Ở xóm Chùa, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, ai cũng biết cụ Nguyễn Hữu Chất (ảnh dưới), là một trong số ít các cụ cao niên nhất nhì trong làng. Cụ sinh năm 1933, trong một gia đình nông dân thuộc lớp trung lưu, sớm giác ngộ, giúp đỡ cách mạng từ trước năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, quê hương cụ nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm. Theo tiếng gọi của Đảng và Tổ quốc, lớp lớp nam nữ thanh niên ở tuổi 18, 20 của tỉnh Vĩnh Phúc nô nức tham gia lực lượng TNXP; cả 2 vợ chồng Nguyễn Hữu Chất và Nguyễn Thị Nha đều ghi tên đầu quân. Chị là đội viên Liên phân đội TNXP 312, đơn vị được Bác Hồ đến thăm tặng TNXP bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Anh thuộc đơn vị có TNXP 251 làm nhiệm vụ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau những năm tháng phục vụ ở Việt Bắc, chị xin ra quân về quê nuôi dưỡng mẹ già, khôi phục và phát triển kinh tế gia đình để chồng yên tâm công tác. Anh cùng đồng đội lăn lộn bám đường, bám cầu, rà phá, thảo gỡ bom nổ chậm, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia mở đường chiến lược Mộc Châu – Pa Hang[1]; Mường Lay – Ma Lù Thàng [2].
Anh trở thành một cán bộ kỹ thuật ngành cầu đường từ khóa 8 trường trung cấp giao thông Việt Nam. Từ năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm trước công việc, anh được giao trưởng ban giám sát công trình cầu bê tông cốt thép dự ứng lựcc đầu tiên của Việt Nam tại Phù Lỗ trên Quốc lộ 2, tiếp đến phụ trách giám sát, hoặc thi công cầu Pò Té, cầu Rào, cầu Đoan Vỹ, cầu Liễn Sơn và nhiều cầu lớn khác ở miền Bắc.
Qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chiến thắng Pháp, Mỹ và Trung Quốc ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, bằng khen của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều giấy khen. Năm 1978 ông nghỉ hưu. Ông đã được mời tham dự buổi gặp mặt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu TNXP nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) ngày 23/4/2024 tại Hà Nội (ảnh dưới).
Hai ông bà sinh hạ được 9 người con gồm 4 trai, 5 gái, đến nay (2025), nhiều người đã lên ông, nên bà, có người đã nên cụ và hầu hết đều có cuộc sống hạnh phúc và ấm no.
Đến nay ông đã ở tuổi 93, con đông, cháu chắt nhiều, lên đến 132 người. Đại gia đình đoàn kết trên dưới, không có một ai vướng vào hiện tượng tiêu cực, hầu hết là học hành thành đạt, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xã hội đầy đủ, là các gia đình văn hóa mẫu mực. Trong nhà có 02 Trung tá, 01 Thiếu tá, 02 bác sĩ, 02 kỹ sư, 02 luật sư, 01 nhà giáo, 01 nhà báo, 01 giám đốc, 17 cử nhân…Nhà nào đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thuận hòa trên dưới.
Năm cụ tổ chức mừng thọ tuổi 80, 2/3 số lượng con, cháu, chắt về sum vầy. Trong ngày này, một cụ vừa là bạn thân, là anh em, là đồng chí, đồng đội của cụ đã mừng cụ 2 câu “Hiến trọn tuổi xuân vì nghĩa nước tình nhà/ Tuổi cao gương sáng soi chung đàn con cháu” hiện đang được trưng bày trong nhà.
25 năm qua hàng năm vào ngày 28 tết âm lịch ngày giỗ cụ bà, tất cả các con cháu, chắt, chút, ít của cụ đều tề tựu đầy đủ, quầy quần tưởng nhớ và sinh hoạt với hàng chục mâm cỗ.
Xóm làng gần xa ai ai cũng khâm phục gia đình cụ, một gia đình hạnh phúc hiếm có, là điển hình văn hóa toàn diện.
Đỗ Bính
Trưởng ban liên lạc đơn vị truyền thống TNXP 251 chống Pháp
[1] Cửa khẩu Pahang hay cửa khẩu Pa Hang là cửa khẩu đường bộ ở huyện Samtay tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), CHDCND Lào;là điểm cuối của Quốc lộ 6B (Lào); thông thương với cửa khẩu Lóng Sập trên Quốc lộ 43 tại vùng đất bản Pa Lá, xã Lóng Sập, thị xã Mộc Châu tỉnh Sơn La, Việt Nam.
[2] Ma Lù Thàng là một cửa khẩu quốc tế tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Cửa khẩu Ma Lù Thàng thông thương với cửa khẩu quốc tế Kim Thủy Hà ở xã Na Phà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; là điểm cuối Quốc lộ 12, cách thành phố Lai Châu 50km.