Sau Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP Việt Nam tháng 12 năm 2004, Ban liên lạc ở các địa phương đã đẩy mạnh công tác tổ chức, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức Hội Cựu TNXP từ tỉnh đến huyện, xã trong cả nước; trong đó có Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình. Căn cứ Hướng dẫn của Trung ương Hội và tình hình thực tế tại địa phương, ngày 29 tháng 6 năm 2005, Ban vận động thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình đã có đơn đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình công nhận Ban vận động thành lập Hội, gồm 11 đồng chí, do đồng chí Hồ An Phong, Phó Bí thư Tỉnh đoàn lúc bấy giờ là Trưởng ban vận động và đã được Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình chấp thuận tại Quyết định số 599/QĐ-SNV, ngày 07 tháng 7 năm 2005. Ngày 11 tháng 01 năm 2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 290/QĐ-UBND cho phép thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình.
Trong 2 ngày 15 và 16 tháng 6 năm 2006, tại thành phố Đồng Hới, “Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình đã diễn ra trong không khí phấn khởi và đồng thuận cao. Đại hội đã đón tiếp 268 đại biểu về dự, trong đó 238 đại biểu chính thức và 30 đại biểu mời, gồm đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tỉnh, Tỉnh đoàn cùng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh”[1]. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành (23 người), Ban thường vụ (07) Tỉnh hội khóa I, nhiệm kỳ 2006 – 2011. Ngày 25 tháng 7 năm 2006, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-UBND phê duyệt Quy chế tổ chức hoạt động Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình. Đây là dấu mốc quan trọng, bởi từ đây, tổ chức hội được xác định là “tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động” .
Sau Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã tiến hành đại hội thành lập và đi vào hoạt động. Trong đó huyện Quảng Trạch (cũ) là được chọn làm đại hội điểm để rút kinh nghiệm cho các đơn vị khác. Đến giữa năm 2007 đã hoàn thành việc đại hội thành lập Hội Cựu TNXP cấp huyện. Tiếp sau, các xã, phường cũng lần lượt tiến hành đại hội. Bộ máy tổ chức của Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình đã được kiện toàn đến tận cơ sở và đi vào hoạt động.
Nhiệm kỳ II (2011-2016), cơ cấu tổ chức của Hội có sự thay đổi. Do có sự chia tách địa giới và đơn vị hành chính, thị xã Ba Đồn tách từ huyện Quảng Trạch nên Hội Cựu TNXP thị xã Ba Đồn cũng được chia tách từ Hội Cựu TNXP huyện Quảng Trạch theo Quyết định số 2058/QĐ-UBND ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Nhiệm kỳ đầu, Hội đã tập hợp và kết nạp được 16.500 cựu TNXP, chủ yếu là TNXP tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các nhiệm kỳ II, III, IV, Hội có phát triển nhanh về số lượng do có 02 Sư đoàn và 01 Binh đoàn thủy lợi Thạch Hãn – là lực lượng TNXP sau năm 1975 – được xác nhận phiên hiệu. Thời điểm cao nhất số lượng hội viên toàn tỉnh lên đến gần 2,7 vạn. Hiện nay, hội viên toàn tỉnh xấp xỉ 2,4 vạn do hội viên từ trần qua khá lớn, năm sau cao hơn năm trước.
Bản tin Cựu TNXP Quảng Bình được xuất bản đều đặt, làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng và công tác Hội, được người đọc đánh giá cao. Kinh phí tuy eo hẹp nhưng Ban biên tập đã có nhiều cố gắng để Bản tin ngày càng phong phú về nội dung, sinh động về cách thể hiện; luôn chú trọng việc xây dựng được đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài tỉnh nhiệt tình, tâm huyết.
Hàng năm, nhân các ngày lễ lớn của quê hương đất nước, nhất là kỷ niệm ngày thành lập Đảng, Đoàn, ngày truyền thống Lực lượng TNXP, Hội đã tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, tổ chức họp mặt, giao lưu giữa thanh, thiếu niên với các cựu TNXP , dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ… Đặc biệt, “Hội đã sưu tầm tài liệu, chứng cứ để đề xuất với Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho 03 tập thể[2] là và 02 cá nhân[3] có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước; đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước tu sửa, tôn tạo các di tích lịch sử, các địa danh ghi đậm chiến tích TNXP , các nghĩa trang TNXP ,… Đây thực sự là những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”[4].
Với vai trò là nhân chứng lịch sử, Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình đã tích cực phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Tỉnh đoàn Quảng Bình để giải quyết các chế độ, chính sách cho TNXP hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; kiến nghị với Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với Liệt sỹ Hồ Văn Niệm, nguyên chiến sỹ Đại đội 759 N119 P31.
Cùng với việc giải quyết chế độ chính sách, Hội đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình giao chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu Lịch sử TNXP Quảng Bình, giai đoạn 1965 -2015”. Việc nghiên cứu khoa học đối với một tổ chức Hội với số lượng người làm việc ít ỏi, trong điều kiện kinh phí vô cùng eo hẹp đã là một nỗ lực rất lớn mà không phải Hội nào cũng có thể làm được. Công trình nghiên cứu khoa học đã được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh đánh giá cao. Lần đầu tiên tại Quảng Bình, có một công trình khoa học nghiên cứu khá đầy đủ, toàn diện và chuyên sâu về lịch sử hình thành và những đóng góp của lực lượng TNXP trong chiều dài thời gian 50 năm. Niềm mong ước bấy lâu của các thế hệ cựu TNXP đã được thực hiện. Từ kết quả nghiên cứu khoa học, Hội đã phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Huế biên soạn, in ấn và phát hành cuốn sách “Lịch sử TNXP Quảng Bình, giai đoạn 1965 -2025” vào dịp chào mừng Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Với vai trò kết nối giữa quá khứ với hiện tại của Hội Cựu TNXP Quảng Bình, công tác nâng cấp, chỉnh trang, quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, bia tưởng niệm, nhà tưởng niệm, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm hơn. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc lập quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường 20 Quyết Thắng, dự án đầu tư xây kè trước đền phù hợp với tuyến giao thông từ Nhà đón khách đến dốc qua trước mặt đền; xây dựng Nhà bia tưởng niệm nữ y tá Nguyễn Thị Sặng; mở rộng, xây dựng khu vực Tượng đài TNXP tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; quy hoạch xây dựng Khu di tích lịch sử phà Long Đại…
Những việc làm cùng kết quả có được về những công trình trên đã thể hiện sự tri ân, trân trọng của các thế hệ người dân Quảng Bình với công lao to lớn, sự hy sinh quên mình vì nước vì dân của các anh hùng liệt sĩ. Đây là những địa chỉ đỏ để nhân dân Quảng Bình cũng như khách trong và ngoài nước hiểu thêm, càng trân trọng giá trị của sự hy sinh cho hòa bình, cho độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.
Sau 19 năm thành lập, tổ chức Hội được chăm lo xây dựng ngày càng vững mạnh toàn diện, thực sự là tổ chức đại diện cho tiếng nói cựu TNXP tỉnh nhà. Từ đây, cựu TNXP toàn tỉnh đã có mái nhà chung để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và có một tổ chức chân chính để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên; thêm tự hào về những năm tháng cống hiến, tích cực tham gia xây dựng Hội và các phong trào thi đua do Hội phát động Những hoạt động của Hội Cựu TNXP các cấp tỉnh Quảng Bình đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định vị thế của lực lượng cựu TNXP trong hệ thống chính trị.
Thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính của Đảng và Nhà nước, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ sáp nhập với nhau và có tên mới là tỉnh Quảng Trị; đồng nghĩa với đó là tên Hội Cựu TNXP Quảng Bình sẽ chỉ còn trong sử sách và ký ức của cán bộ, hội viên tỉnh nhà. Mong rằng trong chặng đường kế tiếp, Hội sẽ có những bước phát triển mới, vững mạnh toàn diện hơn nữa.
Một số hình ảnh hoạt động nổi bật của Hội Cựu TNXP Quảng Bình từ khi thành lập đến nay (2006-2025)
Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ (2006-2011) – Đại hội thành lập hội.
Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ (2011-2016).
Lễ đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Quảng Bình ngày 04/7/2012.
Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 -2021.
Hội thảo khoa học do Hội Cựu TNXP Quảng Bình tổ chức.
Hội nghị nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh do Hội Cựu TNXP Quảng Bình chủ trì.
Lê Thị Thu Hồng
Phó Chủ tịch Thường trực Tỉnh hội
[1] Trích trong báo cáo chính trị đại hội I.
[2] Tập thể 8 TNXP hy sinh tại Km16 + 200 đường 20 Quyết Thắng; 07 liệt sĩ TNXP hy sinh tại đồi Cha Quang, đường 12A; Lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước tỉnh Quảng Bình (1965 – 1975);
[3] Truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho thương binh Nguyễn Thị Nậy, liệt sĩ Trần Đức Hè.
[4] Trích trong báo cáo chính trị đại hội II.