Vợ chồng cựu thanh niên xung phong làm giàu trên bản núi

Đăng lúc: 21-05-2018 9:27 Sáng - Đã xem: 123 lượt xem In bài viết

Ở thôn Bưởi xã Khánh Thượng, trong những số hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi, phải kể đến vợ chồng ông Hà Xuân Cường và vợ là Đỗ Thị Mơ. Khi còn trẻ cả hai cùng đi TNXP Thủ Đô, họ quen nhau và nên duyên vợ chồng, khi lấy nhau họ cũng vất vả để gây dựng và phát triển trên quê hương thứ hai ở Khánh Thượng.

Thấy vùng đất Khánh Thượng, có nhiều cây cối, gia đình mình đất rộng, rất thích hợp cho việc nuôi ong, vì vậy con ong được vợ chồng ông Cường chọn lựa. Lúc đầu nuôi ong, có vốn ít, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông chỉ nuôi một vài đàn ong, sau dần tăng dần, đến nay là hơn 60 đàn. Ông Cường cho biết: “Nghề nuôi ong cũng lắm công phu, đòi hỏi người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ, chịu khó và nắm rõ đặc tính của ong như: Đi lại, ăn uống, xây tổ, chia đàn; am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở; mùa ong đi lấy mật để nâng cao sản lượng và chất lượng. Ngoài ra, bắt đúng bệnh của ong cũng rất quan trọng. Đặc biệt là các bệnh thối ấu trùng và ong bốc bay”. Để có đàn ong khỏe, hút được nhiều mật, người nuôi phải thường xuyên luân chuyển ong đến nhiều vùng khác nhau, vì vậy vào các mùa trong năm, nhất là mùa nhãn, vải, mùa táo, ông đều di chuyển đàn ong đến các khu vực đó để ong ăn, từ đó có sản lượng cao và được khách hàng ưu chuộng. Với việc nuôi ong thành công, mỗi năm ông cũng có 50 triệu đến 60 triệu đồng.

Cũng do lợi thế đất đai, vợ chồng ông Cường lại tập trung vào trồng cây Keo lai trên diện tích là 3 ha, đối với cây Keo thì chỉ mất thời gian đầu khi cây mới trồng phải chăm sóc để cây sống và phát triển, còn lại những năm sau thì tiến hành làm cỏ, bón phân mỗi năm một đợt, đồng thời tỉa bớt những cành không cần thiết. Sau vài năm trồng, đến năm thứ tư ông bắt đầu thu hoạch bán gỗ, trừ chi phí mỗi năm cũng lãi khoảng 90 triệu đồng.

Bà Mơ chăm sóc đàn lợn nái sinh sản

Ngoài con ong và cây keo là cây, con chủ lực, nhiều năm qua, gia đình ông Cường còn tập trung vào chăn nuôi con lợn nái sinh sản. Lợn con được lợn nái sinh ra được nuôi thành lợn thương phẩm. Để có thể nuôi lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm thành công, vợ chồng ông Cường cho biết là phải xây dựng được hệ thống chuồng trại luôn đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên tẩy uế môi trường, chọn giống lợn tốt, đồng thời tiêm đầy đủ vác xin theo định kỳ. Với đàn lợn nái 12 con của mình, trong những tháng đầu năm này, ông bà cũng đã xuất bán khoảng 120 con lợn thịt, thu về khoảng hơn 100 triệu đồng. Đó là không kể những năm 2016 trở về trước, gia đình ông Cường có hơn 30 lợn nái, mỗi năm cũng thu về khoảng 200 đến 300 triệu đồng.

Để mỗi năm thu được 200 đến 300 triệu đồng, vợ chồng ông Cường luôn phải bố trí thời gian hợp lý, mùa nào tập trung vào con gì, cây gì để làm việc có kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Khánh Thượng cho biết “Vợ chồng ông bà Hà Xuân Cường, Đỗ Thị Mơ là gia đình cựu TNCP làm kinh tế giỏi tiêu biểu của xã miền núi Khánh Thượng”.

Có thể nói, bằng việc chăm chỉ lao động cũng như luôn biết chọn cây, con phù hợp với đặc điểm tự nhiên ở địa phương, vợ chồng ông Cường đã có kinh tế khá giả, cuộc sống ngày một sung túc.

Trần Phương
Đài Truyền thanh huyện Ba Vì-Hà Nội