Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế – ngày ấy và bây giờ

Đăng lúc: 01-11-2024 10:59 Sáng - Đã xem: 112 lượt xem In bài viết

Lực lượng TNXP Quảng Bình vô cùng tự hào khi có 05 người được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động & Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong số đó có Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế[1], người may mắn 5 lần được gặp Bác Hồ, đặc biệt tên tuổi chị gắn liền với bức ảnh “Bác Hồ với Thanh niên xung phong”, ghi lại khoảnh khắc chị tặng hoa Bác Hồ tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV năm 1967[2], bức ảnh được đăng tải rộng rãi trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước.

Chị Nguyễn Thị Kim Huế sinh năm 1940. Tuổi thơ chị không biết mặt cả cha lẫn mẹ, lớn lên nhờ vào tình thương của bà ngoại và cậu mợ. Năm 1965, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, lớp lớp thanh niên Quảng Bình nô nức viết đơn, tình nguyện gia nhập bộ đội, TNXP. Lúc ấy, mặc dù đã có chồng nhưng chị vẫn dũng cảm viết đơn tình nguyện, xin được tham gia lực lượng TNXP. Chị được cấp trên phân làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 (A6) có 16 chị em, thuộc C759[3], đảm nhiệm đoạn đường từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh, Đường 12A. Đây là tuyến đường huyết mạch, trong những “trọng điểm” bị không quân Mỹ ném bom, bắn phá rất ác liệt nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Tiểu đội của chị được biên chế vào Trung đội Quyết tử được thành lập vào cuối năm 1965. Chị kể: “Mỗi lần vào trận, chúng tôi đều được làm “lễ truy điệu sống”. Biết bao nhiêu người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này”. Ngày 3/7/1966, tại Km21 đường 12A, B52 Mỹ đã điên cuồng bắn phá tuyến đường. 45 ngày đêm, 24 đồng đội của chị đã hy sinh, vừa thông đường các chị vừa phải tìm xác của đồng đội. Bản thân chị cũng đã bị bom vùi nhiều lần, tỉnh lại chị lại lao vào trận tuyến….

Nhớ lại chuyện 3 đồng đội của mình hy sinh, chị kể trong nước mắt: “Hôm đó là ngày 18/2/1968, máy bay địch ập đến, 4 chị em lao xuống hầm, hầm chật chị chạy sang hầm khác. Vừa chạy được một đoạn thì bom rơi đúng hầm của 3 đồng đội. Dứt tiếng bom, chị chỉ tìm thấy 1 bím tóc, một khăn len, vài mẩu xương… Chị nhớ nhất trong số đó là Trần Thị Huề, mới 15 tuổi, dũng cảm nhất, được kết nạp Đảng chỉ mới trước khi trận đánh xảy ra”.

 Là Tiểu đội trưởng, Nguyễn Thị Kim Huế nhiều lần cùng đồng đội vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công trên đoạn tuyến lửa Đường 12A. Đặc biệt, ít ai biết đến chị từng có sáng kiến làm đường cạp tạm ven theo bờ hố bom. Tuy đường ngoằn ngoèo, hơi khó đi nhưng đảm bảo thông xe nhanh. Lúc bấy giờ, sáng kiến của chị được phổ biến rộng rãi trên Công trường 12A. Nơi nào khó khăn, nguy hiểm, nơi đó có mặt A6 và A trưởng Nguyễn Thị Kim Huế. Lần đầu tiên địch đánh bom nổ chậm ở Km19, A6 chưa ai có kinh nghiệm phá bom, Nguyễn Thị Kim Huế đã xung phong phá bom nổ chậm, giải phóng mặt đường để anh chị em TNXP san lấp, kịp thời thông xe. Hành động dũng cảm của nữ A trưởng đã động viên, khuyến khích các đội viên nam làm theo. Bom nổ chậm không còn cản trở việc ứng cứu đường của C759 nữa. Gác bom nổ chậm, làm cọc tiêu sống dẫn đường cho xe qua trọng điểm an toàn đã trở thành việc làm thường xuyên của đơn vị.

Cựu TNXP Nguyễn Thị Kim Huế nay đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng những ký ức về những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ trong bà vẫn còn vẹn nguyên. Nhiều lần, bà được Đài truyền hình, Hội Cựu TNXP Quảng Bình mời dự gặp mặt nhân các dịp lễ lớn hoặc nói chuyện truyền thống nhằm trao truyền tinh thần “xung phong”, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Sau chiến tranh bà về công tác trong ngành Giao thông vận tải Quảng Bình. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy ba con nhỏ đang tuổi ăn học. Nay các con bà đã trưởng thành và yên bề gia thất. Năm 1995, bà nghỉ hưu với thương tật vĩnh viễn 25%. Nay bà sống giản dị trong căn nhà Đại đoàn kết do Liên doanh Việt – Nga cùng UBND xã Cảnh Hóa tạo dựng tặng bà năm 2015. Tại thời điểm nhận bàn giao Nhà đại đoàn kết, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế đã bày tỏ sự xúc động sâu sắc khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhà tài trợ, các cấp chính quyền, đoàn thể, nhân dân xã Cảnh Hóa quê hương bà.

Lê Thị Thu Hồng

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh Quảng Bình

 


[1] Chị được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngày 01/02/1967.

[2] Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV (năm 1967) (Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước) họp từ ngày 6 đến 7/1/1967 tại Hà Nội với trên 500 đại biểu tham dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới tham dự Đại hội.

Đại hội đã tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 111 cá nhân Anh hùng, có 31 Anh hùng quân đội, 7 Anh hùng là dân quân, tự vệ, 7 Anh hùng là công an nhân dân, 29 Anh hùng là công nhân, 21 Anh hùng là nông dân, 4 Anh hùng là trí thức, 40 Anh hùng là thanh niên, 17 Anh hùng là phụ nữ, có 3 Anh hùng là phụ lão và 14 Anh hùng thuộc các dân tộc ít người. Trong số 45 đơn vị Anh hùng, có 22 đơn vị quân đội và dân quân, tự vệ; 5 đơn vị công an vũ trang; 8 đơn vị giao thông vận tải và bưu điện; 4 đơn vị công nghiệp và lâm nghiệp; 1 nông trường; 3 hợp tác xã, 1 bệnh viện; đặc biệt chúng ta có địa phương “Quyết thắng” anh hùng.

[3] C759 – N75 – Công trường 12 có 182 người, thuộc 17 xã của huyện Tuyên Hóa; được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân nàm 1967.