Võ Triều Chung: Thông ngầm, thông đường là mệnh lệnh của chiến trường!

Đăng lúc: 07-09-2017 2:42 Chiều - Đã xem: 207 lượt xem In bài viết

Tôi gặp anh Võ Triều Chung nhiều lần nơi diễn đàn hội nghị tổng kết công tác rà phá bom – đảm bảo giao thông của ngành GTVT Hà Tĩnh. Đặc biệt lần nào anh cũng được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ của ngành GTVT” tỉnh nhà, vì anh đã có nhiều sáng kiến trong rà phá bom nổ chậm đem lại hiệu quả cao, được áp dụng phổ biến trong nhiều đơn vị của ngành GTVT.

Thế rồi sau đó mấy ngày nhận được tin dữ, làm tôi choáng váng “Anh Võ Triều Chung bí thư chi bộ C557- N55- P18 và một số đồng chí trong tổ rà phá bom của đơn vị đã anh dũng hy sinh, và đặc biệt sau khi hy sinh không tìm thấy thi thể của anh Võ Triều Chung“. Dẫu vậy hình ảnh về một con người dũng mãnh đầy quả cảm cứ đeo đẳng mãi trong suốt cả cuộc đời tôi.

Lần theo chủ trương phát hiện những tập thể cá nhân có thành tích cống hiến đặc biệt xuất sắc trong công cuộc kháng chiến để đề nghị khen thưởng, tôi lại có dịp trở lại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để gặp gia đình, đồng đội tìm hiểu về con người rất “anh hùng” mà chưa được phong tặng. Đó là liệt sỹ, Bí thư chi bộ Võ Triều Chung.

Qua tìm hiểu được biết anh Võ Triều Chung sinh năm 1935, trong một gia đình nông dân nghèo, mồ côi bố mẹ từ lúc lên 7 tuổi, được một người bác họ là Võ Triều Khí nuôi dưỡng dạy dỗ. Anh Chung vốn là người cần cù, chịu thương, chịu khó, lại hăng say hoạt động xã hội, anh vừa đảm trách trách Bí thư đoàn xã, vừa là thư ký đội sản xuất. Năm 1963 anh được kết nạp vào Đảng Lao Động Việt Nam. Trong khí thế hừng hực của phong trào “3 sẵn sàng”, đã nhiều lần anh viết đơn bằng máu để xin được lên đường ra tuyến trước. Ngày 19/5/1965 anh gia nhập lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung), được đề bạt làm tiểu đội trưởng tiểu đội 7 C211 hành quân vào mở đường 20 – Quyết thắng.

Những đêm hành quân, hay chuyển thương tải đạn trên đèo 1001, Ngã Ba Đông Dương, hay ngầm Tà Lê ác liệt…. Anh Chung luôn là người tiên phong gương mẫu đi đầu trong mọi công việc. Do vậy, tiểu đội do anh lãnh đạo, là tiểu đội dẫn đầu đại đội. Sau đó, đại đội 211 được điều động vào tăng cường cho đội 55-P18, anh lại được bầu làm Bí thư chi bộ, Đại đội 557-N55-P18. Đại đội được giao nhiệm vụ chốt giữ 5 cây số phía Bắc Đồng Lộc, là một trọng điểm vô cùng ác liệt. Vào những ngày cuối hè đầu thu năm 1968 kẻ địch đánh phá vào Đồng Lộc với cường độ “cấp tập”, bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn. Đặc biệt ở giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện cái gọi là “ném bom hạn chế” (từ 31/3/1968 đến 01/1/1968 Mỹ tập trung ném bom từ vĩ tuyến 20 trở vào), Đồng Lộc như một chảo lửa khổng lồ, mỗi ngày đêm phải hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn.

Với khẩu hiệu hành động “Địch cứ đánh, ta cứ đi, đường ta cứ thông và xe ta cứ vượt“, là Bí thư chi bộ, hàng ngày anh Võ Triều Chung đều có mặt chỉ huy đơn vị san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, đảm bảo thông đường thông tuyến trong mọi tình huống.

