Cần quan tâm đến mọi người dân, đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội

Đăng lúc: 22-06-2023 1:48 Chiều - Đã xem: 269 lượt xem In bài viết

Sáng 24/02/2023, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức Hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh[1]. Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TW; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân Vận Trung ương; Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương; Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng Ban Dân Vận Trung ương.

Tham dự Hội thảo các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ ngành; các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tại hội thảo[2].

Ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết (NQ) về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

1/ Tiêu đề NQ 23 đã chỉ rõ mục tiêu phấn đấu của cả dân tộc trong thời kỳ mới. Trên quan điểm Đại đoàn kết toàn dân tộc NQ đã chỉ ra, cho chúng ta nhận thấy mục tiêu phấn đấu rất rõ ràng, thu hút và hấp dẫn được mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình đi lên phát triển đất nước, gìn giữ bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Khi nhắc tới những từ “Tổ quốc”, “Đồng bào” bất cứ người Việt Nam nào, cho dù ở đâu trong nước hay sống ở ngoài nước đều có chung điểm tương đồng là phấn đấu đóng góp sức mình cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây là một chỉnh thể được cấu thành bởi 5 mục tiêu tồn tại trong mối quan hệ thống nhất. Trong Mặt trận chúng tôi thường có những cuộc trao đổi, nếu có điểm nào khác biệt, bày tỏ chính kiến riêng cũng đều được trân trọng lắng nghe; song điều đặc biệt là điểm tương đồng về mục tiêu nêu trên, khiến cho ai cũng thấy một lý tưởng, một con đường, một chỗ đứng trong lòng dân tộc.

Nhờ phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc mà nội lực quốc gia được tăng cường, làm động lực to lớn thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển, giành được nhiều thành tựu quan trọng 20 năm qua, tạo nên thế và lực của đất nước, uy tín quốc gia tăng lên, thế giới thừa nhận Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đang bứt phá đi lên.

2/ Đổi mới thể chế, chính sách 20 năm qua đã tác động tích cực đến công tác dân vận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo đó, công tác quản lý nhà nước được tăng cường và đổi mới có hiệu lực, hiệu quả hơn. Đó là điều quan trọng bật nhất. Lĩnh vực lập pháp và giám sát tối cao, Quốc hội đã đi sâu thực tiễn, đổi mới và bổ sung không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật ngày càng phù hợp hơn; đặc biệt Luật doanh nghiệp, các luật về kinh doanh, thương mại- dịch vụ trên các lĩnh vực, các ngành nghề, trong đó có Luật hợp tác xã… ; hiện đang triển khai thực hiện NQ 18 TW để sửa đổi Luật đất đai 2013, hy vọng sẽ là ngọn gió mới gắn kết cộng đồng, đoàn kết các lực lượng xã hội trên cơ sở lợi ích thiết thân và công bằng hơn, để lợi ích của nhân dân, đất nước được đặt lên cao nhất. Ở tầm vĩ mô, việc mở mang quan hệ quốc tế, ký kết nhiều văn bản song phương, đa phương tạo ra những điều kiện mới cho thương mại, giao lưu quốc tế, tạo đà đất nước phát triển một trời một vực so với những năm đầu thế kỷ này.

3/ Công tác vận động quần chúng thời gian qua không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, lan tỏa chính sách đại đoàn kết trong tất cả các tầng lớp nhân dân từ miền núi tới miền xuôi, tới đông đảo kiều bào ta sống ở nước ngoài. Đáng kể là chính sách tôn giáo thu phục nhân tâm “tốt đời đẹp đạo”. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội quần chúng vừa ổn định vừa đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động. Đáng kể là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” v.v… Thể chế hóa Hiến pháp 2013, Quyết định 217 năm 2013 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội để có Luật Mặt trận Tổ quốc (sửa đổi, bổ sung) là một sáng kiến pháp luật có tầm cỡ, đặt nền móng cho phương thức lãnh đạo Đảng gần dân, sâu sát dân, nghe dân thật lòng hơn. Mới đây, luật Dân chủ ở cơ sở được Quốc hội thông qua là một bước tiến mới cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.

