Bà Nguyễn Thị Mỹ Quế (ảnh dưới), sinh năm 1945 tại xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 1965 khi Mĩ dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, anh và em trai bà đã lên đường bảo vệ tổ quốc. Ngày 10/7/1965 Tỉnh ủy có quyết định thành lập Ban chỉ huy TNXP Ninh Bình. Ở tuổi 20 bà nhập ngũ vào đại đội TNXP huyện Gia Viễn do các đồng chí Phạm Xuân Cẩn làm đại đội trưởng, Nguyễn Thị Chắt làm chính trị viên. Sau 5 ngày tập trung học tập, ngày 19/7/1965 đơn vị đã hành quân vào tuyến trong.
Sau một tháng hành quân bộ, vượt qua mấy trăm cây số đơn vị đã tới La Khê, Hương Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh, nhận nhiệm vụ làm tuyến đường sắt Hà Tĩnh đi giới tuyến. Nhưng công tác chuẩn bị chưa xong, đơn vị nhận được lệnh vào tuyến sâu hơn. Ở đây đơn vị được chia thành 2: Một bộ phận toàn nam giới nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông Đường 16; còn lại phần đa là nữ do đồng chí Nguyễn Văn Tài làm đội trưởng về phía Tây Quảng Bình theo đường 12 qua Khe Ve, vượt qua đèo Mụ Giạ, Cổng Trời để phối thuộc với tuyến I Đoàn 559, mở đường mới và đảm bảo giao thông trên Đường 128 trên đất tỉnh Khăm Muộn (Nam Lào). Sau 2 ngày hành quân đơn vị tạm trú tại Minh Hóa (Quảng Bình), tại đây bị máy bay Mĩ phát hiện đánh vào đơn vị làm 2 người hy sinh, 5 người bị thương.
Sau những đêm hành quân trong mưa và bom đạn, đoàn quân đã tới nơi. Lúc này Lào đang là giao điểm giữa mùa mưa và mùa khô, khí hậu rất khắc nghiệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, 70-80% quân số bị sốt rét, bệnh tật, có đơn vị không còn người khỏe mạnh để nấu cơm. Thuốc men lại thiếu thốn, có những lúc thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu cả muối. Trong những ngày này đơn vị đã phải thay nhau túc trực bám đường bảo đám giao thông theo tinh thầm các khẩu hiệu “Tim có thể ngừng đập, đường không thể không thông”, “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, “Sống bám cầu, đường; chết kiên cường dũng cảm”…
Nhập ngũ một thời gian bà được giao làm A trưởng, năm 1966 được phân công là B phó, rồi làm quản lý đại đội, đầu năm 1967 là C phó. Bà bị thương năm 1968 khi đang làm nhiệm vụ.
Khi chuyển từ Đội 33 sang Đội 25 bà làm quản lý của C4 Đội 25. Năm 1970, nhiều cán bộ chiến sỹ TNXP được cử đi học, một số chuyển sang quân đội, một số chuyển ngành về các đơn vị ở trung ương và địa phương. Bà Nguyễn Thị Mỹ Quế được chuyển ngành về Ty thương nghiệp. Bà tham gia Ban Thường vụ Đoàn thanh niên của công ty. Chị gặp ông Phạm Văn Hùng năm 1970, là bộ đội bị thương về thăm chị gái (làm cùng công ty với chị), về thăm chị. Hai người yêu nhau, đến năm 1972 mới cưới. Trong 9 năm ông bà sinh được 4 người con (3 gái, 1 trai). Năm 1983 ông Hùng nghỉ mất sức, ông buôn bán khắp nơi, năm 1991đi theo người phụ nữ khác, bỏ lại bà và 4 đứa con, con lớn học lớp 11, con bé nhất học lớp 1. Một mình bà vừa công tác, vừa chăm lo dạy dỗ học hành cho 4 người con, chăm mẹ chồng già yếu (mất năm 1998 ở tuổi 83). Cả 4 người con của bà đều trưởng thành, công việc ổn định, có cuộc sống đầy đủ, sung túc, sinh cho bà 8 cháu và 1 chắt ngoại.
Đến nay ông Hùng sống với vợ con mới nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà và các con thường xuyên cưu mang, hỗ trợ thêm một phần kinh tế và lo cho 2 con ông Hùng có công ăn việc làm. Bà tâm sự: Con cháu ông Hùng không có tội tình gì, dù sao chúng nó vẫn là anh em. Các con ông Hùng vẫn thường xuyên đi về và được cả nhà bà Quế thương yêu, chăm sóc.
Những năm các con còn nhỏ, bà tập trung để nuôi dạy các con. Năm 2006 khi các con đã trưởng thành, bà tham gia công tác TNXP, được cán bộ hội viên tín nhiệm, bà được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP phường Đông Thành nhiệm kỳ 2006 – 2011 và 2011 – 2016.
Năm 2016 bà được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP thành phố Ninh Bình nhiệm kỳ III và tiếp tục Chủ tịch Hội nhiệm kỳ IV (2021 – 2026) và được bầu vào Thường vụ Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình.
Với trách nhiệm của Chủ tịch Thành hội, bà đã luôn quan tâm đến cán bộ hội viên, ngoài việc thường trực giải quyết công việc thường nhật, bà thường xuyên đi xe đạp điện xuống các phường xã rà soát, cổ vũ hội viên làm kinh tế giỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát đói giảm nghèo, tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, các ban ngành đoàn thể. Năm 2018 được các con hỗ trợ một phần kinh phí, bà đã cùng gia đình đồng đội Nguyễn Thị Thắm đi tìm và đưa hài cốt đồng đội về nghĩa trang quê nhà.
Trong dịp lũ lụt năm 2020, cùng với sự hỗ trợ của Tỉnh hội, Thành hội Ninh Bình đã có chuyến quà hỗ trợ cho cựu TNXP Quảng Bình, gồm 10 tấn hàng, trong đó có gạo, mì tôm, sữa, sách vở và quần áo… trị giá gần 100 triệu đồng. Quảng Bình là nơi mà TNXP Ninh Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã được người dân đã cưu mang, hỗ trợ. Hiện còn 14 liệt sĩ TNXP Ninh Bình an nghỉ tại nghĩa trang cầu Hồ ( xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch).
Để góp phần cùng cả nước phòng chống đại dịch Covid-19 (năm 2020, 2021), bà đã cùng Ban Thường vụ Thành hội chăm lo đến việc đảm bảo sức khỏe cho cựu TNXP, vận động cán bộ hội viên TNXP thành phố và gia đình đóng góp được 58.300.000đ, ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19; tổ chức thăm hỏi gia đình cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn 200kg gạo, 50 thùng mì tôm.
Là đồng đội cùng đơn vị N33 với bà trên đường Trường Sơn, cùng là cán bộ Tỉnh hội Ninh Bình, tôi chúc bà luôn mạnh khỏe, cùng cán bộ hội viên cựu TNXP thành phố Ninh Bình đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt chương trình Trung ương Hội phát động “Mãi mãi tình người lan tỏa yêu thương”.
Lê Thị Lan
Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Ninh Bình