Chiếc khăn thêu màu xanh

Đăng lúc: 04-07-2018 9:57 Chiều - Đã xem: 123 lượt xem In bài viết

Mặt trời chuẩn bị đi ngủ, hoàng hôn dần dần bao trùm xuống ôm lấy cánh rừng Thượng Lào. Cái khoảng khắc thật dễ chịu: Cảnh vật, con người như được khoác lên một tấm áo màu hồng tím có những đường kim tuyến đan chen lóng lánh.

Tiểu đội trưởng Đào Thị Tầm đứng lặng ngắm nhìn không gian trước lúc kết thúc một ngày làm việc vất vả. Chị nhớ lại những kỷ niệm cách đây không lâu, cũng giờ này năm ngoái (1971- chị nhập ngũ 25/7/1972) tại cái thung lũng nhỏ ở Thị trấn Ba Sao quê chị, đi làm về vừa dựng chiếc cuốc vào gốc bếp chị đã gọi mẹ.

– Mẹ! Mẹ ơi! Con đói quá!

– Cha mẹ cô! Đói thì đi ăn cơm – mẹ nấu xong rồi đó.

Tầm nũng nụi ôm lấy mẹ, gục đầu vào vai mẹ khúc khích cười, chị ăn vội vài bát cơm, rồi cũng lại vội vàng chạy ra ngõ cùng mấy cô bạn đi trực chiến….

– Đồng chí gì ơi! Sao còn đứng đó? Anh chị em đơn vị về gần hết rồi!

Câu hỏi của một người con trai làm cắt ngang suy nghĩ của chị – chị vội quay lại thấy anh đứng cách mình khoảng 2 m.

– Dạ! Vâng ạ! Em cũng đang chuẩn bị về mà!

Trong ráng chiều hoàng hôn, chị lúng túng nhìn anh. Chà! Anh ta cũng đẹp trai đó, khuôn mặt dễ thương, có cái miệng cười rất tươi, hàm răng trắng đều, đặc biệt là có đôi mắt to và đen…

…Gần 3 km đường từ tuyến về doanh trại, họ đã đi qua 1 cây cầu gỗ, lội qua 2 con suối, nói chuyện đơn vị, hỏi chuyện gia đình, chuyện quê hương, anh biết Tầm ở Ba Sao và Tầm cũng biết anh là Hà Văn Vơ quê ở xã Lê Hồ, họ ở cùng huyện cách nhau không xa, khoảng 5-7 km.

Cuộc sống thực tại, màu áo TNXP hiển nhiên như 1 sợi dây vô hình gắn kết họ lại.

Những cơn gió se lạnh đầu đông nhẹ mơn man làm đôi gò má Tầm ửng hồng, trái tim chị rạo rực. Chị cúi xuống ngắt bông hoa mua bên đường và tay chạm vào một cây sim tím, Tầm liên tưởng đến một nhà văn nào đó đã viết: “Sim với mua là một cặp vợ chồng ở đâu, chỗ nào nó cũng sống bên nhau….”, chị đặt nhẹ làn môi mình vào bông hoa mua rồi áp nó vào ngực mình. Vơ nhìn Tầm anh cũng cảm nhận được tình yêu lơ mơ của mình qua những cử chỉ đáng yêu của cô bạn gái mới quen. Và chín cái tình yêu, lơ mơ, vô hình đó anh không biết sau này nó lại là sự khởi đầu của hạnh phúc cả đời của anh thợ công trình cầu đường…

Tháng 10 năm 1973 Vơ không còn ở cùng đơn vị với Tầm nữa, anh chuyển đi làm cầu. Tầm do có năng lực và uy tín nên được chuyển về làm quản lý cho đại đội. Họ cùng bao đồng đội của mình hứng chịu mưa bom, bão đạn giữ vững mạch máu giao thông góp phần hoàn thành nhiệm vụ quốc tế của Đảng và Nhà Nước. 30 ngày đêm phục vụ lương thực, thực phẩm cho chiến dịch làm cầu Na Hoa và cầu Nậm Lùa trên đường 217 Tầm thương anh chị em đơn vị lắm, chị xoay sở đi vào bản đổi thêm muối, rau xanh, thịt lợn cải thiện bữa ăn cho anh em trong đơn vị. Ánh mắt chị hơi buồn khi nhìn thấy Vơ đen và gầy vì cái nắng, cái gió khắc nghiệt của đất Lào và suốt ngày anh phải lội xuống suối để xây những mố cầu …. Một đêm, hai đêm rồi ba đêm đã khuya lắm sau giờ cân đối sổ sách dưới ánh đèn phòng không chị cặm cụi ngồi đó thêu tặng anh một chiếc khăn quàng xanh nilon. Ngượng ngùng, lần đầu tiên chị đứng dưới chân cầu đợi một người con trai và vụng về dúi vào tay anh chiếc khăn. Vơ vui vẻ ra mặt, anh quàng ngay chiếc khăn vào cổ rồi ngồi vào mâm cơm chiều.

– Anh Vơ ơi! Ai tặng cho anh chiếc khăn đẹp thế.

– Đồng khói tôi đó.

– Ở đây chúng em đều là đồng khói mà!

– Tớ có một đồng khói đặc biệt- và chỉ có một mà thôi.

Tiếng cười con gái râm ran làm Tầm hơi lúng túng, chị cố giấu đi niềm hành phúc đang trào dâng trong lòng mình.

– Thôi! Các bố, các mẹ ăn nhanh đi để em còn phải về kẻo tối cọp nó tha em đi mất.

– Ối giời ôi! Cọp tha đi để anh… sẽ… đi theo cọp à!