4/ Mối quan hệ đoàn kết dân tộc và Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực có tác động tương hỗ. Mô hình mới Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm trưởng ban chỉ đạo, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng và sự mong đợi của nhân dân. Công cuộc “đốt lò vĩ đại”, lấy pháp luật làm tối thượng, lấy ý chí nhân dân làm gốc rễ, đã trừng trị tội phạm tham nhũng, giải quyết vấn nạn tiêu cực có nhiều hiệu quả, mang lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, tinh thần đại đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân do đó mà tăng lên không ngừng.

5/ Một số vấn đề cần quan tâm để phát huy tốt hơn tinh thần NQ 23 trong thời gian tới. Trước hết là chính sách kinh tế, chính sách xã hội xung quanh trọng tâm là việc làm, ăn ở, y tế và giáo dục phải được cải thiện liên tục từ chính sách đến hiệu quả thực tế.

Cụ thể như việc làm của người dân, nhất là người trong độ tuổi lao động có bộ phận chưa ổn định, còn bấp bênh, thu nhập chưa cao, do các tổ chức kinh tế nhà nước chưa thực sự vững mạnh, mô hình phát triển vẫn chưa minh bạch, còn nhiều tiêu cực. Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế khác thiếu điều kiện tiếp cận thị trường đất đai, thị trường vốn và tài nguyên; tiến bộ kỹ thuật ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa ứng dụng rộng rãi. Vấn đề lớn vẫn là chất lượng nguồn lao động chưa tương ứng, phù hợp quan hệ sản xuất đang hình thành.

Việc ăn ở và thu nhập, đơn cử nhà ở xã hội mà giá 20 triệu đồng/ m2 thì ai mua được. Phần lớn sẽ vào tay kẻ mua đi bán lại bất động sản, ko ai khác đó là những người giàu có. Tại các đô thị đông dân, xây toàn nhà cao cấp, có nhiều khu, xây nhà 2-30 tỷ đồng trở lên, công nhân, người lao động sáng tạo ra của cải xã hội, lẽ ra được hưởng thụ nhưng chỉ đứng xa mà nhìn. Giáo sư Đặng Hùng Võ từng nói: “Không quốc gia nào trở nên vĩ đại, giàu có nhờ vào bất động sản”. Nước ta, nhiều người giàu chiếm hàng chục ha xây biệt thự, biệt phủ, biến nó thành đất ăn chơi; hạn đất, hạn điền mở ra để chết cứng vẫn an nhiên tồn tại cho ai vinh thân phì da, ích kỷ vô cùng! Có cái bất động sản không xứng trăm tỷ họ mua lên cả ngàn tỷ, trường hợp đó tôi có thơ báo cáo Thủ tướng cho dừng lại; đúng là thông tin tôi đã phản ánh không sai vì họ rửa tiền của Vạn Thịnh Phát. Bây giờ giá bất động sản lên cao chót vót, rồi cắt lỗ cũng kẹt cứng không giao dịch được. Đã có lúc ngân hàng rất “khéo mua khéo bán”, bán vô tội vạ trái phiếu của doanh nghiệp cho dân, ai thu hoa hồng, ai hốt bạc? Một số doanh nghiệp phá hỏng thị trường bất động sản, Ngân hàng quay sang thắt chặt cho vay, nâng lãi suất tín dụng, chứng khoán giao động mạnh, nhà kinh doanh kêu không có tiền, đình đốn sản xuất. Kỳ họp Quốc hội vừa qua tôi có nêu vấn đề: Về trái phiếu doanh nghiệp, ngành Tài chính hay Ngân hàng quản lý thì không rõ ngành nào; chế định nào của pháp luật cho doanh nghiệp thu hút vốn vô hạn như thế, cũng là vấn đề thiếu tường minh. Bây chừ thì nhà giàu, nhà nghèo đều khóc! Doanh nghiệp bất động sản đòi giải cứu thì thật là vô lý!

