Cặp vợ chồng TNXP làm kinh tế giỏi

Đăng lúc: 09-10-2021 4:53 Chiều - Đã xem: 168 lượt xem In bài viết

Đến thôn Ninh xã miền núi Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội), nhiều người biết đến gia đình ông bà Hà Xuân Cường, Đỗ Thị Mơ, là những cựu TNXP. Sau khi nên duyên vợ chồng, hai ông bà Cường Mơ cũng gặp khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Thấy vùng đất Khánh Thượng có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế đồi rừng, gia đình ông bà Cường Mơ (ảnh dưới) đã quyết định đấu thầu với mong muốn vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.

Bà Mơ cho biết: giống cây trồng mà gia đình tôi lựa chọn là cây keo, đây là cây dễ trồng, chăm sóc và 5 đến 7 năm là cho thu hoạch. Theo bà Mơ, cây keo hiện chủ yếu được trồng từ hạt và giâm hom. Trong đó, phương pháp giâm hom được ưu tiên bởi cây trồng mọc nhanh, cành lá phát triển mạnh. Sau khi trồng từ 1 – 2 năm, rừng đã khép tán. Cây có khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt, có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện địa hình khác nhau… Sau khi trồng từ 5 – 6 năm, cây keo cho khai thác với giá bán ổn định từ 700 – 800 nghìn đồng/m3. Bên cạnh đó, việc phòng chống cháy rừng trong mùa khô luôn được gia đình bà Mơ chú trọng, thu hồi lớp thực bì vì nếu để lâu ngày sẽ dầy, mùa khô dễ cháy gây cháy rừng. Chủ động trong việc trồng, chăm sóc như vậy nên với diện tích rừng là 3ha, gia đình bà Mơ đã thu lãi mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Song song với việc trồng keo để đảm bảo mô hình kinh tế ổn định, lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông bà còn chăn nuôi lợn và bò. Vài năm qua, gia đình ông bà Cường Mơ luôn tập trung vào 20 đầu lợn nái. Ông bà xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo khép kín, hiện đại, xử lý tốt việc môi trường trong chăn nuôi. Ngoài việc bảo đảm nguồn thức ăn cho lợn đầy đủ dinh dưỡng, theo dõi quá trình sinh trưởng, kịp thời phát hiện các bệnh lợn thường gặp để xử lý, phải đặc biệt quan tâm phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vắc xin theo định kỳ, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, rắc vôi bột khu chuồng nuôi lợn, phun sát trùng ít nhất 1 lần/tuần. Với 20 lợn nái, hàng năm đàn lợn này cho khoảng 400 lợn thịt. Lợn thịt được khoảng một tạ là bán, mỗi năm ông bà cũng lãi khoảng gần tỷ đồng.

Cán bộ Hội các cấp đến tham quan mô hình kính tế của gia đình ông bà Cường Mơ

Hai năm gần đây, gia đình ông bà Cường Mơ lại tiếp tục đầu tư vào việc chăn nuôi bò 3B[i]. Khi bò được khoảng 4 tháng là ông bà mua về nuôi, vỗ béo đến dịp cuối năm là bán ra thị trường, lãi khoảng 50 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế của ông bà đã tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng Bằng sự nỗ lực không ngừng, gia đình ông bà Cường Mơ có thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng. Ông bà đã được các cấp hội khen thưởng trong phong trào thi đua làm kinh tế giỏi. Là hội viên của Hội Cựu TNXP xã Khánh Thượng, ông bà tích cực tham gia công tác hội, ủng hộ các loại quỹ do các cấp phát động, góp phần xây dựng Hội Cựu TNXP xã Khánh Thượng ngày càng vững mạnh.

Trần Phương

Đài Truyền Thanh huyện Ba Vì (Hà Nội)

 

 

 

 

 


[i] Giống bò 3B là giống bò thịt có nguồn gốc xuất phát từ Bỉ và lai tạo với nhiều giống bò địa phương. 3B là tên viết tắt của giống bò Blanc-Bleu Belg với đặc tính có cơ bắp phát triển siêu trội, chuyên nuôi để lấy thịt cao sản. Bò có ngoại hình đẹp, thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao.