Đó là thời điểm “Có đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu”[1] năm 1965. Sau 3 tuần tập trung học chính trị, biên chế đơn vị củng cố tổ chức và học sơ bộ kĩ thuật thi công đường tại xã Thạch Lâm. Sáng ngày 18/8/1965, 140 cán bộ đội viên C539, N53 – P18 chúng tôi hành quân vào Đèo 7 (Km36 – đường 21) thuộc địa phận Hương Khê tiếp giáp với Quảng Bình. Ngoài tôi là cán bộ kĩ thuật quê Thạch Hà ra đã 3 năm thoát ly gia đình ở ký túc xá, còn lại 139 cán bộ đội viên TNXP C539 người 4 xã miền Thượng Kỳ Anh: Lâm, Sơn, Thượng, Lạc đều chưa ai thoát ly gia đình sống tập thể. Ngay cả anh Điển (Đại đội trưởng) từ Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Sơn điều lên, anh Khoa (Đại đội phó) cũng từ Bí thư Đoàn xã Kỳ Lạc điều lên, … cũng chưa quen sống tập thể, chưa biết mô tê gì về cầu đường, lán trại thi công.
Đường hành quân vào càng sâu rừng già càng mưa nặng hạt. Từ Thạch Lâm vào ngã ba Thình Thình chúng tôi hành quân theo đường mòn dân sinh. Qua Thình Thình vào đến Đèo 3 chúng tôi phải tìm cọc tim đường khảo sát để xác định hướng hành quân. Thế là từ anh cán bộ kỹ thuật, tôi trở thành “chiến sĩ giao liên” lúc nào chẳng rõ. Đường hành quân làm lán tạm nghỉ qua đêm dọc đường hành quân cái gì cũng hỏi tôi. Hai ông “Bí thư” thành Đường Tăng mà tôi là Tôn Hành Giả đi lấy kinh lạc lõng giữa rừng già, có nơi chưa có chân người tới. Ngày đầu tiên hành quân, chúng tôi dừng lại ở Đèo 3, cạnh một con suối hẹp. Một trận lũ rừng kéo về chóng vánh, cuốn phăng phăng, gầm gào dưới suối như hổ gầm. Cũng may, chúng tôi làm lán tạm xa suối trước khi lũ về nên không ai hề gì, kể cả tài sản và tính mạng. 140 người mà chỉ che được 3 gian lán tạm lợp lá dong rừng, lá trung quân. Đêm ngồi bó gối ướt như chuột lột. Cánh nữ thanh niên nông thôn lần đầu xa nhà lại gặp phải mưa lũ, vắt rừng từng nắm, muỗi bay đụng đầu rát mặt, …, các O lúc đầu khóc nhỏ hi…hi… rồi không thấy các anh cán bộ nạt thì thả phanh khóc hu hu như cha chết. Qua một ngày một đêm mưa ướt, rét lạnh, muỗi vắt không ngủ được. Sang ngày 19/8 thì khoảng 70% đơn vị lăn ra cảm sốt. Do ốm nhiều nên cả đơn vị phải ăn cháo thay cơm. Chúng tôi quyết định dừng hành quân, tu sửa, mở rộng lán, có làm sạp bằng cau rừng, mái lợp chắc chắn để tránh bệnh nhân bị ướt mưa lần nữa. Giao cho y tá ra lệnh tất cả thay quần áo khô và gói quần áo ướt lại chưa giặt, đề phòng hành quân ngay (nếu trời hửng nắng hoặc tạnh mưa lâu). Nhờ có thuốc cảm phát trước cho từng tiểu đội nên hết đêm thứ hai thì hầu hết bệnh nhân đã khỏi. Chiều ngày thứ ba (tức chiều 20/8) trời hửng nắng, chúng tôi cho đơn vị tiếp tục hành quân. Đi qua Lán Mây nghỉ chân 30 phút, chúng tôi tiếp cận Đèo 7 lúc trời gần tối. CÁc A tiếp tục làm lán và chị em cấp dưỡng đắp lò nấu ăn. Khoảng 21 giờ đêm thì đơn vị làm xong nơi nghỉ, cấp dưỡng đã có cơm cá khô, muối lạc mang theo, ai cũng đói meo, ăn ngon miệng.
