Sắp tròn nửa thế kỷ đi qua, song mỗi dịp đến ngày Thương binh – Liệt sỹ (27-7), thì trong tim tôi nhói đau và trong đầu ùa về những kỷ niệm buồn vui lẫn lộn về thời kỳ hoạt động ở Khánh Hòa. Như những thước phim quay cảnh đồng đội chúng tôi được các má, ba, cô, dì, chị, em… “bịt mắt” địch để băng bó vết thương, hồi phục sức chiến đấu một cách thần kỳ dưới những căn hầm bí mật, ngay trong vùng sâu địch kiểm soát, có cả hầm ở ngay trong nhà, trong vườn của sĩ quan VNCH. Đối với những niềm vui lớn ngày nay thì ai ai cũng biết, nhưng nỗi đau, nỗi buồn sót lại thì chỉ có những người thật thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” mới thấu hiểu được. Là người trong cuộc tôi luôn đau đáu về tấm gương Anh, tấm gương không hề bị bụi thời gian che mờ, trái lại thời gian càng lùi xa càng thêm tỏa sáng. anh là tác giả của những căn hầm bí mật, nơi chứa đựng sức mạnh của lòng dân trong cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta tại Mặt trận Nam Phú Yên – Bắc Khánh Hòa.
Anh Tám Sức
Với tâm nguyện thực hiện lời kêu gọi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục miền Nam “Quyết lập vành đai diệt Mỹ và nắm thắt lưng chúng mà diệt”, Đội TNXP vũ trang Khu 5 chúng tôi lên đường vào sâu trong vùng Mỹ – VNCH kiểm soát. Hơn hai năm hoạt động tại vùng ven thị xã Ninh Hòa, cách Quân trường biệt động Dục Mỹ[i] chỉ 5 km đường chim bay. Tên là Đội TNXP vũ trang Khu 5, nhưng chiến trường chỉ cho phép bộ khung ban đầu, còn sau đó thì hầu hết cán bộ, chiến sĩ đều phải phát triển ngay tại địa bàn. Thành phần đa số đều có vỏ bọc “Nghĩa quân”, “Phòng vệ dân sự” có cả lính bảo vệ cho ấp trưởng, xã trưởng. Thường ngày thì sống hợp pháp, ban đêm thì hoạt động nửa hợp pháp với trang phục ngụy quân, súng đạn của Mỹ kéo nhau đi “gài mìn phục kích Việt Cộng” nhưng khi phối hợp với lực lượng cách mạng và cơ sở nội tuyến thì công khai Việt Cộng một trăm phần trăm. Điểm tập kết sau giờ hoạt động là những căn hầm bí mật chìm, nổi, trong nhà, ngoài vườn, bờ sông, có cả trong lòng các ngôi mộ giữa bãi tha ma… Tấm gương của anh và của cả Đội TNXP Khu 5 không sao kể xiết. Chiến công của anh và đồng đội đã góp phần tiêu diệt và quét sạch toàn bộ lực lượng ác ôn, thám báo, CIA, cố vấn Mỹ ra khỏi địa bàn phía Bắc tỉnh Khánh Hòa trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng; góp phần đem lại phần thưởng cao quý – danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – cho Đảng bộ, quân dân xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa. Chỉ xin nêu một tấm gương tâm linh đặc sắc mà anh giữ sáng mãi hơn 30 năm sau, đến trước khi qua đời.
Anh Tám Sức (bên phải) cùng cháu là (Nguyễn Hồng Phước) Bí thư chi đoàn mật thôn Xuân Hòa,
xã Ninh Hòa, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa. Ảnh chụp năm 1997, do anh Phước cung cấp
Anh vừa là “Liên toán trưởng Phòng vệ dân sự”, có tên trong danh sách CIA của đoàn cố vấn quân sự Mỹ huyện Ninh Hòa, vừa là Bí thư chi bộ mật, Chỉ huy phó Đội TNXP vũ trang Khu 5. Lúc bấy giờ chúng tôi không được phép biết tên thật của anh, chỉ gọi anh là chú (chú Tám Sức) mặc dù anh và tôi cùng độ tuổi với nhau. Chiến công được coi là kỳ tích của anh không chỉ là tác giả của trên 10 căn hầm bí mật mà còn là tác giả của hàng trăm bài “thuyết pháp” thu nhận lòng dân để xây nên những căn hầm có sức mạnh chở che, bảo vệ an toàn cho hàng trăm cán bộ, chiến sĩ giữa các cuộc vây lùng khốc liệt của địch. Chủ nhân của 3 trong số 10 căn hầm do anh xây dựng, thì một trở thành Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một thì từ là vợ tên sĩ quan biệt động thành một đảng viên kiên cường trước mọi cuộc tra tấn dã man trong nhà tù của Mỹ & VNCH. Và một là từ một nữ sinh sợ chuột, sợ ma… trở thành tấm gương dũng cảm suốt nhiều đêm liền nằm giữa nghĩa địa cảnh giới cho căn hầm bí mật bên trong lòng ngôi mộ đã chuyển bộ hài cốt đến địa điểm khác.
