Ảnh internet
Trưa Rào Reng[1]
Suối tung trắng trên vách đá
Tiếng cười rộ lên từ hàng cây ven đường
Từng đợt máy bay gầm rít trên không
Các cô gái ngồi,
Lại trò bắt bắt, tung tung, bày chợ đánh ô…
Chẳng ca kíp gì đâu, chỉ sau loạt bom nổ
Tiếng còi xe là tiếng gọi thông đường
Chúng em lo nỗi lo cùng A trưởng
Mười lăm cô gái đủ miền đủ giọng
thánh thót miền ngoài, nhỏ nhẹ miền trong
áo “sẵn sàng” suốt mấy mùa mưa nắng
Mười lăm đôi chân hăm hở lên đường
Suốt bốn năm, một lối rừng gắn bó
Tên bạn bè thường gọi cả trong mơ
Giặc Mỹ triệt con đường bằng bom tọa độ
Đạn bắn liên hồi, pháo sáng thâu canh
Suốt bốn năm con đường vẫn sống
Các cô gái ngồi gỡ tóc ra hong
Mọi người vào bữa ăn
Lưng xoong canh, lá rau rừng lỏng bỏng
Nhưng cái phút tưởng như yên lặng
Lúc mọi người lo một chuyến xe lên
Cái khổ nhất nơi này là cái khổ chi?
Là cả tháng mưa rừng,
bộ quần áo cuối cùng đem mặc
Ngọn lửa hồng huơ ấm bàn tay
Năm tháng nơi này chẳng gặp thêm ai
Ngoài đồng đội thân quen
như mỗi người đều có vị trí riêng mình,
không ai thiếu được
và những chàng trai trên chuyến xe vào
Phút chia tay là nụ cười
Chỉ thấy trên nét mặt các cô thoảng vẻ trầm tư lo lắng
ấy là khi nghe tiếng bom phía cuối con đường rung chuyển
Một câu nói như giữa cơn mơ:
– “Không biết đoàn các anh ấy đã qua chưa?”
Đường 18, 1972
Trịnh Ngọc Dự
[1] Một địa danh trên Đường 18, ở Quảng Bình.