Vì được giao làm lán cho cả 9C và Văn phòng Tổng đội N53 vào sau, nên ngày hôm sau mưa nhỏ, đơn vị chặt cây dựng lán, đẵn cau rừng làm sạp cho C8, còn C9 chúng tôi làm sau cùng. Cứ 3 ngày, chúng tôi hoàn thành 4 lán lớn nhỏ cho mỗi đơn vị. Hai lán dài có sạp hai bên chứa được mỗi lán 60 người. Một lán cho A cấp dưỡng và một lán cho Ban chỉ huy (thường gọi là C bộ) đủ cho 10 người ở. Cứ thế, sau một tháng chúng tôi bàn giao xong lán 9C và tổng đội. Cả đơn vị lại lục tục quay về tìm vị trí làm lán trại cho đơn vị mình. Tôi mệt bã người vì cái gì “Hai lúa” cũng “nhờ anh, nhờ anh” cả. Từ tìm tuyến qua cọc tim đường, khảo sát đến chọn vị trí lán xa trục đường thi công để bom “khỏi xơi”… Tận khi quay lại ngoài Rào Mát, cách lán C534 chừng một cây số có bãi phẳng, rộng thênh thang tôi cho cắm lán đơn vị. Tất cả những nhược điểm của 10 cụm lán trước đã được “người nhà” khắc phục tất tần tật. Đến 25/9/1965, toàn bộ 11 dãy lán cho 10C và Văn phòng Tổng đội cũng hoàn thành. Đèo 7 (Km 36) C538; Km37 + 800 (C539); Rào Mát (Km40) C534; Km 543 (C536); Rào Bội (Km 545): C535; Đài Các (Văn phòng Đội N53) … đến Tân Đức (Km 52) là lán C531. Đội TNXP N53 là quân của 4 huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê.
Đáng lẽ, tôi làm lán cho C mình nên tìm suối nước làm nhà ăn trước rồi mới dựng lán ở. Tôi cho làm lán ở trước, nên khi dựng xong lán ở mới phát hiện đường xuống suối để làm nhà ăn thì dốc đứng. “Vống đẽo” đành phải “khéo chữa”, tôi cho giật khoảng 120 cái bậc tam cấp xuống suối và làm ngay nhà ăn cạnh suối đủ cho 20 mâm cơm cùng ăn một lúc. Cả đơn vị không thấy ai phàn nàn (kể cả hai ông “Hai lúa” cũng vậy). Tôi cũng mới 20 tuổi vừa ra trường đã biết gì đâu.
Trên đoạn tuyến do 10 C của Tổng đội TNXP N53 – P18 phụ trách thi công Đường 21 từ Đèo 7 đến Tân Đức dài 16Km luồn dưới tán cây cổ thụ rừng già. Những cái tên mới khai sinh (do đơn vị khảo sát đặt ghi vào bản vẽ) như Đèo 3, Lán Mây, Đèo 5, Đèo 7, Rào Mát, Đài Các, Rào Bội, Tân Đức, La Khê, … dần dần quen thuộc và hằn sâu vào kỷ niệm mở đường Trường Sơn của mỗi chúng tôi. Nơi xuất xứ của những đêm “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh, tiếng hát em lay động cây rừng, phải chăng em cô gái mở đường, không thấy mặt người mà chỉ nghe tiếng hát“. Ban ngày, trên những tán cây cổ thụ Lim, Đinh, Sến, Táu, … thoáng bóng con trai khỉ chạy trên cành rào rào, nhưng lại ngồi dương mắt há hốc mồm nhìn con gái tắm. Thậm chí, có những con khỉ đột to lớn còn bẻ cành ném trêu các o. Dưới những bóng cây rừng là dòng suối trong văn vắt, cá mát, cá leo trèn, … chưa biết sợ người, chỉ cần vắt cục cơm đầu lưỡi câu thả xuống là kéo lên mỗi đêm vài ký.
Ôi cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Tôi có viết mấy câu thơ tựa cho cuốn nhật ký “Mở rừng” năm 1965 rằng:
Hãy nhớ lấy những ngày trên Đèo 7
Hãy nhớ lấy một mẫu đời hăng hái
Ghi vài dòng nhật ký tuổi hoa xuân
Họa mai sau gặp những phút gian truân
Nhớ Đèo 7 lại xem dòng Nhật ký.
Thế mà đã 52 năm có lẻ, bây giờ ai còn ai mất, ở đâu?
Rừng Trường Sơn, 1965
Vinh, 2017
YT
[1] Thơ Hữu Thỉnh