Tác giả và “nữ sinh Trương Mỹ Lệ” tại nhà bà Lệ năm 2015.
Đối với tôi chủ nhân và cả gia đình của các căn hầm nói trên là ân nhân mà suốt đời tôi mãi mãi mang ơn. Đặc biệt hơn hết là “căn hầm âm phủ” đã cứu mạng tôi và đồng chí trung úy cảnh vệ thoát khỏi bàn tay đẫm máu của biệt động quân và cố vấn Mỹ. Không mấy ai có thể biết để có được căn hầm âm phủ thì anh không chỉ đã sẵn sàng hy sinh tính mạng mà còn tính đến cả “hy sinh phần hồn” bởi mang “tội” động tới vong linh của các bậc gia tiên tiền bối. Sự kiện tâm linh vô cùng huyền bí này đã đem lại cho anh một niềm hạnh phúc lớn nằm trong hạnh phúc chung của toàn Đảng toàn dân.
Sau một tuần địch vây ráp săn lùng ráo riết, hầu hết các căn hầm bí mật trên địa bàn đều bị địch phát hiện, hầu hết cơ sở nội tuyến đều bị chúng bắt giam cầm tra tấn. Chỉ duy nhất có căn hầm nổi xây ngay trong phòng ngủ của nữ sinh Trương Mỹ Lệ mà tôi đã ẩn nấp an toàn mấy tháng nay thì cũng như ngàn cân treo sợi tóc. Nếu trong đêm nay, tôi không được chuyển đi nơi khác thì sáng sớm mai cả gia đình Mỹ Lệ và cả xóm Xuân Hòa không thể nào thoát khỏi cảnh tàn sát dã man của địch. Ngay vào thời điểm khốc liệt đó, giữa đêm khuya, chú Tám Sứt ra bãi tha ma thắp hương khấn vái cầu xin thần linh cho phép chuyển bộ hài cốt trong ngôi mộ lớn nhất đến địa điểm khác để khoét rộng ra làm nơi ẩn trú cho tôi. Ba lần khấn vái vẫn không xin được phép, nhưng không còn cách nào khác, chú Tám vẫn phải làm và giao cô Mỹ Lệ nhiệm vụ đưa tôi vào ẩn nấp rồi cảnh giới qua ba ngày đêm đến khi bộ đội đặc công đến đưa tôi về căn cứ.
Bị địch bắt, chú vẫn kiên cường, giữ vững khí tiết. Khi trao trả ra Sầm Sơn năm 1973 chú được đi an dưỡng, chữa dị tật bẩm sinh ở môi, được phục hồi Đảng. Sau 1975 chú về Nam công tác, làm xã đội trưởng Ninh Phụng nhiều năm… được hưởng chế độ thương binh, chế độ hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không khuất phục, chế độ hưu khi đến tuổi. Chú đã được tặng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy chương Chiến thắng hạng Ba; Kỷ niệm chương Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tỳ đày; Kỷ niệm chương Cựu Chiến binh Việt Nam; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng…Chú bị bệnh và đã mất ngày 14/9/2012, hưởng thọ 81 tuổi.
Mẹ chú – bà Nguyễn Thị Tròn (ảnh trên) – được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nguyễn Anh Liên
Ảnh: Đồng Sỹ Tiến
[i] Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ (tiếng Anh: Duc My Ranger Training Center, DMRTC) là tên gọi một Cơ sở đào tạo nhân sự cho Binh chủng Biệt động quân. Về mặt quản lý trực thuộc và dưới sự điều hành của Tổng cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu VNCH, tồn tại từ 1961 đến 1975, tọa lạc tại địa phận thị trấn Dục Mỹ, xã Ninh Sim, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa[