Trương Chính Thanh – Người Đội trưởng Đội 198 anh hùng

Đăng lúc: 07-09-2017 1:22 Chiều - Đã xem: 156 lượt xem In bài viết

Trương Chính Thanh sinh năm 1946 trong một gia đình nghèo ở thị xã Bạc Liêu. Cha anh là Cao Ngọc Quảng, gốc Hoa, mẹ anh là Trương Thị Trà người Việt. Năm 17 tuổi anh đã thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng, công tác ở cơ quan Nông Vận Trung ương Cục, sau một thời gian chuyển sang Ban Hoa vận miền Nam.

Khi có chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam quyết định thành lập Lực lượng TNXP Giải phóng miền Nam, anh xung phong gia nhập vào đơn vị đầu tiên C.100 (Đội 100) thành lập ngày 20/4/1965.

Ngày 19/8/1965 thành lập Đội 198 Thành Đồng gồm các cán bộ, đội viên là con em của Sài Gòn – Gia Định. Anh Chính Thanh được điều động về Đội 198 với nhiệm vụ Tiểu đội trưởng.

Đội 198 TNXP trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 2 (Q.762) chủ lực Miền từ chiến dịch Phước Long – Sông Bé (1965) và các chiến dịch, các trận đánh nổi tiếng như: “Cứ điểm Đồng Xoài, trận Cần Lê, Lộc Ninh” v.v… và các cuộc hành quân “Tìm diệt và Bình Định” của Mỹ – ngụy, “Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junetion City” của Mỹ đánh vào Bắc Tây Ninh, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng và quân chủ lực của ta. Đến Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968 và các trận đánh phản công của địch mà chúng quyết giành lại thế chủ động trên chiến trường (năm 1969) là những tháng năm đầy bi tráng, Trương Chính Thanh cùng đồng đội đã viết lên những bản hùng ca bất tử.

Trong gần 5 năm, Trương Chính Thanh liên tục công tác ở Đội 198 TNXP thuộc Liên đội 9, Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam. Anh đã phục vụ trên 200 trận đánh từ cấp Tiểu đoàn đến Trung đoàn và trực tiếp chiến đấu 15 trận, cùng đơn vị diệt 120 tên địch (trong đó có 48 tên Mỹ).

Anh đã được trao tặng các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua cấp Tổng đội 4 năm liên tục, Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới, Dũng sĩ Quyết thắng. Đặc biệt, anh đã được tặng thưởng: Huân chương Chiến công hạng Hai, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ và 15 bằng khen, 21 giấy khen…

Trong vô số những chiến công ấy, đồng đội anh không thể nào quên trận đầu tiên phục vụ cho Trung đoàn 2 đánh “Cứ điểm Đồng Xoài” (chiến dịch Phước Long – Sông Bé) với nhiệm vụ tiếp đạn – chuyển thương. Là trận đánh công kiên, địch dựa vào hầm ngầm kiên cố chống trả quyết liệt, bộ đội bị thương vong nhiều. Trương Chính Thanh chỉ huy tiểu đội bò dưới làn đạn vào sát hầm ngầm của địch cõng từng thương binh, tử sĩ, cùng đơn vị chuyển được 45 thương binh, tử sĩ đưa ra ngoài trận địa. Với tinh thần không để sót thương binh, tử sĩ ở lại trận địa, bộ đội cho biết còn một đồng chí thương binh nữa chưa đưa ra, Trương Chính Thanh lập tức bò trở vào không ngại nguy hiểm, tìm được đồng chí bộ đội bị thương gần ổ hỏa lực của địch, nếu bò thì dễ bị trúng đạn, anh áp sát người xuống đất trườn vào đưa được thương binh ra ngoài an toàn, mặc cho quần, áo bị rách và ngực, đầu gối… bị trầy xước chảy máu. Trận này, Trương Chính Thanh 7 lần bò vào trận địa cõng 5 thương binh, 2 tử sĩ. Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bộ đội tin tưởng, khen ngợi tinh thần dũng cảm của TNXP.

Trong trận Bù Đốp, Trương Chính Thanh 6 lần xông vào tận lô cốt của địch cõng thương binh, đơn vị đang làm nhiệm vụ thì được lệnh phải rút nhanh để tránh phi pháo của địch hủy diệt trận địa, Trương Chính Thanh phát hiện còn bộ đội bị trọng thương không bò ra được, anh động viên anh, chị em nhanh chóng cõng thương binh ra ngoài, còn mình thì bất chấp hiểm nguy xông trở vào cõng thương binh chạy ra. Anh chưa kịp rời khỏi trận địa thì một quả pháo nổ sát bên cạnh, Chính Thanh lấy thân mình che chắn cho thương binh, thật may là chỉ bị đất đá phủ nhẹ, anh bình tĩnh động viên: “Không sao đâu, có tụi em, anh không lo. Anh ráng chịu đau, em cõng ra ngoài có anh, chị em băng bó và khiêng đưa về trạm phẫu…”.

