Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trịnh Duy Hoàng quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ thương binh

Đăng lúc: 07-09-2017 8:15 Sáng - Đã xem: 163 lượt xem In bài viết

Trịnh Duy Hoàng sinh năm 1942, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Mảnh đất nơi đây tuy nghèo khó nhưng lại giàu truyền thống cách mạng, Trịnh Duy Hoàng đã sớm được hun đúc và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của quê hương.

Trước khi tham gia hoạt động cách mạng, Trịnh Duy Hoàng là cán bộ trợ lý của văn phòng Tỉnh đội Tây Ninh. Năm 1965, đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, thực hiện chỉ đạo của TW Đoàn và Tỉnh ủy Tây Ninh, Đại đội Hoàng Lệ Kha – Tây Ninh được thành lập ngày 23 tháng 11 năm 1965, do vậy đơn vị được đặt phiên hiệu là C2311. Đây là lực lượng TNXP tập trung thoát ly không thời hạn để phục vụ cho quân chủ lực đánh địch trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Trịnh Duy Hoàng tình nguyện gia nhập vào Đội TNXP 2311 Hoàng Lệ Kha ngay từ ngày đầu đơn vị được thành lập.

Cũng như bao TNXP khác của tỉnh Tây Ninh, Trịnh Duy Hoàng luôn khắc ghi lời thề trước lúc ra đi “Chưa đuổi hết Mỹ, chưa về quê hương“. Anh hiểu rằng ra đi là chấp nhận phải chịu đựng, gánh chịu chông gai, hiểm nguy không kém gì người lính trực tiếp chiến đấu. Anh luôn tâm niệm: “Mình phải cống hiến trọn vẹn sức lực, trí tuệ để góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước“. Chính vì thế trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, dù gặp bao gian khổ, khó khăn nhưng anh vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, hết lòng vì đồng đội. Anh luôn dũng cảm xung phong đi đầu trong nhiệm vụ tiếp đạn cho bộ đội, vào trận địa cõng thương binh, tử sĩ, và hăng hái tham gia chiến đấu tiêu diệt địch. Anh được đồng đội quý mến, cảm phục bởi sự gan dạ, quả cảm, ý chí sắt đá, luôn nhận những công việc vất vả, gian khó về mình.

Trịnh Duy Hoàng đã cùng đơn vị TNXP Đội 2311 Hoàng Lệ Kha bám sát, trực tiếp phục vụ cho Trung đoàn 3 (Đoàn Lộc Ninh), Sư đoàn 9 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh rất nhiều trận đánh lớn, quyết liệt: Nhà Đỏ – Bông Trang, Dầu Tiếng… trên các chiến trường từ Tây Ninh đến Bình Long, Phước Long. Anh cùng đồng đội của mình đã chuyển hàng ngàn thương binh từ mặt trận về các trạm phẫu thuật dã chiến và từ các trạm này về đơn vị quân y ở hậu cứ một cách an toàn, kịp thời. Có cung đường khiêng cáng thương binh rất xa hoặc đường rừng quanh co, đồi dốc, lầy lội khó đi, đơn vị của Trịnh Duy Hoàng vẫn giữ được sự êm ái, nhẹ nhàng để không làm đau thương binh trong nhiều giờ liên tục. Anh và đồng đội luôn đặt sự an toàn của thương binh lên hàng đầu. Không những tích cực tải thương binh, tử sĩ, Trịnh Duy Hoàng còn cùng đồng đội của anh đi tải đủ cơ số đạn từ các kho hậu cần về cho đơn vị bộ đội tác chiến, cho cả các đơn vị pháo binh, cao xạ trước mỗi trận đánh. Chính vì thế trong chiến đấu, đơn vị TNXP là “kho đạn dự trữ lưu động” đưa đến tận chiến hào, vị trí chiến đấu của bộ đội, giúp bộ đội yên tâm, vững tin chiến đấu hơn trên chiến trường ác liệt. Đơn vị TNXP Đội 2311 Hoàng Lệ Kha của Trịnh Duy Hoàng đã tải được rất nhiều vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng cho bộ đội đầy đủ, kịp thời và an toàn tuyệt đối.

Trịnh Duy Hoàng cùng các chiến sĩ thuộc đơn vị TNXP Đội 2311 Hoàng Lệ Kha không chỉ phục vụ bộ đội chiến đấu trong hoàn cảnh thực tế ở chiến trường, mà còn trực tiếp chiến đấu bảo vệ đơn vị, bảo vệ thương binh. Anh cùng đồng đội đã trực tiếp đánh nhiều trận lớn, nhỏ, diệt được gần chục tên giặc Mỹ – nguỵ, thu được nhiều vũ khí của địch. Có trận đánh, cả một tiểu đoàn giặc càn vào đội hình đóng quân dã chiến của đơn vị và một đơn vị pháo cùng Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 7, đơn vị C2311 Hoàng Lệ Kha đã dũng cảm nhiều lần đánh bật kẻ địch ra khỏi đội hình, diệt hàng chục tên địch, vừa bảo vệ đơn vị và đạn dược, vừa hỗ trợ đắc lực cho đơn vị bộ đội đánh thắng quân địch.

Đặc biệt, trong trận chống càn ngày 7 tháng 6 năm 1966 của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3 đánh giằng co với một Tiểu đoàn quân Mỹ suốt cả ngày trong rừng cao su Lộc Ninh. Tiểu đoàn 7, đơn vị chủ công của Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 tập kích bất ngờ đoàn xe công-voa của Mỹ – nguỵ ngay trên lộ 13 Bàu Bàng. Trung đội 1 C2311 TNXP Hoàng Lê Kha, do Trung đội phó Trịnh Duy Hoàng chỉ huy từ căn cứ, đơn vị cắt rừng vòng theo chân đồi, qua suối, theo hướng dẫn của trinh sát đến mặt trận. Trung đội 1 của Trịnh Duy Hoàng có nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 7. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Sau giây phút bị động, địch phản công, từ trên ngọn đồi cao su đối diện, xe tăng, đại bác của địch bất ngờ xuất hiện, bắn trực diện vào tiểu đoàn. Tiếng đạn pháo vang rền mặt trận, cả chiến trường mù mịt khói lửa, cây rừng trúng đạn nằm ngổn ngang, cây cao su Pháp đường kính một vòng tay ôm vẫn không chịu nổi sự tàn phá của bom đạn, chẳng cây nào còn nguyên vẹn. Bộ đội ta bị thương vong nhiều còn nằm lại giữa hai làn đạn của ta và địch ở phía trước, Trịnh Duy Hoàng chỉ huy Trung đội 1 TNXP vượt qua lửa đạn, khói bom, chấp nhận hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ, khẩn trương chuyển thương binh, quyết không để một thương binh, tử sĩ nào nằm lại nơi trận địa. Trịnh Duy Hoàng bình tĩnh, quả cảm với khẩu AK trong tay vừa đánh địch vừa chỉ huy đồng đội. Anh khéo léo, dũng cảm bò dưới làn đạn vào trận địa cõng thương binh, tử sĩ đưa ra phía sau trận địa. Bản thân Trịnh Duy Hoàng cõng được ba thương binh đưa về nơi an toàn, lần thứ tư anh bò vào trận địa gặp một chiến sĩ quân giải phóng bắn đại liên hy sinh, không do dự anh thay thế sử dụng đại liên bắn kiềm chế, yểm trợ cho đồng đội xông ra trận địa cõng thương binh, tử sĩ. Trong lúc đang cõng thương binh, anh trúng đạn, bị thương nặng. Trước lúc hy sinh anh kêu gọi đồng đội: “Anh chị em TNXP hãy xông ra trận địa cõng thương binh, không để thương binh còn lại ở trận địa” và Trịnh Duy Hoàng đã anh dũng hy sinh khi trên lưng đang cõng thương binh về tuyến sau, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bộ đội và đồng đội. Trịnh Duy Hoàng được đồng đội chôn gần gốc bằng lăng.

Ngày 27 tháng 4 năm 2010, Trịnh Duy Hoàng được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Hình ảnh và tấm gương anh dũng hy sinh của anh trở thành niềm tự hào của Đội TNXP Hoàng Lệ Kha và Lực lượng TNXP giải phóng miền Nam./.

Lê Trúc Vy

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, tháng 7/2015