Cẩm Ly ký ức nửa thế kỷ…

Đăng lúc: 09-11-2021 9:50 Sáng - Đã xem: 54 lượt xem In bài viết
Hồ chứa nước Cẩm Ly (Lệ Thuỷ) là công trình thuỷ lợi lớn nhất, công trình đại thuỷ nông đầu tiên của  tỉnh Quảng Bình trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Hơn nửa thế kỷ, dòng nước từ hồ chứa Cẩm Ly đã làm căng tròn hạt lúa, củ khoai và dịu mát một vùng đất rộng lớn khô hạn phía tây hai huyện Lệ Thuỷ – Quảng Ninh. Và, qua chặng đường dài ấy ai còn nhớ, ai đã quên những khởi đầu trong gian nan trên vùng đất hoang vu để có được công trình thế kỷ và những năm tháng chiến tranh bom đạn dội xuống hồ chứa mênh mang này?

Có một ngày chúng tôi trở lại vùng đất này, trở lại bên hồ chứa có cái tên khá hay Cẩm Ly với bao kỷ niệm cả một thế hệ tuổi trẻ tỉnh nhà. Nói kỷ niệm của tuổi trẻ bởi đây là “Công trình thanh niên” trên đất Quảng Bình. Vâng, lúc đó, cả một thế hệ tuổi mười tám, đôi mươi hàng năm trời hăng say lao động trên công trình này trong những năm tháng hoà bình dựng xây trên miền Bắc. Công trình hồ chứa nước Cẩm Ly được Chính phủ phê duyệt xây dựng vào tháng 10-1961 và đã có hàng vạn thanh niên các huyện, thị xã trong tỉnh từ Tuyên Hoá đến Quảng Trạch, Đồng Hới… tham gia lao động ở đây với gần 1,5 triệu ngày công. Riêng thanh niên huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh  đã đóng góp hơn 80 vạn ngày công… Ngày ấy dẫu còn rất bé nhưng tôi vẫn biết từng đoàn người quê tôi ở vùng giữa huyện Lệ Thuỷ, nô nức đi xem hồ Cẩm Ly.

Là công trình thế kỷ trên chính quê hương, nhưng với tôi mãi đến những năm đầu 90 mới được ngắm nhìn hồ nước bao la này, chứng kiến sự hùng vĩ của hồ trên núi, mới biết đến những vết sứt sẹo trên thân đập do bom đạn quân thù dội xuống đây trong những năm chiến tranh. Đấy là những năm tháng tôi được về dạy học ở một trường cấp 3 ở khu vực này, trong một lần đưa học sinh đi nạo vét con kênh dẫn nước từ hồ Cẩm Ly về xuôi theo hợp đồng giữa nhà trường với thủy nông huyện.

Biết đến chiến tranh, biết đến những trận đánh khốc liệt với máy bay Mỹ vùng phía tây huyện, nhưng lần đến Cẩm Ly lúc ấy, ngay trên trận địa năm xưa tôi mới khớp nối lại để hình dung một cách cụ thể những trận đánh để bảo vệ công trình thuỷ lợi này. Vâng, công trình Cẩm Ly không phải là mục tiêu quân sự, nhưng với sự xảo quyệt đánh vào “dạ dày” của miền Bắc, giặc Mỹ đã coi đây là một mục tiêu tiến công trọng điểm. Và thế là từ ngày 20-4-1965, máy bay Mỹ đã liên tục tập kích và khu vực hồ, quyết xé toang thân đập được đắp bằng đất.

Một góc hồ chứa nước Cẩm Ly.

Đọc được âm mưu thâm độc của quân thù, lực lượng pháo phòng không 37 li của tiểu đoàn 9 bộ đội địa phương Quảng Bình luân phiên trực chiến bảo vệ công trình. Lực lượng tự vệ các xã Hoa Thuỷ, Sơn Thuỷ, Phú Thuỷ, Nông trường Lệ Ninh hiệp đồng chặt chẽ với các đại đội pháp 37 li ngoan cường chiến đấu đánh trả quân xâm lược. Ngay trong đêm 20-4-1965, tổ tự vệ công trình Cẩm Ly do anh Trần Quốc Thản chỉ huy đã bắn rơi một máy bay AD 6.

