Chị Ngô Thị Bảy hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Chị là điển hình phát triển kinh tế gia đình của Hội Cựu TNXP Bắc Ninh với việc phát triển nghề làm hương truyền thống của quê hương.
Vừa qua, cùng đi thăm chiến trường xưa, tôi được nghe chị kể:
“Từ bé đến lúc làm đơn xin đi TNXP tôi chưa từng xa nhà đến 5 cây số. Con gái nông thôn quê tôi là thế. Hết đi học là lại lăn vào việc đồng áng cỏ rả giúp cha mẹ. Rồi có anh nào để ý đến thì gật về nhà người ta, túi bụi chuyện chồng con ruộng vườn. Có đi xa là đến chợ huyện là cùng. Bán được mớ cua, mớ tép mua vội vài thứ lặt vặt là ù té về ngay, chả kịp nhìn ngó gì. Khát vọng đi xa cứ cháy bỏng trong tôi. Năm 1972 chị Sáu tôi cũng có máu đi xa đã làm đơn giấu gia đình xin đi TNXP. Chị chỉ cho mình tôi biết. Đợt ấy chờ lâu quá, có người đến hỏi chị đi lấy chồng liền. Chị đi lấy chồng thì đến lượt tôi được đội đơn đi TNXP. Ai đến hỏi tôi cũng lắc, em còn bé lắm anh ơi. Có gan đi xa thì phải có gan sài lắc chuyện chống lầy ở quê. Em chỉ thích chống lầy ở Trường Sơn thôi. Và nguyện vọng của tôi đã thành. Tôi trở thành đội viên Đội TNXP N297 tỉnh Hà Bắc, được huấn luyện quân sự, hành quân dã ngoại chả khác gì các anh bộ đội thời ấy. Niềm vui tuổi trẻ cứ phơi phới trong lòng.
Sau thời gian huấn luyện cơ bản, đơn vị chúng tôi hành quân vào Đông Trường Sơn, và được biên chế vào Tiểu đoàn 193 thuộc Sư đoàn 473, Đoàn 559 thành. Nhiệm vụ là phá đá mở đường mòn rộng thành đường cơ giới đi hàng đôi. Tôi là nữ, tuổi trẻ nhất đơn vị nhưng việc gì tôi cũng dám làm, kể cả việc nhồi bộc phá, tra kíp, đốt dây cháy chậm phá đá. Các phong trào thi đua sáng kiến nâng cao năng suất lao động, làm thêm giờ tôi luôn hăng hái. Thời đó gọi là làm quên yêu. Tiểu đoàn có nửa nam, nửa nữ sống trong rừng sâu suốt ngày va nhau tránh sao khỏi có lúc đong đưa ánh mắt. Lại còn các anh bộ đội hành quân qua nữa chứ. Những câu tán, những lời hò hẹn bâng quơ nhưng cứ găm vào tâm khảm những cô gái mới lớn, đang khát khao tình yêu. Một lần tôi cùng tiểu đội đang lao động thì đào được một quả bom câm. Tôi là tiểu đội trưởng liền lệnh cho chị em ẩn nấp, còn mình đi gọi anh bộ đội công binh tăng cường cho trung đội đến tháo ngòi nổ. Tháo xong lại ra mặt đường làm tiếp. Vừa ổn định đội hình thì máy bay địch ào đến ném bom. Tiểu đội có 5 người bị thương, trong đó có tôi và một cán bộ trung đội, đó là Ngô Tuấn Khuê, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Liên, Ngô Thị Bảy, Nguyễn Thị Hoà, Nguyễn Thị Oanh. Đợt ấy tôi phải đi bệnh xá trung đoàn và gặp anh bộ đội quê Đình Bảng đồng hương. Anh điều trị sốt rét. Từ thân tình đồng hương, ghi sổ kỉ niệm, rồi cũng có lời hò hẹn lửng lơ chờ ngày chiến thắng gặp lại. Không ra lời hẹn ước tình yêu. Nhưng lòng tôi vẫn xao xuyến không biết ngày gặp lại sẽ ra sao đây. Trở về đơn vị tôi lại làm tích cực hơn. Làm quên yêu mà. Làm mệt mà vẫn vui tươi ca hát. Tôi là hạt nhân văn nghệ của đơn vị, từng đi hội diễn văn nghệ và biểu diễn ở nhiều nơi. Cuối năm 1973 tôi được đơn vị cử đi dự hội nghị thi đua 4 tốt ở Gio Linh. Năm 1974 tôi được đơn vị cử đi thi nữ công. Đầu năm 1975 tôi vinh dự được đơn vị cử đi tham dự hội nghị chiến sĩ tiêu biểu cấp trung đoàn trong chiến dịch thần tốc xốc tới giải phóng miền Nam.