Tiếng cô gái nghịch ngợm vừa dứt, một loạt tiếng cười lại vang lên.

Thời ấy TNXP chúng tôi không được yêu nhau đâu phải thực hiện 3 không: Không được yêu, không được dẫn người lạ vào doanh trại, không tự ý vào bản Lào, biếu, đổi.

Thế rồi ngày 14 tháng 7 năm 1973 một trận bom Mĩ trút xuống đánh phá cây cầu Nậm Nùa, Vơ bị thương. Anh được chuyển về đội điều trị của Tổng đội 572. Tầm buồn lắm. Chị cố gắng làm hết phần việc của mình rồi vội xách chiếc túi vượt gần 10 km đường rừng đến thăm anh. Gần đến lán thương binh chỗ Vơ nằm điều trị Tầm nhìn thấy anh đang nói chuyện rất vui vẻ với cô Tuyết cùng đơn vị người ở Phủ Lý, Tầm quay ra ngay. Thấy vậy Vơ hớt hơ, hớt hải, gọi:

– Đồng hương ơi! Đồng hương ơi!

Tầm quay lại, hai giọt nước mắt tự nhiên lăn trên gò má chị…. chị mang cho anh một gói đường nhỏ, 1 hộp sữa ít rau tầu bay, rau kim kim (loại rau có hoa màu trắng xung quanh có nhiều nhánh mọc lên nhọn như những chiếc kim có tác dụng ôn hòa đường huyết, thường mọc ở ven đường, ở Việt Nam mình cũng có). Hồi ấy chúng tôi sinh hoạt khó khăn, đường mỗi tháng 0,3 lạng, sữa là tiêu chuẩn của cán bộ đại đội ốm.

– Thủ trưởng cho em một hộp sữa em mang cho anh, anh cố gắng điều trị lành vết thương sớm về với đơn vị nghe anh.

.Tháng 9 năm 1975 hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Vơ đượctrở về quê hương. Do tính chất nhiệm vụ “Hậu cần đi trước về sau” nên tháng 12 năm 1975 Tầm mới được về quê. Lần gặp đầu tiên gặp nhau tại quê hương, Vơ đã chủ động nói ra suy nghĩ của mình:

– Anh đã để ý Tầm lâu rồi song chưa có điều kiện, giờ anh muốn hai trái tim mình cùng một nhịp đập, em nghĩ thế nào?

– Anh nói thật hay đùa đấy? Chúng mình đã yêu nhau bao giờ đâu? Tầm trả lời.

– Lấy nhau trước rồi yêu sau cũng được mà.

Họ khúc khích cùng cười. Tình yêu đôi lứa TNXP là thế đó! Thế hệ chúng tôi có nhiều, rất nhiều người thầm yêu, trộm nhớ, không nói lên lời để đến khi mất mát chia ly chúng tôi cứ giữ mãi, thủy chung mãi với những mối tinhhf vô vọng đó – song nó lại là chỗ dựa tinh thần để chúng tôi bước tiếp trên con đường đời để sống có ích cho xã hội.

Tháng 2 năm 1976 Vơ và Tầm nên vợ nên chồng, họ sống rất hạnh phúc – cái hạnh phúc mà nhiều người phải ghen tị, bởi cả hai đều là những người lính xung phong, người chiến sĩ Trường Sơn. Họ hiểu nhau, thương nhau, chắp cánh cho nhau. Anh lăn lội với bộn bề công việc: lúc làm ruộng, khi làm máy xay máy xát, lúc đi theo công trình xây dựng….. Anh trở thành bờ vai, chỗ dựa vững chắc cho chị.

Ngoài hoàn thành thiên chức làm vợ, làm mẹ, chị còn là cán bộ hội phụ nữ xuất sắc của thôn xóm, ủy viên ban liên lạc TNXP của xã từ năm 1998. Chị là Chủ tịch Hội Cựu TNXP, Ủy viên BCH Hội truyền thống Trường Sơn đường HCM xã Lê Hồ huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Anh chị có 2 con trai, 1 con gái. Các con đều chăm ngoan hiếu thảo. Hiện nay con gái đầu và con trai thứ ba đang lao động xuất khẩu tại Đài Loan. Anh chị đã có 5 cháu nội, 2 cháu ngoại.

Anh chị là 2 cựu TNXP tiêu biểu về làm kinh tế thoát đói nghèo, là 2 cựu TNXP, 2 chiến sĩ Trường Sơn luôn hết lòng hoạt động “ Vì nghĩa tình đồng đội” của đại phương, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen, phần thưởng của các cấp hội, của chính quyền địa phương, được Đảng, chính quyền tin yêu, đồng đội quý mến….. Nhiều năm nay gia đình đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu ở khu dân cư,

Nhìn khung ảnh trên tường, 2 vợ chồng Tầm và Vơ quây quần bên các con, các cháu, tôi hỏi:

– Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam đang quyết tâm thành lập Đội TNXP xung kích góp phần bảo vệ lãnh hải Việt Nam, Chúc Anh Đài có cho Lương Sơn Bá[i] xông pha nữa không?

– Có chứ chị! Anh ấy không đi thì ở nhà giữ hậu phương – em sẽ đi – Tầm thể hiện quyết tâm ngay.

– Chà! Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất trọn đời với Tổ Quốc, với chồng con đó.

Chúng tôi cùng cười, tiếng cười mãn nguyện của những người lính vang lên quyện vào lũy tre làng rồi lan tỏa ra biển lúa vàng quê tôi trong ráng chiều đỏ ối./.

 

Tháng 6/2014

 Tạ Thị Hoán

 

 

 

 

 


[i] Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là một truyền thuyết Trung Quốc về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của một đôi trai gá