Trận đánh đã tạo nên dấu mốc quan trọng là lần đầu tiên, dân quân tự vệ bằng súng bộ binh (K44) bắn rơi tại chỗ máy bay Mỹ ban đêm trên miền Bắc. Và trong suốt những năm chống Mỹ, các đơn vị bảo vệ hồ chứa nước Cẩm Ly với khẩu hiệu “Trận địa là nhà, dòng nước Cẩm Ly là sữa mẹ” đã chiến đấu ngoan cường bắn hạ 8 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái và điều quan trọng nữa là bảo vệ an toàn công trình chiến lược trong phát triển kinh tế của địa phương. Ngắm nhìn hồ chứa với hơn 40 triệu m3 nước này mới hiểu ra rằng cái địa thế khu vực hồ chứa Cẩm Ly là khá hóc búa với những tên giặc lái Mỹ.

Hai đầu đập là hai hòn núi khá cao. Các đơn vị phòng không bố trí pháo cao xạ, súng bộ binh tại đây nên đã khống chế khá hiệu quả vòng lượn ném bom của máy bay địch. Đấy là lý do cơ bản để gần một chục máy bay hiện đại phải lộn cổ xuống đất và đập vẫn vẹn nguyên… Nhưng có lẽ, bom đạn, dù là bom tấn không dễ gì phá vỡ con đập với chân đập rộng hơn 200 mét, cao 47 mét, mặt đập ngót chục mét, chiều dài thân đập chỉ hơn 100 mét…

Cũng gần 25 năm nay kể từ lần đầu tiên, tôi lại mới có dịp trở lại hồ chứa Cẩm Ly. Khác với năm xưa, phải leo bộ lên đập, nay con đường bê tông vững chải chạy thẳng lên hồ. Thân đập đã được nâng cấp khá cơ bản. Mặt đập phía hồ được lát bê tông phẳng lỳ, phía hạ du được gia cố đá hộc nhiều lớp… Và vẫn màu biếc xanh của nước trải rộng, thấp thoáng những rặng núi lô nhô và những chiếc đò máy chạy băng băng trên mặt hồ… Cẩm Ly rất hoành tráng nhưng cũng thật thanh bình, yên ả.

Dẫu thời gian đã làm sứt sẹo những dòng chữ trên mặt đập mà những người thợ năm xưa đã khắc vào bê tông, nhưng con số ghi vẫn còn khá rõ, công trình được khánh thành vào ngày 2-9-1964. Nhìn về hạ du, trong tầm mắt chúng tôi là những xóm làng bình yên và những cánh đồng xanh mát…Nửa thế kỷ, dòng nước từ Cẩm Ly đã có những địa chỉ cụ thể là những cánh đồng khô khát, những xóm làng cháy nắng trong mùa khô của 3 xã vùng trên huyện Lệ Thuỷ và 5 xã phía nam huyện Quảng Ninh…

Từ đập chính nhìn về hạ du.

Ông Trần Văn Quyền, Trạm trưởng Trạm thuỷ nông Cẩm Ly cho biết, trong mấy chục năm qua hồ chứa nước Cẩm Ly đảm trách tưới cho hơn 2 nghìn ha lúa của các địa phương trong khu vực. Tại xã Hoa Thuỷ, một trong những địa phương hưởng lợi từ hồ chứa, Ông Nguyễn Tiến Lễ, Bí thư Đảng uỷ xã Hoa Thuỷ nói, cái nắng, cái khô hạn đã làm cho quê tôi gần như kiệt sức trong mùa khô, đặc biệt 5 thôn vùng phía trên như Ninh Lộc, Thượng xá, Xuân Sơn… Chính dòng nước Cẩm Ly đã làm xanh lại vùng đất này trong mùa khô nắng cháy và những cánh đồng xưa kia chỉ một vụ nay tăng lên hai vụ, năng suất ngày càng cao, không chỉ xoá được cái đói cơm mà đang vươn lên làm giàu…

