sơn. Trong số họ, có 7 người đã nằm lại nơi chiến trường, 59 thương bệnh binh và 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Đến nay, Hội Cựu TNXP xã có 311 ông, bà tham gia sinh hoạt trong 9 chi hội, tất cả họ đều đã về già, sức yếu nhưng luôn mang ý chí, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Theo chân ông Trần Thế Phong- Chủ tịch Hội xã – chúng tôi chạy xe máy ra cuối cánh đồng phía Bắc thôn Lệ Kỳ, gần sông Lũy Thầy. Trước mắt chúng tôi là cả một quần thể trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Cựu TNXP Hà Thị Thu, 62 tuổi, cùng chồng là cựu chiến binh Nguyễn Hồng Thái cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi trước đây khó khăn, vợ chồng quanh năm quần quật ngoài đồng ruộng nhưng năm nào được mùa mới đủ ăn. Từ đó, vợ chồng tôi có ý tưởng tìm hướng làm ăn, may ra kinh tế gia đình mới vực lên được. Năm 2011, chúng tôi đấu thầu 1,5 ha đất 50 năm ở đây để xây dựng gia trại tổng hợp. Có đất, gia đình vay mượn tiền thuê máy, thuê nhân lực đào 3 hồ nuôi cá, xây 1 chuồng nuôi lợn nái, 1 chuồng nuôi lợn thịt với quy mô to, rộng, nhiều ngăn; một chuồng nuôi gà, ngan, ngỗng, phía bên kia là vườn đất trồng ổi Đài Loan và một đồi trồng keo. Những năm qua, bình quân thu nhập từ gia trại tổng hợp khoảng 150 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí”.
Một góc trại chăn nuôi gà của bà Hà Thị Thu ở xã Vĩnh Ninh
Ở thôn Lệ Kỳ I, có cựu TNXP Bùi Thanh Chương, 65 tuổi là một trong những gương tiêu biểu về phát triển kinh tế vườn đồi của xã. Năm 2005 ông và gia đình nhận 20 ha đất trống đồi núi trọc phía tây thôn Lệ Kỳ. Thời kỳ đầu, ông trồng thông; sau khi thu hoạch thông, thấy cây keo bán được giá hơn nên ông cho trồng keo. Từ vườn đồi này, hàng năm gia đình ông thu được trên 157 triệu đồng.
Với làm ruộng, sau khi thôn Vĩnh Tuy 3 hoàn thành dồn điền đổi thửa, cựu TNXP Lê Thị Nhỏ (61 tuổi) cùng chồng đấu thầu 3 ha ruộng lúa. Hai vợ chồng vay mượn tiền mua sắm máy cày, máy gặt, máy bơm để tự cày, tự gặt, tự bơm nước tưới tiêu cho cây lúa. Bà gieo sạ giống lúa Vĩnh Tuy chất lượng gạo ngon, năng suất cao, được đăng ký sản phẩm OCOP, hàng năm thu nhập 40 tấn, bán ra được 280 triệu đồng. Cùng với thu nhập từ các loại máy móc, ngô, khoai, lạc, dưa hấu… bà có tổng thu 380 triệu đồng/năm. Vợ chồng bà Lê Thị Nhỏ là một trong những gương điển hình ở thôn Vĩnh Tuy về làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người có có hoàn cảnh khó khăn, bình quân mỗi năm bà chi 10 triệu đồng để thăm hỏi, giúp đỡ họ.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, Hội Cựu TNXP xã Vĩnh Ninh có 44 cán bộ, hội viên làm kinh tế giỏi, trong đó, 27 gia đình hội viên làm kinh tế vườn rừng, vườn đồi trên diện tích 190 ha; 5 gia đình có gia trại tổng hợp và 01 gia đình có trang trại trồng cây, chăn nuôi, đại lý cung cấp giống lợn và thức ăn gia súc với tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng. Từ phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế vườn đồi, vườn rừng đã giải quyết việc làm cho trên 150 lao động ở địa phương. Nhờ phát triển kinh tế đúng hướng, có hiệu quả nên đến nay trên địa bàn xã Vĩnh Ninh không còn gia đình hội viên cựu TNXP nào thuộc diện hộ nghèo.
Những năm tháng sống giữa rừng Trường Sơn đã gắn bó tình thương, che chở, đùm bọc lẫn nhau giữa những TNXP. Về với đời thường họ vẫn luôn sâu nặng nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa. Trong hơn 15 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Cựu TNXP xã Vĩnh Ninh coi hoạt động “Nghĩa tình đồng đội” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là lẽ sống của mỗi cán bộ, hội viên. Ngoài giúp nhau về vốn, con giống, vật tư, công sức và kinh nghiệm để phát triển kinh tế, những lúc rảnh rỗi các cán bộ, hội viên gặp gỡ, chia sẻ yêu thương và tham gia các hoạt động văn nghệ, đi bộ thể dục, bóng chuyền hơi…
Đến nay, quỹ “Nghĩa tình đồng đội” có số dư gần 349 triệu đồng. Ngoài việc cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay mượn để phát triển kinh tế, vào các dịp Tết, lễ, ngày 15/7, ngày 27/7, Hội còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, hiếu hỷ, động viên hội viên và chị em nữ đơn côi. Mỗi khi có hội viên ốm đau hoặc qua đời, hội tổ chức thăm hỏi, lo toan chu đáo.
Nói về nghĩa tình đồng đội, bà Đỗ thị Nhỏ, phụ trách Ban nữ công của Hội chia sẻ: “Chúng tôi luôn thực hiện “Ốm thăm – khó giúp – thọ mừng – chết viếng”; bởi hơn ai hết, chúng tôi là những người đã từng “trên bom, dưới đạn”, “vào sinh ra tử” sống chết có nhau nên thương quý nhau như anh em ruột thịt. Tình cảm của những người lính chúng tôi đậm lắm, sâu nặng lắm, bền chặt lắm”.
Ông Trần Thế Phong – Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã – tâm sự: “Đã nhiều năm làm công tác hội, càng làm tôi càng tâm huyết bởi cán bộ, hội viên chúng tôi ai cũng đã “xế chiều”, sức đã yếu nhưng ý chí vẫn không dừng lại. Trong chiến tranh, sống chết liền kề mà anh em còn không nản huống chi về với làng xóm, quê hương có cuộc sống yên lành, vui tươi. Bởi thế, trong cuộc sống ai ai cũng tăng gia sản xuất, làm kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và góp công góp sức xây dựng quê hương. Chúng tôi nghĩ: Mình còn sống là còn nghĩa tình anh em đồng đội. Tình cảm này đã ngấm vào máu thịt của mỗi người và là gương sáng cho con cháu noi theo”.
THÁI TOẢN