Bức thư chưa kịp gửi

Đăng lúc: 04-04-2018 4:24 Chiều - Đã xem: 141 lượt xem In bài viết

Hồi còn ở TNXP, tôi vốn nhút nhát, ít chuyện, hay tránh gặp các đồng đội nam. Khi được cử vào tuyến lửa phải đối mặt với thử thách mới, chiến sự thì ác liệt, lao động khuôn vác nặng nhọc, mọi sinh hoạt đời sống đều ở dưới hầm. Tôi còn được Ban chỉ huy giao thêm nhiệm vụ làm giáo viên kiêm nhiệm dạy toán lớp 5, công việc này thật khó với tôi bởi tính thiếu tự tin khi nói trước đông người. Khẩu hiệu đơn vị đề ra “Đảng viên là cốt thép, Đoàn viên là bê tông, toàn đơn vị quyết tâm xây pháo đài đánh Mỹ” là phương châm hành động của mỗi đội viên mà tôi lúc đó đang là đối tượng Đảng. Nhiệm vụ học văn hóa thời đó ở TNXP là một trong ba mục tiêu của Đảng đề ra là Lao động, chiến đấu và học tập, vì thế tôi không được từ chối nhiệm vụ này.

Cầm quyển sách giáo khoa trên tay tôi phân vân định sang thầy Phan Văn Ổn đề nhờ phụ đạo, nhưng ngần ngại thế nào tôi lại rẽ sang hầm đồng chí Phan Doãn Xơng, người đồng đội cùng lứa tuổi đã có kinh nghiệm ở ngoài tỉnh nhà. Đứng trước cửa hầm tôi thấy anh đang chăm chú viết. Trang giấy đã phủ đầy các hàng chữ. Thấy tôi còn do dự, anh nói: Cậu cần mình có việc gì không? Chưa trả lời vội, tôi lại hỏi anh đang soạn bài à. Không, mình đang viết thư về nhà, vào đây cũng khá lâu rồi mà công việc cứ lúi búi, hôm nay mình mới giành thời gian viết cho mẹ lá thư. Cậu vào đi, tôi ngồi xuống và nghe anh kể.

Quê minh ở xã Thanh Chi, Thanh Chương, mẹ mình năm nay gần 60 tuổi, mình còn chị gái nay đi lấy chồng ở xã bên. Bố mình đi dân công trên Điện Biên bị sốt rét rồi mất luôn ở đó. Nghe mẹ mình kể lúc đó mình còn phải bồng trên tay. Vì vậy khi lớn lên chính quyền xã không điều anh đi bộ đội. Mẹ anh an lòng khi có đứa con trai trụ cột gia đình khi bà về già. Thời kỳ đó khắp các làng quê Miền Bắc, thanh niên trai tráng đều tòng quân nhập ngũ. Ở nhà, anh thấy mình lạc lõng giữa thời cuộc, sống thế này sao vô nghĩa quá. Rồi vào một đêm đi họp chi Đoàn anh đã tình nguyện ghi tên gia nhập TNXP, một tuần khi sắp lên đường anh mới xin phép mẹ.

Anh bảo với mẹ rằng: TNXP chỉ đóng quân trong tỉnh, lại làm cầu đường chứ có ra mặt trận đâu mà sợ, mẹ cứ cho con đi xong nghĩa vụ 3 năm là con về liền. Nghe anh năn nỉ rồi bà cũng đồng ý.

Ba năm công tác tại C313-N65 làm đường 15B. Nhiệm vụ nào đơn vị giao anh cũng hoàn thành xuất sắc với bản chất dí dỏm, thông minh, nên ở đâu anh cũng đem lại tiếng cười và niềm vui cho đồng đội và anh cũng được ghi tên đầu trong đợt ra quân đi học sư phạm.

Do chiến sự ngày càng ác liệt. Năm 1968, Tổng đội TNXP điều động quân đi chi viện chiến trường, anh lại tạm hoãn ước mơ học sư phạm của mình để xung phong lên đường làm nhiệm vụ mới. Anh bảo, biết trong này gian khổ, ác liệt, nên chắc mẹ tôi lo lắng, nên trong thư gửi mẹ lần này tôi nói với mẹ hoàn thành chiến dịch VT5 là con xin ra quân về nhà cưới cô vợ xã bên do chị tôi mai mối.

Nghe anh nói vậy tôi tròn xoe mắt. Hiểu ý tôi anh cười. Tôi hứa đại cho mẹ tôi vui, còn nếu được ra quân thật thì tôi phải đi học đã chứ… Rồi anh hướng dẫn chút kinh nghiệm giảng bài cho tôi tự tin. Tôi còn nhớ bài dạy đầu tiên cho đồng đội là: Số đúng và số gần đúng, trong chương trình toán lớp 5, học viên của tôi chỉ có 7 người gồm các chị khi vào TNXP mới có lớp 1.

Sáng hôm sau tôi còn gặp lại anh từ hầm Ban chỉ huy đội đi ra.

Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày hôm đó, chúng tôi đang họp tiểu đội phân công nhiệm vụ từng dây chuyền trong ca trực đêm, thì bỗng nghe tiếng nổ ngoài bến hàng, đang ngạc nhiên vì lúc đó không có tiếng máy bay oanh tạc, cũng không phải tiếng nổ của pháo kích hay thủy lôi, thì có hiệu lệnh từ Ban chỉ huy đi cấp cứu người. Tôi mới hay anh Xơng và anh Hội đi rà bom vướng phải dây bị bom nổ. Khi tôi ra đến đầu đường thì thấy 2 anh đã nằm trên 2 cái cáng, quần áo bị bom xé rách tả tơi, máu me bê bết, anh Xơng bị thương rất nặng đã hy sinh khi vừa chở đến bệnh viện Quảng Lưu – Quảng Trạch, còn anh Hội (người Đại Sơn, Đô Lương) bị hỏng 2 mắt nay cũng đã qua đời.

Tôi còn nhớ khi cùng với đồng chí Liên (quê Hậu Thành, Yên Thành) vào lấy tư trang của anh, bức thư anh viết cho mẹ chiều ấy đã dán tem mà chưa kịp gửi… Thật xúc động vô cùng…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cái chết của anh là niềm tự hào vô giá của đồng đội chúng ta, của tổ quốc và gia đình yêu dấu. Anh là người con Trung – Hiếu vẹn toàn.

                                                          Kim Điệp

 Hội Cựu TNXP P.  Bến Thủy – TP.Vinh – Nghệ An