Chủ động tiến công, đẩy lùi tham nhũng

Đăng lúc: 30-06-2022 1:20 Chiều - Đã xem: 119 lượt xem In bài viết

Lựa chọn, bố trí cán bộ xứng đáng vào các vị trí quan trọng trong cơ quan phòng chống tham nhũng; kiên quyết loại bỏ những thành phần cơ hội về chính trị, lợi ích, phe nhóm

Ngày 30-6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là hội nghị về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 81.000 đại biểu từ trung ương đến điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố.

Mang lại niềm tin cho nhân dân

. Phóng viên: Là 1 trong 16 thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) thời kỳ mới thành lập, nhìn lại công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực 10 năm qua, ông đánh giá thế nào về vai trò của Ban Chỉ đạo?

Ông VŨ TRỌNG KIM, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

– Ông VŨ TRỌNG KIMỦy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5-2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Ngày 1-2-2013, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo gồm 16 thành viên, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, 5 Phó Trưởng ban và 10 ủy viên nhằm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Sự ra đời của Ban Chỉ đạo là đòi hỏi từ thực tế. Bối cảnh thời điểm đó, có không ít vụ việc bất thường, có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nhưng không được xử lý, chậm xử lý hoặc bỏ qua. Trong khi đó, qua tổng kết thực tiễn, chúng ta thấy rằng một Ban Chỉ đạo thuộc Chính phủ đã không còn phù hợp, giống như câu chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Thời điểm thành lập, cũng có những ý kiến tranh luận khác nhau nhưng phòng chống tham nhũng phải có vai trò của người đứng đầu, phải có quyết tâm chính trị để tạo chuyển biến tình hình khi đó. Ban Chỉ đạo ra đời thể hiện tầm nhìn của trung ương, thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng.

Trong 10 năm qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Về các con số, kết quả cụ thể thì báo cáo của Ban Chỉ đạo trước thêm hội nghị cũng đã nêu rất rõ, trong đó nổi bật là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh thêm đến chặng đường 10 năm qua Ban Chỉ đạo, đã từng bước đưa phòng chống tham nhũng trở thành một cuộc chiến được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm và đặt Ban Chỉ đạo vào đúng vị trí để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, kiểm tra.

. Ban Chỉ đạo đã đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc chiến chống tham nhũng, thưa ông?

– Thời điểm thành lập Ban Chỉ đạo, nhiều ý kiến cũng lo lắng công tác phòng chống tham nhũng không thể chuyển biến tốt ngay được, mà thực tế cũng đã có những trầy trật. Tôi đã từng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội về tình trạng chống lưng, bao che, đặt ra vấn đề “chống tiêu cực hay là chống lưng” khi còn hiện tượng bên này đẩy qua bên kia, bên kia đẩy qua bên nọ, chần chừ, chậm xử lý.

Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị, với vai trò của người đứng đầu, những vụ việc tưởng chừng như không làm nổi, những vụ việc liên quan đến cán bộ có chức vụ quyền hạn cao, có sự dung túng, che đậy, thậm chí bảo kê, Ban Chỉ đạo đều đã vào cuộc, xử lý nghiêm minh, mang lại niềm tin rất lớn cho nhân dân.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tại phiên tòa phúc thẩm vụ mua chế phẩm Redoxy-3C

Kiểm soát quyền lực lẫn nhau

. Với vai trò của Ban Chỉ đạo, công tác phòng chống tham nhũng không chỉ mở rộng phạm vi, đối tượng mà đã chuyển sang thế chủ động tiến công, nhất là những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm?

– Các thành viên Ban Chỉ đạo đều được phân công, phân nhiệm rõ ràng từng lĩnh vực để đi sâu tìm hiểu, phản ánh trong từng kỳ họp. Ban Chỉ đạo đã chọn ra những vấn đề “nóng” để đưa ra giải quyết, ấn định thời gian hoàn thành; đưa vào tầm ngắm, diện theo dõi những vụ việc nổi cộm để đôn đốc, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước đây, chúng ta phải chờ kết quả điều tra trọn vẹn một vụ việc mới đưa ra các hình thức xử lý, kỷ luật, nhưng với Ban Chỉ đạo, phương châm là rõ đến đâu làm đến đấy. Có thể tách vụ án ra thành nhiều giai đoạn để xét xử thì nó sẽ tạo ra thuận lợi nhanh chóng hơn trong quá trình xử lý các vụ việc. Vi phạm kỷ luật Đảng thì xử lý về mặt Đảng, vi phạm hành chính xử lý hành chính, vi phạm hình sự xử lý hình sự. Ban Chỉ đạo xác định phương châm là “không chờ đợi”, chủ động tiến công, khi thấy dấu hiệu vi phạm là kiểm tra, xử lý ngay. Đây là mô hình phù hợp với thực tiễn, mang lại nhiều kết quả tích cực trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, còn có kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

. Vai trò “tổng chỉ huy” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện như thế nào trong công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn vừa qua, thưa ông?

– Nhiều người nói rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chỗ dựa để chúng ta tiến hành công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Không những vậy, Tổng Bí thư là người đi đầu, rất quyết liệt, có tâm, có tầm để nhìn thấy các mối nguy hiểm cần phải hướng vào đó để đấu tranh từng bước, theo phương pháp, phương châm phù hợp. Chúng ta cắt một cành sâu để cứu cả cây, cây nào chẳng đau, nhưng điều quan trọng là cả rừng cây đó phải nhìn thấy điều đó. Xử lý cán bộ cũng vậy, để các cán bộ khác nhìn vào đó mà giữ mình, làm đúng chức năng, nhiệm vụ, giữ đạo đức, liêm chính cho mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện tầm nhìn xa, vừa có phương pháp để đấu tranh từng vụ việc, từng lĩnh vực có tham nhũng, tiêu cực. Với chỉ đạo của Tổng Bí thư, mọi người đều phải vào cuộc để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo thành một thế trận vững chắc trong công tác này.

. Theo ông, cần chú trọng những yếu tố nào để công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh thời gian tới?

– Bên cạnh việc duy trì quyết tâm chính trị như giai đoạn vừa qua, chúng ta cần bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động, trong đó có Quy định số 32-QĐ/TW bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Cùng với đó, triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh. Với Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cần chú trọng đến việc bố trí cán bộ, trong đó có vị trí chủ chốt là Trưởng Ban Chỉ đạo. Ngoài ra, cần công khai, minh bạch nhiều hơn nữa để báo chí, người dân biết các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nếu công khai sẽ được người dân ủng hộ, được người dân giám sát và cổ vũ cho cuộc chiến phòng chống tham nhũng còn nhiều khó khăn này. Một điểm cần hết sức lưu ý là lựa chọn, bố trí cán bộ xứng đáng vào các vị trí quan trọng trong cơ quan phòng chống tham nhũng. Kiên quyết loại bỏ những thành phần cơ hội về chính trị, cơ hội về lợi ích, cơ hội về phe nhóm.

30-06-2022

MINH CHIẾN thực hiện

Theo nld.com.vn