Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những ngày ở Trường Sơn thì còn mãi trong tôi. Thời kỳ 1971 đơn vị TNXP chúng tôi đảm nhận cung đường từ Km 68 đến Km 72 đường 10. Km 72 là điểm cuối của Đường 10, gặp Đường 16A đi Đường 9. Là cửa ngõ vào ra nên máy bay Mỹ tập trung đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Để cải thiện bữa ăn, đơn vị đã thành lập tiểu đội tăng gia 6 người.
Đầu tháng 4 năm 1972 tiểu đội chúng tôi khoác ba lô băng rừng lội suối vào Cù Bai. Đường vào Cù Bai phải qua những con suối, rừng cây rậm rạp nhưng tiểu đội đến đúng thời gian. Chúng tôi phân công nhau vào rừng lấy gỗ, tre, lá cọ để làm lán ở. Được sự hỗ trợ của các anh bên bộ phận tăng gia của E98, chỉ trong hai ngày căn nhà lá nửa chìm, nửa nổi, xung quanh và trên trần được ken đầy các bó nứa để chống bom bi đã được làm xong. Hôm sau chúng tôi bắt tay vào phát rẫy, cuốc đất trồng sắn, trồng rau muống, rau cải. Thời gian ngắn rau đã tốt, chúng tôi phân công nhau đưa rau xanh về cho đơn vị.
Ảnh internet
Tháng 5, tháng 6 mưa nhiều, lợn rừng thường kéo hàng đàn xuống phá rau. Một hôm vào lúc 2 giờ chiều, Tống Văn Cẩn – một thành viên trong tiểu đội – từ ngoài rẫy chạy về báo tin: Có nhiều lợn rừng xuống phá rau và nương sắn. Chúng tôi lập tức ra rẫy và leo lên mấy cây xoài to chờ đợi. Chừng chưa đầy nửa giờ, một đàn lợn rừng vài chục con chúng kéo nhau từ vạt đồi bên lao xuống bãi rau. Tiểu đội trưởng Hán nhắc nhở anh em cẩn thận không để đàn lợn phát hiện. Ngay sau đó Tống Văn Cẩn và Hoàng Hữu Châu đã nổ hai phát súng bắn chết con lợn đầu đàn nặng hơn một tạ. Chiều hôm đó chúng tôi và mấy anh bên đội tăng gia của E98 làm thịt con lợn đưa về đơn vị. Chúng tôi ở đây được các anh bên tổ tăng gia của E98 giúp đỡ tận tình. Bên ấy có anh Thưởng quê Cao Bằng là một tay súng săn điêu luyện, hôm nào cầm súng vào rừng là hôm ấy có thịt nai hoặc sóc để cải thiện. Còn anh Phong quê Hà Tây (nay là Hà Nội) thì kể chuyện rất hay, anh Năm quê Hà Nội thì quản lý một kho nhạc cụ đàn , sáo, nhị….Anh rất vui tính thường mỗi khi gặp là gọi Thoan ở tiểu đội chúng tôi là con rể.
Đến tháng 9/1972 do yêu cầu của đơn vị, chúng tôi rời Cù Bai và lại hành quân ra Km33 Đường 10. Đây là một thung lũng bằng phẳng, gần cơ quan của Bộ tư lệnh Đoàn 559. Tại đây cũng có một số đơn vị hậu cần tổ chức tăng gia, chăn nuôi phục vụ đời sống cho bộ đội. Chúng tôi tranh thủ xây dựng lán trại và làm hầm tránh máy bay cẩn thận hơn ở khu vực Cù Bai, vì gần Đường 10, lại là nơi đóng quân của một số đơn vị quân đội, kho tàng nên máy nay trinh sát OV-10 thường xuyên dòm ngó. Sau một thời gian ngắn, việc ăn ở đã ổn định, chúng tôi bắt tay ngay vào sản xuất, trồng rau cải, xu hào…để cung cấp rau xanh cho đơn vị vào dịp tết sắp tới.
Có một kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên. Đó là vào ngày 28/9/1972, hôm đó trong đơn vị có một số đồng chí đi công tác rẽ vào chỗ chúng tôi. Nhân thể tôi và anh Nguyễn Xuân Hán đến một đơn vị hậu cần gần đó để lấy ít rau xanh và sắn về đãi đồng đội. Trước khi đi anh Hán còn dặn anh em ở nhà chuẩn bị nấu cơm, ra suối gần đó câu cá, nhưng chú ý nếu có máy bay phải xuống hầm trú ẩn ngay không được chủ quan.
Ảnh internet
Sau khi lấy rau và đào sắn xong chúng tôi trở về được gần đến nhà thì bỗng nghe tiếng ầm ì và sau đó đất đá cây cối đổ rào rào, mặt đất rung chuyển. Tôi nói: Anh Hán ơi chúng ta dính phải B52 rồi. Hai anh em lao ngay xuống con suối và nép vào một gốc cây, cạnh bờ suối, do nước chảy bào mòn giống như cái hàm ếch. Sau đó chỉ còn thấy mặt đất rung chuyển khói bom xộc vào mũi đến ngạt thở, chừng 10 phút thấy yên chúng tôi mới chui ra khỏi gốc cây. Nhưng thân cây đã bị bom cắt đứt và cắm ngay trước mặt, chúng tôi phải hì hui moi đất mãi mới thoát ra được. Bên ngoài cả vạt rừng cây cối bị bom đổ ngổn ngang, đất đá nham nhở. Khi về thì căn nhà mới xây dựng xong đã bay đi đâu mất, chạy ra bờ suối thấy mấy anh em đang dùng xẻng cuốc đào bới căn hầm bị sập, cứu hai đồng đội đang bị kẹt dưới hầm. Rất may khi cứu lên thì chỉ bị thương nhẹ, nhưng tai bị ù. Còn mấy anh em không kịp xuống hầm thì lăn ngay xuống suối cạn thì cũng chỉ bị thương vào phần mềm, chúng tôi sơ cứu rồi đưa lên bệnh xá của tổng đội ở Km 45 để điều trị.
Năm 2013 tôi đã trở lại Km 33 Đường 10, bây giờ là di tích lịch sử Tăng Ký, thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng bình. Đứng ở vị trí 41 năm trước máy bay B52 rải thảm, bây giờ cây cối đã xanh tốt, không còn dấu tích con đường đi vào khu vực đóng quân của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, bên trên có giàn ngụy trang mà chỉ nhìn thấy đỉnh ngọn đồi cao ngược lên Km45. Thấm thoát thời gian trôi đi đã gần nửa thế kỷ. Thế mà cứ mỗi lần gặp nhau mấy anh em ngồi ôn lại cứ tưởng như chuyện mới hôm qua./.
Bùi Văn Hoằng
Hà Bình-Hà Trung-Thanh Hóa