Bồi đắp niềm tin vào cuộc chiến chống tiêu cực suy thoái

Đăng lúc: 15-11-2021 3:28 Chiều - Đã xem: 171 lượt xem In bài viết

Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân rất vui mừng trước việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm; coi đây là biện pháp hữu hiệu để xây đạo đức từ gốc, chống suy thoái từ đầu, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, vừa đúng và trúng tâm nguyện của nhân dân, có căn cứ để nhân dân thực hiện: Dân biết, dân giám sát kiểm tra, tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đảng viên chấp hành nghiêm 19 điều quy định không được làm vừa góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, vừa là động lực để đảng viên luôn luôn giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, vai trò gương mẫu – nhân tố quyết định để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Yêu cầu cơ bản và quan trọng nhất của nội dung 19 điều quy định đảng viên không được làm là tất cả các tổ chức Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải tập trung xây dựng, nâng cao đạo đức cách mạng từ gốc, tận gốc và quyết liệt đấu tranh phòng chống sai phạm, tiêu cực ngay từ lúc mới manh nha, ngăn chặn từ đầu không để trượt dài đến suy thoái biến chất.

Quy định 37 có nhiều nội dung mới, rất sát đúng, dễ hiểu, dễ chấp hành và cũng dễ giám sát, kiểm tra, kết luận xử lý. Nhiều nội dung đã trở thành khung tiêu chuẩn để cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình, tự giám sát, kiểm tra; là định hướng để cán bộ đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu. Cụ thể, như tại Điều 3, quy định: “Không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lê nin; tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; Chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh…”. Đây là sự bổ sung rất quan trọng trong bối cảnh các thế lực thù địch và các phần tử “tự chuyển hóa” đang gia tăng các phương thức, thủ đoạn chống phá Đảng ta ngày càng tinh vi, nguy hiểm.

Tại Điều 9, quy định không được “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định”; hay Điều 13 quy định không được “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che tiếp tay cho các hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”. Việc bổ sung này là rất cần thiết, giúp công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Tại Điều 11, cấm đảng viên “Lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vê cán bộ, năng động sáng tạo vì lợi ích chung để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”. Đồng thời, bổ sung quy định một số hành vi đảng viên không được làm như: “Không được đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý”.

Điều 18, quy định “Đảng viên không được thờ ơ, vô cảm với các hành vi sai trái trong xã hội”, cùng với nội dung nêu gương ở Điều 3 là nhằm tập trung xây dựng Đảng về đạo đức – một vấn đề hệ trọng được đặt ra và nhấn mạnh từ Đại hội XII của Đảng. Cán bộ phải có tài, có đức nhưng đức phải là gốc. Cán bộ là công bộc của Dân, nên vấn đề của Dân cũng là của mình, không thể thờ ơ, vô cảm, đây là trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện công vụ, thái độ ứng xử trong mối quan hệ với nhân dân. Thờ ơ, vô cảm là vô đạo đức.

Cùng với 19 điều đảng viên không được làm, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 260 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, đang như được một nguồn năng lượng mới bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Căn cứ vào một trong sáu trường hợp quy định ở Điều 5, cơ quan có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Trong 6 trường hợp nổi lên là trường hợp bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Vi phạm những điều đảng viên không được làm; Vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan đơn vị; Có 2 năm liên tiếp xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ; Có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. Đối với việc từ chức, căn cứ vào một trong các trường hợp sau: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng; Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.

Đây là cơ sở cho một cuộc sàng lọc nghiêm minh, công bằng, nhân văn, kịp thời để xây dựng chỉnh đốn Đảng; là một biện pháp rất cần thiết để cán bộ luôn luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: Cán bộ là “công bộc” của Dân, là “Đầu tàu” của phong trào cách mạng; việc gì có lợi cho Dân, cho Cách mạng thì khó mấy cũng quyết tâm làm; Trái lại, khi không làm tròn được nghĩa vụ công bộc hoặc tụt lại phía sau đoàn tàu thì tự giác xin từ chức, nếu không thì tổ chức có thẩm quyền quyết định miễn nhiệm. Và đây cũng là biện pháp nhân văn, nhắc nhủ cán bộ có chức có quyền phải thường xuyên tự giác tự phê bình, tự giám sát, kiểm tra bản thân để luôn giữ ấm nóng trái tim người đảng viên cộng sản, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ Dân cần, Đảng giao.

 Nguyễn Anh Liên