Cảm nhận khi xem phim “Trường Sơn một thời con gái”

Đăng lúc: 02-05-2023 3:54 Chiều - Đã xem: 151 lượt xem In bài viết

 Tôi nguyên là chiến sỹ của Sư đoàn 341[1], đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (1976; 1979).

Năm 1972, tôi đang học năm thứ 3 Đại học Lâm nghiệp, đúng thời điểm mùa hè đỏ lửa[2], tôi đươc lệnh lên đường nhập ngũ.

Sau 3 tháng huấn luyện gấp, do yêu cầu của chiến trường miền Nam chúng tôi bắt đầu hành quân đi B[3].

Từ Hải Phòng, nơi huấn luyện chúng tôi hành quân bộ vào đất lửa Quảng Trị. Hành quân ban đêm, ban ngày tạt vào nhà dân nghỉ ngơi, cơm nước, chiều tối lại lên đường. Khi vào đến Quảng Bình thì Hiệp định Pari được ký kết.

Sau một thời gian chúng tôi được các Đoàn vận tải 571, 572, thuộc Binh đoàn 559 chở vào chiến trường B2, miền Đông Nam bộ, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Trong những năm trực tiếp tham gia chiến đấu, có biết bao gian khổ, ác liệt, nhiều đồng đội của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại Đường 13, Chơn Thành, Mã Đà, Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà và vùng ngoại ô Sài Gòn..

Vừa qua, xem lại phim tài liệu  “Trường Sơn một thời con gái[4]”, tôi vô cùng xúc động, vừa xem, vừa lau nước mắt.. Biết bao nhiêu cảm xúc lẫn lộn,  thương yêu, cảm phục, xen lẫn xót xa cho một thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng ngày ấy!

Bộ phim trên đã nhắc lại cho tôi những kỷ niệm không bao giờ quên với hình ảnh của các cô TNXP tuổi mười tám,  đôi mươi trên con đường nam tiến ngày ấy. Trên đường hành quân vào nam, chúng tôi luôn bắt gặp từng đoàn các cô TNXP đứng hai bên đường vẫy chào, chúc lên đường chiến thắng và hẹn ngày gặp lại khi đất nước thống nhất. Chúng tôi rất xúc động và tung lương khô, nhu yếu phẩm cho các cô. Có thể nói đội ngũ nữ TNXP có mặt ngày, đêm trên từng trọng điểm ác liệt nhất, trên từng kilomet, thậm chí từng mét đường mòn Hồ Chí Minh – đường Trường Sơn. Họ có mặt trong hầu hết các nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội Trường Sơn ngày ấy.  Đội ngũ ấy đã nâng bước cho hàng triệu tấn hàng, hàng vạn lượt các chiến binh như chúng tôi trên đường ra trận!

Nội dung phim đã nói lên rất nhiều điều chân thực, những hy sinh, mất mát, thiệt thòi, song cũng rất oanh liệt cúa nữ TNXP ngày ấy, họ không chỉ chịu đựng hy sinh trong chiến tranh, mà còn chịu hậu quả lâu dài sau khi hoà bình lập lại..Tôi đã không cầm được nước mắt khi có chị có 4 người con nhưng vừa sinh ra đã mất vì mẹ các cháu bị phơi nhiễm chất độc da cam!

Riêng tôi, còn có một kỷ niệm sâu sắc cho đến giờ dù dã trên nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng chưa bao giờ tôi quên! Đó là vào đầu năm 1973, khi hành quân vào đến Quảng Trị, tại một trọng điểm phía tây sông Bến Hải, trong khu rừng hoang vắng, có rất nhiều mộ liệt sỹ là TNXP, đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Sau khi hiệp định Pari được ký kết, một số ngôi mộ được cất bốc. Điều ám ảnh tôi suốt từ đó đến giờ là trong vài ngôi mộ đã cất bốc vẫn còn lại những búi tóc con gái dày dặn vẫn để lại tại huyệt. Dù đã bao năm nằm trong lòng đất nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”! Lúc đó tôi đã khóc, xót xa, thương cảm cho số phận những người con gái đã hy sinh tuổi thanh xuân cho Tổ quốc!

Có lẽ không ở đâu trên trái đất này có một đội ngũ nữ TNXP anh hùng, dũng cảm và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng thời cũng chịu nhiêu mất mát, thiệt thòi… như ở Việt Nam chúng ta. Các chị mãi xứng đáng là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu của Việt Nam anh hùng.

Chúng ta cần tôn vinh, nêu gương hơn nữa sự đóng góp, hy sinh của đội ngũ TNXP cũng như các thế hệ cha ông trong các cuộc chiến đấu giải phóng đất nước cho các thế hệ con cháu, để sự hy sinh, mất mát đó không bao giờ được phép lãng quên.

Xin cảm ơn những người đã xây dựng bộ phim này!

Nhân  kỷ niêm 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023)

                                                              Cựu chiến binh Nguyễn Hùng Cường

Thành phố Hòa Bình

 

 

 

 

 


[1] Sư đoàn 341 là một sư đoàn bộ binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, còn có tên gọi Sư đoàn Sông Lam. Sư đoàn này đã tham gia Chiến tranh Việt Nam, và Chiến dịch phản công biên giới Tây-Nam Việt Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.

[2] Chiến dịch Xuân – Hè 1972, còn được biết đến với tên gọi Mùa hè đỏ lửa (theo cách gọi của Quân lực Việt Nam Cộng hòa), hoặc Easter Offensive (“Chiến dịch Lễ Phục Sinh”; theo cách gọi của Hoa Kỳ), là một phần trong Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam, diễn ra từ ngày 30 tháng 3 năm 1972 đến ngày 31 tháng 1 năm 1973 trong Chiến tranh Việt Nam, là một nhóm các chiến dịch do Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam, chống lại quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự tại những hướng chiến lược quan trọng: Quảng Trị – Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ). Cuộc tiến công bắt đầu ngày 30 tháng 3 năm 1972[8] và kéo dài tới 31 tháng 1 năm 1973.

[3] Hậu phương miền Bắc là A, chiến trường miền Nam ở bên kia vĩ tuyến 17 được gọi là B. “Đi B” là vào Nam, là ra chiến trường, là trực tiếp giáp mặt đạn bom chiến đấu với kẻ thù. Trong những đoàn người Đi B không chỉ có quân đội, những người lính trực tiếp cầm súng đánh giặc, mà còn có các đoàn cán bộ quân dân chính đảng đi vào để phục vụ cho muôn mặt đời sống của cả chiến trường rộng lớn miền Nam.

[4] 8 tập phim tài liệu “Trường Sơn một thời con gái” gồm:  1. Những cô gái ra trận;2. Ký ức ở Trường Sơn;3. Tuổi xuân để lại chiến trường; 4. Tiếng hát át tiếng bom; 5. Những cô gái ở hai đầu đất nước; 6. Mối tình Trường Sơn; 7. Buồn vui sau thời con gái; 8. Xa rồi thời con gái ấy. Có thể xem trên http://cuutnxpvietnam.org.vn/thu-vien-video/page/8/