Chiều hôm ấy 24/8/1968 khi máy bay Mỹ rải thảm xuống ngầm Tùng Cóc, đường 15A hàng chục quả bom nổ chậm, định giờ, thì cũng là lúc nhận lệnh của quân khu 4 phải “dọn sạch đường” cho đoàn xe quân sự đặc biệt đi vào tiền tuyến.

Trước tình hình “nước sôi lửa bỏng” ấy, với thái độ bình tĩnh, sáng suốt đầy bản lĩnh, Bí thư chi bộ Võ Triều Chung quan niệm: Cách mạng sáng tạo là ở tập thể, đồng chí đề xuất họp chi bộ hiến kế. Cuộc họp được diễn ra thật chóng vánh. Nghị quyết chi bộ phải thông xe bằng mọi giá. Tại cuộc họp chi bộ, đồng chí Võ Triều Chung tuyên bố: “Việc phá bom nổ chậm để thông ngầm, thông tuyến là mệnh lệnh của chiến trường, là mệnh lệnh của trái tim người Đảng viên cộng sản. Các đồng chí hãy để tôi chỉ huy cùng tổ phá bom hoàn thành nhiệm vụ. Có mệnh hệ gì thì tôi đã có người nối dõi tông đường, các đồng chí khác còn trẻ lắm“. Sau lời thề và tuyên bố của đồng chí Bí thư chi bộ, nhiều Đảng viên không cầm được nước mắt. Đồng chí Chung lại nói tiếp: “Chúng ta không được phép mềm lòng, mệnh lệnh của chiến trường không thể làm khác”.

Cơm chiều chưa ăn, nhưng chiến trường vẫy gọi, cả không gian trầm mặc, oai hùng của một chiều Đồng Lộc uy nghiêm, hoành tráng đưa tiễn các anh vào trận. Mặt ngầm xao động, sóng nước lung linh, thỉnh thoảng những cánh bom Mỹ như cố nhô lên khỏi mặt nước, để “trăng trối” về giờ tận số của mình. Đoàn quân cảm tử oai vệ do Bí thư chi bộ Võ Triều Chung chỉ huy, bủa vây lưới trận. Nào nam châm di động, thuyền buồm thả theo chiều gió, nào hệ thống cáp treo an toàn….. Như một “trận đồ bất quái”, buộc những tên “thần chết” phải tự tiêu hủy, để nhường lại sự bình an cho cuộc sống sinh sôi.

Một quả nổ, hai quả nổ và nhiều quả nổ…. mặt ngầm được giải phóng dần. Sự “ngoan cố” chai lý của những kẻ sát nhân còn lại, đang giằng xé từng giây giữa sự sống và cái chết của những người lính cảm tử.

Một tiếng nổ chát chúa gầm xoáy mặt ngầm để thông đường ra trận và cũng là tiếng nổ hóa thân hình người Bí thư chi bộ Võ Triều Chung và chiến sỹ Nguyễn Văn Bổn hoà quyện vào những chuyến xe qua chảy vào miến Nam đánh to thắng lớn.

Thể xác của những người lính cảm tử đến nay không tìm thấy, nhưng linh hồn lung linh tỏa sáng cho Đại đội 557 và những người lính mở đường chúng tôi tiếp tục xông lên góp phần làm nên một Ngã Ba Đồng Lộc huyền thoại. Bốn mươi sáu năm từ ngày Bí thư chi bộ Võ Triều Chung và chiến sỹ Nguyễn Văn Bổn ra đi linh hồn các anh rực rở tỏa sáng nơi tượng đài Đồng Lộc, nơi đài hoa chiến thắng tại quê hương Thuần Thiện phù trì bảo hộ cho quê hương ngày một hạnh phúc ấm no.

Thừa ủy quyền, đồng chí Nguyễn Thiện – Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đại diện gia đình liệt sĩ Võ Triều Chung ngày 7/3/2015

Tôi rời quê hương anh hùng Võ Triều Chung trong những ngày bận rộn cho việc chuẩn bị tổ chức đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vừa được Đảng và Nhà nước truy tặng mà lòng tràn đầy cảm phục, tự hào về một con người “bất tử” chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho hôm nay và mọi thế hệ mai sau.

Võ Tá Lý

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015