Nguyên do tại vì cán bộ của ta cả. Một số cán bộ doanh nghiệp nhà nước, cán bộ làm ăn ngoài nhà nước bắt tay người làm chính sách-tham nhũng chính sách, bắt tay người làm dự án thì thu vén, cắt xén, tiêu cực xoay quanh “bầu sữa” ngân sách và tài nguyên quốc gia; có trường hợp lừa lấy tiền người dân lúc đang đại dịch Covid 19, tham ô về vật tư y tế, sách giáo khoa… Mặt khác, chúng ta cũng phải hết sức đề phòng mâu thuẫn nội bộ một số gia đình, làng xóm; khiến chúng ta cảnh báo về tình trạng xấu về an ninh trật tự, về chuẩn văn hóa ứng xử; nhìn thấy vậy ai không ngỡ ngàng – tựa như trích đoạn “Hạnh phúc một tang gia” trong tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng (sách in năm 1938).

Công tác dân vận vì thế mà khó vận động, khó tuyên truyền. Vì người nêu gương xấu không ít, hàng không thật đưa lên quảng cáo, mạng xã hội ảo; nhiều hiện tượng làm cho cán bộ vận động quần chúng thời nay gặp nhiều khó khăn, không giải thích nổi. Những việc phản tuyên truyền, trái đạo đức con người diễn ra nhiều nơi, nhiều cấp độ; cấp Trung ương nổ ra càng to, khiến một bộ phận quần chúng phân tâm. Nói là “dân vận chính quyền”, nhưng có nơi chính quyền lại làm dân vận yếu nhất, vì nói chưa đi đôi với làm. Thời nay, phương thức vận động lại dựa nhiều phương tiện điện tử chưa hẳn là hay. Ngày xưa lúc địch mạnh, ta còn yếu, khó khăn trăm bề nhưng cán bộ gần gũi với dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” là bài học xương máu. Bây giờ có ai kiểm điểm cán bộ trong một quý, một năm có bao nhiêu ngày “3 cùng” với dân? Đó là những việc cần suy nghĩ cho công tác sắp đến.

Cốt lõi của dân vận là Lợi ích về vật chất và tinh thần cho người dân. Ngắn gọn là Dân sinh, Dân chủ, Dân quyền. Xoay quanh 3 vấn đề đó, nói sao cho dân tin, làm sao cho dân thấy. Dân tin, dân thấy được lợi ích một cách công bằng thì mới đảm bảo cho mục tiêu đại đoàn kết. Vì thế, trách nhiệm chúng ta là phải nhanh chóng cải thiện, nâng cao mọi mặt đời sống của nhân dân, như bằng tiền lương, tiền thưởng, bằng ngày công xứng với lao động họ bỏ ra; hãy công bằng ngay trong chính sách giá cả, nhận diện đúng giá trị sản phẩm của nông dân, công nhân, trí thức, người về hưu làm thêm… Vừa qua nhiều người đối tượng chính sách, người bị thiên tai, hoạn nạn, người yếu thế đời sống khó khăn, được Nhà nước hỗ trợ; được hưởng lợi từ đóng góp của cộng đồng, từ nhà từ thiện hảo tâm gửi vào Mặt trận, nhưng đã có không ít kẻ lợi dụng lòng tốt. Câu chuyện bà Phương Hằng với bao nhà vận động từ thiện không rõ ràng, cho thấy thiếu một cơ chế vận hành, đạo đức xã hội có vấn đề.

Niềm tin của người dân dựa vào sức sống của công cuộc chống giặc nội xâm. Nhân dân đặt niềm tin rất to lớn vào “Người đốt lò vĩ đại”, tin vào Ban Chỉ đạo, tin vào Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Với cơ hội này người dân được thuyết phục bởi tinh thần dám nhận khuyết điểm, quyết tâm sửa chữa của Trung ương và tinh thần quyết đánh án mạnh hơn nữa. Giờ thì các tầng lớp nhân dân đã và đang thể hiện sự đồng lòng và ủng hộ mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực như Tổng Bí thư nói: “Nhất hô bá ứng, trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt”. Tinh thần này sẽ thức dậy sự hợp tác chặt chẽ hơn trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách “tồn vong chế độ” đã được cảnh báo.

