Đèo Pa kha mang tên đèo “chị Nhạ”

Đăng lúc: 06-09-2017 2:17 Chiều - Đã xem: 167 lượt xem In bài viết

Nguyễn Thị Nhạ sinh năm 1945 tại làng Châu, thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Trong những năm đất nước và gia đình đang còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chị đã nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động và công tác, trở thành một đảng viên, tích cực đóng góp sức mình xây dựng hợp tác xã và quê hương trên đường đi lên ấm no, tươi đẹp.

Năm 1965, giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược miền Nam đồng thời không quân Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc; với lòng yêu nước và chí căm thù giặc, ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ lúc Tổ quốc lâm nguy, người nữ đảng viên trẻ Nguyễn Thị Nhạ đã viết đơn tình nguyện vào lực lượng TNXP, đơn vị C459-Đội 25 TNXP Hà Nam, tham gia mở Đường 20 – Quyết Thắng, tuyến đường Trường Sơn ác liệt, huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Hoàn thành nhiệm vụ mở đường, Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Nhạ cùng đồng đội của mình được phân công chốt giữ, bảo vệ cung đường trọng điểm Phu La Nhích bị địch đánh phá ác liệt. Tại nơi đây, vượt lên trên tất cả những khó khăn của muỗi vắt côn trùng, khí hậu khắc nghiệt nơi rừng thiêng nước độc, sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần; vượt qua những làn mưa bom, bão đạn của quân thù ngày đêm không ngừng xả xuống, người nữ tiểu đội trưởng ấy đã kiên cường chỉ huy cả tiểu đội bám trụ trận địa, bảo vệ cung đường, luôn bảo đảm giao thông được thông suốt. Trên cương vị người tiểu đội trưởng, chị luôn nhận nỗi gian lao và sự thiếu thốn về mình. Vật lộn với thử thách, khó khăn và sự thiếu thốn cùng những trận sốt rét giày vò, cơ thể vốn nhỏ bé của chị lại càng trở nên xanh xao, gầy yếu. Nhưng gạt đi yêu cầu chuyển chị ra ngoài Bắc điều trị của đơn vị, chị vẫn quyết tâm ở lại chiến đấu cùng với anh em trong tiểu đội.

Tháng 8 năm 1967, Nguyễn Thị Nhạ được chuyển sang quân đội, được trao quân hàm chuẩn úy và được cử làm Trung đội trưởng, Trung đội nữ công binh. Cùng thời điểm đó, trung đội của chị được điều vào đường 128, trấn giữ đèo Pa Kha là cửa ngõ phía Bắc của Binh trạm 32. Đèo Pa Kha là con đèo hiểm trở, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, lại vừa bị mùa mưa tàn phá. Nếu bị địch đánh gây tắc mà không khắc phục kịp thì ô tô vận tải sẽ không vào được Binh trạm 32 do đó thiếu hụt chân hàng để vận chuyển vào Đường 9. Trung đội của Nguyễn Thị Nhạ được giao nhiệm vụ hàn khẩu xói lở, khôi phục lại mặt đường sau mùa mưa, sẵn sàng phương án chống phá hoại mỗi khi bị máy bay Mỹ đánh phá, đồng thời tổ chức chỉ huy giao thông đảm bảo xe vượt đèo thông suốt và an toàn. Trước nhiệm vụ hết sức nặng nề đó, Nguyễn Thị Nhạ không chút e ngại hứa trước Binh trạm quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Với tính tình hiền hậu, vị tha, gương mẫu, dũng cảm, ngoan cường, lanh lợi tháo vát, Nguyễn Thị Nhạ gieo vào trung đội một tinh thần đoàn kết phấn chấn, một khí thế chiến đấu mãnh liệt, do đó chỉ trong vòng một tháng, mọi chỉ tiêu nhiệm vụ trên giao trung đội của chị đã hoàn thành xuất sắc.

Ngày 28/12/1967, máy bay Mỹ tăng cường đánh phá đèo Pa Kha. Chúng vừa thả bom mìn hỗn hợp, vừa thả bom mìn từ trường và bom nổ chậm. Với sự trải nghiệm qua nhiều trận chiến đấu, với lòng quả cảm và mưu trí, Nguyễn Thị Nhạ đã đích thân cùng chiến sĩ của mình tiến hành trinh sát, rà phá thành công những quả bom mìn nổ chậm sát bên đường. Tuy nhiên, đường đèo rất hẹp, xe dễ lao xuống vực, chị đã cùng chị em quấn dù pháo sáng vào người làm cọc tiêu hướng dẫn cho đội hình xe vượt đèo. Sau khi chiếc xe cuối cùng vượt đèo an toàn thì đột nhiên một tốp máy bay F105 ập đến trút hàng loạt bom xuống đỉnh đèo nơi Nguyễn Thị Nhạ cùng mấy chị em đang tác nghiệp. Những tiếng nổ rung chuyển trời đất với những ánh chớp xanh lè cùng khói bụi mù mịt bao phủ mặt đường. Trong nháy mắt định mệnh, Nguyễn Thị Nhạ cùng bốn chiến sĩ đã bị gục ngã và anh dũng hi sinh. Đó là một tổn thất to lớn đối với Trung đội nữ công binh, đồng thời cũng là tổn thất to lớn đối với Binh trạm 32 khi vận chuyển mùa khô năm 1967 – 1968 chi viện miền Nam mới bắt đầu. Nguyễn Thị Nhạ hi sinh với chiến công đặc biệt xuất sắc, một tấm gương sáng về đức hạnh trung hậu, đảm đang, một mẫu mực về kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, xông pha trận mạc, quyết thực hiện đến cùng mệnh lệnh cấp trên giành bằng được thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nguyễn Thị Nhạ mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn và tấm gương sáng ngời đối với mọi cán bộ chiến sỹ Binh trạm 32.

Để tưởng nhớ người nữ trung đội trưởng can trường, Ban Chỉ huy Binh trạm đã quyết định đặt tên đèo Pa Kha là đèo “chị Nhạ”. Cái tên vừa trìu mến vừa dung dị và thiêng liêng ấy đã dấy lên trong trái tim biết bao chiến sĩ lái xe sự dũng cảm vượt dốc băng đèo dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù, sẵn sàng hi sinh vì miền Nam ruột thịt. Ngày 06/11/1978, Nguyễn Thị Nhạ vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Đây là sự tri ân của đất nước, của nhân dân đối với những đóng góp đặc biệt xuất sắc và sự hi sinh dũng cảm của chị cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.

Phan Hữu Đại,  Đại tá, nguyên Chính ủy Binh trạm 32.

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015