Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phan Văn Be: “Chúng ta thà hy sinh chứ không để thương binh rơi vào tay giặc”

Đăng lúc: 07-09-2017 9:44 Sáng - Đã xem: 194 lượt xem In bài viết

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ Phan Văn Be: “Chúng ta thà hy sinh chứ không để thương binh rơi vào tay giặc”

Anh sinh năm 1941 tại miền quê Hòa Hiệp, Tam Bình, Vĩnh Long. Ba má anh là Phan Văn Dự, Trần Thị Nương vốn là những cố nông. Gia cảnh nghèo khó đến cùng cực. Khi Be mới 3 tuổi ba má đã mất. Be được người chị gái nuôi dưỡng. Người chị chẳng hơn Be được bao nhiêu tuổi nhưng đã tần tảo làm mướn nuôi em. Thương chị, 12 tuổi Be cũng đi chăn vịt mướn, 15 tuổi đi ở đợ tận Cà Mau.

Suốt tuổi ấu thơ lam lũ, Phan Văn Be làm mướn ở đợ, chịu bao cảnh bị đánh đập, hành hạ, đói cơm, thiếu áo nhưng anh không thấy đau đớn bằng nỗi đau quê hương bị giặc ngoại xâm giày xéo. Anh sớm giác ngộ cách mạng.

19 tuổi Phan Văn Be (Bí danh Phan Tấn Thành) tham gia vào tổ chức Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay). Do có nhiều thành tích trong công tác, ngày 20/12/1960, anh được kết nạp vào Đoàn và ngày 02/07/1966 anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Huyện Đoàn Trần Văn Thời.

Vào những tháng cuối năm 1967, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn Cà Mau phát động phong trào nam nữ thanh niên tòng quân giết giặc, vào lực lượng TNXP phục vụ chiến trường, tổ chức thành lập các đơn vị TNXP phục vụ ở địa phương và đưa quân bổ sung tăng cường cho Đội 239 Nguyễn Việt Khái 1 đang hoạt động trên chiến trường miền Đông Nam bộ (R).

Phan Văn Be – người đảng viên trẻ, luôn gương mẫu, xông pha vào những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất đã cùng với Huyện, Tỉnh Đoàn tích cực vận động thanh niên tham gia vào lực lượng vũ trang và TNXP. Anh đề nghị với tổ chức cho lên phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ với tinh thần tự nguyện xung phong. Nguyện vọng của anh được Tỉnh Đoàn chấp thuận và anh được giao nhiệm vụ làm trưởng đoàn tân binh TNXP có 40 nam nữ thanh niên, nhanh chóng đưa lên Miền (R) để kịp bổ sung cho Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tấn công xuân Mậu Thân năm 1968.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Phan Văn Be nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, bản thân chưa biết tuyến đường hành quân lên Miền và cuộc sống, chiến đấu ở chiến trường Miền Đông như thế nào chỉ nghe nói: “Chiến trường Miền Đông gian lao mà anh dũng”, nơi trực tiếp đọ sức giữa chủ lực của ta và quân viễn chinh Mỹ… nên Be quyết tâm lên Miền Đông để chiến đấu. Anh phụ trách đoàn tân binh phải vượt qua nhiều sông lớn, những đồng Tháp Mười, Quốc lộ 4, Đồng chó ngáp, Quốc lộ 22… quân địch luôn đánh phá phong tỏa rất gắt gao, hầu hết nam nữ thanh niên trong đoàn đều ở lứa tuổi 18 – 20 (có một số người chỉ mới 15, 16 tuổi) càng không biết chiến trường Miền Đông. Thời gian đưa quân lên Miền Tổng đội phải đi hơn 30 ngày. Ngày 10/01/1968 Phan Văn Be đã đưa đoàn tân binh lên đến Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam (căn cứ Tây Ninh). Được Ban Chỉ huy Tổng đội nhận xét: “Đồng chí Phan Văn Be đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đưa quân kịp thời bổ sung cho Tổng đội”. Anh đã được TW Đoàn tặng Bằng khen.

Đến Miền Đông từ đầu năm 1968, Phan Văn Be được Ban Chỉ huy Tổng đội quyết định bổ sung tăng cường Ban Chỉ huy Đội 239 Nguyễn Việt Khái 1, anh được giao nhiệm vụ Chính trị viên Phó Đội (Đại đội). Anh cùng Đội 239 TNXP được bố trí trong đội hình của Liên đội 9 (phục vụ Sư đoàn 9 chủ lực Miền), thuộc Tổng đội TNXP giải phóng Miền Nam.