6/ Tôi xin đề cập mấy kinh nghiệm và kiến nghị:

 Thứ nhất: Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhiệm vụ công tác dân vận hiện nay của Đảng, Nhà nước là cần đánh giá đúng thực chất đời sống mọi mặt của các tầng lớp nhân dân; không chỉ nhận định giai cấp, tầng lớp chung chung mà hãy đi sâu tìm hiểu tâm tư tình cảm từng đối tượng. Từ đó có Đảng, Nhà nước có chủ trương chính sách về các lợi ích, có chính sách về công tác dân vận, tổ chức thực hiện cho đến nơi đến chốn. Điều đó phù hợp với NQ Đại hội XIII của Đảng: “Cần quan tâm đến mọi người dân, đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.”

 Thứ hai: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, công tác vận động quần chúng nói riêng đều là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Từng cơ quan, tổ chức hãy có kế hoạch bao gồm việc làm gì, làm ở đâu, làm như thế nào, bao giờ làm? Quán triệt lời dạy của Bác Hồ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều ở dân”. Chúng ta còn mắc bệnh hô hào, chưa phân công, kiểm tra việc thực hiện chi tiết, cụ thể. Có lần chúng ta tổng kết công tác dân vận ngay tại trụ sở Chính phủ, nhưng sao chưa thông suốt, nhận thức để ở đâu mà thấy không ít cán bộ không nêu gương tốt, không thực thi công tác dân vận, và do đó cũng chưa chú trọng gì tới vấn đề hệ trọng là đại đoàn kết toàn dân tộc! Hôm nay, hội thảo chúng ta nhiều lần nhắc tới 2 từ rất thiêng liêng: Dân tộc. Tôi hiểu rằng, vì lợi ích của toàn Dân tộc, Nhân dân ta nghiêm khắc đánh giá đạo đức cán bộ, cho dù còn đương chức hay đã về vườn. Tiền nhân có câu: “Trăm năm bia đá còn mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Ai cũng biết tục ngữ này mãi mãi lưu truyền trong văn hóa Việt.

 Thứ ba: Hiện tại công tác dân vận của Đảng cần chú trọng hai đầu công việc: cấp Trung ương và tại bản làng, khu phố. Trung ương phải kiểm soát thường xuyên về chính sách có lợi cho dân. Bác Hồ dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh.” Tại địa phương, đề nghị các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, Chính quyền luôn đặt trọng tâm thực hiện chính sách kinh tế, chính sách xã hội nâng cao mức sống cho người dân; quan tâm tạo mọi điều kiện cho công tác vận động quần chúng; tập trung sự chỉ đạo hướng về cơ sở, tại cơ sở phải luôn chú trọng phát huy dân chủ cơ sở (bao gồm chăm lo đời sống vật chất và văn hóa, thông tin trên mạng internet, gìn giữ an ninh trật tự và giám sát thực hiện quy ước, hương ước để không làm trái pháp luật).

 Thứ tư: Cán bộ chuyên trách công tác dân vận là cán bộ tiêu biểu về đạo đức, phẩm chất, chuyên cần về chuyên môn nghiệp vụ, nên đề nghị Đảng chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách đãi ngộ xứng đáng. Tạo điều kiện cho Mặt trận, đoàn thể và các tổ chức thành viên Mặt trận kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thúc hoạt động; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cập nhật cách làm hay mô hình mới; triển khai thực hiện “Dân vận khéo” trong tất cả các ngành, các cấp, nhất là đi sâu vận động, khuyến khích, động viên các tầng lớp nhân dân lao động sáng tạo, biến khát vọng cống hiến xây dựng đất nước thành sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Thứ năm: Từ hội thảo quan trọng này, tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước cho tiến hành xây dựng “Chiến lược Đại đoàn kết toàn dân tộc”; nhằm mục tiêu xây dựng cố kết cộng đồng bền vững, gắn bó các giai tầng, các dân tộc, các tôn giáo, kiều bào…; nhằm mục tiêu phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc vì “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”. Chiến lược được xây dựng bởi sự tích họp đầy đủ những nhân tố mới, nhân tố tích cực để phát huy tài năng, trí tuệ con người Việt Nam, tạo ra động lực phát triển một xã hội hiện đại, văn minh vài chục năm tới, hiện thực hóa sinh động Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

 


[1] Hội thảo khu vực phía Nam đã được tổ chức ngày 20/02, tại TP. Hồ Chí Minh

[2] Nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận TW, hiện nay là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.