Năm 1976 tôi được giải ngũ về quê, được bầu là phó bí thư Đoàn xã, là đại biểu hội đồng nhân dân huyện khoá 8 và khoá 9. Nhưng sau đó lấy chồng sinh con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải nghỉ công tác. Chồng là bộ đội lái xe nghỉ ở quê. Hai vợ chồng vừa làm ruộng, vừa bươn chải chợ búa. Rồi bàn nhau phát triển nghề làm hương thơm truyền thống. Trước đây mỗi nhà chỉ làm được 20 kg bột hương/vụ vì nghề làm hương rất vất vả, phải qua nhiều công đoạn trộn bột, xe bột vào que, chà, cắt. Và cái khó là thị trường tiêu thụ nữa. Chỉ bán các chợ quanh vùng thì khó là phải thôi. Muốn làm được nhiều thì trước hết phải giải quyết được nỗi vất vả của khâu trộn bột vốn làm thủ công bằng chân. Năm 2004 vợ chồng tôi sắm máy trộn. Năng suất của gia đình tăng dần lên đến 2 tấn bột hương/vụ. Đi kèm là các loại máy xe, chà, cắt phải sắm thêm để đảm bảo công việc. Số tiền đầu tư mua sắm máy móc lên đến hơn 100 triệu đồng. Gia đình tôi còn làm dịch vụ trộn cho nhiều hộ trong làng, nâng mức sản xuất bình quân mỗi hộ tới 60 kg bột hương/vụ. Nghề hương thơm làng Choá thực sự đang đà phát triển. Hương thơm làng Choá bây giờ có bán ở nhiều nơi khắp dải mấy tỉnh phía Bắc. Tôi được khách hàng gọi thân mật là cô chủ hàng hương làng Choá.
Ngoài vụ hương gia đình tôi còn làm thêm vụ tăm. Từ tháng hai âm lịch cấy xong hơn mẫu lúa là bắt đầu làm tăm và làm cốt hương. Cốt hương chẻ xong đem ngâm, đến vụ làm hương mới vớt lên phơi nỏ để làm. Còn tăm cũng bắt đầu làm cùng lúc. Lúc căng việc gia đình tôi mướn thêm 4 – 5 công mỗi ngày. Ngoài ra tôi còn cấp vốn tới trăm triệu đồng giúp cho 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn trong thôn làm nghề hàng năm, tạo điều kiện cho số này tăng thêm thu nhập. Thu nhập hàng năm của gia đình tôi đạt 500-600 trăm triệu đồng, đúng là li nông không phải li hương. Tất cả đều do ý chí vượt khó, xung kích dám làm cả. Đó là tinh thần TNXP Trường Sơn năm xưa tôi đã tôi luyện nên.
Từ khi thành lập tổ chức Hội Cựu TNXP, năm 2006, tôi được địa phương tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành hội cấp huyện kiêm Chủ tịch hội cấp xã. Là đoàn thể mới, mặc dù về chế độ dành cho cán bộ hội chưa có nhưng tôi vẫn gắng làm tốt, coi đây là ngôi nhà chung của cựu TNXP, nhanh chóng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quy tụ hội viên, bảo đảm chế độ chính sách và công tác tình nghĩa. Cá nhân tôi đã ủng hộ Hội 8 triệu đồng để hoạt động. Những phần thưởng tổ chức hội cấp trên và Uỷ ban nhân dân huyện Yên Phong khen tặng những năm qua là sự ghi nhận những cố gắng của tôi trong công tác xây dựng hội góp phần củng cố đoàn thể ở địa phương. Năm 2009 tôi vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu Hội Cựu TNXP Việt Nam lần thứ II tại thủ đô Hà Nội. Năm 2016 tôi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Phong.
Phẩm chất TNXP đã rèn giũa tôi được trưởng thành như ngày hôm nay đấy!.”
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ – An Bình – Thuận Thành – Bắc Ninh