Nửa thế kỷ dòng chảy âm thầm nhưng rất đỗi thân thuộc và gắn bó với hàng vạn cư dân trong vùng… Nhưng không phải đã toàn mỹ, trong những ngày cả vùng đang vào vụ đông – xuân, còn đó những trăn trở. Ông Thế, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh cho biết, hệ thống kênh mương trên địa bàn đã xuống cấp, lượng nước đã bị thất thoát khá lớn, rất cần được nâng cấp. Còn Ông Lễ lại nói địa phương còn thiếu những đoạn kênh để tưới cho cánh đồng Màu ở thôn Phước Vinh… Theo ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thuỷ lợi tỉnh cho biết đấy là hệ thống kênh cấp 3, theo phân cấp trách nhiệm của huyện, xã… 

Có lẽ cũng cần nhắc lại một sự tình cờ trong chuyến đi này, khi chúng tôi lại dừng bước bên hồ cá của một gia đình ở thôn Cẩm Ly ngay dưới chân đập. Câu chuyện của chúng tôi với chủ nhà lại gặp nhau cùng một điểm, ký ức 50 năm hồ chứa Cẩm Ly. Ông Nguyễn Đăng Phúc, 78 tuổi chính là người đã tham gia xây dựng công trình thanh niên hồ chứa Cẩm Ly này trong những năm sáu mươi. Ông Phúc đã đưa chúng tôi trở lại những năm tháng sôi động trên công trình thế kỷ này. Lúc ấy cả vùng này như một đại công trường với nhiều loại phương tiện máy móc, nhưng đông đảo nhất là thanh niên nam nữ từ mọi miền quê trong tỉnh…

Riêng Lệ Thuỷ với hàng trăm thanh niên nam nữ được biên chế thành 3 C, ông Phúc là C phó C2, C trưởng là ông Lý Quang Khiêm. Mọi sinh hoạt, lao động sản xuất được quân sự hoá, ăn ở tập trung, biên chế thành đại đội, trung đội, tiểu đội… Rồi trong hồi ức sôi động ấy, ông Phúc nói cũng chính công trình này đã kết duyên vợ chồng cho chúng tôi. Khi đó bà là cấp dưỡng cho đoàn… Cái nghĩa ấy đã khơi gợi ông từ biệt quê gốc Hoa Thuỷ trở lại vùng đất này lập nghiệp khi chiến tranh kết thúc. Ông Phúc nói, anh em chúng tôi, những người từng lao động quên mình trên công trình này muốn có được một ngày hội ngộ… Đấy là điều chính đáng và có ý nghĩa lớn đối với thế hệ tuổi trẻ năm xưa.

Nhưng trong nửa thế kỷ qua không phải lúc nào Cẩm Ly cũng làm tròn sứ mạng với vùng đất này. Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi như anh Quỳnh nói vài ba năm nó lại thiếu hụt nước, dung tích 41 triệu m3 nhưng có phải lúc nào cũng đủ đầy và phải luôn căng ra phục vụ trên một mặt trận rộng lớn hàng nghìn ha. Một trong những năm như thế là mùa khô năm 1998, năm đại hạn, lòng hồ trơ đáy. Những cánh đồng lúa hè-thu của 5 xã vùng nam Quảng Ninh và 3 xã vùng trên của Lệ Thuỷ cháy khô, xơ xác. Không chỉ cháy đồng mà nước sinh hoạt cũng khan hiếm, người dân phải đi xa hàng cây số gánh nước sinh hoạt.

Năm đó đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vào đây cùng chia sẻ với nông dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh trên những đám ruộng lúa nghẹn đòng vì nắng hạn. Có lẽ chính cái năm đại hạn này mà một ý tưởng táo bạo khác là xây dựng ở phía bắc huyện Quảng Ninh một hồ chứa nước khổng lồ khác là hồ chứa nước Rào Đá.

Dẫu hôm nay Cẩm Ly đã thu hẹp đáng kể về diện tích vùng tưới, vùng nam Quảng Ninh đã dồi dào nước tưới trong đó có hồ chứa nước Rào Đá ở phía bắc, nhưng với người dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh dòng chảy từ hồ chứa nước Cẩm Ly vẫn luôn đầy ân tình…

Theo baoquangbinh.vn (08/3/2014)