Tới trận Trà Phí (Tây Ninh) nghe đội viên Hùng Ký báo cáo: “Có tiếng gọi của chiến thương còn lại trong trận địa”, tình thế rất căng thẳng, vì trận đánh không thành, địch phản kích rất quyết liệt, bộ đội đã rút ra ngoài… Trương Chính Thanh quyết định bắn kiềm chế chặn địch để Hùng Ký cõng thương binh, khi đưa được đồng chí bộ đội bị thương ra ngoài thì cả Hùng Ký và Chính Thanh đều bị thương, nhưng trên gương mặt đen nhẻm vì khói súng, cả hai anh đều nở nụ cười rạng rỡ.

Trong các trận: Bàu Bàng, Nhà Đỏ – Bông Trang, Phú Cường, Suối Bà Chiêm, Đồng Pal, Đồng Rùm v.v… anh Trương Chính Thanh luôn gương mẫu đi đầu trong nhiệm vụ tiếp đạn – chuyển thương và trực tiếp chiến đấu bảo vệ thương binh, thực hiện khẩu hiệu hành động của đơn vị: “Còn thương binh, tử sĩ TNXP chưa rời trận địa”, “Không để thương binh bị thương lần thứ hai”.

Trong chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, với nhiệm vụ Đội phó (Đại đội phó), anh cùng Ban Chỉ huy Đội 198 lãnh đạo, chỉ huy đơn vị liên tục phục vụ từ đợt 1 cho đến kết thúc chiến dịch. Đội 198 bị thương vong chỉ còn lại 24 cán bộ, đội viên, Trương Chính Thanh cũng bị thương, anh báo cáo xin cấp trên cho ở lại vừa trị vết thương, vừa phụ trách đơn vị tiếp tục phục vụ và chiến đấu. Một số cán bộ, đội viên bị thương theo gương Chính Thanh cũng tự nguyện xin ở lại đơn vị.

Đồng đội Trương Chính Thanh còn nhớ mãi một trận đánh không cân sức giữa quân Mỹ có xe tăng, phi pháo yểm trợ với hai Trung đội TNXP có nam – nữ chỉ được trang bị vũ khí để chiến đấu tự vệ. Đó là lần đơn vị Chính thanh nhận nhiệm vụ chuyển vũ khí, lương thực cung cấp cho đơn vị đặc công của quân giải phóng, ém quân trong hang núi Bà Đen (Tây Ninh), nằm sâu trong lòng địch, đồn bót dày đặc. Liên đội 9 đã điều động 2 Trung đội của Đội 198 và 239, quân số 60 người do 2 đồng chí: Trần Bảy Liện Đội phó và Trương Chính Thanh – Đội trưởng 198 chỉ huy. Ngày 08/2/1970, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ và đang trở về căn cứ thì lọt vào trận địa phục kích của Mỹ (Gò Cát, Châu Thành, Tây Ninh). Bị bất ngờ, lực lượng của địch hơn ta gấp nhiều lần. Trận chiến diễn ra trong thế ta bị bao vây. Trương Chính Thanh chỉ huy 06 đội viên tập trung AK, P.40 thủ pháo đánh thẳng vào đội hình xe tăng của quân Mỹ, Trương Chính Thanh sử dụng P.40 bắn cháy tại chỗ 1 xe tăng diệt toàn bộ quân Mỹ trong xe, kéo hỏa lực của địch về phía mình để đơn vị mở đường máu thoát ra khỏi vòng vây. Các anh, chị Trương Chính Thanh, Hồ ánh Tuyết, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Bé (Nguyễn Hoàng Anh) đã anh dũng hy sinh để 53 đồng đội trở về cứ an toàn. Trong trận này Hoàng Anh cho nổ lựu đạn diệt 4 tên Mỹ. Trương Chính Thanh và Nguyễn Hoàng Anh đã được Bộ Chỉ huy Quân sự miền Nam truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai. Tấm gương Trương Chính Thanh và Nguyễn Hoàng Anh được Tổng đội Thanh niên xung phong Giải phóng miền Nam noi gương, học tập.

Trương Chính Thanh hy sinh khi anh vừa tròn 24 tuổi đời, 5 tuổi quân, 3 tuổi Đảng. Anh là cán bộ gương mẫu về đạo đức, tác phong cởi mở, chan hòa, có tinh thần đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội, luôn xem đơn vị là nhà, được cán bộ, đội viên TNXP và bộ đội quý mến. Anh là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần “Kiên cường, dũng cảm trong lửa đạn, hăng say bền bỉ trong phục vụ, kiên quyết đánh địch bảo vệ thương binh, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa về, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Anh xứng đáng được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân./.

Nguyễn Hương Mai

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015