Chuyện của “tiểu đội cảm tử” trên cua chữ A Đường 20 Quyết Thắng

Đăng lúc: 31-05-2020 9:10 Sáng - Đã xem: 115 lượt xem In bài viết

Chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa 45 năm (30/4/1975 – 30/4/2020) nhưng những kỷ niệm về một thời hoa lửa, một thời bọm đạn với đồng đội thì vẫn nguyên sơ trong tôi mỗi khi nhìn lên tấm bản đồ “Đường 20 quyết thắng: 3000 ngày đêm mồ hôi – máu và nước mắt”.

Vinh quang thay “Thế hệ Hồ Chí Minh” đã cho tôi đồng đội tôi được chắp cánh bay cao, bay xa trên đất trời của Tổ quốc, và được góp một hạt cát nhỏ vào công cuộc giành, giữ bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền đất nước; được cống hiến tuổi trẻ cho con đường Trường Sơn huyền thoại của những năm 60 thế kỷ XX.

Hành trang vào đời của chúng tôi là cuốc, xẻng, choòng búa (một loại dụng cụ làm đường), một bao tượng gạo trên vai với chiếc ba lô vuông, 2 bộ quần áo TNXP màu cỏ úa, phụ cấp 5đ/tháng với 0,3 lạng đường 1 hộp nhíp đánh răng và 1 bánh xà phòng.

Nghị quyết TW lần thứ XI (Tháng 3/1965) và lần thứ XII (Tháng 12/1965) đã xác định rõ chống Mỹ cữu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của dân tộc ta; miền Bắc là hậu phương lớn: sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn “Thóc không thiếu 1 cân”, “ Quân không thiếu một người”, “Vì miền Nam ruột thịt     thi đua phấn đấu mỗi người làm việc bằng hai”.

Mùa khô 1966 – 1967 bị thua đau ở chiến trường miền Nam, quân Mỹ tăng cường đánh phá tuyến chi viện của hậu phương lớn. Trong tác phẩm “Trường Sơn miền ký ức” nhà xuất bản Quân đội, tập 1 trang 197 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên[i] đã viết: “ Toàn cảnh cua chữ A là một vùng tử địa, một bãi hố bom khổng lồ, những quả đồi bị bóc hết trơ ra từng mảng đất ba zan đỏ như tiết” … đại tá Hoàng Trá (Binh trạm trưởng BT 14) viết: “ Địch đã chọn trọng điểm ATP là nơi có địa hình đặc biệt hiểm yếu để ngăn chặn ta, cường độ đánh phá ác liệt, mật độ dầy đặc, khép kín cả thời gian và không gian như chúng nói “Con chuột không chạy thoát” .

Vâng!

Tất cả sự tàn khốc của bọm đạn giặc Mỹ không khuất phục chúng tôi những cán bộ, đội viên TNXP C5 đội 25 một tập thể những con người thép trong đó có tiểu đội cảm tử cua chữ A. Chúng tôi mang theo tình yêu quê hương, đất nước vào trận chiến; chủ nghĩa anh hùng cách mạng có trong tâm khảm chúng tôi là “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

***

Thời thế làm nên lịch sử, anh hùng của lịch sử “Tiểu đội cảm tử” lúc đầu gồm 12 đồng chí: Nguyễn Xuân Hạ, tiểu đội trưởng; Nguyễn Thị Vân Liệu tiểu đội phó; Phạm Quốc Chiến, phân đoàn trưởng và Phạm Văn Đắc, Đỗ Thị Ngoan , Trần Thị Thức, Chu Văn Hoàn, Phạm Văn Kỳ (huyện Kim Bảng) Nguyễn Văn Báu, Nguyễn Văn Vóc (là bộ đội người Kỳ Anh, Hà Tĩnh) Trần Thị Sửu, Nguyễn Thị Tấn (huyện Lý Nhân) .

