Hội Cựu TNXP các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn tổ chức về nguồn

Đăng lúc: 23-07-2024 3:38 Chiều - Đã xem: 135 lượt xem In bài viết

Sáng ngày 05/7/2024 tại nhà sinh hoạt xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Hội Cựu TNXP 3 huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn phối hợp tổ chức  gặp mặt nhân kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống lực lượng TNXP (15/7/1950-2024), 77 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-2024), 50 năm chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974-2024) với sự tham dự của 90 cán bộ hội viên của 3 huyện. Đến dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội, Chủ tịch Hội Tỉnh hội Quảng Nam Bùi Phạn Toản; lãnh đạo xã Đại Cường:  Bí thư Đảng ủy  xã Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch UBND  Phan Phước Mơ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phan Thanh Hùng.

Các đại biểu.

          Chung một quê hương “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”[1], cùng với sức mạnh quân và dân nói chung, lực lượng TNXP 3 huyện nói riêng đã vượt qua mưa bom, bão đạn, lội suối, băng ngàn vận chuyển kịp thời vũ khí đạn dược, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến, hàng ở vùng địch về căn cứ an toàn. Đại Lộc không chỉ là nơi dừng chân của các đơn vị bộ đội tấn công vào các căn cứ điểm của địch mà còn là điểm dừng chân cho lực lượng TNXP lúc bấy giờ. Bám sát các vùng giáp ranh với địch, vận chuyển những chuyến hàng về vùng giải phóng trong điều kiện vào sanh ra tử, nằm gai ném mật. Hình ảnh người TNXP vẫn lạc quan yêu đời, coi cái chết nhẹ như lông hồng, với khí phách hào hùng ở cái tuổi 18 đôi mươi luôn mang bên mình khát vọng tất cả cho tuyền tuyến. Niềm tin và sức mạnh đó được thêu dệt những vần thơ mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm tuyệt vời.

Xuyên đêm ta đến Điện Bàn

Chuyển những chuyến hàng về cử nuôi quân

Duy Xuyên là điểm dừng chân

Tiếp lương, tải đạn tấn công đồn thù”

Những chiến công của quân dân ta ngày ấy làm cho bọn địch khiếp vía kinh hoàng. Trong chiến công đó có sự đóng góp rất lớn của bộ đội và lực lượng TNXP. Tiêu biểu là Chiến thắng Thượng Đức [2]đã tạo thế và lực mới để tiến đến tổng tiến công giải phóng huyện Đại Lộc, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Chiến thắng Thượng Đức trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm sáng tỏ chân lý: sức mạnh quân đội được kết tinh từ chủ nghĩa anh hùng cách mạng cộng với sức mạnh tinh thần yêu nước, đoàn kết được hun đúc từ ngàn đời của nhân dân ta tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng mọi kẻ thù. Đã qua 50 năm nhưng âm vang của nó vẫn lưu truyền trong đông đảo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và Nhân dân.

Trước khi đến điểm gặp mặt đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại tượng đài Chiến thắng Thượng Đức (ảnh trên)[3].

Một số hình ảnh khác 

                                                      Nguyễn Thị Như Quyên

Văn phòng Tỉnh hội Quảng Nam


[1] Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17-9-1967, với sự tham dự của đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9 và Đặc khu Sài Gòn – Gia Định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

[2] Dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Quân đoàn 2, từ ngày 29/7- 7/8/1974, lực lượng Quân đoàn 2 gồm Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324 phối hợp cùng với quân và dân Quảng Đà, huyện Đại Lộc đã chiến đấu liên tục, quả cảm tiêu diệt phần lớn quân địch ở căn cứ Thượng Đức. Đến sáng ngày 7/8/1974, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên Chi khu quân sự, quận lỵ Thượng Đức. Tiếp đó, từ tháng 8 – tháng 12 năm 1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công tái chiếm của quân chủ lực ngụy gồm quân dù và thủy quân lục chiến.

[3] Tại xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam,  công trình do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tài trợ 8,9 tỷ đồng kinh phí xây dựng.