Ký ức những con đường

Đăng lúc: 21-02-2019 9:21 Sáng - Đã xem: 137 lượt xem In bài viết

Trước mắt tôi, sáu anh chị em ngồi lặng lẽ, ký ức của những năm tháng chiến tranh tàn khốc như đang lần lượt ùa về. Cho đến tận bây giờ chúng tôi không thể tin là mình vẫn còn sống để trở về quê hương trong điệp khúc khải hoàn ca. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Trong lúc đó những người bạn cùng quê hồn nhiên tươi trẻ đã từng cất cao tiếng hát át tiếng bom giặc Mỹ cùng với tiếng nói cười vang vọng trong mọi hang lèn. Tiếng khóc thầm soi bóng xuống dòng suối mát trong xanh. Mái tóc đen sốt rét một thời lại âm thầm nằm dưới chân đèo, bên Cổng trời, Đường 15B, ; Đường 10; Đường 20 Quyết Thắng. Cho đến ngày hôm nay dẫu sự sống bình yên, đất nước mỗi ngày thay da đổi thịt, chiến tranh đã lùi xa. Nhưng trong tâm thức những đồng đội không bao giờ thiếu vắng các chị các anh.

Hội Cựu TNXP huyện Con Cuông đi thăm viếng nghĩa trang Trường Sơn tháng 3 năm 2018

Chị Hạ, chị Biết sau khi học chính trị một tháng ở Yên Lý Thượng, Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An, chúng tôi có lệnh lên đường. Dừng chân trên cầu Đò Vàng thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình để bốc vác, tải đạn dược súng ống, quần áo tư trang, lương thực thực phẩm chuyển vào Nam phục vụ bộ đội chiến đấu. Năm 1969 chúng tôi lại chuyển công tác làm đường goòng ở Kim Sơn, Tuyên Hóa.

Chúng tôi còn nhớ rất rõ cái tết năm 1969, cái tết đầu tiên xa nhà khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi mà trong lòng tràn đầy nỗi nhớ thương gia đình bố mẹ, bạn bè anh em thân thích. Toàn đơn vị như bị giựt giây, 2/3 anh em trong đơn vị như điên khùng, ngơ dại, vỗ về chào hỏi nhau trong nước mắt. Rồi những ngày tiếp theo, ngày B52 Mỹ đánh phá ác liệt cả nhiều tháng trời đơn vị phải ăn mì bột thay cơm.

Cuối năm 1969, đơn vị lại chuyển vào Đường 15B – Phong Nha – Kẻ Bàng làm đường thông xe ra tiền tuyến, càng tiến vào sâu thì cuộc sống càng khổ cực, thiếu đủ mọi bề, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, suốt nhiều ngày nhiều đơn vị phải ăn lương khô, chia nhau từng giọt nước. Hôm sau lại tiếp tục phá đá mở đường, giữ huyết mạch để xe ta tiến vào miền Nam chiến đấu.

Đầu năm 1970 một ngày đau thương của đơn vị các anh, các chị đang san lấp hố bom. Bất ngờ máy bay Mỹ dội bom. Đơn vị lại mất đi người anh cả chính trị viên đại đội. Đêm đến sau 3 phát súng phát lệnh, chúng tôi lại ra đường làm nhiệm vụ. Có đồng chí ngái ngủ, có đồng chí sức khỏe yếu, mặc cho mưa dầm gió rét lạnh thấu xương, chúng tôi tưởng chừng như không đủ sức. Nhưng ngoài tiền tuyến, các anh bộ đội đang chờ từng chuyến hàng, từng viên đạn, từng mẫu lương khô để chiến đấu. Chúng tôi lặng im làm nhiệm vụ thông đường cho đoàn xe đi vào chiến trường.

Năm 1971 – 1972 toàn đơn vị được lệnh chuyển vào Đường 10  làm nhiệm vụ mở đường mới. Sáu anh chị em chúng tôi: Khầm, Hạ, Xuân, Lưu, Nhung, Hường. Tuy một người một tiểu đội khác nhau nhưng vẫn ở bên nhau trên mọi chặng đường, động viên giúp nhau trong gian khó, sẻ chia từng mảnh quần, tấm áo cho nhau. Tôi (Nhung) là em gái út của 5 anh chị em được các anh, các chị nuông chiều vỗ về như em ruột trong nhà. Vào Đường 10 cuộc sống ngày càng thiếu thốn, xa dân, sống trong rừng sâu nước độc. Thiếu cơm, thiếu muối, sốt rét hoành hành, B52 Mỹ bắn phá ngày đêm. Đường mới mở đầy rẫy những bom mìn chồng chất. Rồi một ngày tháng 9/1971 khó quên đơn vị cử 2 tiểu đội tham gia mở Đường 18. Sau một cơn mưa xối xả, nước tràn về làm ngập cả một vùng, có nhiều đồng chí phải leo lên cây, lên nhà đứng chờ trời sáng. Tiểu đội chị Vũ Thị Lưu bị sập nhà, nhiều đồng chí mắc kẹt đã được bộ đội xưởng cưa cứu giúp. Nhưng chị Lưu đã trút hơi thở cuối cùng tại mảnh đất Trường Sơn hùng vĩ. Đơn vị mất đi một người đồng chí quý mến. Chúng em mất đi một người chị yêu thương hiền lành nhân hậu. Mộ chị được đặt gần đơn vị, sớm chiều nghi ngút khói hương.

Năm 1972 hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và đoàn giao phó, 5 anh chị em chúng tôi được trở về quê hương – Về với mảnh đất yêu thương của một thời thơ ấu. Để lại chị Lưu ở Trường Sơn cùng 4 anh em đồng đội. Ôi đau lắm! Nhưng chúng tôi cũng không biết làm gì hơn, chỉ mong chị và đồng đội được mồ yên mả đẹp, lòng hứa với nhau thống nhất nước nhà sẽ cùng gia đình đưa chị về quê, v với chúng em. Nguyện vọng đó đến nay đã được đáp đền. Chị đã về thật rồi chị Lưu ơi.

Noi gương chị, chúng em hứa sẽ ra sức học tạp luyện rèn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, sống đẹp, sống tốt với mọi người. Đặc biệt là quan tâm đến những đồng đội khó khăn, giúp họ vượt lên hoàn cảnh. Đem sức lực còn lại để phục vụ quê hương góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh trên con đường đổi mới./.

                 Tạ Tấn Nhung

            Nguyên là Đại đội phó Đại đội 271 đường Trường Sơn,

Nay là Ủy viên Thường vụ Hội Cựu TNXP huyện Diễn Châu, Nghệ An