Chim xanh

Đăng lúc: 19-12-2017 2:02 Chiều - Đã xem: 109 lượt xem In bài viết

 

          Đang lúc nhớ nhà, chiều 29 tháng chạp Đinh Mùi (1967), dương lịch đã đã bước qua đầu tháng 2 năm 1968, Xanh nghe lá thép cửa 55 trong tổng đài 100 số trước mặt rung xèn xẹt. Xanh cầm máy, đầu dây bên kia nghe rõ giọng nói người trực máy quen thuộc:

          – Sếu đỏ gọi Chim Xanh, nghe rõ trả lời?

          – Chim Xanh nghe!

          Ở đầu dây bên kia là trạm trực máy của Tổng đội TNXP N55 – P18 đang báo cáo tổng hợp tình hình đảm bảo giao thông diễn ra trong ngày giao thừa cuối năm. Xanh mở sổ ghi chép, vẻ mặt nghiêm túc, phảng phất buồn. Tận khi máy bên kia: “Báo cáo. Hết” Xanh mới vội vàng cười nói: “Anh cũng trực tết à?”. Dũng đại đội trưởng C551 đang ngồi cùng tôi bên cạnh, chớp lấy cơ hội: “Đáng lẽ anh được nghỉ tết nhưng nghe tin Xanh và Nụ ở lại trực nên anh và anh Thanh xung phong ở lại trực đấy”. Nghe câu chém gió ấy, mặt Xanh tươi hẳn lên, buông một tiếng cười xanh rờn làm rung màng nghe điện thoại. Đoạn, một tràng tiếng con gái giọng Bắc du dương như hát chèo: “Chim Xanh biết rồi Sếu đỏ ạ. Đừng có tếu, hàng ngàn cô TNXP trẻ đẹp, níu chân hai anh ở lại chứ vì gì hai chúng em”.

          Dũng nói nhỏ vào máy: “Từ đấy… qua đây… có xa xôi gì đâu. Chắc ngày mai Nụ trực, mời Xanh sang đây ăn tết với bọn anh đi?”. Dũng đang tán tỉnh thì nghe máy bên kia có tiếng đổ xòe xòe rồi Xanh hạ giọng “cầm máy!”. Một lát sau… “Chim Xanh cũng muốn gặp Sếu Đỏ nhưng quen tiếng chứ nào đã tường mặt, quen hơi!”. Dũng cười vang: “Thế thì em mang cái máy lẻ trước ngực mà đến, anh mang máy lẻ trước ngực mà đợi. Đến trước mặt nhau thì gọi “Chim Xanh gọi Sếu Đỏ nghe rõ trả lời” để nhận ra nhau. Cả hai cùng cười hưng hức. Kết thúc cuộc hẹn hò thời chiến là 2 giờ chiều mồng 1 tết Mậu Thân sẽ gặp nhau tại trạm trực máy của Dũng.

          Để phục vụ chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc, Ty Bưu điện Hà Tĩnh cho đặt tổng đài 100 số (thường gọi là 100 cửa) tại xã Trường Lộc, huyện Can Lộc và tổng đài 50 số ở xã Mỹ Lộc, còn các máy lẻ được nối xuống mỗi đơn vị trực tiếp bảo vệ hoặc đảm bảo giao thông từ cống 19 đến Khe Giao. Cả tỉnh lúc bấy giờ chỉ có 15 máy 15W vô tuyến, còn tất tần tật là hữu tuyến. Để phục vụ thông tin liên lạc tại Đồng Lộc, Bưu điện Tỉnh đã phải mở 230 Km đường cột, 315 Km đường dây đi cả tỉnh, 11 tổng đài, 57 máy điện thoại lẻ.

          Vì là đường dây hữu tuyến nên bom đạn địch thường xuyên cắt đứt đường dây. Vậy nên, để tổng đài kết nối thông tin với các máy lẻ phải có một mạng lưới hàng trăm người thường xuyên đi kiểm tra dây, nối dây trên toàn tuyến. Đã có 20 cán bộ chiến sĩ Bưu điện Hà Tĩnh anh dũng hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc này. Để đảm bảo bí mật thông tin lúc bấy giờ mật hiệu “Chim Xanh” là của Tổng đài 100 số ở Trường Lộc, còn Tổng đài 50 số ở Mỹ Lộc của Tổng đội TNXP 55 là “Sếu Đỏ”. Các đại đội máy lẻ thì báo qua “Sếu Đỏ” rồi “Sếu Đỏ” tổng hợp báo cáo qua “Chim Xanh”.

          Sau khi nhận được tín hiệu hẹn hò của “Chim Xanh”, Dũng và Thanh như mở cờ trong bụng. Hai chàng kiểm tra lại thực phẩm tết dành cho trạm trực chỉ có ít thịt lợn bánh chưng. Dũng lắc đầu nói với Thanh: “Con gái Bắc họ cầu kỳ lắm, chặt to kho mặn tiếp bạn gái Bắc họ cười cho”. Nói đoạn, Dũng giao nhiệm vụ cho Thanh phụ trách trang trí, lễ tân còn Dũng lo hậu cần. Sáng mồng một tết tôi mò đi khắp xóm, lên tận các ngọn đồi cũng chỉ tìm được mấy bông hoa chịu được rét còn lại, bó vào một lọ hoa là cái ca – tút đạn pháo 57 ly. Cậy mình chữ đẹp nên cũng vẽ vời được hai cấu đối, dựa vào hai câu thơ của thi sĩ nào của Tự Lực Văn Đoàn mà tôi không nhớ tên. Đại loại chỉ dùng xong cuộc gặp là gỡ luôn. Vế đối bên trái là: “Xuân đến, xuân đi, ai biết được”. Vế bên phải là: “Lòng thương, lòng nhớ, biết nhớ ai?”. Chủ đích gửi gắm tâm tình với vị khách đặc biệt thôi.

          Về phía hậu cần, Dũng gạ bà chủ nhà mua được ả mái tơ đang độ đẻ chửa mà bà chủ nhà không dám hi sinh nó vì con cháu, bà tiếc ả lắm rèo rèo, mắn đẻ. Dũng lại điều động hai cô TNXP phụ bếp nhanh nhẹn, có duyên.

          Cuộc hẹn hò tay ba diễn ra thật “trọng thể”. Thực ra là cuộc hẹn của Dũng và Xanh, còn tôi chỉ là dân điếu đóm cho bạn bè. Vì thế, người hồi hộp nhất là Dũng. Khoảng 2 giờ kém mấy phút, từ ngoài cổng trạm trực một cô cao ráo, trùm mặt, dắt xe đạp đi vào. Tôi chịu trách nhiệm lễ tân nên ra đón trước. Tôi nhìn nhanh gương mặt Xanh. Sau khi gỡ bỏ khăn che, qua cặp kính đen bản to thấy một gương mặt phúc hậu, hai bên má có nhiều nốt tàn nhang rỗ vưng. Tôi dắt xe đạp hộ Xanh đi vào gặp Dũng, Dũng vừa bắt tay Xanh, tôi vội giới thiệu: Anh xin giới thiệu, Sếp anh kia là anh Thanh (chỉ vào Dũng), còn anh là Dũng, em biết rồi. Xanh nguýt tôi một cái thật dài: “Nỡm ạ! Anh là Thanh, nghe giọng nói là em biết, còn anh, tuy chưa nói gì nhưng em biết ngay là anh Dũng”. Cả ba cười hòa. Bà chủ nhà và hai cô TNXP lấp ló sau phên cửa. Tôi cố tránh để hai người tự do chuyện trò đành giả vờ vào “kiểm tra mâm cơm khách mồng một tết”. Tươm tất lắm, có cả thịt gà, thịt hộp, dưa hành, bánh chưng, câu đối đỏ và có cả rượu đỏ, rượu trắng.

          Cuộc hẹn hò, tiếp đãi tuy đơn giản nhưng đậm đà tình đồng chí, tình bạn thời chiến diễn ra suốt hai tiếng đồng hồ. Khoảng 4 giờ chiều, Chim Xanh bái biệt. Cuộc chia tay với Xanh của tôi, bà chủ nhà và hai cô hậu cần diễn ra chóng vánh, còn cuộc “giã bạn” giữa Dũng và Xanh bằng đoạn đường song song hai xe đạp sau một tiếng đồng hồ Dũng mới quay trở lại.

          Mật độ chiến tranh càng lúc càng ác liệt. Mười tháng đầu năm 1968 là 10 tháng đầy gương dũng cảm hi sinh của đồng đội chúng tôi, việc báo cáo qua điện thoại không ngớt. Những cuộc điện thoại hỏi thăm, chia buồn nhau thường xuyên theo diễn biến chiến trường. Chúng tôi không gặp mặt nhau nữa. Cuối tháng 10 năm 1968, Tổng thống Mỹ Ních Xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Từ đó, bước sang giai đoạn khôi phục chiến tranh, chúng tôi lao vào hàn gắn hậu quả chiến tranh không gặp lại cô Nụ và Xanh nữa. Có điều giữa Dũng và tôi, ước ao gặp lại nhau, câu đầu tiên là: “Sếu Đỏ gọi Chim Xanh, nghe rõ trả lời?” để được nghe hồi âm “Cầm máy!”.

Hồi ký của Yến Thanh