Chị là Hoàng Thị Nhâm, cựu thanh niên xung phong vượt khó vươn lên

Đăng lúc: 17-09-2017 9:38 Sáng - Đã xem: 182 lượt xem In bài viết

   Chị là Hoàng Thị Nhâm, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng (DNTNXD) Hoàng Nhâm ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Với lòng quyết tâm và sự sáng tạo trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ bàn tay và trí óc, chị Nhâm trở thành nữ doanh nhân đầu tiên của tỉnh vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.

Chị Hoàng Thị Nhâm kiểm tra (giữa) các hạng mục công trình tại thực địa 

Chị Hoàng Thị Nhâm sinh ra và lớn lên trong gia đình đông con ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Quê hương chị là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, nơi lưu giữ nhiều dấu ấn của 2 cuộc kháng chiến mà các thế hệ bộ đội, TNXP đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, năm 1977, chị tình nguyện đi TNXP ở huyện Ê A Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đến năm 1979, chị được chuyển sang Quân đội thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Trung đoàn 26, làm thông tin liên lạc. Trong suốt thời gian trong quân ngũ, chị đã thấm nhuần phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gắng sức vươn lên từ đôi bàn tay và trí óc của mình.

Với nhận thức sâu sắc đó, năm 1982, chị Nhâm xin chuyển công tác về Sở Thương nghiệp tỉnh Lai Châu và được Công ty Thương nghiệp tỉnh Lai Châu giao công tác tại cửa hàng bán lẻ ở bản Pa Mô, xã Mường Mô, huyện Mường Tè. Khi tới cửa hàng chị nhận thấy mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn: Cửa hàng làm bằng gỗ, chỉ còn lại bộ khung, trên mái lợp bằng tranh nứa, lâu ngày đã mục nát nên phải che áo mưa để tránh dột… Trước khó khăn như vậy, chị Nhâm đã mạnh dạn đề xuất Giám đốc Công ty Thương nghiệp cho làm lại cửa hàng và chuyển địa điểm bán hàng ra cạnh đường giao thông để thuận tiện cho việc đi lại, mua bán của nhân dân.

 Được Công ty Thương nghiệp đồng ý, nhưng kinh phí hỗ trợ không đủ, chị Nhâm đã vay mượn tiền của người bạn bè và người quen để mua sắm trang thiết bị, bàn ghế, tủ bán hàng để chuyển cửa hàng ra gần đường giao thông. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm của chị mà sau hai năm cửa hàng trở thành một địa điểm mua bán khá sầm uất, với đầy đủ các hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân. Cửa hàng tạp hóa ngày càng phát triển, chị Nhâm mở thêm một cửa hàng ăn uống và chỗ nghỉ trọ cho khách đi lại vì lúc đó giao thông ở đây vô cùng khó khăn, nhất là trong những tháng mùa mưa, việc đi lại mất nhiều thời gian. Với việc mở thêm cửa hàng ăn uống và chỗ nghỉ trọ, chị Nhâm đã giúp được cho hàng trăm cán bộ và nhân dân huyện Mường Tè, thị xã Lai Châu trong những chuyến đi dài ngày vẫn có chỗ ăn, ở thuận tiện.

Năm 1996, trận lũ lịch sử đã cướp đi thành quả lao động của chị, tất cả những gì chị cố gắng gặt hái được bị lũ cuốn trôi hết. Nhưng với bản lĩnh của một TNXP, một người lính, với lòng dũng cảm và nghị lực vươn lên, sau gần một năm, chị Nhâm khôi phục lại được cửa hàng, khu ở trọ và công việc kinh doanh trở lại bình thường.

Sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất này, chị Nhâm đã hiểu được nỗi vất vả của nhân dân nơi đây. Chị chia sẻ: “Khi mang hàng hóa đến với đồng bào dân tộc, tôi càng thấu hiểu được nỗi khốn khó của nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Quanh năm cuộc sống của họ không có thông tin, văn hóa, thậm chí không có cả đèn dầu thắp sáng mà phải đốt củi để lấy ánh sáng vào buổi tối… Thiết nghĩ, mình phải đóng góp một phần sức lực của mình để nâng cao đời sống cho nhân dân”. Vào khoảng thời gian này, Chính phủ có quyết định đầu tư chương trình 500 bản nghèo cho các vùng đặc biệt khó khăn, chị Nhâm đã liên hệ với chính quyền các xã nhận lại công trình đường dân sinh của xã để làm. Để có đủ tư cách pháp nhân, năm 2004, chị Nhâm quyết định thành lập DNTNXD Hoàng Nhâm với chức năng chính là xây dựng những con đường vào bản. Và thế là những con đường 2km, 15km, 20km mang những cái tên như Sín Thầu, Chung Chải (thuộc huyện Mường Nhé, Điện Biên); Ka Lăng, Thu Lũm (thuộc huyện Mường Tè, Lai Châu) lần lượt ra đời…

Khi mới thành lập doanh nghiệp, gặp phải nhiều khó khăn về vốn, nhân lực và thiết bị máy móc nhưng với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm chị Nhâm đã lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, từng bước khẳng định chỗ đứng trên địa bàn. Với mục tiêu đặt chất lượng công trình là điều kiện tồn tại của doanh nghiệp, DNTNXD Hoàng Nhâm được các chủ đầu tư đánh giá cao, thương hiệu của doanh nghiệp càng được khẳng định. Điển hình, một số công trình chưa kịp giải ngân, song chị vẫn mạnh dạn vay vốn để công trình được thi công đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ…

Với quyết tâm và sự sáng tạo trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ trí óc và đôi bàn tay của chị cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và nỗ lực của công nhân lao động, doanh nghiệp đã sắp xếp, kiện toàn bộ máy hoạt động có hiệu quả, từng bước đổi mới công nghệ, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, doanh nghiệp có 13 kỹ sư, 15 cán bộ quản lý, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 400 lao động phổ thông tại các địa phương với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, các chế độ bảo hiểm đối với người lao động được thực hiện đầy đủ, tạo niềm tin cho người lao động phấn khởi làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

…và tặng quà cho các hộ nghèo ở huyện Mường Tè.

 Doanh nghiệp Hoàng Nhâm không chỉ sản xuất kinh doanh hiệu quả, hàng năm còn đóng góp hàng trăm triệu đồng cho ngân sách địa phương và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo với các phong trào: xóa nhà tranh tre; lập quỹ trẻ thơ, quỹ ủng hộ bão lũ; giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam, các gia đình chính sách, người có công, trẻ em mồ côi trên 200 triệu đồng; xây dựng 20 ngôi nhà tình thương cho các gia đình nghèo với tổng trị giá trên 300 triệu đồng…

Hiểu được nỗi khổ của người dân nơi vùng sâu, vùng xa, bằng tấm lòng nhân hậu chị đã tự nhủ phải chia sẻ và làm điều gì đó để bà con mình đỡ khổ, bớt khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, Doanh nghiệp của chị đã ủng hộ các chương trình nhân đạo, từ thiện trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2013, mặc dù DN đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế nhưng khi nhận được lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước chị Hoàng Thị Nhâm đã tự nguyện đăng ký cùng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm và trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của 8 tỉnh thành; Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đà Nẵng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam với số tiền doanh nghiệp tham gia là 350 triệu đồng.

“DNTNXD Hoàng Nhâm luôn là đơn vị đi đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Doanh nghiệp luôn thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước, tham gia hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và có nhiều hoạt động xã hội, nhân đạo ở địa phương”. Đó là lời khẳng định của ông Mai Văn Thạch – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè.

Với những cố gắng trong sản xuất, kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng, chị Hoàng Thị Nhâm đã được các cấp, các ngành tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn chị là Nữ Doanh nhân tiêu biểu – Cúp Bông Hồng Vàng 2009 và Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc – Cúp Thánh Gióng 2010. Nhân sự kiện 80 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam năm 2010, chị Nhâm còn vinh dự là một trong 10 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được trao tặng Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Chị còn được tuyên dương tại tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII năm 2010. Năm 2011, chị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt ngày 25/06/2014, chị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (Quyết định số 1434/QĐ – CTN).

                   Lò Thị Pơ
                           Hội Cựu TNXP tỉnh Lai Châu

Theo Những tấm gương anh hùng của Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam, Nhà Xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tháng 7/2015