Ở tuổi 78, cựu TNXP Ngô Đình Thạnh, thuộc Hội Cựu TNXP phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã qua 35 nghĩa trang liệt sĩ, ghi lại gần 3.000 tên, địa chỉ của các liệt sĩ gửi về Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình trung ương để đưa tin nhắn tìm đồng đội. Đến nay có trên 1.000 phần mộ liệt sĩ được cất bốc về quê nhà…
Ông Thạnh lần giở từng trang vở ghi đầy đủ thông tin của liệt sĩ…
Vợ qua đời, nhà chỉ còn mình ông buồn tẻ trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, một mình tự lo cơm nước. Bốn người con ở cách nhà ông khoảng 4, 5 km. Căn nhà xây đã quá lâu, xuống cấp nhiều thấy rõ từng kẽ nứt dọc theo góc tường ẩm nước mỗi khi mưa lớn. Ông Thạnh tâm sự: “Đến mùa bão lụt nước ngập thềm nhà, tràn vào phòng khách, phòng ngủ. Nửa đêm một mình phải kê lên những thứ gì cần thiết để khỏi ướt. Tôi bị bệnh viêm khớp, tiểu đường, huyết áp cao, mất sức lao động tháng được 2 triệu đồng, ngoài ra không có khoản thu nhập nào khác. Đêm hôm trái gió trở trời đều nhờ đến đồng đội và bà con khu phố 12, phường Nam Lý”.
Gần 9 năm qua (2010-2018), cựu TNXP Ngô Đình Thạnh đã đi hàng ngàn km đến 35 nghĩa trang liệt sĩ. Người dân và quản trang chăm coi hương khói các nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Quảng Bình ngạc nhiên khi thấy một ông già tóc bạc đang chăm chú ghi lại tên, địa chỉ liệt sĩ ở các tỉnh, thành trên cả nước. Qua tuổi “xưa nay hiếm” như ông Thạnh không phải ai cũng làm được việc nghĩa này, chưa nói gì người đang mắc nhiều bệnh như ông. Bởi ông có tấm lòng nhân hậu đối với nhiều gia đình liệt sĩ vẫn chưa biết người thân mình hy sinh hiện giờ đang nằm ở đâu, đã được đồng đội hay người dân chôn cất ở đâu đó nơi chiến trường, hoặc bên rừng sâu, vực thẳm. Và may mắn hơn là được an táng trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Một lần ông Thạnh đi thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ phường Nam Lý, trong đó có em trai của ông là liệt sĩ hy sinh thời chống Mĩ. Xin được nói thêm, thường người đến thắp hương chỉ mang theo vài thẻ hương nhỏ. Nhưng với ông, mỗi lần đi thắp hương liệt sĩ ở các nghĩa trang đều mua 20 thẻ hương lớn có trên 200 cây. Ông thắp ở lư hương tượng đài nguyên một thẻ, đến mộ của em mình và chia đều mỗi mộ một cây không bỏ sót. Còn hương ông gửi lại quản trang thắp mỗi đêm cho liệt sĩ. Đến thắp hương ông Thạnh để ý thấy mộ liệt sĩ chủ yếu ở các tỉnh ngoài nhiều, như Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Giang, Thái Bình, Hòa Bình, Hải Hưng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông ngồi xuống đầu mộ lấy sổ ghi lại họ tên, năm sinh, chỗ ở rồi về nhà viết thư gửi gia đình liệt sĩ đến địa phương theo địa chỉ được khắc trên bia mộ. Vài tháng sau nhiều gia đình liệt sĩ hồi âm lại ông và vào liên hệ ngành chức năng xin làm thủ tục bốc mộ đưa liệt sĩ về an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Nhiều gia đình liệt sĩ vào thăm, hàm ơn mua quà tặng, nhưng ông không nhận.
Thầm lặng nhưng thiêng liêng lắm công việc bình dị này
Không ai bảo ông làm và cũng không ai động viên ông làm cái việc hàng ngày cơm gói đi ghi lại thông tin về liệt sĩ của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Với tuổi của ông được an nghỉ, dưỡng già và vui chơi với con cháu. 2 triệu đồng tiền mất sức mỗi tháng ông dành đổ xăng đi công việc ân nghĩa này. Ông Thạnh mở tủ lấy ra 5 cuốn vở học sinh. Tay ông lần giở từng trang một ghi chép bằng bút chì, bút mực về họ tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh và đơn vị của liệt sĩ. Theo tay ông chỉ, tôi đọc vội: Liệt sĩ Đình Tấn Tình, thuộc bộ đội lái xe phục vụ các tuyến đường tỉnh Quảng Bình, sinh năm 1940… quê quán xã Tiên Phương, huyện Chương Mĩ, tỉnh Hà Tây…, và rất nhiều liệt sĩ khác. Ông giở ra hàng chục trang vở cho tôi xem tên các nghĩa trang liệt sĩ, thông tin về liệt sĩ khắc trên bia mộ không bỏ sót một chi tiết nào.
Việc làm của ông không phải hình thức lấy tiếng. Ông làm bằng cả nỗi lòng ưu tư của người lính trở về trước hàng ngàn, hàng triệu bia mộ liệt sĩ khắp mọi miền đất nước. Nét mặt và ánh mắt của người cựu chiến binh, cựu TNXP 78 tuổi này luôn buồn và lặng lẽ như chính cuộc đời của ông hòa chung sự mất mát thương đau của bao gia đình liệt sĩ. Có một điều đến giờ này ông mới tâm sự cùng chúng tôi. Khi gửi thông tin gần 1.000 liệt sĩ về Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát lên trong chương trình nhắn tìm đồng đội, mộ liệt sĩ, ông Thạnh rất mừng. Sau tiếp ông gửi đến Tòa soạn Báo Nhân dân “nhờ” đăng tin 200 liệt sĩ thì được tòa soạn trả lời bảo ông chịu lệ phí chừng 7 – 12 triệu đồng mới cho đăng hết chừng đó tin. Ông Thạnh không có tiền, thế là tòa soạn gửi danh sách liệt sĩ về lại cho ông. Ông buồn rồi quyết tâm mua cái laptop xách tay, lập trang cá nhân đưa bia mộ liệt sĩ lên mạng xã hội. Theo ông, hình thức này vẫn không được an toàn lắm. Qua thông tin trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình trung ương, hiện đã có trên 1.000 liệt sĩ được cất bốc đưa về tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. “Từ tháng 7/2017 đến nay mỗi lần đến nghĩa trang liệt sĩ, tôi có đem cháu 15 tuổi đi theo để chụp ảnh các mộ liệt sĩ, vẫn phải đưa lên mạng xã hội…”, ông Thạnh chia sẻ.
Ông Ngô Đình Thạnh sinh năm 1940, tại tỉnh Quảng Bình. Năm 1967, ông Thạnh gia nhập lực lượng TNXP chống Mĩ, cứu nước, thuộc đơn vị N127 TNXP Quảng Bình. Tham gia TNXP được hơn 1 năm, ông Thạnh về địa phương và tiếp tục đi bộ đội vào Quân khu Bình Trị Thiên. Kết thúc chiến tranh ông chuyển ngành qua Nhà máy in tỉnh Bình Trị Thiên. Tâm sự với chúng tôi, ông Thạnh chỉ lo cho sức khỏe và tuổi đã cao ảnh hưởng ít nhiều đến việc đi tìm mộ liệt sĩ…
DUY HIẾN