Cán bộ hội làm kinh tế gia đình giỏi

Đăng lúc: 05-03-2019 8:35 Sáng - Đã xem: 148 lượt xem In bài viết

Đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Tự (ảnh dưới) sinh năm 1948, ở thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vào thời điểm vừa “lên đồng”, máy cày để đầy sân đầy cổng vẫn còn lấm lem bùn đất. Cạnh đó là máy gặt, máy bơm nước, máy gieo sạ chật hết khoảng sân đã bắn mái tôn thành ga ra, chỉ chừa lối đi hẹp vào nhà.

Ông Nguyễn Xuân Yêm, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã cũng đã đến để cùng ôn lại những ngày tháng khói lửa 40 năm trước.

Cuối năm 1978 tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc nước ta cùng “nóng” lên. Bên cạnh việc tăng cường quân số xây dựng mới các đơn vị quân đội chủ lực thì việc tăng cường quân số cho các đơn vị lâm, nông trường biên giới làm nhiệm vụ xây dựng và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết. huyện Thuận Thành (tỉnh Hà Bắc cũ) nhận lệnh của trên huy động 8 đại đội, quân số 750 người bổ sung cho các huyện Thạch An, Quảng Hòa (Cao Bằng) và Văn Lãng (Lạng Sơn). Nhiều cán bộ huyện, xã, kể cả cán bộ chủ chốt, phải rút đi xây dựng khung các đại đội, trung đội. Ông Nguyễn Văn Tự từng trải qua quân ngũ thời đánh Mĩ (1969-1971) nằm trong số cán bộ địa phương được điều động tham gia giữ chức Trợ lí tham mưu tiểu đoàn, kiêm Trung đội phó Trinh sát.

   Ngày 26/11/1978 tại sân vận động Đông Côi (huyện Thuận Thành) đã bàn giao các đơn vị đầy đủ quân số, trang thiết bị, lương thực, thuốc men theo yêu cầu cho các đơn vị biên giới, trong đó có 2 đồng chí Phó Giám đốc Nông trường.

Chiều ngày 28/11/1978 đơn vị đến nơi làm nhiệm vụ. Về mặt sản xuất cả xí nghiệp là một tiểu đoàn, đại đội là một đội, trung đội là một tổ. Công việc hằng tuần gồm: Ba ngày huấn luyện quân sự và mở đường chiến lược, ba ngày xây dựng củng cố doanh trại và trồng rừng. Sau ba tháng đơn vị bước vào bắn đạn thật đạt loại khá, mở đường và trồng rừng vượt chỉ tiêu và lập được Tổ văn nghệ 15 người, cả diễn viên và nhạc công đi giao lưu với các đơn vị bộ đội gồm Đại đội 2, Đại đội 3, Đại đội 4 và các địa phương Lăng Ngoài, Quẩy Khuông, Quẩy Xám nhân dịp Tết Kỉ Mùi (1979).

Về mặt tác chiến mỗi đại đội đảm nhiệm trực chiến tại một điểm chốt, dưới sự chỉ huy tác chiến chung của Trung đoàn 567 bộ đội chủ lực tỉnh và phối hợp với đơn vị bộ đội biên phòng tuần tra truy bắt thám báo địch.

Ông Nguyễn Văn Tự nhớ lại: Rạng sáng ngày 17/2/1979 (tức ngày 21 tháng Giêng âm lịch) cán bộ, chiến sĩ còn đang ngon giấc sau một ngày lao động vất vả thì pháo địch đã nổ chát chúa khắp khu vực đơn vị đóng quân. Địch gây chiến rồi. Lệnh tiểu đoàn truyền xuống: Nam giới lên giữ chốt, nữ giới đưa cơm, tiếp đạn và tải thương.

Pháo chưa dứt bộ binh địch đã đánh lên các điểm cao. Tại đồi Yên Ngựa (xã Tà Lùng) các chiến sĩ đại đội Cốc Khau của Nông trường mía Phục Hòa phải đương đầu với nhiều đợt tấn công của địch. Các đồng chí Nguyễn Văn Kết (quê xã Đình Tổ), Nguyễn Văn Quých, Nguyễn Đức Thuận (quê xã Hà Mãn), Nguyễn Phú Hoàn, Lê Nho Liễn (quê xã Hoài Thượng) đã hi sinh trong chiến đấu bảo vệ điểm chốt.