Sau buổi lễ phát động thi đua lập thành tích cao nhất chào mừng 37 năm ngày thành lập Đoàn 26/3, sáng ngày 25/3/67 những khẩu hiệu viết to, đậm trên vỏ hòm bộc phá “Thề quyết tử cho cua chữ A quyết thắng- Thông đường là chiến thắng” được cắm khắp trên đường từ km 76 – 82. Ngày 27/3 không khí trong thung lũng chúng tôi ở hừng hực khí thế thi đua, chỗ này sửa lại cuốc xẻng, đan lại ky trượt chở đá, chỗ kia mài con dao chặt cây … Tiếng đàn ghi ta của chị Liệu hòa vào giọng hát trong trẻo có phần rất trẻ con của Sửu, Thức, Ngoan, Tấn các bài “Cô gái mở đường” “Đường Trường Sơn xe anh qua”. Tiếng hát bay cao, lan xa, đập vào vách núi làm cho chúng tôi nhớ quê quá, nhớ về những đêm hội làng, nhớ những làn điệu dân ca Hà Nam, nhớ mùi thơm của trầu cau nơi mẹ…

…. Trời nắng quá! (Anh Hạ thốt lên), những giọt mồ hôi lăn trên đôi má sạm vì nắng, gió Lào “kiểu này đêm chắc lại mưa to đây! (Anh lẩm bẩm nói). Anh đi đi, lại lại, rồi ngồi xuống cái ghế tre tự tạo ngửa mặt lên, những đốm nắng chiều in trên mái lều bạt như những chấm hoa vàng to nhỏ đủ cỡ, đùa giỡn, anh chẳng hề để ý; sốt ruột anh lại đi ra ngoài lán. Bỗng 1 tốp F4 gầm rít trên đầu rồi bom lại nổ dữ dội phía A mẹ.

– Chiến qua chỗ trinh sát đại đội lấy số liệu địch đánh để còn chủ động phân công nhiệm vụ tối nay (anh sốt ruột giục Chiến).

30’ sau Chiến thông tin lại: địch đánh 15 trận, 3 trận B 52 (9 chiếc/lần) trúng đường 1 quả, đất sụt gần 200m3 từ A mẹ qua A con; trúng ngầm Ta Lê 3 quả,  gần 45m3 đá phải bồi hoàn, đất ta luy sụt xuống gần 1.000m3

16h30’ chúng tôi ăn vội bữa cơm tối, nét mặt ai cũng lo lắng. Anh Hạ phân công:

– Đồng chí Chiến, đồng chí Lũy, đồng chí Hoàn nổ bộc phá phục vụ máy ủi của anh Vũ Tiến Đề[ii] giải quyết 200m3 đất lấp từ A mẹ qua A con. 20h phải     thông xe.

– Đồng chí Đắc, đồng chí Thức, đồng chí Ngoan và tôi lên xe anh Phố, anh Thục phối hợp với các đồng chí trong Trung đội 1 ở Km 82 bốc mỗi xe 4 chuyến đá đổ xuống ngầm.

– Liệu cùng các đồng chí còn lại xúc đất tụt xuống đoạn Km 81….

Tại Km 81 trên đồi cao lửa vẫn cháy.

– Ta xúc đi các bạn

Những chiếc xẻng vục phầm phậm vào đất, rồi vùng lên đổ xuống thung, gió cuốn bụi mù mịt, mặt người nào người ấy nhem nhuốc, bụi lẫn mồ hôi quyện vào nhau nhớp nháp đến khó chịu.

– Ác hơn khói bom, chị Liệu ạ (Sửu kêu lên)

– Ta làm nhẹ tay cho bụi đỡ bay

Vừa nói chị vừa tiến lên một quãng nữa, một quả bom dài như thùng phi nằm chềnh hềnh cách ta luy khoảng 2m, chị hơi lo, song vẫn tiến từng bước, từng bước chậm chạp đến sát quả bom trố mắt nhìn “nó còn 2 cánhý nghĩ thoáng qua rất nhanh trong đầu chị “bom nổ chậm” phải phá bom nổ chậm giải phóng mặt đường xe mới qua được...”

Chị quay lại bảo mọi người tiếp tục làm, rồi chạy xuống Km 82 vừa chạy vừa gọi đứt quãng…

– Anh Hạ ơi!… Có bom nổ chậm nằm ở vệ đường… Anh báo cáo xin ý kiến đại đội ngay đi… Mình phải… phải phá nó anh ạ!

Anh Hạ tròn xoe mắt

– Phá bằng cách nào?

– Em học mìn rồi chỉ cần 1 kg thuốc nổ là quả bom đi tong, anh báo cáo anh Trị (trung đội trưởng) và ban chỉ huy đại đội cho em phá bom đi, cái gì nam giới làm được thì nữ chúng em cũng làm được.

– Thế có đứt đường không?

– Em sẽ áp dụng nguyên lý lực đẩy, nhất định phá được bom, không làm hỏng đường đâu… Ban chỉ huy quyết định để chị Liệu phá bom, anh Hạ và Chiến hỗ trợ cho chị.

Tay trái chị Liệu ôm lấy quả bom, tay phải cầm 1 mảnh gỗ mỏng thay cái xẻng nhỏ nhẹ nhàng vét đất dước gầm quả bom. Vét đất xong chị lấy vỏ bìa thuốc mìn cuốn hình phễu cho thuốc nổ vào rồi buộc chặt, đặt vào gầm quả bom (chị nghĩ mìn nổ bom cũng nổ hắt lên núi). Chiến cầm mồi lửa đưa cho chị đốt, anh em vào hầm trú ẩn.

… 1 phút, 2 trôi qua vẫn yên ắng!

– Có lẽ dây cháy chậm xịt rồi (chị Liệu băn khoăn)

 Bỗng trên trời bùng lên 1 vùng đỏ rộng, sáng, ánh chớp xanh lè kèm theo tiếng nổ đanh gọn: Ầm! Chúng tôi cùng reo lên: A nổ rồi! bom nổ rồi; mọi người chạy ùa đến chỗ quả bom nằm lúc nẫy.

Bom nổ không phá mặt đường! Chúng tôi chỉ dọn qua mấy hòn đá là xong; chúng tôi vây quanh lấy chị, bé Tấn và bé Sửu ôm lấy chị Liệu[iii], thơm vào má chị, những cử chỉ ngọt ngào biết bao….

21h kém 20 anh Hạ bắn tín hiệu thông đường.

Tín hiệu báo thông xe không được 15 phút thì đoàn xe của Tiểu đoàn 781, vào tới ngầm. Để xe vượt nhanh và không rơi xuống sông chị em đã nắm chặt tay nhau chăng thành hàng cọc tiêu cho xe qua.

– “Ối anh ơi! ướt hết em rồi!”

– Tiếng kêu tinh nghịch của bé Tấn (cô bé nhỏ tuổi nhất tiểu đội).

– Để mai kia nước nhà độc lập anh về, anh mua hẳn 1 tá xà phòng thơm Thống Nhất giặt đền em nhé.

– Tạm biệt các anh hẹn ngày gặp lại!

Sửu và Ngoan đã nắm trong tay 1 nắm bùn từ lúc nào không biết; hai chiếc xe vừa qua ngầm đã đứng lên bậc ca bin bắt tay hai anh xế rồi cười khúc khích…

Thế là tạm ổn, cả tiểu đội tập trung về quãng đường vòng gần km 80 ăn cơm, những nắm cơm cắt bằng sợi gai mỏng mềm, chấm với muối vừng thơm tho, lúc bụng đói thật là ngon. Chúng tôi ăn ngấu nghiến, vừa ăn, vừa nói chuyện    rôm rả.

Ăn xong mọi người uống nước… Chị Liệu với cây đàn ghi ta đặt ở ngách taluy cạnh đường vừa bấm phím đàn vừa hát: “Từ núi Đọi sông châu/ của Hà nam xanh rờn sắc lúa/ Tôi hát lên bài ca/ của lòng tôi gửi tới Biên hòa/ nơi tôi có bao người thân thiết/ Đang đứng lên giải phóng quê nhà… (Bài hát Gửi Biên hòa[iv])… Mọi người chắc nhớ dòng sông Châu, sông Đáy quê mình lắm đây….

22h30’ B52 lại đánh ngầm Ta lê. Một đoàn xe hơn 100 chiếc đang hành quân bị máy bay địch phát hiện, chúng lồng lộn ném bom phá, bom sát thương, bom bi… Đoàn xe bị chặt, cắt thành nhiều đoạn; hàng chục xe trúng bom bốc cháy, hàng tung tóe. Lái xe và anh chị em bị thương, hi sinh… Cả tiểu đội xông pha trong lửa đạn cùng các đồng chí Trung đội 1 hướng dẫn cho từng xe lách lên vượt qua trọng điểm. Nữ đồng chí Lũy ở Kim Bảng – người đã làm cọc tiêu sống cách đây hơn tiếng đồng hồ), đồng chí Chu Văn An – Kim Bảng, đồng chí Phạm Văn Phong- Lý Nhân và 2 chiếc sĩ lái xe đã hy sinh, 9 đồng chí phải đưa đi bệnh viện tiền phương cấp cứu, 12 đồng chí bị thương nhẹ, sơ cấp cứu tại chỗ…

Khoảng 3h sáng, xe ra về bãi tập kết máy bay Mỹ phát hiện tiếp tục đánh vào cua chữ A, một xe chạy tới Km 77 bị bom cháy dừng lại. Chúng tôi xông ra, tháo bạt, xúc đất dập lửa tắt ngay… chúng bắn vài loạt đạn 20 ly rồi chuồn về Hạm     đội 7. Lại một lần nữa máy bay Mỹ phải thua chúng tôi.

Khoảng 4h sáng ngày 27/3 Chiến cùng một số các đồng chí trong đại đội: Phạm Văn Đắc, Lê Thị Phương Thảo (nay là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam), Nguyễn Minh Phương… được kết nạp Đảng ngay trên trận địa.

***

Đường 20 quyết thắng”, “Con đường tuổi 20” đã dẫn mỗi chúng tôi vào đời, mỗi người đều đã có sứ mệnh với nó, vun đắp nó một năm, hai năm, ba năm bốn năm… chứ không phải 1 ngày (27/3/1967).

Bài thơ: “Nhật ký công binh” của đồng chí Phạm Bá Chức nguyên là nhà giáo TNXP, nhà thơ quân đội Phạm Lê đã viết: “Nhật ký không ghi/ Những trận cứu đường bom vùi lại dâỵ/ Những đêm cứu xe quanh mình lửa cháy/ Giấc ngủ hầm bao đợt bom rung/ Những bữa thay cơm bằng củ dại, rau rừng/ Hạt muối nhường đ/c ốm/ Điếu thuốc chung nhau hơi ấm/ Nhật ký không ghi/ Nhật ký chỉ ghi/Tháng 30 đêm thông đường xe đi/ Tiểu đội 10 người – 10 dũng sĩ” đã khắc họa sự hy sinh, dũng cảm của Tiểu đội cảm tử của Đại đội 5 tại cua chữ A trên con đường 20 Quyết thắng[v]. 78 cán bộ  đội viên TNXP C5- Đội 25 đã hy sinh anh dũng tại cua chữ A

Nhân kỉ niệm 70 năm ngày Truyền thống Lực lượng TNXP Việt Nam (15/7/1950-15/7/2020) chúng tôi những người còn sống trở về với đời thường xin kính dâng lên đồng đội và các anh hùng liệt sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho con đường 20 Quyết Thắng nói chung và trọng điểm ATP[vi] nói riêng những nén tâm nhang và ngàn đóa hoa tươi, cầu cho các anh, các chị ở cõi vĩnh hằng thảnh thơi yên nghỉ; chúng tôi xin hứa với các anh, các chị sẽ sống hết mình, sống tốt hơn để “ Phẩm chất TNXP Việt Nam” tỏa sáng và trường tồn./.

                                                                                  Tạ Thị Hoán

Hà Nam


[i] Đồng Sĩ Nguyên (1 tháng 3 năm 1923 – 4 tháng 4 năm 2019), còn được viết là Đồng Sỹ Nguyên, tên thật Nguyễn Hữu Vũ, là một cựu tướng lĩnh và chính trị gia của Việt Nam. Ông là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn trong thời gian lâu nhất (1967–1975) và là một trong hai vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Ông cũng từng giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đặc phái viên Chính phủ, Đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Cố vấn Đặc biệt của Thủ tướng chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Đường Trường Sơn. Trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ông từng là Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VI, Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị khoá V, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IV.

[ii] Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Tiến Đề – người đầu tiên đưa máy ủi lên đỉnh Trường Sơn cùng hàng vạn TNXP bộ xẻ núi mở đường, giữ con đường huyết mạch Trường sơn với câu nói nổi tiếng ” Thân tôi dù nát đường này phải thông”.

[iii] Tại hội nghị mừng công Đoàn 559 năm 1967 chị được về dự và báo công, kinh nghiệm phá bom nổ chậm của chị được phổ biến toàn tuyến Trường Sơn, chị được Bác Hồ trao tặng huy hiệu của Người, được Nhà nước thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Chị đã anh dũng hy sinh năm 1968  sau khi đã cùng đồng đội phá hết 790 quả bom nổ chậm, san lấp 98.000m3 đất đá và đạt được tỷ lệ thông đường cao nhất: 180 ngày/200 ngày.,Năm 2001 chị được phong truy tặng liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

[iv] Những năm chống Mỹ cứu nước Hà Nam chúng tôi kết nghĩa với Biên Hòa

[v] Nhà nước phong tặng danh hiêuhj Anh hùng LLVTND cho Đội 25 được năm 1972; C5 năm 2010

[vi] Trọng điểm A.T.P (cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhích). Cua Chữ A trên Đường 20 là một trong những điểm hứng nhiều bom đạn Mỹ nhất. Đó là một đoạn đường chạy luồn giữa hai quả ’’núi mẹ” và ’’núi con’’ tạo thành 04 đoạn gấp khúc rất ’’ngặt’’ nối tiếp nhau với chiều dài 2.000m (từ km7 đến km9). Lúc yên tĩnh, xe đi qua đấy đã thấy sợ, thế mà các chiến sỹ lái xe phải đi qua đây dưới màn mưa bom đạn của giặc Mỹ. Tính từ ngày 15 tháng 7 năm 1966 đến ngày 21 tháng 02 năm 1973, hầu như chưa có chuyến xe nào qua đây mà không bị bom tọa độ. Trong khoảng thời gian này, Binh trạm 14 đã làm một bản thống kê rất cụ thể: Có 3.020 lần chiếc máy bay (trong đó có 270 lần chiếc B52) đã đến ném bom xuống cua Chữ A với tổng số bom đạn là 20.600 quả bom phá, 790 quả bom nổ, 3.400 loạt bom bi, 160 loạt rốc két, 216 quả bom cháy (ngày cao nhất: 150 lần/chiếc).

Ngầm Ta Lê và đèo Pu-La-Nhích.Trọng điểm này kéo dài 8 km, bị máy bay địch đánh phá gần 10.000 lần, có 2.450 lần chiếc B52, khối lượng bom đạn nhiều gấp 05 gần so với cua chữ A. Riêng bom phá cỡ lớn đã có đến 10 vạn quả. ở đây còn có cả bom từ trường, bom vướng nổ, bom 7 tấn điều khiển bằng tia la de và hàng nghìn cây nhiệt đới. Đoàn 333 công binh chốt giữ ở đây, bình quân mỗi cán bộ, chiến sĩ phải hứng chịu trên 1.900 quả bom các loại. Trong điều kiện ác liệt như vậy, họ đã đào đắp, san lấp mặt đường với khối lượng rất lớn là 148.286m3 đất đá, đảm bảo tỷ lệ thông đường 486/580 ngày trong một đợt bị địch đánh phá khốc liệt nhất.