Đội TNXP 239 trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 3 (Q763), Sư đoàn 9, với nhiệm vụ: Tiếp đạn – chuyển thương từ trận địa về tuyến sau (phục vụ hỏa tuyến). Trung đoàn 3 nhận nhiệm vụ đánh sâu vào nội đô Sài Gòn. Những năm tháng rực lửa nơi chiến trường khốc liệt này, Phan Văn Be đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt và đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh, khí phách của người anh hùng. Đó là trong đợt 1 Tổng tấn công vào Sài Gòn, trên đường cấp tốc hành quân, trong đơn vị có đội viên Võ Chí Công bị bệnh không tải nổi đạn và trang bị cá nhân. Quyết tâm không để một đội viên TNXP Đội 239 Nguyễn Việt Khái 1 rớt lại dọc đường hành quân, Phan Văn Be chấp nhận bỏ bớt trang bị cá nhân của mình, kể cả chiếc áo len kỷ vật của chị Hường, người yêu của Be tặng cho anh khi lên chiến trường Miền Đông… để tải số đạn và vũ khí của đội viên Công và hành quân suốt 4 ngày đêm liền… Tình thương yêu đồng đội, sẵn sàng gánh vác phần khó khăn về mình của anh được đồng đội mến phục.

Trong trận Thuận Giao “Hầm Nhật”, Phan Văn Be cùng đồng đội kiên cường dũng cảm chiến đấu với quân Mỹ suốt cả ngày 12/02/1968, bảo vệ 30 thương binh an toàn, trong trận này đơn vị có 5 đồng chí hy sinh và 3 đồng chí bị thương.

Đến trận Cầu Tre (nay là quận Bình Tân), khi đơn vị đang chuyển 10 thương binh ra tuyến sau thì bị quân Mỹ kết hợp với phi pháo, xe tăng chặn đánh. Trong những giờ phút khó khăn sinh tử, Phan Văn Be tỏ ra bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy một phân đội chiến đấu rất kiên cường, trận đánh diễn ra quyết liệt, lực lượng không cân sức, hỏa lực của địch áp đảo… Phan Văn Be chỉ huy đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Mỹ, diệt nhiều tên, khi bị thương anh nói với đồng đội như ra lệnh: “Chúng ta thà hy sinh chứ không để thương binh rơi vào tay giặc; Anh chị em TNXP hãy chuyển nhanh thương binh ra khỏi trận địa…”, trong lửa khói của bom đạn, đồng đội nghe rõ lời kêu gọi, động viên của Phan Văn Be: “Các đồng chí yên tâm, tôi sẽ đánh kiềm chế địch…”, với khẩu AK và trái thủ pháo dù, Phan Văn Be chiến đấu kiên cường, dùng thủ pháo diệt xe tăng Mỹ và anh đã anh dũng hy sinh.

Tấm gương anh dũng hy sinh của Phan Văn Be với câu nói “Thà hy sinh chứ không để thương binh rơi vào tay giặc!” là kết tinh rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Gương sáng của tinh thần yêu nước sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân ấy đã lan tỏa và tiếp thêm sức mạnh như vũ bão trên các chiến trường đánh Mỹ – ngụy.

Liệt sĩ Phan Văn Be được lực lượng TNXP giải phóng miền Nam bầu chọn là Chiến sĩ thi đua vinh dự của Tổng đội và được phát động học tập “Gương sáng Phan Văn Be” trong toàn lực lượng.

Liệt sĩ Phan Văn Be được Bộ chỉ huy Miền truy tặng Huân chương Chiến công hạng Hai và phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Diệt xe tăng và Dũng sĩ Quyết thắng.

Và hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa 40 năm, tấm gương ngời sáng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Liệt sĩ Phan Văn Be vẫn mãi là niềm tự hào của thế hệ trẻ và của mọi người dân quê hương Vĩnh Long cùng đất nước./.

Nguyễn Hương Mai

(Viết theo báo cáo thành tích của Trưởng ban liên lạc Tổng đội TNXP GPMN Trần Văn Mãnh)

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015