 Ngày 21/2/1979 nữ đồng chí Trương Thị Thích (đại đội Gia Đông) hi sinh khi làm nhiệm vụ đưa cơm lên điểm chốt. Trước tình hình đó đơn vị được lệnh rút về hang Lũng Hoóc để trên bố trí lại lực lượng: 48 người làm nhiệm vụ tiếp đạn tải thương cho trung đoàn 567 bộ đội chủ lực, 51 người trong đội hình Tiểu đoàn 5 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ địa bàn 5 xã Hồng Đại, Độc Lập, Cai Bộ, Quẩy Khuông, Quẩy Xám. Gần trưa ngày 8/3/1979 địch dội hỏa lực pháo, cối vào khu vực Tiểu đoàn bộ đóng ở Bản Muống rồi đưa quân tấn công. Đơn vị triển khai đội hình chiến đấu với địch suốt cả ngày. Riêng đại đội Gia Đông hi sinh 4 đồng chí: Nguyễn Phú Điển, trung đội phó; Đặng Gia Tuấn, trung đội phó; Nguyễn Đăng Khích, tiểu đội trưởng; Nguyễn Thiện Luân, chiến sĩ.

Ngày 25/3/1979 đơn vị nhận lệnh về tiếp quản thị trấn Quảng Hòa làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh và bình công. Tiểu đoàn trưởng Bế Ích Mạo và nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mấn vinh dự thay mặt đơn vị về Thủ đô Hà Nội dự Hội nghị mừng công.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ khắc phục chiến tranh, do các nông trường, lâm trường không thể khôi phục sản xuất vì đất đai bị địch gài lại nhiều bom mìn, cơ sở kinh tế bị phá hoại nên tháng 11/1979 các đơn vị của huyện Thuận Thành được giải thể, số chuyển ngành, số về địa phương cũ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Tự chuyển ngành về công tác tại Văn phòng UBND huyện Thuận Thành quê nhà. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn ông xin nghỉ trên huyện về công tác tại địa phương để có thời gian xây dựng kinh tế gia đình. Ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau như cán bộ tài vụ, đội trưởng sản xuất…

Năm 2001 ông quyết định tạo đột phá trong việc mua máy cày về làm dịch vụ cày bừa. Ban đầu vốn liếng ít ông chỉ dám mua loại máy cày cầm tay. Sau 2 năm quen việc và đã nhìn ra hướng đi làm ăn hiệu quả ông bán máy cầm tay để mua 2 chiếc máy cày Trung Quốc công suất lớn hơn. Với tinh thần phục vụ chu đáo, làm đất kĩ nên “đơn đặt hàng” mỗi ngày một tăng. Năm 2005 ông mua thêm 1 máy cày Nhật. Rồi lại mua thêm một máy cày Trung Quốc và 1 máy cày Nhật nữa. Ông nhận làm toàn bộ diện tích canh tác 225 mẫu của thôn. Và tiếp tục sắm máy gặt để đảm nhiệm khâu thu hoạch hết diện tích nhận làm dịch vụ cày bừa ấy. Tổng đầu tư mua sắm máy móc lên đến gần 800 triệu đồng. Trước tình hình người dân mở mang làm ăn theo hướng dịch vụ, đồng ruộng “ế”, sẵn máy làm đất ông nhận hết các chân ruộng dân không muốn làm, diện tích lên đến 20 mẫu. Do khối lượng công việc lớn, ông Tự đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, nhất là vào thời điểm vụ cày vụ gặt. Làm lớn nên thu nhập cũng lớn. Hằng năm trừ hết các khoản chi phí, khấu hao, gia đình ông Tự còn được thu 392 triệu đồng dịch vụ cày bừa và gặt lúa, 300 triệu đồng từ thu hoạch thóc cấy 20 mẫu ruộng, tổng thu lên đến 692 triệu đồng.

Chỉ bám đồng ruộng ở quê mà có số thu như vậy thì thật là đáng nể!

Với nhiệt tình và kinh nghiệm công tác tập thể, ông Nguyễn Văn Tự đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Gia Đông. Và năm 2018 vừa qua ông là điển hình làm kinh tế giỏi được Hội Cựu TNXP tỉnh Bắc Ninh biểu dương.

Phạm Thuận Thành

Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh